Gặp người 70 năm “thổi hồn” tà áo dài truyền thống
Người phụ nữ 70 năm “thổi hồn” tà áo dài truyền thống
Chủ nhật, ngày 07/02/2021 15:28 PM (GMT+7)
Dù đã 81 tuổi, nhưng cụ bà Lê Thị Quyến, chủ tiệm áo dài Vinh Trạch nổi tiếng 4 đời trên con phố Lương Văn Can (Hà Nội) là minh chứng sâu đậm cho việc kế thừa và tôn vinh tà áo dài truyền thống.
Sinh ra tại làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội trong một gia đình có tiếng về truyền thống may áo dài, ngay từ năm 12 tuổi, cụ bà Lê Thị Quyến đã bắt đầu học nghề và theo cha đi may áo dài khắp các phố phường Hà Nội. Sau đó, bà đã tự mở tiệm may áo dài mang tên Vinh Trạch trên phố Lương Văn Can. Đây cũng là một trong số những tiệm may áo dài đầu tiên trên con phố này.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng trên khuôn mặt cụ bà Lê Thị Quyến vẫn luôn nở những nụ cười hạnh phúc vì trong suốt 70 năm qua, bà đã “thổi hồn” vào hàng nghìn tà áo dài truyền thống, và dù là người Việt Nam hay nước ngoài, những sản phẩm làm ra từ chính đôi tay của bà vẫn luôn chiếm được trọn vẹn trái tim của khách hàng.
Tự mình tư vấn, cắt may và khâu từng đường kim, mũi chỉ cho tà áo dài truyền thống, bà Quyến chia sẻ: "70 năm qua tôi vẫn luôn cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đối với tôi, may những tà áo dài truyền thống không chỉ đơn thuần là nghề mưu sinh, mà còn là đam mê, là cái nghiệp trời ban từ thế hệ này qua thế hệ khác của gia đình”.
Hiện nay, bà Lê Thị Quyến chính là hậu duệ đời thứ 4 trong gia đình. Bà kể, sinh thời, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng của làng may Trạch Xá, những năm Pháp thuộc, cuộc đời đưa đẩy ông cụ thân sinh bà cùng gia đình ra Hà Nội kiếm sống. Đầu những năm 50, bà bắt đầu được cha cho phụ việc. Thời ấy, chưa có sẵn những tiệm quần áo như bây giờ. 12 tuổi, khoác trên vai một chiếc bồ đà, bà theo cha đi khắp những phố phường để may đo cho gia chủ. Thế rồi bằng sự tinh tế, khéo léo của mình, chẳng mấy chốc, dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào không tiểu thư tân thời nào là không biết đến tay nghề của bà.
Sau này, khi đất nước hòa bình, nghề may áo dài truyền thống được bà Quyến mang theo về Hợp tác xã may đo Dân Chủ. Cũng nhờ nghề may áo dài truyền thống mà bà đã nên duyên với người bạn đời là ông Lê Thành Vinh - một thợ may áo dài có tiếng cùng làng Trạch Xá. Đến những năm 90, khi đất nước xóa bỏ bao cấp thì hiệu áo dài Vinh Trạch của bà là một trong những hiệu đầu tiên được mở trên phố Lương Văn Can.
Ngày nay, dù không quảng bá sản phẩm ở bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào nhưng mỗi ngày, cửa hàng của bà vẫn nhận được rất nhiều đơn đặt may của khách hàng từ Hà Nội và khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, số lượng người nước ngoài biết đến danh tiếng của bà cũng rất lớn.
Giải thích cho sự đắt khách này, bà Quyến bồi hồi nói: “Cả đời tâm huyết với tà áo dài truyền thống nhưng tôi vẫn phải học thêm cả những kỹ thuật cắt may hiện đại. Mình luôn luôn phải thay đổi theo thị hiếu khách hàng, và cứ từ người này truyền tai người kia, dần dần tiếng lành đồn xa, ắt khách hàng sẽ tự tìm đến”.
Mong muốn nghề may áo dài truyền thống của gia đình mãi mãi được gìn giữ, bà Quyến đã truyền nghề cho cả 7 người con. Các con của bà đều có thể tự mình hoàn thiện một chiếc áo dài truyền thống tinh xảo.
Hiện nay, 7 người con của bà Lê Thị Quyến đều quay về với nghề may áo dài truyền thống. Mỗi người có một tiệm may, cửa hàng riêng.
Những mẫu áo dài với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại giúp cho tiệm may thương hiệu Vinh Trạch vẫn luôn được nhiều người biết đến và lựa chọn.
Chị Lê Thu Hằng cho biết: “Mẹ tôi vẫn luôn dặn, làm nghề này phải kiên trì, tỉ mỉ, có tâm, mới giữ được thương hiệu lâu dài”.
Cũng theo chị Hằng, trước đây phụ nữ hay mặc áo dài hơn bây giờ. Kể cả người đi bán trứng, bán hoa, bán rau cũng mặc áo dài. Tuy nhiên những người này thường mặc tông màu nâu và được buộc vạt phía trước. Phần sau áo được chia thành 4 phần rõ nét nhưng tông màu chỉ có phần hơi khác biệt về độ đậm nhạt mà không xanh đỏ như bây giờ. Còn những người đi làm và giới tiểu thư khuê các thì thường mặc áo dài cổ cao, liền vai.
Được biết, một chiếc áo truyền thống thương hiệu Vinh Trạch có giá dao động từ 700.000 - 1.500.000 đồng, tùy theo chất vải.
Với gia đình bà Lê Thị Quyến, nghề may áo dài truyền thống là những thứ thiêng liêng nhất cha ông để lại, dù xu hướng thời trang có thay đổi thế nào thì những tà áo dài truyền thống vẫn sẽ luôn trường tồn và mang một dáng vẻ, nét độc đáo riêng. “Áo dài là một phần văn hóa nói lên nhân quan và gói trọn tinh thần dân tộc Việt”. Bà Quyến khẳng định.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.