Liên Xô sao chép tên lửa Mỹ (kỳ 3): Kế hoạch không tưởng của điệp viên KGB khi trộm tên lửa Mỹ
Liên Xô sao chép tên lửa Mỹ (kỳ 3): Đánh cắp tên lửa và gửi qua đường bưu điện, kế hoạch không tưởng của KGB
Thứ sáu, ngày 19/03/2021 21:00 PM (GMT+7)
Một "Nhiệm vụ bất khả thi" của điệp viên KGB nhằm đánh cắp phiên bản mới nhất của tên lửa AIM-9 đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Điệp viên này đã đột nhập căn cứ không quân Mỹ ở Đức, sau đó đánh cắp phiên bản mới nhất của tên lửa AIM-9 và nhanh chóng gửi về Moscow qua... đường bưu điện.
Liên Xô đã thành công khi sao chép tên lửa AIM-9B của Mỹ để cho ra đời loại tên lửa K-13A và trang bị chúng cho những tiêm kích MiG-21 của mình.
Tuy vậy tên lửa đầu dò hồng ngoại của Mỹ phát triển khá nhanh, Liên Xô nhận ra mẫu K-13A hoàn toàn thua kém phiên bản mới nhất của tên lửa AIM-9, điều này thể hiện rõ trong các trận không chiến tại Trung Đông.
Để bắp kịp, Liên Xô đặt ra kế hoạch táo bạo là ăn trộm phiên bản tên lửa thế hệ mới nhất của dòng AIM-9 Mỹ để cải thiện cho loại tên lửa K-13. Kế hoạch được giao cho cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) thực hiện.
Đêm 22/10/1967, Manfred Ramminger, điệp viên KGB tại Tây Đức, lợi dụng sương mù và sơ hở của lính canh, anh ta đã nhanh chóng đột nhập thành công vào căn cứ không quân Neuburg, nơi đang có những chiếc máy bay được trang bị tên lửa AIM-9 thế hệ mới.
Ramminger cùng lái xe Josef Linowski và phi công Wolff-Diethard Knoppe đột nhập thẳng vào khu vực kho đạn, nhanh chóng lấy đi tên lửa AIM-9 đời mới. Họ đặt nó lên xe cút kít và đẩy tới chiếc ôtô đỗ bên ngoài căn cứ.
Quả đạn dài 2,9 m rất cồng kềnh. Ramminger phải đập vỡ kính sau ôtô và che phần tên lửa nhô ra bằng thảm.
Để tránh bị cảnh sát để ý, ông dùng một miếng vải đỏ để đánh dấu phần thò ra bên ngoài theo luật.
Sau khi về tới nhà mà không gặp vấn đề gì, Ramminger kiên nhẫn tháo tung quả đạn AIM-9 thành từng phần. Ông giữ lại ngòi nổ, sau đó trao cho người liên lạc của mình được phái tới bởi KGB.
Cuối cùng, Ramminger đóng gói tất cả bộ phận vào một chiếc hộp, trước khi mang tới bưu điện và gửi nó qua đường thư tín hàng không tới Moscow.
Để tránh gặp vấn đề với hải quan, Ramminger kê khai bên trong bưu kiện là "hàng xuất khẩu chất lượng thấp".
Do quả tên lửa AIM-9 nặng gần 100 kg, ông đã phải trả 78,25 USD phí chuyển hàng. Sơ suất trong dịch vụ vận chuyển khiến bưu kiện của Ramminger đi từ Đức tới Pháp rồi Đan Mạch, sau đó quay trở lại Đức, trước khi tới được Liên Xô, chậm 10 ngày so với dự kiến.
Việc sở hữu quả đạn này giúp các nhà khoa học Liên Xô phát triển thành công tên lửa đối không K-13M (cũng có định danh khác là R-13M) với hiệu suất cải thiện đáng kể so với K-13A.
Quả đạn K-13M có thể tấn công mục tiêu từ phía trước, thay vì chỉ giới hạn tấn công từ phía sau như mẫu K-13A trước đó.
Bản thân Ramminger và các phụ tá bị cơ quan phản gián Đức bắt giữ vào cuối năm 1968 và bị kết án tù 4 năm về tội trộm cắp thiết bị quân sự.
Sau khi thu được một số quả đạn K-13 do Liên Xô sản xuất, các nhà kỹ thuật quân sự của NATO kết luận K-13 và AIM-9 có thể tráo đổi linh kiện cho nhau mà vẫn hoạt động bình thường.
Liên Xô sau đó bắt đầu phát triển các dòng tên lửa đối không tầm gần hiện đại hơn như R-60 và R-73, có nhiều tính năng vượt trội hơn cả những vũ khí cùng thời của Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên, việc thu được một quả AIM-9 nguyên vẹn từ sự cố hy hữu khi chiếc F-86 bắn vào MiG-17 mà không phát nổ, cộng với việc trộm được một biến thể mới của dòng tên lửa này được đánh giá là sự kiện mang tính đột phá đối với ngành chế tạo tên lửa đối không của Liên Xô, Liên minh Các nhà khoa học Mỹ kết luận.
Sau khi bị Liên Xô trộm mất loại tên lửa không đối không tầm ngắn cực hiệu quả và sau đó sản xuất hàng loạt, Mỹ đã có động thái bằng việc tiếp tục cải tiến sâu rộng và cho ra đời biến thể AIM-9X, loại tên lửa đã bắn cháy chiếc Su-24 của Nga tại Syria vào năm 2015. (Còn tiếp).
PV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.