Liên Xô sao chép tên lửa Mỹ (kỳ 1): Anh hùng Phạm Tuân bắn cháy B-52 bằng tên lửa sao chép từ Mỹ
Liên Xô sao chép tên lửa Mỹ (kỳ 1): Anh hùng Phạm Tuân bắn cháy B-52 bằng chính phiên bản tên lửa của Mỹ
Thứ ba, ngày 16/03/2021 14:56 PM (GMT+7)
Trong trận "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, Anh hùng phi công Phạm Tuân đã dùng hai quả tên lửa không đối không K-13, diệt gọn "pháo đài bay B-52". Điều đáng nói, K-13 chính là một phiên bản mà Liên Xô (cũ) đã sao chép từ tên lửa AIM-9 của Mỹ. Và từ đây, cục diện cuộc chiến tranh Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt.
Trước khi đem B-52 đánh phá miền Bắc Việt Nam, Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ lực lượng phòng thủ miền Bắc Việt Nam. Mỹ nắm rất rõ chúng ta có những loại tên lửa, pháo, máy bay nào… và thuộc từng sân bay của ta. Do đó, Mỹ rất tự tin mang B-52 ra ném bom, đánh phá Hà Nội và các tỉnh khác vào cuối năm 1972.
B-52 có thể mang được 30 tấn bom/chiếc. Mỗi khi xuất kích chiến đấu, B-52 thường được nhiều máy bay khác bay cùng để yểm trợ như F-4, F-100, F-111,...
Mặt khác, hệ thống làm nhiễu sóng ra đa của các máy bay này rất tốt, nên rất khó phát hiện ra B-52 để triển khai tấn công.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, từ tối 18/12/1972 đến ngày 29/12/1972, không quân Việt Nam lần đầu bắn rơi được máy bay B-52 của Mỹ, gây sửng sốt không chỉ cho quân đội Mỹ mà cho cả giới quân sự thế giới.
Cho đến hiện tại, không quân Việt Nam vẫn là lực lượng duy nhất từng bắn hạ "pháo đài bay'" B-52 Mỹ.
Theo lịch sử, vào khoảng 17h ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân điều khiển máy bay tiêm kích MIG-21 di chuyển và hạ cánh xuống sân bay Yên Bái, sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu.
Đến khoảng 22h cùng ngày, Phạm Tuân được lệnh xuất kích từ sân bay này, khi bay qua tầng mây, ông đã nhìn thấy rất nhiều máy bay yểm trợ cho B-52, nhưng không được đánh và phải bay vòng qua để tìm B-52. F-4 lúc đó cũng không phát hiện ra MIG-21.
“Hôm đó, liên lạc với mặt đất rất tốt, nghe rõ. Khi chỉ còn cách B-52 chừng 3km, tôi nhận được lệnh bắn, nhưng tôi vẫn bảo chờ. Sau đó tôi tiếp tục căn chỉnh, đến lúc vào gần lắm rồi, Sở Chỉ huy ở dưới sốt ruột, sợ tôi ham quá đâm vào máy bay địch nên lệnh cho tôi bắn thoát ly ngay bên trái" Trung tướng Phạm Tuân kể lại.
"Lúc đó tôi ngắm và bấm nút bắn cho hai quả tên lửa không đối không K-13 bắn thẳng vào máy bay địch, đồng thời kéo máy bay lên lật ngược trở lại thì đã thấy B-52 của địch nổ tung. Đấy là trận đầu tiên không quân bắn rơi B-52. Chúng tôi vui lắm vì không quân đã hoàn thành nhiệm vụ!” – Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Việc máy bay MiG-21 phóng hai quả tên lửa không đối không tầm ngắn K-13 tiêu diệt pháo đài bay B-52 Mỹ là sự kiện gây chấn động, giờ đây ngoài tên lửa mặt đất, nguy cơ bị bắn cháy bởi chiến đấu cơ đối phương càng cao hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và rút quân khỏi Việt Nam.
Có một điều đặc biệt là loại tên lửa K-13 bắn cháy pháo đài bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Việt Nam thực ra lại là bản sao chép từ tên lửa AIM-9 của Mỹ.
Theo thống kế đã có tới 174 chiếc máy bay Mỹ bị MiG bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam. Rất nhiều máy bay trong số này bị bắn hạ bởi tên lửa K-13
Dù mỗi chiến đấu cơ MiG-21 chỉ mang theo được hai quả tên lửa K-13, tuy vậy với sự khéo léo, gan dạ, mưu trí tài tình của phi công Việt Nam, nhiều chiến đấu cơ Mỹ "một đi không trở lại".
Hình ảnh trưng bày của chiếc tiêm kích MiG-21 và tên lửa K-13 (treo phía ngoài cánh) của Anh hùng Phạm Tuân đã bắn rơi chiếc máy bay B-52 của Mỹ.
Theo thông tin được giải mã sau này, tên lửa K-13 được Liên Xô hoàn thiện sau phiên bản AIM-9B, thu được trên đuôi chiếc MiG-17 Trung Quốc bị chiếc F-86 Sabre bắn trong trận không chiến ngày 28/9/1958. (Còn tiếp).
PV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.