Lật mặt các “địa ngục thú rừng” 2021: Rửa nguồn gốc, lập đại lý “hàng rừng” giữa chợ huyện (Bài 5) - Ảnh 2.

img

ì có cái trò lập trang trại, được quyền xác nhận nguồn gốc hợp pháp cho động vật bị săn bắt, buôn bán trái phép, nên các đối tượng mà chúng tôi điều tra ở phần dưới đây đã rất lươn lẹo lợi dụng các kẽ hở trong quản lý để kiếm lời.

Cụ thể, có giấy phép hoạt động "trang trại" nhân nuôi ĐVHD rồi, họ tự bịa ra việc động vật của họ nuôi đã ghép đôi, sinh sản, tăng đàn. Rồi "nhờ" cán bộ ký xác nhận, đủ hồ sơ là phù phép trang trại trống trơn kia thành nơi đang có cả vạn con rùa, rắn, cầy, hươu, chim... Từ đó, thỏa sức ra rừng bẫy, bắn, ra chợ đen mua đồ vi phạm về, rồi hợp lý hóa nguồn gốc, đem đi bán khắp trong và ngoài nước. Hoặc đơn giản hơn, cứ ngồi nhà, sẽ có người đến mua giấy tờ xác nhận nguồn gốc động vật để làm bình phong đi vận chuyển, bán buôn hàng lậu. Vô tư!

Thế mới có chuyện, ở xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi làm quen với đối tượng tên H. Anh ta khiêng đến cả đùi nai, đùi lợn rừng bán cho khách. Chúng tôi tỏ vẻ bái phục, chú em kiếm đồ rừng gì mà giỏi thế. Anh ta cho xem cảnh giết hổ, nấu cao, được quay video cẩn thận, lưu trong điện thoại đắt tiền. Trong hình, anh ta đang hành nghề đao phủ giết thú hoang hẳn hoi, "đây là con hổ nhỏ tự nhiên, họ bắt được ở huyện Ea Súp (Soup), thuê em thịt". Chúng tôi có lén quay lại cảnh khó tin nhưng có thật đó.

Anh ta khẳng định, đồ rừng là thợ săn họ bẫy, bắn được, mang từ khu bảo tồn gần khu vực Ea H'leo, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) về; một số là hàng mang từ bên Campuchia sang. Toàn hàng hoang dã. Thậm chí, chúng tôi còn xem hình ảnh các con hoẵng to đùng đang nằm giãy một cách yếu ớt, khi cơ thể bị thương, chân bị trói sau khi dính bẫy dây trong rừng.

Hỏi, toàn hàng rừng xịn thế, buôn bán ầm ầm thế này không sợ bị bắt à? Anh ta cười tự tin: bao năm em đem chiếc xe máy cà tàng, với thúng mủng dao thớt ra gốc cây ven đường quốc lộ 14 kia bán thú rừng. Anh ta kết hợp "ship" (vận chuyển) hàng từ Campuchia về qua khu vực cửa khẩu Đắc Ruê, huyện Ea Súp - tỉnh Đắk Lắk. Đưa chúng tôi đến nhà, cho xem hình ảnh thú rừng nguyên con dính bẫy, vẫn còn sống.

Anh ta khoe: Hàng xịn thế, nhưng, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, thì luôn có giấy tờ, dạ em bán lợn rừng nuôi trang trại ở miền Nam, nai nuôi mang từ tỉnh Hà Tĩnh vào, mấy con cầy họ nuôi ở Đắk Lắk cho nó ăn hạt cà phê rồi "ị" cho công ty làm cà phê chồn ấy mà. Nay chồn già yếu quá, "ị" cà phê không hiệu quả, họ bán lại cho em, dai ngoét anh ơi.

Còn lúc giao dịch với những cái mồm sành ăn, bao năm nhận hàng ship của anh ta, bao năm ghé gốc cây ven quốc lộ mua đồ, ai chả biết đó là hàng rừng xịn. Bất chấp mùa COVID-19 đang náo loạn, anh ta khoe, vẫn có hàng "Cam" (Cam Pu Chia) về như thường, đi đường tiểu ngạch, cắt rừng vượt núi mà đi.

Lật mặt các “địa ngục thú rừng” 2021: Rửa nguồn gốc, lập đại lý “hàng rừng” giữa chợ huyện (Bài 5) - Ảnh 4.

Nếu cơ quan chức năng không thực tâm điều tra, hoặc muốn tư túi, thì kẽ hở nằm chính ở chỗ này! Cứ đến kiểm tra, rồi nghe người ta bảo "lợn rừng", "nai trang trại", "nhím nhà nuôi", "cầy làm cà phê chồn", thế là về báo cáo. Hoặc, có cán bộ tử tế, thì dân buôn lại cao tay hơn để qua mặt. Họ mua lợn rừng hoặc nai nuôi vài lần, có giấy tờ mua hàng, giữ luôn trong nhà làm bùa chú, rồi suốt đời bán lợn rừng, nai rừng (và nhiều loài khác nữa), hễ ai hỏi đến là thò cái tờ giấy kia ra. Giấy thật cũng lòe được một phần, mua được giấy khống thì hiệu quả 100%: bị kiểm tra là điền chữ, điền số vào chống chế.

Để chứng minh cho nhận định này, chúng tôi đi tiếp. Dù cách nhau cả mấy trăm cây số đường vượt qua mấy tỉnh, các trò này ở Đắc Nông cũng rất phổ biến. Có tới dăm bảy sạp bán thịt thú rừng ở ven quốc lộ từ Tây Nguyên về Bình Phước, xuống Sài Gòn. Họ chọn những gốc thông già, mát, có cảnh quan tươi đẹp. Khách dừng xe ngắm cảnh, là trưng ra lợn rừng "ba lông chụm chân vào một gốc" hẳn hoi, giấu diếm có ít thịt nai, sóc, cầy.

Họ trộn giữa các loại thịt, lợn rừng nuôi trang trại có lông dài, cọng lông to, da dày gần giống lợn rừng. Nai nuôi và nai rừng, nhím nuôi và nhím hoang dã, cũng khó phân biệt. Tùy theo bối cảnh mà họ lừa khách mua để nâng giá; hoặc ngụy biện với kiểm lâm, cảnh sát môi trường để thoát tội.

Phổ biến là họ bán cả hai loại, đây gọi là thủ đoạn đan cài. Có hóa đơn mua lợn rừng nuôi trong trang trại, có hình ảnh và bằng chứng rằng nó là hàng rừng thật sự, thợ săn khiêng đến, đám buôn lậu vượt biên mang về. Hàng giấu trong nhà, quanh gốc cây, dưới khu bếp sập xệ.

Nếu cơ quan chức năng không rành mạch và "cao tay ấn", chắc chắn các màn ngụy trang này sẽ là thảm kịch chung để thú rừng bị tận diệt ở Việt Nam và toàn khu vực. Theo tiết lộ của các đối tượng, theo vài vụ chúng tôi trực tiếp chứng kiến và có tài liệu chắc chắn, thì một số kiểm lâm trên một số địa bàn có dấu hiệu ngó lơ hoặc bảo kê cho không ít hoạt động kể trên. 

Lật mặt các “địa ngục thú rừng” 2021: Rửa nguồn gốc, lập đại lý “hàng rừng” giữa chợ huyện (Bài 5) - Ảnh 5.

Có chủ buôn tiết lộ: để được yên ổn làm ăn, bán thịt rừng hoặc bán thịt trang trại lừa là thịt rừng, họ phải "chung chi" cho lực lượng đến kiểm tra khá thường xuyên.

Tại Ea H'leo, chúng tôi "ẩn mình" có mặt ở các bữa nhậu với dân buôn, thịt rừng tung ra ê hề, và họ cùng nhau bàn kế vận chuyển thịt ĐVHD đi từ Nam ra Bắc sao cho không bị bắt. Nếu bị tóm, thì lập luận và thách thức ra sao, để cơ quan xử lý họ nản, sau đó "bôi trơn" một tí là xong.

Quả thật, khi con thú rừng bị giết, bị xẻ thịt làm lông rồi, nếu muốn chứng minh nó là hàng rừng hay hàng nuôi cũng rất là mệt. Hầu hết họ chỉ dựa vào giấy tờ nguồn gốc lô hàng, ví dụ hàng của trang trại thì phải có giấy phép mở trang trại, xác nhận quá trình nuôi, sinh sản, tăng trưởng và xuất bán. Như trên đã nói, giấy này họ "mua khống" được.

Xin được đưa ra thí dụ. Tại chợ trung tâm huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) khá sầm uất, các đối tượng bán la liệt thịt "lợn rừng". Họ cam kết thề thốt đó là thịt lợn rừng, rồi hoẵng, nai săn được từ khu bảo tồn trên địa bàn, trong đó có VQG Yok Đôn (?). Họ nói vậy, đã được báo chí ghi nhận, cơ quan bảo tồn ở Hà Nội hết sức bất bình và lo lắng.

Tuy nhiên, bên cạnh đồ rừng chắc chắn một trăm phần trăm, nhất là: khi chúng tôi vượt qua được các vòng kiểm tra "danh phận", họ bắt đầu bí mật đưa chúng tôi vượt qua nhiều cung đường vòng vèo, bé nhỏ bằng xe máy; để đến các căn phòng bí mật và tăm tối chứa các tủ đông cáu bẩn và tanh hôi để… xem đồ rừng "xịn". Những con nai, con hoẵng, con nhím rừng, lợn rừng nguyên thân thể lông lá, những bao tải xác thú rừng khổng lồ được phân chia ra thành nhiều tủ đông trong nhiều căn phòng ở xa nhau.

Tôi giật bắn mình, khi thấy cô em khom người, lên gồng, vác từ bóng tối ra một con hoẵng vàng óng lông lá, chú ta bị mổ phanh moi ruột rồi. Khệ nệ đặt 16kg thú rừng xuống chân tôi, cô em bắt đầu ngã giá.

Cô ấy kể: em từng bị bắt nhiều và có cách để "qua mặt" Kiểm lâm và Cảnh sát môi trường. "Chúng em bị bắt nhẵn mặt rồi", một phụ nữ má phấn môi son, tuổi ngoài bốn mươi, cười cợt mà thở dài. Cô đưa tôi về nhà khám phá các tủ đông và tâm sự chuyện nghề, kèm theo cái cười mỉa mai.

Vậy là, họ vẫn có "hàng nuôi", với giấy tờ mua bán từ trang trại để ngụy trang, vẫn bán hàng ngoài chợ huyện, coi đó như một cái đại lý câu kéo khách. Nơi bán hàng "thông thường" để tranh thủ thầm thì quảng bá hàng ĐVHD đắt đỏ và xịn xò. Bằng chứng là, sau quá trình "hóa trang", chúng tôi ghi hình từng cá thể thú rừng bị dính đạn, dính bẫy còn nguyên lông, nằm chỏng chơ trong các nhà kho chờ xuất bán.

Họ giấu kĩ, trong các khu không ai ngờ tới, xé lẻ lượng hàng ra để tránh bị rủi ro: bắt một lần thì sạt nghiệp. Họ nói trong video chúng tôi lưu giữ, là "bắn ở khu bảo tồn", "chắc chắn bắn ở khu bảo tồn, không phải hàng nhập từ Campuchia" đâu anh nhé.

Vẻ đẹp của cô, nhất là cảnh váy áo lộng lẫy trên mạng xã hội, nó vẫn có sự từng trải "nhẵn mặt" vì bị bắt, xử lý không biết bao nhiêu lần. Sau mỗi "va chạm", cô từng trải hơn và vẫn làm nghề đó. "Con heo rừng này, nó là đồ mình thu mua từ thợ săn. Nhưng cũng có loại nuôi được, nên nhập nhằng khi họ kiểm tra thì phạt hành chính thôi. Cứ coi là mình bán heo nhà nuôi song không có giấy tờ. Có lần phạt mười mấy triệu đồng. Còn con mang và các con thú quý khác, không nuôi được, chắc chắn đồ rừng. Họ phạt nặng lắm, nên phải giấu ở nhà. Thường là phải gửi hàng từ đây về Bến xe Miền Đông, bán cho khách Sài Gòn". Nói rồi, cô bảo tôi ngồi sau xe về từng hang ổ một mà chọn hàng.

Giờ, cô và nhiều người trong khu vực "điểm nóng" này đã tìm được thị trường ngách để buôn bán ĐVHD. Dù khét tiếng, vẫn chưa bao giờ có ai xử lý dứt điểm nổi các cô. Có "hồ sơ" mua hàng trang trại bán dưới dạng "lợn rừng nhà nuôi", cứ thế bán tại chợ. Hàng đó và nhiều hàng cấm khác, cô chuyển qua xe khách, xe con đi khắp cả nước.

Tuy nhiên, về mặt lý luận là như thế. Câu hỏi được dễ dàng đặt ra lúc này là: Liệu có ai "biết rõ câu chuyện thực chất" này không? Ai cũng biết cả!

Chúng tôi ghé thăm một lần duy nhất trong đời tính đến nay, đã biết, bà con biết, cán bộ biết. Song nhiều người vẫn giả vờ như mình bị lừa (giả vờ tin là các đối tượng chỉ bán đồ trang trại nhằm đánh lừa khách hàng) rồi lờ đi cái sai phạm của các con buôn nhằm trục lợi? Liệu có ai cố tình tỏ ra tin vào "vỏ bọc ngụy trang" của những người lập đại lý giữa chợ huyện, ven quốc lộ kia để trục lợi từ bảo kê cho sai phạm không?

Lật mặt các “địa ngục thú rừng” 2021: Rửa nguồn gốc, lập đại lý “hàng rừng” giữa chợ huyện (Bài 5) - Ảnh 6.

Xin kể ra đây một số bằng chứng mà chúng tôi đã ghi nhận đích thị.

Một nhà hàng tên là "Thác Chè" (Thác nước) trên địa bàn tỉnh Kon Tum, qua đèo Lò Xo xuống phía Quảng Nam, đó là một vựa thú rừng hoang dã lớn. Cả tủ đông với nhiều loài thú rừng nằm trong Sách đỏ bị giết mổ chồng chất, cô chủ dấm dúi đem xếp la liệt ra bàn bếp cho khách chọn. Có cả chú khỉ hoang bị nuôi trái phép sau nhà trong tình trạng bị hành hạ rất tội nghiệp (có video kèm theo).

Sai phạm kéo dài, trên quy mô không hề nhỏ, song, trưa hôm đó, đúng lúc chúng tôi đang giả vờ xem hàng thú rừng bày ê hề như thế, mà một người mặc sắc phục kiểm lâm vẫn tới đó. Anh này đi xe máy, để vào quán những cái bọc nilon màu đen. Vợ chồng chủ quán và cán bộ bảo vệ rừng trên khu vực nhiều thú hoang đó rất thân thiết. Họ chẳng sợ kiểm lâm mà kiểm lâm cũng dường như không để ý đến các hoạt động của "vựa thú rừng" tai tiếng đó.

Tại Đắk Lắk, chúng tôi tận mắt chứng kiến kiểm lâm đến nhậu thịt "thú rừng" do đối tượng buôn bán động vật hoang dã chuyên nghiệp cung cấp. Thừa nhận "ngon" và dạy cách phân biệt thú rừng với thú nhà, dạy cách vận chuyển thú rừng ra Hà Nội làm sao cho trót lọt. Một chủ buôn ở huyện Đắk Glei, Kon Tum, nói toạc ra: chị có vị thế một chút, chị gọi điện bảo các chú cán bộ kiểm soát, hàng của chị đó, cho chúng nó đi qua. Thế là đi thôi.

Cô gái trẻ tên là Phương Huỳnh ở rìa TP Pleiku thì tủm tỉm, dù thế nào thì cũng không thể không thừa nhận là cô rất xinh: báo chí viết về em đầy. Em vác cả cái thúng ra ven đường bán hàng rừng (thú rừng); kiểm lâm bắt em đến quen mặt rồi. Em vẫn bán, vẫn có cách. Hàng gỗ lậu em buôn cả núi, em có hồ sơ để lắp vào và hợp pháp hóa. Hàng thú rừng cũng thế…

Rất nhiều các cuộc tiếp xúc theo danh nghĩa "người trong cuộc" khác ở giới buôn bán giết mổ thú rừng khắp nhiều tỉnh ở Việt Nam, chúng tôi đã ghi nhận không biết bao nhiêu lời thừa nhận về sự "chung chi", "biết điều", "đóng phế" với lực lượng quản lý để có thể yên ổn làm ăn. Nếu các lời của con buôn kia bị xem là "một phía", chưa thật sự đủ thuyết phục để buộc tội kẻ tham nhũng nào; thì các chi tiết về người mặc sắc phục kiểm lâm và kiểm lâm đích thị nhậu thú rừng, bày mưu buôn gian bán lậu "hàng con" kia đã là thứ "bắt tận tay day tận trán".

Vậy nên, qua phân tích, có thể thấy, với các trò "lập lờ đánh lận con đen" rất cũ kĩ mà chưa bao giờ thôi phát huy tác dụng trong trục lợi từ giết chóc thú hoang kia, thì điều đáng sợ nhất không hẳn là sự tinh vi của thợ săn và con buôn; mà đáng sợ hơn là dấu hiệu về sự vô trách nhiệm, về sự bảo kê của cơ quan quản lý.

Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ thanh kiểm tra, giám sát các điều này, ngay cả khi mà đại đa số người dân đều không lạ gì các trò "chập chờn trắng đen" và "tôi không biết vì giả vờ không biết" kia?

Ai đã cấp phép cho các trang trại hoạt động, để rồi không quản lý được nanh vuốt của chúng, rồi các giấy xác nhận nguồn gốc động vật bị mua bán giấy tờ xác minh nguồn gốc động vật khống rồi gây hại cho thú rừng và làm hao khuyết đi sự minh bạch trong thực thi luật pháp ở nước nhà? Đã đến lúc, cần một sự vào cuộc đủ mạnh và đủ minh bạch, để lập nghiêm tình trạng "diễn trò" kể trên.

Kính mời độc giả đón đọc "Bài 6 Thú rừng vượt biên giữa mùa Covid-19 như thế nào?" đăng tải trên Báo Điện tử Dân Việt sáng ngày 4/9/2021.

Lật mặt các “địa ngục thú rừng” 2021: Rửa nguồn gốc, lập đại lý “hàng rừng” giữa chợ huyện (Bài 5) - Ảnh 7.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem