Lạm thu đầu năm học: "Núp bóng" hội phụ huynh, trường yêu cầu cha mẹ học sinh đóng nhiều khoản bất hợp lý
Lạm thu đầu năm học: "Núp bóng" hội phụ huynh, trường yêu cầu cha mẹ học sinh đóng nhiều khoản bất hợp lý
Hà My
Thứ tư, ngày 16/09/2020 12:17 PM (GMT+7)
Việc các trường "núp bóng" hội phụ huynh, yêu cầu cha mẹ học sinh tự nguyện đóng các khoản thu do hội phụ huynh học sinh "thảo" ra cũng là một cách lách luật.
"Đến hẹn lại lên", mỗi khi năm học mới bắt đầu là nỗi lo về nạn lạm thu lại khiến cho nhiều phụ huynh canh cánh trong lòng. Với các gia đình có điều kiện về kinh tế việc đóng thêm vài trăm nghìn, thậm chí tiền triệu không quá khó khăn. Tuy nhiên ở các vùng nông thôn hoặc gia đình lao động cơ bản, khoản thu vài chục nghìn cũng là điều băn khoăn không nhỏ.
Tại Hà Nội, thành phố triển khai phần mềm SmartCity từ ngày 20/7. Trong đó, sổ liên lạc điện tử miễn phí được coi như một kênh giúp phụ huynh và nhà trường kết nối, cùng phối hợp trong việc theo dõi học sinh. Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, nhiều trường trên địa bàn thành phố không hiểu vì sao vẫn chọn lựa cách tương tác một chiều là sử dụng tin nhắn SMS.
Chị T.D, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân cho rằng, sử dụng tin nhắn SMS trong khi có nhiều phương tiện miễn phí khác để sử dụng là bất hợp lý. "Việc nhận tin nhắn SMS hàng ngày được nhà trường triển khai từ năm ngoái, tuy nhiên tôi thấy khá bất hợp lý vì cô giáo chủ nhiệm cũng có mặt trong nhóm Zalo của phụ huynh" - chị T.D nói.
Cũng theo vị phụ huynh này, việc nhắn tin một chiều cùng với hạn chế ký tự khiến cho sự giao tiếp đơn giản giữa giáo viên và phụ huynh trở nên khó khăn qua tin nhắn SMS. Không ít lần phụ huynh phải hỏi lại cô giáo trong nhóm Zalo để nắm rõ thông tin. Năm học 2020 - 2021 nhà trường chưa triển khai họp phụ huynh, tuy nhiên năm ngoái số tiền mỗi học sinh đóng hàng tháng là 40.000 đồng trên một học sinh. Với sĩ số mỗi lớp lên tới 60 em, thì một khối học với 12 lớp hàng năm sẽ nộp tới cả tỷ đồng cho nhà trường để đổi lại một hình thức liên lạc khó khăn, không phù hợp giữa giáo viên và phụ huynh.
Mặc dù vẫn có tiếng là tự nguyện, tuy nhiên theo nhiều phụ huynh, rất khó để từ chối các khoản thu "nho nhỏ", tích tiểu thành đại này. Không ít phụ huynh nhận định rằng đây cũng là một hình thức biến tướng của nạn lạm thu.
Mới đây, vụ việc phiếu thu tiền ghế ngồi học sinh có dấu mộc của Trường THCS Bình Chánh (TP.HCM) với số tiền 40.000 đồng gây xôn xao dư luận. Cụ thể, trường phát phiếu thu ghế ngồi học sinh, có dấu của nhà trường để yêu cầu phụ huynh đóng. Mặc dù Lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Bình Chánh giải thích rằng đây là số tiền ghế nhựa ngồi chào cờ cho học sinh lớp 6, đóng cho 4 năm học do đại diện hội phụ huynh đề xuất, nhưng khi thu thì có phiếu thu, văn thư lấy dấu mộc của trường đóng, không phải chủ trương của trường. Ngay sau khi sự việc gây bức xúc dư luận, nhà trường đã trả lại toàn bộ số tiền kể trên cho phụ huynh học sinh.
Việc các trường "núp bóng" hội phụ huynh, yêu cầu cha mẹ học sinh "tự nguyện" đóng các khoản thu do hội phụ huynh "thảo" ra cũng là một cách lách luật. Sở GDĐT địa phương đặt ra nhiều chủ trương để chống nạn lạm thu, tuy nhiên lại không có các quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn và ảnh hưởng của hội phụ huynh. Chính vì vậy liên tục xảy ra hiện tượng phát sinh các khoản thu bất hợp lý với danh nghĩa hội phụ huynh, gây bức xúc dư luận.
Cần minh bạch, cụ thể hóa các khoản thu
Tháng 5/2020, Bộ GDĐT đã có Công văn số 1620/BGDĐT - KHTC về việc hướng dẫn các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2019-2020; 2020-2021 và chỉ đạo điều hành giá năm 2020.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Đặc biệt, Bộ GDĐT đề nghị xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.
Mặc dù vậy, có thể thấy rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn là một tấm "bình phong" cho nhà trường trong việc tổ chức các khoản thu bất hợp lý. Đặc biệt, nếu nhà trường "ăn vụng không biết chùi mép", thì chỉ cần "đổ vấy" cho sự tự nguyện của phụ huynh, trả lại tiền và không dính líu bất cứ trách nhiệm nào.
Để tránh lạm thu thì việc minh bạch, cụ thể hóa các khoản thu trong trường là điều vô cùng cần thiết. Tại Trường THCS Lương Yên (Hà Nội), kế hoạch năm học được nhà trường giao cho hội phụ huynh học sinh cũng giáo viên chủ nhiệm phối hợp, soạn thảo, dự trù kinh phí theo năm. Sau đó, nhà trường sẽ thông qua, điều chỉnh sao cho hợp lý để đạt được sự đồng thuận từ phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng quy định một học sinh không đóng quá 300.000đồng/học kỳ.
Theo chia sẻ của một chuyên gia giáo dục, việc xảy ra lạm thu một phần cũng vì nguồn ngân sách dành cho các trường còn thấp, nhà trường phải đứng trước nhiều khó khăn về tài chính. Vì vậy, cần đảm bảo công bằng trong chi ngân sách cho GD. Việc ngân sách phải đi qua nhiều tầng, xuống đến trường thì đã hao hụt đi khiến cho tình trạng lạm thu tiếp diễn không sao chấm dứt được.
Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, việc chống lạm thu phụ thuộc quan trọng vào công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Khi phát hiện có hành vi lạm thu cần phải xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để làm gương. Bên cạnh đó, bản thân các phụ huynh cũng cần phải thẳng thắn, kiên quyết lên tiếng trước các khoản thu bất hợp lý từ nhà trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.