Vào lúc 14h ngày 13/10, Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức cuộc họp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Việc kiểm điểm này được thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Thông báo số 854 và Kế hoạch số 310 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Những cán bộ có liên quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng từ năm 2015- 2020 đều bị xem xét kiểm điểm, xử lý tùy theo mức độ. Nguyên Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai Trương Phước Anh cùng nguyên Phó Giám đốc Sở, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai Nguyễn Nhĩ (cùng nghỉ hưu tháng 5/2020) đều được mời đến.
Nhiều năm nay, tình trạng mất rừng tại Gia Lai đáng báo động. Những cánh rừng bị san phẳng, vô số cây rừng ngã xuống, đất trống đồi trọc ngày càng gia tăng.
Trong 21 Ban Quản lý rừng phòng hộ (viết tắt BQL rừng) bị Thanh tra tỉnh Gia Lai thanh tra thì có đến 9 BQL rừng bị chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra mở rộng. Hơn 50 cán bộ lâm nghiệp các cấp, UBND các xã, UBND TP.Pleiku thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác bảo vệ rừng, tiếp tay cho việc hợp thức hóa đất rừng đã bị khởi tố, bắt giam. Các BQL rừng khi bị thanh tra thì hầu hết có ngân sách bị thất thoát từ hàng chục, trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.
Gần đây nhất, BQL rừng Ia Grai bị Thanh tra tỉnh phát hiện để mất gần 400ha rừng, thất thoát hơn 12 tỷ đồng. Ngày 7/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố bị can đối với ông Lê Tiến Hiệp, Trưởng ban và ông Ngô Càng Thanh, nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (báo Dân Việt đã có bài phản ánh Thất thoát 12 tỷ đồng, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai bị khởi tố).
BQL rừng Bắc Biển Hồ để mất hơn 2.400ha rừng. Ngày 17/9, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên án 12 bị cáo trong vụ án sai phạm tại ban này. Trong đó, Trưởng BQL rừng Bắc Biển Hồ Nguyễn Đức có 16.726m2 đất rừng, được nhiều cán bộ của UBND TP.Pleiku hợp thức hóa cấp sổ đỏ sang đất nông nghiệp.
BQL rừng Chư Mố để mất 1.470ha rừng tại 25 tiểu khu. BQL rừng Bắc An Khê để rừng bị mất hơn 1.266ha. BQL rừng Ya Hội để mất hơn 800ha.
Tại BQL Ia Puch, năm 2019, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Hương, nguyên Trưởng ban và ông Phan Quốc Huy, Trưởng ban để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai có kết luận số 11/KL-TTr phát hiện BQL rừng Ia Puch để mất 1.228ha rừng.
Chưa hết, BQL rừng Ia Muer đã bị lấn chiếm hơn 545ha để lấy đất sản xuất nông nghiệp. BQL rừng Ayun Pa để mất hơn 500ha rừng. Ngoài ra, BQL rừng Đắk Đoa được phát hiện với số tiền chi sai hơn 5 tỷ đồng, Viện KSND Tối cao đã có ý kiến yêu cầu xử lý đúng người, đúng tội, không được bao che.
Ngoài ra, UBKT Trung ương còn yêu cầu xem xét xử lý, vì Sở NNPTNT không thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tham mưu xây dựng đơn giá rừng, gây cản trở cho cơ quan chức năng trong việc xác định thiệt hại khi rừng bị phá. Cán bộ nào bị xử lý, câu trả lời đang chờ sự nghiêm minh từ Tỉnh ủy Gia Lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.