Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai đang rất bức thiết. Đứng trước tình trạng nhiều cán bộ chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế nhất là tại các địa phương và đặc biệt là tại cấp xã, thôn. Đòi hỏi các trường Đại học, các cơ sở đào tạo phải có một chiến lược bài bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về một nguồn nhân lực PCTT chất lượng cao.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết, thiên tai thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan. Đặc biệt trong những năm gần đây, các vùng miền trong cả nước đã xuất hiện nhiều loại hình thiên tai bất thường như bão mạnh, siêu bão; mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, rét đậm, rét hại ở phía Bắc; lũ chồng lũ và sạt lở đất rất nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung; hạn hán kéo dài ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên; xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền ở Đồng bằng sông Cửu Long; sạt lở ngày càng tăng ở bờ sông, bờ biển,...
Video Đào tạo nguồn nhân lực PCTT, nhu cầu bức thiết
Với quy mô dân số lớn và nền kinh tế ngày một phát triển của nước ta, thiên tai đã và đang là một yếu tố tiêu cực tác động một cách mạnh mẽ, sâu rộng đến đời sống thường nhật của người dân, làm đình trệ việc sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gây rủi ro tới quốc phòng - an ninh và tính mạng, sức khỏe của cộng đồng,môi trường sinh thái. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai một cách hiệu quả thì đội ngũ nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai đòi hỏi phải chuyên nghiệp, chất lượng cao, kiến thức sâu rộng, tổng hợp cả về chuyên môn, kỹ thuật lẫn kiến thức văn hóa xã hội đảm bảo phù hợp với đặc thù từng vùng miền trên phạm vi cả nước.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực Phòng chống thiên tai luôn được các Bộ, ngành hết sức quan tâm.
Đây cũng là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước ta chú trọng thể hiện qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phòng, chống thiên tai như: Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai cũng đã nêu: "Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp từ Trung ương đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ"; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã nêu: "Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở. Nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới"; và gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã nêu một trong những định hướng phát triển nước ta trong giai đoạn 2021-2030 là: "Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên" và "Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội".
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai còn thiếu, nhiều cán bộ chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế nhất là tại các địa phương và đặc biệt là tại cấp xã, thôn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho công tác này.
Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo các ngành học thuộc lĩnh vực phòng, chống thiên tai như Thủy văn học, Kỹ thuật tài nguyên nước, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Kỹ thuật xây dựng công trình biển, Quản lý giảm nhẹ thiên tai,…ở các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và các chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn về phòng, chống thiên tai cho cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn từ trung ương đến địa phương. Trong đó cần chú trọng cập nhật, bổ sung những kiến thức, công nghệ mới tiên tiến trên thế giới vào chương trình như các công nghệ viễn thám, quan trắc khí tượng, thủy văn tiên tiến; công nghệ dự báo bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất…; công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… Bên cạnh đó cũng cần cập nhật những quy định mới của Nhà nước về phòng, chống thiên tai và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống thiên tai của ngành và nhân dân trong những năm qua.
Thứ hai, cần chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên lĩnh vực phòng, chống thiên tai trong đó ưu tiên việc cử các giảng viên này đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước tiên tiến có nền khoa học kỹ thuật, công nghệ phòng, chống thiên tai phát triển, điển hình như Hà Lan, Mỹ, Nhật, Úc,…
Thứ ba, các cơ sở đào tạo cần đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học các ngành thuộc lĩnh vực phòng, chống thiên tai trong đó ưu tiên đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại, thư viện số, thậm chí xem xét xây dựng bảo tàng về phòng chống thiên tai; bên cạnh đó là liên tục cập nhật sử dụng các phần mềm, ứng dụng khoa học công nghệ cao, tiên tiến nhất là trong dự báo, mô phỏng lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, phân tích dữ liệu lớn…
Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức vô cùng quan trọng, để khi có thiên tai, bão lũ, các đơn vị tại địa phương luôn sẵn sàng với phương châm 4 tại chỗ, ứng cứu được ngay.
Thứ tư, cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế. Để nâng cao chất lượng đào tạo nhất là ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, các cơ sở đào tạo đại học cần thiết phải tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu. Các trường đại học, viện nghiên cứu cần tích cực chủ động đề xuất các đề tài nghiên cứu về các bài toán dự báo lũ, lụt, hạn hán, sạt lở đất, xâm nhập mặn…; đề xuất các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cho các vùng xảy ra thiên tai ở nước ta. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viên nghiên cứu của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật, trao đổi giáo viên, sinh viên hoặc các chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học.
Thứ năm, Thực tế trong vài năm gần đây, các cơ sở đào tạo đại học rất khó tuyển được sinh viên cho các ngành thuộc lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Do đó, cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các cơ sở đào tạo về lĩnh vực phòng chống thiên tai và đặc biệt là trường Đại học Thủy lợi thông qua chính sách đặt hàng đào tạo; cơ chế đặc thù để thu hút, tăng tính hấp dẫn đối với học viên, sinh viên đối với lĩnh vực này như chế độ lương, chế độ làm việc, chế độ đào tạo, bồi dưỡng,...
Thứ sáu, các cơ quan của trung ương và địa phương trong lĩnh vực phòng chống thiên tai cần quan tâm bố trí kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và được thực hiện thường xuyên, hàng năm để củng cố đội ngũ cán bộ phòng, chống thiên tai hiện có; tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các khóa đào tạo chuyên đề theo từng nhóm đối tượng: cán bộ quản lý, cán bộ xây dựng chính sách, pháp chế thanh tra, cán bộ kỹ thuật quản lý công trình, cán bộ truyền thông nâng cao nhận thức,…
Đối với riêng Trường Đại học Thủy lợi sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo chính khóa từ trình độ đại học đến tiến sĩ phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực PCTT cho cả nước và khu vực; Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Phòng chống thiên tai, các Cục, Vụ chức năng tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu để đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là tại cơ sở; tăng cường đầu tư nguồn lực và cơ sở vật chất xây dựng trung tâm đào tạo – bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu đáp ứng yêu cầu PCTT giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2040.
Thiên tai sẽ không ngừng đe dọa, ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng, tài sản, môi trường sống, sản xuất, kinh doanh của xã hội, tác động đến các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của đất nước. Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác phòng chống thiên tai là nhu cầu cấp thiết và để hiện thực hóa mục tiêu này các bộ, ban, ngành, các cơ quan tại trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo cần thiết phải đổi mới, phải thực hiện tổng hợp đa giải pháp, đầu tiên là thu hút nguồn nhân lực sau đó là tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ một cách bài bản, chuyên nghiệp và liên tục./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.