Với đôi mắt mở to và nụ cười mỉm, búp bê Licca-chan được mệnh danh là "Barbie của Nhật Bản". Sức hấp dẫn của nó đang lan rộng đến mọi lứa tuổi. Nhiều người lớn tuổi thậm chí biến con búp bê của mình thành một siêu sao trên mạng xã hội ở đất nước mặt trời mọc.
Theo đó, có người chỉ đăng các video hài hước về Licca-chan cũng thu về hơn một triệu người theo dõi trên Instagram, trong khi những người khác tỉ mỉ may quần áo thu nhỏ và chia sẻ ảnh chụp thời trang của chúng.
Minami Murayama, một bà nội trợ 34 tuổi từng có tham vọng trở thành nhà thiết kế thời trang, cho biết: "Giấc mơ của tôi đã thành hiện thực dù nhỏ bé thôi" nhờ vào búp bê Licca-chan.
"Nếu tôi thấy một bộ trang phục sành điệu mà không thể mặc vì tuổi tác hoặc kích thước cơ thể, thì Licca-chan có thể diện nó một cách rất ổn" Murayama, người sở hữu khoảng 40 con búp bê và đã làm hơn 1.000 bộ trang phục cho những con búp bê của mình.
Người Nhật trưởng thành chơi búp bê sau đại dịch Covid-19
Licca-chan đã được trẻ em Nhật Bản yêu thích kể từ khi nó xuất hiện trong các cửa hàng đồ chơi vào năm 1967. Đến nay, nhà sản xuất Takara Tomy đã bán được hơn 60 triệu con búp bê.
Theo tiểu sử chính thức của công ty thiết kế, Licca-chan là một cô bé 11 tuổi có mẹ là nhà thiết kế người Nhật và cha là nhạc sĩ người Pháp. Với chiều cao 22 cm, Licca-chan nhỏ và không quyến rũ như Barbie. Theo Murayama, Barbie trông như "siêu mẫu" chứ không "quen thuộc" như Licca-chan.
Murayama dành hàng giờ mỗi ngày để may quần áo cho búp bê của mình và yêu thích chất liệu denim, thứ mà chồng cô đã giúp cô tẩy và xé để có được vẻ ngoài "bụi bặm". Cô đã xây dựng một loạt các bối cảnh phức tạp, sử dụng các đạo cụ nhỏ để trang trí các quán cà phê mini và studio thời trang.
"Có rất nhiều công việc khác nhau mà tôi muốn làm, chẳng hạn như điều hành một quán cà phê, một tiệm bánh hay trở thành một nhà thiết kế thời trang. Tất nhiên, không đời nào tôi có thể làm tất cả chúng trong đời thực, nhưng tôi có thể làm tất cả chúng trong thế giới búp bê", cô nói.
Murayama cũng là người hâm mộ của kênh truyền thông xã hội nổi tiếng có tên được dịch là "Cuộc sống của Licca-chan". Trang web này có các video và hình ảnh Licca-chan đang "vật lộn" với các tình huống đời thường như đi đổ rác hoặc thư giãn ở nhà trong bộ đồ ngủ.
Trang mạng xã hội này đưa búp bê Licca-chan sống một cuộc sống rất thật và không lý tưởng hóa mọi thứ. Người tạo ra nó sở hữu 1 triệu người theo dõi, nhưng vẫn ẩn danh để tránh gặp rắc rối ngoài đời thực.
""Cuộc sống của Licca-chan" không hào nhoáng — cô ấy sống một cuộc sống thực trong một căn phòng bừa bộn và dĩ nhiên, cô ấy cũng gặp những khó khăn như bao người khác. Nếu bạn cho mọi người thấy rằng ngay cả một người như Licca-chan cũng sống như vậy, điều đó sẽ mang lại cho họ can đảm để thoải mái với chính mình", chủ sở hữu trang mạng xã hội cho biết.
Mạng xã hội này đã tạo được thiện cảm với người hâm mộ trưởng thành của Licca-chan, những người thành lập một cộng đồng trực tuyến và trao đổi quần áo và phụ kiện tự chế.
Ryoko Baba, một nhà thiết kế đồ họa 33 tuổi, đã chơi với Licca-chan khi còn nhỏ và khơi dậy sở thích của cô ấy khoảng hai năm trước như một cách để giảm bớt căng thẳng.
Cô cho rằng những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đã khiến mọi người có nhiều thời gian hơn để ở nhà với những sở thích của họ khi ít có khả năng ra ngoài.
"Khi bạn muốn ra ngoài nhưng không thể, bạn sẽ có ít cơ hội hơn để mua quần áo mới", cô nói.
Bộ sưu tập búp bê Licca-chan của Ryoko Baba. Ảnh: AFP-JIJI
Nhiều người đã "thỏa mãn mong muốn đó bằng cách mặc quần áo cho búp bê", Baba cho biết. Cô cũng thường may trang phục cho búp bê từ tủ quần áo cũ của chính mình.
Takara Tomy nhận thức được lượng người hâm mộ lớn tuổi của mình và đã tung ra một "bộ sưu tập búp bê sành điệu" nhắm đến họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.