Nhìn từ vụ giải cứu hổ ở Nghệ An: Cần gắn chíp, nhận dạng 300 cá thể hổ bị nuôi nhốt ở Việt Nam!

Lam Anh - Văn Hoàng Chủ nhật, ngày 08/08/2021 13:54 PM (GMT+7)
Trước rất nhiều ý kiến bất bình về việc nuôi nhốt hổ trái phép làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn hổ ở Việt Nam, PV Dân Việt đã trò chuyện với chuyên gia của WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên), là tổ chức bảo tồn hàng đầu thế giới, có Văn phòng hoạt động ở Việt Nam từ nhiều năm qua.
Bình luận 0

 Đường vào "hang hổ" khét tiếng vừa bị Công an Nghệ An triệt phá. Clip: Dân Việt.

Theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Quản lý Chương trình Chống Buôn bán các loài Hoang dã thuộc WWF - Việt Nam, ước tính nước ta có 300 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt trong số khoảng 8.000 cá thể khác đang bị nuôi nhốt tại trên dưới 300 cơ sở ở châu Á.

Gánh nặng nuôi nhân đạo đàn hổ… đến cuối đời!

Bà Vân cho biết: vụ việc 8/17 cá thể hổ chết sau "giải cứu" và 9 cá thể khác đang có thể trạng yếu là sự việc rất đáng tiếc. Đây là bài học cho chúng ta về công tác cứu trợ động vật sống trước, trong và sau quá trình phá án, cứu hộ của các cơ quan chức năng. 

Nhưng cũng rất khâm phục và đáng khích lệ tinh thần trách nhiệm, đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này của các chiến sỹ Công an tỉnh Nghệ An (và lực lượng liên ngành) khi trong 3 ngày phá 3 vụ án lớn liên quan đến buôn bán động vật hoang dã, cụ thể là tịch thu 24 cá thể hổ, 4 cá thể tê tê ở hai huyện Diễn Châu và Yên Thành (tỉnh Nghệ An).

Vụ giải cứu hổ ở Nghệ An: Cần gắn chíp, nhận dạng 300 cá thể hổ bị nuôi nhốt! - Ảnh 2.

Hổ được nuôi nhốt tại khu vực Tam Giác Vàng (biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar. Ảnh: Lam Anh

Các vụ nuôi nhốt hổ ở Việt Nam được triệt phá vừa qua mới chỉ là phần nổi của tảng bằng chìm trong nuôi nhốt hổ trái phép. 

Theo ước tính của WWF - Việt Nam, với tổng khoảng 300 cá thể hổ tại các cơ sở nuôi nhốt, Việt Nam cần ngay lập tức rà soát, kiểm tra và kiểm đếm lại toàn bộ hổ ở các cơ sở hiện có, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về hổ nuôi nhốt thông qua việc gắn chip điện tử, thu thập mẫu gen và chụp ảnh nhận dạng sọc vằn đặc trưng của từng cá thể. 

Từ đó, có thể truy xuất nguồn gốc của các cá thể hổ bị tuồn ra thị trường đen và ngăn chặn các cơ sở nuôi nhốt hổ tiếp tay cho thị trường này. Cũng cần đóng cửa ngay lập tức tất cả các cơ sở nuôi nhốt hổ bất hợp pháp hoặc có dấu hiệu tiếp tay cho buôn bán hổ bất hợp pháp.

Với tâm huyết của mình, WWF - Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị rằng cần xây dựng các quy trình rõ ràng về xử lý, bảo vệ hổ sống trước, trong và sau khi bị bắt giữ, cứu hộ ở Việt Nam, kể cả việc chuyển giao cho những trung tâm cứu hộ có uy tín (không cho phép sinh sản). 

Lấy các mẫu nhận dạng từng cá thể để có thể so sánh với cơ sở dữ liệu hiện có, và tiếp tục theo dõi để đảm bảo rằng những cá thể hổ này không bị đưa trở lại thị trường bất hợp pháp.

Cần tập trung nỗ lực vào việc khuyến nghị Việt Nam chấm dứt ngay lập tức việc nuôi hổ sinh sản không đóng góp cho bảo tồn và có lộ trình đóng cửa những trang trại hổ này để không tạo gánh nặng cho quản lý nuôi nhân đạo chúng… đến cuối đời.

Vụ giải cứu hổ ở Nghệ An: Cần gắn chíp, nhận dạng 300 cá thể hổ bị nuôi nhốt! - Ảnh 3.

Việt Nam cần ngay lập tức rà soát, kiểm tra và kiểm đếm lại toàn bộ hổ ở các cơ sở hiện có, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về hổ nuôi nhốt thông qua việc gắn chip điện tử, thu thập mẫu gen và chụp ảnh nhận dạng sọc vằn đặc trưng của từng cá thể. Trong ảnh là một cá thể hổ bị sát hại bất hợp pháp. Ảnh: CTV.

Đang nỗ lực với sáng kiến tái thả hổ vào rừng Việt Nam

Bà Vân nhấn mạnh: Có bằng chứng cho thấy những cơ sở nuôi nhốt hổ chỉ hướng đến mục tiêu lợi nhuận từ việc nuôi hổ thương mại, hủy hoại nỗ lực bảo tồn và thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp trên phạm vi toàn cầu.

Chính việc buôn bán, "rò rỉ" các sản phẩm từ hổ của các cơ sở này ra thị trường tiêu thụ làm phức tạp hóa việc phân biệt và ngăn chặn buôn bán các sản phẩm từ hổ hoang dã. Gây khó khăn cho công tác thực thi pháp luật, đồng thời tiếp tay cho thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên lục địa. 

Đây là loại hình tội phạm lớn thứ 4 trên thế giới, chỉ đứng sau buôn bán vũ khí, buôn ma túy và tội phạm buôn bán người.

Sự lớn mạnh của loại thị trường buôn bán các loài hoang dã, với chân rết "cài cắm" ở khắp các lục địa đã đẩy nhiều loài thú quý hiếm đến kết cục tuyệt chủng, hoặc sát bờ tuyệt chủng như: Tê giác một sừng Java, Hổ Đông Dương, Voi châu Á, Sao la, Sếu đầu đỏ,... 

Những loài trên đã một thời là niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam giờ đây hoặc không còn, hoặc còn rất mong manh.

Vụ giải cứu hổ ở Nghệ An: Cần gắn chíp, nhận dạng 300 cá thể hổ bị nuôi nhốt! - Ảnh 4.

Các đối tượng chào bán da hổ tại chính khu vực thôn Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành mà cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vừa giải cứu 17 cá thể hổ trưởng thành. Ảnh: CTV

WWF vẫn đang nỗ lực với sáng kiến tái thả hổ về tự nhiên tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chặng đường này không ngắn và không dễ đi. Và càng không thể đi một mình. 

Nhưng có một con đường tắt mà sự đồng lòng có thể tạo ra khi người đứng đầu các Chính phủ cam kết đưa loài hổ về với tự nhiên vào chương trình ưu tiên của mình.

Nếu không ai mua, không ai tiêu dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã thì sẽ không có bất cứ một con thú nào bị săn, bị nuôi nhốt, bị đối xử tàn tệ, phải giải cứu, và bị chết tức tưởi như vụ việc hiện nay.

"Thực hiện các công việc trên, đó không chỉ là việc tuân thủ pháp luật của chúng ta, mà còn là lòng trắc ẩn của đối với muôn loài, hoặc ít nhất cũng là lòng trắc ẩn với chính bản thân mình. Vì chắc chắn rằng con người không muốn và không thể sống một mình trên trái đất… (mà không có muôn loài với đa dạng sinh học như vốn có)" - bà Nguyễn Đào Ngọc Vân tâm huyết chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem