Nhớ thương nồi đất xứ Đô Lương

Về với Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, những ngày này, khi nhiều áng khói tỏa trên những mái nhà lúp xúp ở đây, thật đẹp và giầu chất thơ. Và nó cũng là nét đặc trưng của làng nghề làm nồi đất xứ Nghệ, nơi mà tương truyền, chỉ có bàn tay người phụ nữ mới có thể tạo ra những chiếc nồi đất đẹp nhất.

Đỏ lửa làng nghề nồi đất Trù Sơn. Video: Mỹ Phan

Tương truyền, nghề làm nồi lại có nguồn gốc từ huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Thuở xưa, có người con gái ở nơi đó rất siêng năng lại dịu hiền về Trù Sơn làm dâu. Cô được mẹ đẻ bí mật truyền cho nghề làm nồi đất. Chính vì thế, hầu hết những "tay nghề" khéo nhất ở đây, đều là phụ nữ.

Để có được loại đất ưng ý về làm gốm, người Trù Sơn phải xuống xã Nghi Văn (Nghi Lộc) và lên xã Sơn Thành (Yên Thành) để lấy loại đất sét có màu đỏ, dẻo, thích hợp cho việc làm gốm.


img
img
img
img

Những nghệ nhân cao tuổi cũng là những phụ nữ của làng.

 

Đất đã nhồi kỹ sẽ được người thợ cho lên bàn xoay để tạo hình dáng thô sơ ban đầu. Khi đã làm xong phần thô, những chiếc nồi sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại cho thật trơn và đem đi phơi nắng trước lúc nung qua lửa. Sản phẩm gốm làng Trù lại được nung ngoài trời với vật liệu nung chính là bổi, lá cây dành dành, lá thông, lá bạch đàn... vì những loại lá này có dầu nên khi đốt tạo cho màu gốm bóng và đẹp.

Để có được mẻ gốm đạt chất lượng, quan trọng nhất vẫn là khâu nung. Một mẻ nung được khoảng 300 chiếc nồi đất. Khi xếp nồi vào lò, ban đầu người ta xếp ngửa, cái nhỏ nằm trong cái to. Nhưng sau khi đốt được chừng 15 - 20 phút sẽ lấy 2 - 3 lớp gốm bên ngoài cùng xếp úp lại. Tiếp theo, phía ngoài phủ một lớp rơm rạ tạo thành vỏ lò để giữ nhiệt. Sau khoảng 4 - 5 tiếng nung liên tục, mẻ gốm sẽ hoàn thành... Muốn sản phẩm "chín đều", người thợ phải biết cách điều tiết lửa; thời điểm lửa bùng mạnh nhất thường 30 phút cuối của công đoạn nung, những người thợ thường gọi là “lửa trên”.

img
img
img

Nồi đất được xếp thành lớp, nung theo kỹ thuật xưa, truyền thống của làng.

Hiện nay, toàn xã Trù Sơn có khoảng 60 hộ làm nghề gốm. Bình quân mỗi tháng, làng nghề làm ra hàng chục ngàn sản phẩm và đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân nơi đây.

img
img
img

Nhớ thương nồi đất xứ Đô Lương - Ảnh 5.

Hiện nay, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành của tỉnh Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng và khôi phục phát triển lại “làng nghề nồi đất” truyền thống ở Trù Sơn. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Nông thôn mới mà địa phương đang hướng tới.

Thực hiện: Mỹ Phan




Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem