Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng 

Chàng trai quê xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình – nơi có con sông Gianh hiền hoà bao quanh có chất giọng ấm, đặc sệt người con miền Trung dạn dày nắng gió. Cuộc trò chuyện, Hoàng luôn tỏ ra khiêm tốn. Hoàng đã có những phút trải lòng về tuổi thơ khốn khó khi cha mẹ từng phải nấp trong chum đựng gạo trốn chủ nợ, ý định muốn từ giã sự nghiệp bơi lội bởi nhiều áp lực cho đến ý chí vươn lên trở thành “chàng trai vàng trên đường đua xanh” khi xuất sắc giành 5 Huy chương vàng, 2 lần phá kỷ lục tại SEA Games 31…

Tuổi thơ nghèo khó, cha mẹ phải trốn nợ và con đường thành “chàng trai vàng” bơi lội - Ảnh 2.

Xin chào Nguyễn Huy Hoàng! Là một trong 4 vận động viên vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì, cảm xúc của Hoàng cho đến bây giờ thế nào?

- Tôi cảm thấy rất vui khi mình là một trong 4 vận động viên được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Cuối năm nay và sang năm có những giải đấu quan trọng tôi sẽ cố gắng 200% sức lực của mình để thi đấu tốt hơn.

Tôi rất vui, đặc biệt khi mình đã giành được huy chương vàng ở nội dung 4x200m tự do. Cự ly đó tôi không nghĩ mình có thể giành huy chương vàng bởi đối thủ của tôi rất mạnh. Thế nhưng, anh em trong đội chung tinh thần luôn luôn phải cố gắng hết mình. Đặc biệt thi đấu tại sân nhà nên 4 anh em cố gắng bảo ban động viên nhau thi đấu thật xuất sắc nhất, thành tích đạt đẳng cấp, đạt kết quả cao nhất vượt qua bản thân mình.

Nhớ lại những khoảnh khắc SEA Games đã qua Hoàng ấn tượng nhất điều gì? Vì sao?

- Suốt quãng đường là vận động viên và thi đấu tôi chỉ có bơi, bơi và bơi. Tôi ấn tượng nhất khoảnh khắc bơi cự ly 200m bướm. Khi về tới đích nhìn lên bảng điện tử thấy mình giành huy chương vàng, được mọi người hò reo cổ vũ, tinh thần tôi rất phấn khích, thoải mái. Thi đấu xong muốn ăn mừng cùng mọi người. Đó cũng là nội dung không phải thế mạnh của tôi. Cự ly sở trường của tôi là 400m; 800m và 1.500m tự do.

Nhắc đến xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình nhiều người nghĩ ngay đến làng quê bên bờ sông Gianh. Đây có phải là nơi “gieo duyên”để Hoàng trở thành một vận động viên bơi lội quốc gia? Hoàng nhớ những ký ức gì ở đó?

- Sông Gianh mang nhiều ý nghĩa. Là nơi khởi đầu sự nghiệp bơi lội của tôi. Là nơi cho gia đình tôi có thêm thu nhập. Bố mẹ tôi làm nghề nuôi cá lồng trên sông, tôi thường vớt rong cho cá ăn. Thu nhập từ bán cá đã giúp bố mẹ tôi trang trải cuộc sống, nuôi 6 anh, chị em tôi nên người.

Mỗi khi nhắc tới con sông này, bao ký ức lại ùa về trong tôi. Hồi nhỏ tôi thường cùng lũ bạn tập bơi ở đây. Đều đặn khoảng 17 giờ chiều mỗi ngày tôi cùng đám bạn ùa ra tắm mát, đùa nghịch. Đây là nơi khởi đầu và là nơi chôn ký ức tuổi thơ của mình. Bà con thường gọi tôi là “rái cá” vì thân hình tôi khi ấy đen trũi, lại thích ngâm mình dưới nước.

Hồi tôi chưa đi bơi, kinh tế gia đình khó khăn lắm, chị gái tôi ốm đau phải chạy chữa, trong khi bố mẹ tôi chỉ quanh quẩn làm ăn bên sông nước, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu.

Có vài năm lũ về, lồng bè cá bị cuốn đi hết. Có năm lồng bị hư hỏng cá xổng ra hết, coi như công sức bao ngày tháng dầm mưa dãi nắng đổ sông đổ biển. Lúc đó bố mẹ tôi nản chí nhưng quyết không bỏ cuộc, tiếp tục mua cá giống nuôi lại. Bố mẹ tôi bảo khó khăn, vấp ngã ở đâu phải tự đứng dậy bởi phía sau cả đàn con thơ.


Tuổi thơ nghèo khó, cha mẹ phải trốn nợ và con đường thành “chàng trai vàng” bơi lội - Ảnh 3.

Ai là người ảnh hưởng nhất trên con đường bơi lội của Hoàng? Có câu nói nào của cha mẹ mà Hoàng xúc động, lấy đó là kim chỉ nam xuyên suốt trong hành trình chinh phục tại các giải đấu không?

- Thầy cô đã giúp tôi một phần. Còn trong gia đình, ba mẹ là người luôn động viên, không bao giờ trách móc con cái. Tôi luôn nhớ câu nói của ba “Con cố cố lên, cố gắng hết mình, có gia đình, có ba ở đây”. Gia đình luôn là số 1 trong trái tim tôi.

Điều gì đã thôi thúc để Hoàng nỗ lực phấn đấu, trở thành một “kình ngư” nổi tiếng như hiện nay?

- Hồi xưa ba mẹ tôi nghèo quá. Gia đình gặp nhiều chuyện không nay. Con cái đông, chị gái tôi lại bị ốm, công việc không thuận lợi, ba tôi bận làm mỏ đá nên không dành được nhiều thời gian để chăm sóc cá lồng, mưa lũ có khi lại mất trắng nên gia đình tôi lâm cảnh nợ nần nhiều.

Có lần chủ nợ đến đòi, ba mẹ phải trốn và dặn con cái: “Nếu người ta tới thì nói ba mẹ không ở nhà nhé”. Hồi xưa gia đình có cái chum đựng gạo mẹ tôi phải trốn trong đó. Nhìn hình ảnh đó tôi tủi thân và thương ba mẹ lắm. Tôi hứa với bản thân sẽ luôn nỗ lực để cha mẹ sau không phải chịu khổ cực vì con cái. Sau này khi theo đuổi con đường vận động viên tôi luôn cố gắng bơi thật giỏi. Cố gắng mới có nguồn thu nhập để gia đình bớt khổ cực hơn. Tôi đã không ngừng phấn đấu.

Thấy Hoàng rất xúc động khi chia sẻ về chị gái mình, vậy đến giờ sức khoẻ chị gái ra sao?

- Chị tôi đến giờ này đã khỏe lại, trước chị bị ảnh hưởng của dây thần kinh ở cơ chân nên đi lại đau nhức. Giờ chị đã khỏi, đi lại bình thường. Đó cũng là nỗ lực của ba mẹ khi cố gắng chữa bệnh cho chị tôi. 

Tuổi thơ nghèo khó, cha mẹ phải trốn nợ và con đường thành “chàng trai vàng” bơi lội - Ảnh 4.

Hành trình đến với “đường đua xanh” của Hoàng bắt đầu từ lúc nào?

- Hồi lớp 5 tôi đọc được thông báo tại trường về việc tuyển chọn vận động viên bơi lội. Biết tin này tôi háo hức lắm. Khi nghe thông báo tôi đăng ký đi liền. Lúc đó tôi cũng không biết việc mình chọn có phải đi xa nhà không, hay có đạt được thành tích gì không. Nhưng nghĩ đến được thoả sức bơi lội, tôi thấy đó là niềm vui. Bơi lội cũng mang lại cả những giọt nước mắt hạnh phúc nữa.

Ở Việt Nam, theo đuổi sự nghiệp VĐV bơi lội chưa phải là điều dễ dàng. Vì sao Hoàng vẫn quyết tâm với đam mê của mình thay vì chọn một công việc khác nhẹ nhàng và dễ dàng hơn là môn thể thao này?

- Sau khi tuyển chọn, tôi được vào Trung tâm huấn luyện thể thao Quảng Bình. Lúc mới đầu theo đuổi con đường bơi lội rất khó khăn, phải xa gia đình, nhớ bố mẹ, nhớ anh chị, nhớ tất cả mọi người. Nhiều lúc, tôi nhớ gia đình quá phải nhờ thầy cô để gọi điện về nhà. Bên kia đầu dây giọng bố mẹ cất lên tôi bật khóc luôn vì nhớ quá.

Thế nhưng ba mẹ cũng động viên tôi rất nhiều. Thêm nữa tôi yêu môn thể thao này nên quyết tâm ở lại tập luyện và rồi cũng quen với môi trường. Tôi thích bơi nên khó khăn đến đâu tôi cũng chọn nó chứ không phải công việc nhẹ nhàng, dễ dàng nào cả.

Tuổi thơ nghèo khó, cha mẹ phải trốn nợ và con đường thành “chàng trai vàng” bơi lội - Ảnh 5.

Hoàng từng gặp nhiều chấn thương và bỏ lỡ một số giải đấu. Ở thời điểm ấy, Hoàng gặp khó khăn gì? Điều gì đã giúp Hoàng vượt qua?

- Theo con đường bơi lội, có lúc tập luyện mệt mỏi quá tôi đã từng nghĩ đến việc mình sẽ bỏ cuộc. Đó là khoảng thời gian sau SEA Games 2017 tôi gặp nhiều áp lực. Tập luyện nhiều nhưng không vượt qua được mục tiêu bản thân cũng như ban huấn luyện đề ra nên tôi thấy mệt mỏi.

Có lúc suy nghĩ cơ thể mình không thể tiếp tục được nữa tôi đã điện về cho thầy cô ở Quảng Bình, Giám đốc trung tâm huấn luyện, gọi cho gia đình, ba mẹ. Khi đó tôi đã khóc rất nhiều và được mọi người động viên. Nhờ những lời động viên đó tôi đã vượt qua được giai đoạn mệt mỏi ấy. Lần đó muốn nghỉ luôn.

Tham gia rất nhiều giải đấu, bên cạnh những tấm huy chương, chắc Hoàng cũng có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Hoàng nhớ nhất kỷ niệm gì?

- Tại SEA Games 2017, lần đầu tiên tôi tham dự và cũng là lần gặp nhiều trắc trở nhất. Trước SEA Games chúng tôi phải thi đấu loại nội dung 1.500m, ai có thành tích cao nhất mới được tham gia cự ly đó. Khi ấy có tôi, bạn Sơn và anh Lâm Quang Nhật. Ba anh em có thành tích “xêm xêm” nhau. Tôi đang ở Cần Thơ nhận được tin từ ban huấn luyện đã phải lên TP.HCM để thi đấu, gặp nhiều khó khăn.

Ban lãnh đạo cũng sốt ruột sao VĐV của mình thành tích ngang nhau quá, khó đưa ra được quyết định chọn ai, loại ai nên phải thi đấu loại. Khi ấy tôi thi nội dung duy nhất 1.500m nam và đã vinh dự giành được huy chương vàng. Qua giải đấu đó tôi đã khẳng định được mình ở nội dung 1.500m và cũng là kỷ niệm giành huy chương vàng đầu tiên trong cuộc đời bơi lội của tôi.

Năm 2022, Hoàng là người mang về nhiều thành tích nhất cho đoàn thể thao Việt Nam, giành 4 huy chương vàng cá nhân, 1 huy chương vàng tiếp sức và phá 2 kỷ lục SEA Games 31. Hoàng thấy sao về thành tích của mình?

- Về thành tích năm nay, tôi thấy mình đã cố gắng hết sức và tự khen mình chút (cười). Tôi thấy điều đã đạt được rất tuyệt vời cho bản thân, không nghĩ mình có thể làm được như thế. Trong tập luyện tôi cố gắng tập trung những cự ly chính, nội dung sở trường để giữ phong độ tốt nhất. Có được huy chương vàng là quá tuyệt vời, năm nay có thêm giải những cự ly phụ nữa. Sau SEA Games về, tới giờ không biết tại sao mình làm được như vậy luôn.

Đối thủ nào Hoàng thấy “khó nhằn” nhất trong đợt SEA Games vừa qua?

- Đối thủ có rất nhiều nhưng có vận động viên đội tuyển Malaysia là đối thủ “đáng gờm”. Vận động viên đó rất trẻ, tài năng lớn, thi đấu ngang tài ngang sức với tôi. Tuy nhiên, trước khi thi đấu tôi không cũng không bị tâm lý gì lắm. Tôi đã có kinh nghiệm thi đấu ở SEA Games nên cũng tự tin vào khả năng của mình.

Hoàng hâm mộ vận động viên nào nhất và đã học được từ họ những gì?

- Tôi rất hâm mộ anh Michael Phelps (Mỹ). Anh là vận động viên Olympic có tới 28 huy chương đủ loại trải qua 5 kỳ Thế vận hội, là điều chưa ai có thể sánh kịp. Anh là tượng đài bơi lội thế giới, đã quá kinh nghiệm và tài năng ở những đấu trường lớn. Xem các clip anh ấy chia sẻ trên mạng đã một phần giúp tôi cải thiện về kỹ thuật, ý chí, tạo cho tôi rất nhiều động lực.

Tuổi thơ nghèo khó, cha mẹ phải trốn nợ và con đường thành “chàng trai vàng” bơi lội - Ảnh 6.

Được biết, Hoàng giành quyền tham dự Olympic Tokyo năm 2021 với hai nội dung cự ly 800m và 1.500m tự do nam nhưng đều không vượt qua được đợt thi vòng loại, Hoàng có tiếc nuối không?

- Không đạt được thành tích mình mong muốn lần đó tôi cảm thấy rất tiếc và buồn nhưng thời điểm trước đó Việt Nam đang trải qua giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, phương tiện di chuyển dừng, hoãn hoàn toàn. Việc tập luyện của vận động viên cũng gặp nhiều hạn chế nhưng vẫn giữ vững được phong độ của mình tôi cũng cảm thấy vui hơn và động viên mình cố gắng hơn.

Hoàng có những dự định, mục tiêu gì trong thời gian sắp tới?

- Tôi đang tập huấn để chuẩn bị tham dự Đại hội thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình. Tôi cũng được mời dự sự kiện này, đây cũng là điều rất tốt để phát triển phong trào thể thao của tỉnh nhà.

Bên cạnh đó tôi sẽ tập luyện để tham dự SEA Games 32 diễn ra năm 2023 tại Campuchia. Còn Olympic tôi sẽ cố gắng để được tham dự bởi đó là đấu trường lớn.

Tuổi thơ nghèo khó, cha mẹ phải trốn nợ và con đường thành “chàng trai vàng” bơi lội - Ảnh 7.

Ngoài thời gian tập trung trên đội tuyển, thời gian rảnh rỗi Hoàng thường làm gì?

- Thời gian rảnh tôi thường xem phim, chơi games. Tuy nhiên, thời gian đó rất ít bởi mỗi ngày tôi dành ít nhất 8 tiếng tập luyện.

Câu nói nào Hoàng thích nhất và lấy đó làm châm ngôn sống?

- Tôi rất thích câu “bạn không thử làm sao biết”. Chính vì vậy nếu đã đam mê cứ theo đuổi đam mê đó, bạn sẽ thành công.

Chia sẻ một chút riêng tư đi, mẫu bạn gái mà Huy Hoàng hướng đến là mẫu người như thế nào?

- Tôi không biết, mọi sự tuỳ duyên. Mong sao bạn gái cao khoảng 1m60, ngoan hiền, xinh xắn, thấu hiểu công việc của mình.

Tuổi thơ nghèo khó, cha mẹ phải trốn nợ và con đường thành “chàng trai vàng” bơi lội - Ảnh 8.

Hoàng dự định sẽ theo đuổi sự nghiệp đến năm bao nhiêu tuổi? Trở thành một HLV Bơi lội có nằm trong kế hoạch của Hoàng không?

- Được thi đấu đến năm bao nhiêu tuổi tôi không biết nhưng sau này tôi có nguyện vọng được làm huấn luyện viên, làm ở đâu cũng được nhưng đeo đuổi đam mê này thì tôi đã rất vui rồi.

Cái được nhất của Hoàng qua kỳ SEA Games 31 vừa qua?

- Trải qua kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần này cái được nhất của tôi chính là mọi người biết đến. Thứ 2 mình đã đạt được thành tích rất lớn để góp công cho thể thao Việt Nam. Sau SEA Games, kinh tế của tôi khá hơn nhiều.

Vận động viên nếu không có giải đấu sẽ gặp khó khăn thế nào?

- Nếu không có các giải đấu, vận động viên bơi lội chỉ ăn với tập và hưởng mức lương theo quy định của Nhà nước, như vậy chỉ đủ tiền ăn uống. Bơi lội ăn rất nhiều nên đa phần chỉ đủ tiền ăn, không dư giả. Nếu không thi đấu, không có dư bởi phải lo cho bản thân, mua thuốc bổ. Ngoài thuốc bổ trung tâm đã phát phải mua thêm những thực phẩm bổ sung. Chi phí này rất đắt so với số tiền lương của mình.

Được biết, thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Hoàng mong muốn các ban ngành cần cải thiện thêm điều gì để giúp cho các VĐV phát triển tối đa tiềm năng?

- Tôi nghĩ vấn đề đầu tiên đó là các cấp ngành nên đầu tư trang bị thiết bị cho vận động viên thi đấu. Bên cạnh đó quan tâm đến đời sống, tinh thần, vật chất để các vận động viên có thể trang trải cuộc sống hàng ngày.

Xin trân trọng cảm ơn Nguyễn Huy Hoàng! Chúc anh sẽ tiếp tục chinh phục, đạt được nhiều thành tích cao hơn tại các giải đấu lớn!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem