Người đứng đầu Tòa án Hà Nội nói về điểm nổi bật khi xét xử vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC

Bách Thuận Thứ năm, ngày 22/12/2022 16:46 PM (GMT+7)
Chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội cho biết, vụ xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC và các cựu lãnh đạo Đồng Nai có nhiều điểm nổi bật.
Bình luận 0

Ngày 22/12, tại Hội nghị triển khai công tác ngành Tòa án năm 2023, Chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã nói về 4 điều nổi bật liên quan việc xét xử vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các bị cáo trong vụ án.

Thứ nhất, theo Chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, vụ án có 36 bị cáo, trong đó có 8 bị cáo bỏ trốn, trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn; vụ án có tới 65 luật sư đăng ký tham gia tố tụng.

Điểm nổi bật thứ hai đó là thời gian thụ lý vụ án rất ngắn. Theo ông Chính, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội thụ lý vụ án từ ngày 24/11, đến ngày 21/12 đã đưa ra xét xử.

Thứ ba, vụ án có 8 bị cáo vắng mặt trong giai đoạn trước khi khởi tố. Cuối cùng, điểm nổi bật nữa là sau khi phiên tòa sơ thẩm được khai mạc, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tiếp tục kêu gọi các bị cáo bỏ trốn ra đầu thú.

Cũng theo ông Chính, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã giải quyết rất nhiều vụ án lớn như vụ Trương Quốc Cường - cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, vụ án Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, vụ án Cao Minh Quang - cựu Thứ trưởng Bộ Y tế.

Người đứng đầu Tòa Hà Nội nói về  điểm nổi bật khi xét xử vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC - Ảnh 1.

Vụ xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị cáo liên quan theo Chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội có 4 điểm nổi bật. Ảnh: AIC

Về nội dung vụ án, cơ quan truy tố cáo buộc, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC – doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, cung cấp thiết bị.

Từ năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có quan hệ quen biết với Trần Đình Thành khi đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn gặp Trần Đình Thành (đã lên chức Bí thư Tỉnh ủy) và nhờ mời lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành ăn trưa để "giới thiệu Công ty AIC" tham gia các dự án của tỉnh.

Năm 2010, Bệnh viện Đồng Nai chuẩn bị thực hiện thủ tục bổ sung vốn đầu tư nhưng gặp khó khăn nên Trần Đình Thành gọi điện thoại cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đề nghị "giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương".

Sau đó, ông Thành còn giới thiệu Phan Huy Anh Vũ với nhân viên của bà Nhàn, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế do doanh nghiệp này có khả năng và "có công xin vốn cho tỉnh".

Do vậy, khi dự án Bệnh viện Đồng Nai đấu thầu, Công ty AIC đã trúng thầu dù dùng các báo giá nâng không lên từ 1,3 - 2 lần so với thực tế. Tổng cộng, nhóm doanh nghiệp của AIC trúng 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỷ đồng.

Theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, việc AIC nâng giá và trúng thầu đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 152 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan truy tố, để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem