Từ vụ 8/17 cá thể hổ chết: 4 nguyên nhân có thể khiến “Chúa sơn lâm” vĩnh viễn không thức dậy

Lam Anh - Văn Hoàng Chủ nhật, ngày 08/08/2021 08:52 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ 8/17 cá thể hổ tại huyện Yên Thành (Nghệ An) chết ngay sau khi được giải cứu, Phóng viên Dân Việt trao đổi nhanh với ông Trần Hiền, Trưởng phòng Truyền thông Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE).
Bình luận 0

Là một người được đào tạo cả trong lĩnh vực bảo tồn và truyền thông, ông Hiền chia sẻ một số nhận định về những nguyên nhân có thể dẫn đến hổ chết trong quá trình tịch thu hổ bị nuôi nhốt trái phép sau khi tham vấn ý kiến từ nhiều chuyên gia trong ngành khác nhau, rất đáng để tất cả chúng ta lưu tâm.

Các lỗi có thể có trong tịch thu, cứu hộ; các loại "bệnh nền" của đàn hổ bị cầm tù "ngục tối"?

Là người theo dõi rất sát sao vụ việc 8/17 cá thể hổ ở Nghệ An bị chết sau khi tịch thu. Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc hổ bị chết?

Ông Trần Hiền: Việc xác định nguyên nhân cái chết của 8 con hổ này vẫn đang được các bên điều tra và chưa có kết quả công bố chính thức. Tuy nhiên, đứng trên góc độ bảo tồn khi tham khảo ý kiến từ các chuyên gia có kinh nghiệm từ thú y cho đến cứu hộ, có thể việc 8 con hổ chết đến từ 1 hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp dưới đây.

Thứ nhất: Có thể trước khi 17 con hổ này được giải cứu, người bán đã có ý định bán đi các con hổ này cho nên trước đó họ đã nhồi nước hoặc các thực phẩm khác nhau vào trong cơ thể nhằm kích trọng, tăng giá trị giao dịch trái phép mang đi bán lại hoặc nấu cao. Đã từng có những cuộc giải cứu trước đây cho thấy nhiều trường hợp đưa về trung tâm cứu hộ không thể ăn uống gì, vài ngày sau tử vong. Khi khám nghiệm, mổ ra cho thấy trong xác hổ bấy giờ toàn nước và thực phẩm không tiêu được, cơ quan nội tạng đã hỏng hết, mắc chứng béo phì, tim cũng có vấn đề. Bạn cũng có thể dễ dàng thấy qua hình và video báo chí 17 con hổ này có cơ thể và trọng lượng rất lớn, thậm chí có còn có sự mô tả "mập như heo", không nhiều con có khả năng đi lại bình thường, thường trong trạng thái nằm mệt mỏi.

Vụ 8/17 cá thể hổ chết: 4 nguyên nhân khiến 8 “Chúa sơn lâm” vĩnh viễn không thức dậy - Ảnh 1.

Một trong 17 cá thể hổ trưởng thành cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An tịch thu tại hai hộ dân nuôi nhốt trái phép ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: CTV

Các vấn đề về sức khỏe của hổ nuôi nhốt đều có liên quan đến chế độ dinh dưỡng của hổ. Hổ nuôi nhốt thường xuyên bị béo phì, bệnh răng miệng, mất cân bằng Can-xi (Calci) hoặc Phốt-pho (Phospho) dẫn đến các bệnh về xương khớp, nền chuồng không phù hợp dẫn đến các bệnh về nệm, móng chân, các hội chứng bệnh về đường tiết niệu trên họ nhà mèo như tắc nghẽn niệu quản và niệu đạo. Ngoài ra hổ cũng có thể bị bệnh thận, phổ biến nhất là viêm thận kẽ mạn tính. Hổ cũng mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về gan. Những điều này chủ yếu là do chế độ ăn, sự căng thẳng kéo dài.

Thứ hai: Quá trình gây mê có thể là một trong những nguyên nhân có thể tính đến. Ví như: gây mê trong khi không cân được trọng lượng hoặc dù biết được trọng lượng rõ ràng nhưng bắt buộc lực lượng chức năng ngay tại thời điểm đó phải tiêm liều vượt quá số ký để đảm bảo quá trình cứu hộ chuyển giao được diễn ra an toàn, không gây hại cho người dân nếu bất chợt hổ tỉnh dậy. Nhưng khi đánh đổi điều này, dễ dẫn đến việc hổ bị sốc do quá liều dẫn đến tử vong. Gây mê là quá trình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hổ, cần được theo dõi sát sao trong suốt quá trình gây mê, nếu có bất cứ biến chứng nào phải có sự can thiệp kịp thời.

Thứ ba: Thời gian, chuẩn bị và cách thức vận chuyển: Có thể vì tính chất hành động bắt gọn và thu giữ diễn ra quá nhanh sao cho các đối tượng trở tay không kịp, điều này vô tình dẫn đến các cơ quan khác nhau không thể chuẩn bị chu toàn hoặc còn thiếu kinh nghiệm chuẩn bị, dẫn đến thiếu vật tư, xe cộ vận chuyển, chuyên gia có kinh nghiệm đi cùng. Hổ là động vật hằng nhiệt, do đó nếu thời điểm vận chuyển hổ rơi vào lúc nóng đỉnh điểm, kèm nhiệt độ tích tụ trên thùng xe khi tấm bạt phủ tăng lên, hoặc còn do dùng/phủ miếng che đầu khiến hổ đang trong trạng thái bị gây mê sẽ không thể tự làm hạ nhiệt cơ thể qua việc hô hấp bình thường, khó thở, điều này cũng có thể góp phần vào nguyên nhân gây tử vong đáng tiếc.

Thứ tư: Cơ sở tiếp nhận không đủ thiết bị y tế và chuyên gia có kinh nghiệm khám chữa cho hổ sau cứu hộ. Việc cứu hộ và chữa trị cho hổ sau cứu hộ là việc hết sức khó khăn không phải bên nào cũng có đủ điều kiện thực hiện. Bởi sau gây mê và tỉnh dậy ở nơi lạ, hổ có thể bị stress, bỏ ăn, dư chấn sau vận chuyển, gây mê v.v… rất dễ dẫn đến tình trạng suy kiệt rồi chết. Do đó, rất cần 1 lượng nhân sự giàu kinh nghiệm chăm sóc, túc trực kiểm tra 24/7. Như bạn có thể thấy, nơi tiếp nhận là Khu du lịch sinh thái Mường Thanh (xã Diễn Lâm, H.Diễn Châu), chứ không phải là trung tâm cứu hộ, chưa rõ khả năng cứu hộ và thú y như thế nào. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể quy trách nhiệm hết về nơi đây, bởi họ cũng chỉ là nơi hỗ trợ lực lượng chức năng thu nhận cứu hộ trong thời gian cấp bách này.

Vụ 8/17 cá thể hổ chết: 4 nguyên nhân khiến 8 “Chúa sơn lâm” vĩnh viễn không thức dậy - Ảnh 3.

Các cá thể hổ vừa bị tịch thu đều có trong lượng trên 200kg. Ảnh: CTV

Cứu hộ động vật hoang dã là vấn đề chưa từng là dễ dàng

Hổ chết là điều rất đáng buồn và tiếc nuối. Vậy chúng ta nên làm gì trong lúc này?

Ông Trần Hiền: Theo tôi, tuyệt đối không đưa ra bất cứ kết luận nào sai lệch khi chưa có kết quả điều tra hoặc khám nghiệm từ cơ quan chức năng. Đây có thể xem cũng là một trong những nỗ lực từ các cơ quan chức năng giải quyết tình trạng mua bán, săn bắt, nuôi nhốt hổ trái phép đã diễn ra rất lâu rồi tại Nghệ An. Nếu có thiếu sót thì đây cũng là điều các bên phải rút kinh nghiệm và cải thiện khi hành động nhanh về sau, chúng ta hãy đợi và theo dõi tình tiết như thế nào.

Tránh đánh đồng tất cả các tổ chức cứu hộ trong vấn đề này, điều này sẽ ảnh hưởng đến các công sức mà các tổ chức bảo tồn hiện đã và đang thực hiện nhiệm vụ.

Tuyệt đối không mua, sử dụng trái phép các sản phẩm từ hổ hay bất kỳ loài động vật hoang dã khác. Việc bạn mua, sử dụng sẽ vô tình làm tiền đề cho nạn buôn lậu, mua bán, săn bắt trái phép diễn ra càng phức tạp hơn, gây khó khăn hơn cho lực lượng chức năng truy lùng và xử lý tang vật lẫn cứu hộ. Chưa kể, sẽ còn dẫn đến tình trạng các con vật bị nuôi nhốt và chết cực kỳ thương tâm bởi mắc các bệnh khác nhau. Chúng ta không vô can trước cái chết của những con vật nếu tiếp tục sử dụng.

CHANGE là đối tác chính thức của WildAid - Tổ chức quốc tế danh tiếng về bảo vệ động vật hoang dã. CHANGE đã vinh dự nhận giải thưởng "Tổ chức môi trường xuất sắc nhất Việt Nam năm 2017".

Như bạn có thể thấy, việc cứu hộ các loài ĐVHD chưa từng là vấn đề dễ dàng, cần rất nhiều sự hỗ trợ về tài chính, nhân lực có kinh nghiệm và tinh thần. Hỗ trợ các tổ chức bảo tồn, trung tâm cứu hộ để san sẻ cũng như giảm áp lực tài chính của các bên thường xuyên, giúp cho các con vật được chăm sóc trong điều kiện tốt hơn, hỗ trợ chi phí tái thả… Điển hình nhất có thể nhắc đến vụ việc 7 cá thể hổ con vụ bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép vào ngày 1/8 cũng tại Nghệ An vừa qua. 7 cá thể hổ con này đang được chăm sóc tại trung tâm cứu hộ của tổ chức Save Vietnam’s Wildlife (SVW). Các cá thể này đều còn rất nhỏ, khoảng 1-1,5 tháng và cần được uống 6 lần/ ngày. Vậy nên cứ đều đặn sau 4 tiếng, là các anh chị trong nhóm chăm sóc và thú y lại cho hổ con uống 100 ml sữa. Trung bình một ngày, 7 cá thể hổ con uống hết 1 kg sữa bột, tương đương với mức chi phí là 50 đô la- khoảng gần 1.200.000 VNĐ tiền sữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem