Nghệ An phòng chống thiên tai trong sản xuất nông nghiệp: “Cắt rốn nước” mùa mưa bão - Ảnh 1.

Sống tại làng Trung Thượng - vùng đất được coi là “rốn nước” của xã Hưng Tân, Hưng Nguyên, hầu như không năm nào gia đình ông Phan Chí Quốc không chịu cảnh ngập lụt. "Trong nhà thì nước vào đến tận thềm nhà, ao cá rộng gần 2 sào từng có năm cá trôi mất trắng, năm 2015 tôi phải đầu tư xây tường bao cao 1,5 m nên mới đỡ, nhưng ngoài đồng lúa nhiều năm đang làm đòng đã mất hết. Ở đây, chỉ cần mưa to một ngày đêm là nước ngập băng, có khi 7-10 ngày, thậm chí 15 ngày mới rút hết". - Ông Quốc cho hay.

Nghệ An phòng chống thiên tai trong sản xuất nông nghiệp: “Cắt rốn nước” mùa mưa bão - Ảnh 2.

Làng Trung Thượng - vùng đất được coi là “rốn nước” của xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vào mỗi thời điểm mưa lũ.

Xã Hưng Tân có trên 263 ha lúa, gần đây nhất, có những đợt mưa do hoàn lưu cơn bão làm cả vùng ngập trắng, 4 – 5 ngày sau mới tiêu hết, nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng nề. Vào mùa mưa, bara Bến Thuỷ và cống Hưng Tân thường đóng, trong khi nước từ vùng Nam Đàn đều chảy về đây. "Việc tiêu thoát phụ thuộc vào việc đóng mở cống bara Nghi Quang và thường rất chậm. Năm nay ảnh hưởng do mưa lụt chưa đáng kể, nhưng như năm ngoái, cũng tầm thời gian này mưa to gây ngập úng toàn bộ diện tích, vùng phía nam đường 12/9 tận 7- 10 ngày nước mới rút hết, đồng lúa đang làm đòng của làng Trung Thượng gần như mất trắng, những vùng khác mất từ 30- 50%". - Ông Phan Đăng Hà, giám đốc HTX NNDV môi trường xã Hưng Tân cho biết.

"Giải pháp về thuỷ lợi rất khó với khả năng của xã". - Ông Hà chia sẻ. Trước tình hình đó, Hưng Tân tập trung chỉ đạo bà con sản xuất né tránh thời vụ. Những vùng thấp trũng, khi thu hoạch vụ xuân đều giữ nước trong ruộng để gặt xong có thể làm đất và gieo cấy ngay, đồng thời sử dụng các giống lúa ngắn ngày. Toàn xã có khoảng gần 50% diện tích lúa vùng thấp trũng sẽ thu hoạch trước 30/8, tránh mưa lụt tiết bạch lộ.

img
img
img
img

Người dân Nghệ An thu hoạch lúa chạy bão. 

Mỗi vụ sản xuất, Hưng Nguyên gieo cấy khoảng 5.400 ha lúa, thì trong đó có gần 1.000 ha thường xuyên bị ngập lụt, tập trung ở xã Hưng Trung, một số xã vùng giữa như Hưng Tân, Hưng Xá, Châu Nhân, Hưng Lợi... Đây là những vùng chỉ cần lượng  mưa 150 ly là ngập và đặc biệt rút rất chậm.

Những năm gần đây, diện tích thường xuyên chịu ngập lụt trong vụ hè thu của huyện Nghi Lộc có xu hướng tăng, không những vậy thời gian nước rút ngày càng dài. Toàn huyện có tới gần 2.500 ha lúa ở các xã dọc Khe Cái và sông Cấm như Nghi Lâm, Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam, Nghi Mỹ, Nghi Phương... hễ mưa to là ngập lụt, ít cũng 3-4 ngày, nhiều thì 7-10 ngày nước mới rút hết. Nước thoát theo sông ra cống bara Nghi Quang rồi đổ ra biển. Nhưng không chỉ hệ thống kênh mương tiêu thoát nội đồng bất cập, mà ngay cả bara Nghi Quang cũng đã xuống cấp nặng nề, khả năng tiêu thoát kém. Không chỉ vậy, những năm gần đây, với việc phát triển các khu công nghiệp, nhiều tuyến đường được xây dựng, các diện tích vốn là "vùng chờ nước" ở Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Tiến... bị bồi lấp hết, không còn chỗ thoát, thời gian nước ứ đọng trên đồng ruộng càng bị kéo dài.  

Nghệ An phòng chống thiên tai trong sản xuất nông nghiệp: “Cắt rốn nước” mùa mưa bão - Ảnh 4.

Cắt rốn nước mùa mưa bãoNhững năm gần đây, lượng mưa phân phối không theo quy luật, nhiều trận mưa lớn và mạnh,  bão, lũ, triều cường cùng đồng thời xuất hiện, mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống làm cho các hệ thống thuỷ nông phải vận hành bơm tiêu liên tục, thời gian tiêu để trở lại mực nước trước khi mưa phải kéo dài từ 9 - 12 ngày. Thời kỳ mưa úng trùng với thời kỳ chân triều cao cũng bất lợi cho việc tiêu úng.

Nghệ An phòng chống thiên tai trong sản xuất nông nghiệp: “Cắt rốn nước” mùa mưa bão - Ảnh 5.

Trong khi đó, các công trình trạm bơm, cống đều được xây dựng từ lâu, một số công trình đã xuống cấp; việc đầu tư các công trình đầu mối không đồng bộ với hệ thống kênh mương dẫn đến hiệu quả thấp. Hệ thống kênh tiêu từ trục chính đến nội đồng bị xuống cấp nặng nề, tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng kênh và các hiện tượng bị bồi lắng, bèo rác, chất thải dồn về trước cửa tiêu gây ách tắc, cây cối mọc hai bên bờ cản trở dòng chảy khi có mưa úng còn tồn tại khá phổ biến.

Nghệ An phòng chống thiên tai trong sản xuất nông nghiệp: “Cắt rốn nước” mùa mưa bão - Ảnh 6.

Cùng với công tác thuỷ lợi, huyện Hưng Nguyên đã chủ động nhiều giải pháp để giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng bất lợi của mưa lụt đối với sản xuất nông nghiệp. "Những năm thời tiết bất thường, từ tháng 7, tháng 8 đã mưa bão thì không thể tránh được, buộc phải chấp nhận thiệt hại. Còn nếu bình thường, những diện tích thấp trũng của huyện đều cơ bản gieo cấy xong sớm và thu hoạch sớm". -  Ông Nguyễn Viết Hùng, Phòng Nông nghiệp huyện cho biết. Huyện chỉ đạo giữ nước, tập trung cơ giới hoá để thu hoạch vụ xuân và làm đất hè thu, đồng thời cơ cấu các giống lúa có thời gian sinh trưởng 90- 95 ngày. Hệ thống thuỷ lợi, kênh mương thường xuyên được nạo vét; huyện cũng chủ động nắm sát diễn biến mưa lũ để phối hợp điều tiết, khơi thông dòng chảy. Một số diện tích, Hưng Nguyên tập trung chyển đổi sang trồng những loại cây phù hợp hơn. Đặc biệt, huyện tạo điều kiện để các cá nhân, tập thể tích tụ ruộng đất, từ đó có điều kiện đầu tư về thuỷ lợi cũng như sản xuất đồng bộ, đúng thời vụ nhằm né tránh ảnh hưởng bất lợi của thời tiết tốt hơn.

img
img

Đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Nghệ An.

Những năm qua, Nghi Lộc cũng tập trung các giải pháp sản xuất né tránh nhằm giảm tác động bất lợi của mưa lụt. Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch UBND huyện, cơ bản diện tích dễ ngập lụt của huyện đều được gieo cấy sớm, sử dụng các giống lúa ngắn ngày để đảm bảo gặt trước khi mùa mưa bão đến. "Trừ những năm thời tiết diễn biến không theo quy luật, còn lại mưa lụt thường tập trung vào tháng 8. Cùng nỗ lực tiêu thoát nước, chúng tôi cũng chỉ đạo thu hoạch sớm, với phương châm xanh nhà hơn già đồng để đảm bảo an toàn cho lúa hè thu". - Ông Thọ cho hay.

img
img

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đi kiểm tra tình hình sản xuất, thu hoạch vụ lúa hè thu chuẩn bị ứng phó với bão.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức, chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh, những năm qua, các địa phương cùng Nam- Hưng – Nghi đều đã chủ động quy hoạch bố trí sản xuất lúa trên vùng đất chủ động tưới tiêu để đầu tư thâm canh. Tập trung đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhất là các loại giống mới, tiến bộ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; chuyển diện tích đất trồng lúa không chủ động tưới tiêu sang trồng lạc, ngô, rau và cỏ phục vụ chăn nuôi; những vùng trồng lúa bị ngập úng, năng suất thấp sẽ chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt, nhiều diện tích chủ động tưới tiêu nhưng có khả năng trồng rau màu cũng đã được chuyển sang trồng cây rau màu thâm canh để tăng giá trị thu nhập.

Nghệ An phòng chống thiên tai trong sản xuất nông nghiệp: “Cắt rốn nước” mùa mưa bão - Ảnh 9.

Nông dân thực hiện thay đổi cơ cấu mùa vụ thành những cây ngắn ngày để thích nghi với các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra tại miền Trung những năm gần đây.

"Những diện tích còn lại, thường bị ngập úng nhưng chưa có điều kiện chuyển đổi, phải tập trung đẩy sớm lịch thời vụ, có kế hoạch ngay từ vụ xuân để có thể đẩy thời vụ gieo cấy hè thu sớm nhất. Thu hoạch vụ xuân đến đâu, làm đất gieo cấy ngay đến đó; đồng thời sử dụng các loại giống ngắn ngày để đảm bảo gặt trước ngày 30/8, tránh mưa lụt cuối vụ". Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An khuyến cáo.

Ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cũng nhấn mạnh: “Hiện nay các tài liệu để hướng dẫn cho cộng đồng, các khu vực trong đó đặc biệt là khu vực miền Trung thường xuyên bị ngập lũ hay ảnh hưởng do bão đã có một cách bắt tay chỉ việc cũng như là hướng dẫn cho các cộng đồng, lực lượng xung kích tại cơ sở để triển khai thực hiện bài bản. Thế nhưng vẫn còn những khu cực còn chủ quan và chưa chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó. Chính những chủ quan này gây ra những thiệt hại đáng tiếc vì vậy việc chủ động trong phòng chống thiên tai ở các địa phương, nhất là miền Trung yêu cầu sự sát sao từ các cấp đến người dân từng địa phương”.

Phương Nga - Ngọc Hà

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem