MiG-25 Liên Xô trốn sang Nhật (kỳ 4): Uy hiếp tinh thần của Mỹ và phương Tây
MiG-25 Liên Xô trốn sang Nhật (kỳ 4): Uy hiếp tinh thần của Mỹ và phương Tây
Thứ bảy, ngày 13/03/2021 10:27 AM (GMT+7)
Đến khi có trong tay mẫu tiêm kích MiG-25, Phương Tây mới ngã ngửa ra rằng, loại máy bay đánh chặn của Liên Xô này không thực sự quá nguy hiểm như họ vẫn lầm tưởng.
MiG-25 trong suốt thời gian dài khiến cho phương Tây mất ăn mất ngủ, nhưng đến khi có trong tay mẫu tiêm kích MiG-25, Phương Tây mới ngã ngửa ra rằng, nó không thực sự quá nguy hiểm như họ vẫn lầm tưởng.
Ông Peter Ustinov trong loạt phim truyền hình Wings of the Red Star nhận xét: "MiG-25 thực sự là một máy bay đặc biệt, nhưng không phải là như cái mà người Phương Tây vẫn lầm tưởng”.
MiG-25 sau đó được các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá tường tận: Máy bay có ưu thế và tốc độ và trần bay, trong khi lại rất kém về phần cơ động do kích thước to lớn và không được thiết kế tối ưu về khí động học (điều mà sau này Liên Xô đã khắc phục triệt để trên Su-27 và MiG-29). Hệ thống điện tử của MiG-25 vẫn là công nghệ cũ và vũ khí trang bị không đủ để tạo nên ưu thế tuyệt đối nếu đối đầu với tiêm kích hàng đầu Phương Tây lúc bấy giờ.
Tuy nhiên sự đơn giản của tiêm kích MiG-25 vẫn không thể ngăn nó phá vỡ nhiều kỷ lục thế giới vào thời điểm đó. Các nguyên mẫu được thiết kế nhẹ hơn với mục đích là lập ra những kỷ lục mới.
Vì thế nếu được phân loại theo FAI (Liên đoàn hàng không quốc tế) thì MiG-25 thuộc vào thể loại C1 (III) trong đó các máy bay được cung cấp lực đẩy bởi động cơ phản lực mà không bị giới hạn bởi trọng lượng cất cánh.
Các kỷ lục bị phá vỡ bởi MiG-25 một cách khá tự nhiên như kỷ lục bay với vận tốc 2.319,12km/h trên quãng đường 1.000km do phi công thử nghiệm của hãng MiG Alexander Fedotov thực hiện vào tháng 3/1965.
MiG-25 cũng thiết lập những kỷ lục mà cho đến ngày nay vẫn chưa bị xô đổ, như có thể leo cao tới trần bay 36.240m. Điều quan trọng nhất là MiG-25 đã thành công khi tạo ra tâm lý lo sợ cho Mỹ và Phương Tây.
Như đã giải thích lúc đầu, Phương Tây gần như không có bất cứ một thông tin nào cho đến năm 1971, và những thông tin thu được sau năm 1972 cũng rất ít ỏi cho tới khi xảy ra vụ Belenko đào thoát. Đó là một món quà bất ngờ lớn cho các chuyên gia Phương Tây khi Belenko lái chiếc tiêm kích MiG-25 mới và hạ cánh xuống Nhật Bản.
Lúc đầu các sĩ quan Liên Xô tại căn cứ Sokolovka đóng quân nghĩ rằng, có thể do hệ thống định vị xảy ra vấn đề dẫn đến sự cố này, thực tế kế hoạch đào tẩu được viên phi công lên kế hoạch cẩn thận từ trước đó
Một số tác giả cho rằng Belenko là một người đam mê hàng không từ nhỏ, ông ta được đào tạo để trở thành huấn luyện viên bay, và dành phần lớn thời gian để học hỏi và hoàn thiện kỹ thuật bay của mình. Belenko từng làm giảng viên trường huấn luyện phi công Amrvir, từng bay Sukhoi Su-15, và được coi là phi công hàng đầu của Liên Xô.
Lần đầu tiên Belenko nghe về MiG-25 đó là vào năm 1970, gần như ngay lập tức, ông ta mong muốn tìm hiểu về loại máy bay mới này nên yêu cầu chuyển loại để có thể huấn luyện bay trên MiG-25 vào năm 1972.
Sau đó ông ta sớm tới Sokolovka để vào Trung đoàn máy bay chiến đấu 530.
Việc các chỉ huy chuyển loại máy bay cho phi công này là một ngoại lệ hiếm hoi, bởi hồ sơ của Belenko được đánh giá là hoàn hảo trong suốt thời gian phục vụ
Chương trình đào tạo của Belenko tiến triển mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Sau khi chương trình kết thúc, các chuyến bay cá nhóm, và bay cá nhân được tiến hành. Trước đó vào tháng 8, các chuyến bay nhóm đã được tiến hành.
Ngày 3/9/1976, Belenko sau khi đưa con mình tới nhà trẻ, liền đến căn cứ để chuẩn bị bay. Các điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho chuyến bay, mây mù đã giảm, và phi đội được lệnh cất cánh lúc 12h50 phút.
Không bao lâu sau khi cất cánh, Belenko đã báo cáo các vấn đề xảy ra với động cơ và tách ra khỏi phi đội bay. Phi công hạ máy bay về độ cao 50m so với mực nước biển và may mắn không gặp các vấn đề thường xảy ra khi bay ở độ cao thấp.
Phi công đã bay rất thấp, vì thế các đài radar không thể bắt được tín hiệu và theo dõi chiếc máy bay. Máy bay chọn hướng phía Đông, bay thẳng đến Nhật Bản. Khi đến gần bờ biển Belenko đã tăng độ cao lên 6.700m đề phòng phòng không Nhật Bản, và khi còn cách đảo của Nhật Bản 370km, ông ta bị phát hiện bởi hệ thống radar.
Người Nhật tại căn cứ Chitose ngay lập tức điều một cặp máy bay tiêm kích F-4J bay lên để chặn chiếc MiG-25 lại. Biết rằng đã bị phát hiện thêm một lần nữa, Belenko sà vào trong mây và gặp khó khăn trong việc điều khiển.
Tới 13h53 phút, phi công phát hiện ra một sân bay và cố gắng hạ cánh, tuy nhiên việc này phải hủy bỏ do có một chiếc máy bay dân dụng Boeing 727 đang cất cánh. Cuối cùng ông ta thực hiện một cú hạ cánh dài, và vọt ra khỏi đường băng khoảng 240m trước khi máy bay dừng hẳn.
Sau khi ra khỏi buồng lái, viên phi công thấy tên sân bay dân sự Hoktado.
Tuy nhiên đặt chân được tới Nhật Bản là đã hoàn thành được mục tiêu của mình. Ngay sau khi bước chân ra khỏi buồng lái, phi công liền bắn cảnh báo người khác không được đến gần MiG-25. Thời điểm đó chiến đấu cơ này có hệ thống tự hủy bằng chất nổ, đây là cách mà Liên Xô áp dụng để đảm bảo cho máy bay MiG-25 không rơi vào tay Phương Tây.
Belenko cũng yêu cầu các nhân viên mặt đất che chắn các dấu hiệu của không quân Xô Viết. Sau đó ông ta yêu cầu được tiếp xúc với đại diện của Không quân Mỹ. Sân bay liền bị đóng cửa trong 5 giờ liền. Belenko cũng yêu cầu được tị nạn chính trị.
Thời gian giữa chiều thứ 6 và ngày thứ 7 trở nên sôi động, các phương tiện truyền thông của Phương Tây dành sự quan tâm lớn cho sự kiện này. Aeroflot liền gửi một phái đoàn, nhưng họ đã không được phép đến gần chiếc MiG-25.
Ngoại giao cũng là vấn đề cam go lớn trong thời điểm đó. Để biện minh cho việc giữ phi công và máy bay MiG-25 trên lãnh thổ của mình, các nhà chức trách Nhật Bản liền nghĩ ra kế sách để cáo buộc Beleko và máy bay của ông tội danh xâm phạm biên giới bất hợp pháp. Chiếc máy bay đã được chuyển đến một nhà chứa máy bay tại căn cứ không quân Hyakuri, nằm cách Tokyo 80km về phía bắc.
Ngày 19/9/1976 một chiếc máy bay vận tải khổng lồ C-5 Galaxy cùng với 11 chuyên gia hàng không đến từ Mỹ để kiểm tra thực tế chiếc MiG-25.
Tham gia khảo sát và kiểm tra còn có 64 chuyên gia hàng đẩu của Nhật Bản. Chiếc MiG-25 được tháo dỡ một phần và vận chuyển đi dưới sự hộ tống của máy bay chiến đấu F-4J và F-104J.
Việc kiểm tra toàn bộ chiếc MiG-25 bao gồm các bức ảnh hồng ngoại của Foxbat. Đoàn kỹ sư kiểm tra kỹ hệ thống động cơ để biết quang phổ nhiệt của loại máy bay này, đây là yếu tố cần thiết để phương Tây thiết kế các thông số dành cho tên lửa không đối không, giúp chúng có thể bắt bám động cơ MiG-25, và tiêu diệt loại máy bay này.
Trong lúc đó cuộc đấu tranh ngoại giao đã bắt đầu gay cấn. Nhật Bản ra các tuyên bố chính thức rằng, Liên Xô sẽ được trả lại chiếc máy bay này, nhưng sẽ không sớm hơn thời điểm vào ngày 5/10/1976.
Sau đó chiếc máy bay lại bị tháo dỡ ra một lần nữa và chất trong 13 chiếc container, đem lên tàu chở hàng để chuẩn bị về Liên Xô. Người Nhật Bản đã niêm phong các container, mục đích của họ là không cho phía nhân viên Liên Xô có thể kiểm tra các thùng hàng chứa bộ phận máy bay trước khi chúng được chuyển tới tận nước này.
Tuy nhiên Liên Xô đã không màng đến điều này, và họ quyết định bật mở các thùng hàng để kiểm tra, họ nhanh chóng phát hiện ra rằng, một số thiết bị của chiếc MiG-25 vẫn đang còn nằm trong tay của Phương Tây.
Liên Xô yêu cầu Phương Tây phải trả tiền đền bù cho một số bộ phận máy bay và thiết bị điện tử bị mất này.
Trong khi đó người Nhật lại yêu cầu Liên Xô phải thanh toán chi phí vận chuyển các thùng hàng chứa bộ phận máy bay này về nước.
Tại Liên Xô, gia đình Belenko đã bị cách ly và cơ quan tình báo KGB bắt đầu mở một cuộc điều tra toàn diện, qua đó họ tìm thấy trong căn họ của phi công này một cuốn nhật ký cá nhân, trong đó Belenko đã có những ghi chép về việc tính toán nhiên liệu hoạt động của MiG-25 khi bay tới Nhật.
Về phần Belenko, ông ta đã đến nước thứ ba, sau khi nhận qui chế tị nạn chính trị chính thức tại Hoa Kỳ, ở đây Belenko bắt đầu làm việc cho một công ty hàng không. Belenko nhập quốc tịch Mỹ, tự mở một công ty riêng, kết hôn với một phụ nữ Mỹ và có với cô này 3 đứa con.
Tuy nhiên theo cuốn sách của Barron, thì chính cuộc sống hôn nhân tại Liên Xô của Belenko thất bại dẫn tới kết cục cay đắng là ly hôn- đó mới là nguyên nhân chính khiến phi công này chán nản và bỏ trốn sang Mỹ.
PV (Theo ANTĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.