Đến vùng đất Mai Châu của Hòa Bình chợt nghe lách cách tiếng thoi đưa, màu thổ cẩm dân tộc Thái bừng sáng

Mùa Xuân Thứ năm, ngày 20/07/2023 12:51 PM (GMT+7)
Kế thừa, phát huy nghề dệt thổ cẩm, bằng sự khéo léo, sáng tạo tinh tế, phụ nữ dân tộc Thái ở xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) hàng ngày vẫn miệt mài bên khung cửi với tiếng lách cách thoi đưa để làm bừng sáng lên sắc màu thổ cẩm...
Bình luận 0


Clip: HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình).

Nghề dệt thổ cẩm của người Thái có từ lâu đời ở Mai Châu

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu đã được các thế hệ gìn giữ từ lâu đời. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm do chị em dệt chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, phục vụ sinh hoạt cho gia đình và bản thân. 

Ngày nay, khi du lịch phát triển, những sản phẩm dệt thổ cẩm ngày càng thu hút du khách mua về làm quà, đồ lưu niệm... Từ đó, đã trở thành đòn bẩy để các chị em đồng bào dân tộc Thái đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm với số lượng nhiều hơn.

Theo đó, năm 2009, để khôi phục lại nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, được sự quan tâm hỗ trợ từ dự án Jica Nhật Bản với mục tiêu “Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn tỉnh Hòa Bình”; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã khảo sát và chọn xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu làm mô hình điểm đầu tư. 

Hỗ trợ cho người dân nơi đây phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển nghề dệt thổ cẩm theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những người phụ nữ dân tộc Thái Mai Châu gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch - Ảnh 2.

Chị em phụ dân tộc Thái xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) tham gia dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Mùa Xuân.

Tham gia dự án này, có 30 thành viên là chị em dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Khi mới đầu tham gia dự án hầu hết các chị em chỉ biết dệt những tấm thổ cẩm truyền thống, trong quá trình tham gia dự án thì các chị em đã được các chuyên gia của dự án tập huấn và biết tạo ra các mẫu mã sản phẩm đẹp, dệt, may, thêu đáp ứng theo yêu cầu của khách đặt  hàng.

Năm 2013, sau khi dự án kết thúc, nhằm phát huy ngành nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, phát huy kiến thức tay nghề của chị em đã được đào tạo qua các lớp tập huấn trong quá trình tham gia dự án, tiếp nhận một số máy may... 

Từ đó, các chị em phụ nữ dân tộc Thái đã liên kết với nhau để thành lập HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, với 21 thành viên tham gia. Đến nay, HTX có 17 máy khâu công nghiệp, 2 máy khâu gia đình, 3 máy vắt sổ, 1 máy ép mếch khung dệt, 38 khung dệt và các phụ kiện kèm theo…

Đa dạng mẫu mã sản phẩm thổ cẩm Mai Châu 

Bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, cho biết: Nhận thức được việc phát triển ngành nghề truyền thống vừa tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương vừa giữ gìn được ngành nghề truyền thống gắn với việc quảng bá sản phẩm truyền thống đối với phát triển du lịch cộng đồng. HTX đã cùng với chị em trong tổ dệt cố gắng phấn đấu vươn lên, tận dụng lợi thế sẵn có để tạo ra những sản phẩm bền, đẹp thu hút khách du lịch. 

Bởi từ lâu huyện Mai Châu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Những sản phẩm từ hàng thổ cẩm của dân tộc Thái đã được trưng bày, giới thiệu và quảng bá với du khách nhiều hơn.

Những người phụ nữ dân tộc Thái Mai Châu gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch - Ảnh 3.

Những mét vải thổ cẩm đã được dệt hoàn chỉnh được treo trang trọng trên nhà sàn để du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Mùa Xuân.

Bên cạnh đó, để nâng cao tay nghề, đa dạng mẫu mã sản phẩm, các thành viên trong HTX đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm mới và kỹ thuật nhuộm màu tự nhiên, hoạt động Marketing. 

Tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại tổ chức ở các tỉnh thành trên mọi miền tổ quốc. Qua đó, tạo điều kiện để nắm bắt thị trường, xây dựng lô gô biểu tượng cho sản phẩm, đồng thời, HTX ký kết hợp đồng cung cấp hàng, tìm được nơi bao tiêu sản phẩm ổn định.

Để đáp ứng yêu cầu cho người tiêu dùng ở các nước, như Nhật Bản, Pháp, HTX luôn tìm tòi, sáng tạo ra nhiều mẫu mã chủng loại đẹp. Bình quân mỗi ngày HTX sản xuất được trên 50m vải thổ cẩm, các tấm vải được trang trí bằng những họa tiết hoa văn độc đáo, với nhiều màu sắc khác nhau.

Những người phụ nữ dân tộc Thái Mai Châu gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch - Ảnh 4.

Tấm thổ cẩm dệt lên xấu hay đẹp phụ thuộc vào sự khéo léo và khả năng sáng tạo của người phụ nữ Thái. Ảnh: Mùa Xuân.

Hiện nay, HTX đang hoạt động và sản xuất theo đơn đặt hàng là chủ yếu và tham gia các hội chợ tại tỉnh và các tỉnh, thành phố trên cả nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2020, sản phẩm quần áo, quà tặng thổ cẩm đã được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận OCOP đạt chuẩn 4 sao.

Theo bà Vì Thị Oanh, các sản phẩm chính mà HTX sản xuất ra bao gồm: Khăn dệt, khăn trải bàn, túi xách các loại, giầy dép, các loại bọc sổ, búp bê, thỏ, gấu bông, lót cốc, lót đĩa, đệm ngồi, gối và các loại quà lưu niệm…  Đây là những mặt hàng được HTX sản xuất và kinh doanh theo đơn đặt hàng của khách hàng. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Bình…

Nghề dệt thổ cẩm giúp phụ nữ dân tộc Thái có việc làm, thu nhập khá

Từ nghề dệt thổ cẩm HTX đã thu hút và tạo việc làm ổn định cho 21 lao động nữ có thu nhập bình quân từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tạo việc làm cho chị em không phải là thành viên của HTX, còn có hơn 25 chị em phụ nữ trên địa bàn xã cũng thường xuyên nhận hàng về nhà để tranh thủ những lúc nông nhàn tham gia dệt và cung cấp sản phẩm thô là nguyên liệu đầu vào cho HTX để tăng thu nhập cho gia đình.                

Là thành viên của HTX, bà Lò Thị Nguyệt, bản Sài Khao, xã Chiềng Châu, chia sẻ: Tôi bắt đầu biết dệt thổ cẩm khi tôi mới 16 tuổi; để biết dệt thổ cẩm như ngày hôm nay đều do tôi học từ bố, mẹ và các anh, chị em. Khi HTX thành lập tôi đã tham gia để cùng các chị em trong HTX chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau giữ gìn nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Thái chúng tôi.

Những người phụ nữ dân tộc Thái Mai Châu gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch - Ảnh 5.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống chứa đựng nhiều giá trị văn hoá độc đáo của cộng đồng người Thái ở huyện Mai Châu (Hòa Bình. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Hà Thị Khen, thành viên HTX, bộc bạch: Năm 2019, tôi tham gia HTX, tôi đã được học hỏi cách dệt, may… Trong đó, việc quan trọng nhất của tôi là may các sản phẩm túi, đồ lưu niệm từ thổ cẩm. Nhờ vậy, đã giúp bản thân tôi có thêm thu nhập ổn định, với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Bằng việc mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm vải thổ cẩm trên cơ sở những mô típ truyền thống, kết hợp với những nét hiện đại tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu đã và đang đồng hành cùng các thành viên phát triển bền vững nghề dệt thổ cẩm và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem