Nga là một trong những nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Theo Viện Phân bón Mỹ, xét về thị trường xuất khẩu toàn cầu, Nga chiếm 23% amoniac, 14% urê và 21% kali, cùng 10% xuất khẩu phốt phát đã qua chế biến.

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số giá phân bón đã tăng gần 10% trong quý đầu tiên của năm 2022, lên mức cao nhất mọi thời đại. Mức tăng này theo sau mức tăng 80% của năm ngoái. Theo dự đoán, giá sẽ tăng gần 70% trong năm nay trước khi có dấu hiệu sụt giảm.

Nông dân trên thế giới đang trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt chống Nga - Ảnh 1.

Vào tháng 4/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một gói trừng phạt chống lại Moscow, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu phân bón. Ngoài ra, các tàu đăng ký mang cờ Nga cũng bị cấm vào cảng của EU. Khối cho biết: "Các sản phẩm nông nghiệp thực phẩm, viện trợ nhân đạo và năng lượng sẽ được miễn trừ".

Hồi tháng 3/2022, EU đã trừng phạt một nhà xuất khẩu phân bón quan trọng khác vì vai trò của họ trong cuộc xung đột Ukraine, đó là Belarus. Trước đó vào năm 2021, Misnk cũng đã bị trừng phạt vì cáo buộc vi phạm nhân quyền và tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư giả tạo, mặc dù Belarus liên tục phủ nhận.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, một số công ty vận tải biển lớn, bao gồm cả các nhà khai thác tàu container lớn nhất thế giới như A.P. Moller-Maersk A/S và Công ty vận chuyển Địa Trung Hải, đều bị đình chỉ đến các cảng của Nga.

Tất cả những điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá phân bón. Tiến sĩ Brian Baker, chủ tịch của Liên đoàn Quốc tế về Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM) Bắc Mỹ, giải thích về cơ chế thị trường với RT: "Càng ít nhà cung cấp, họ càng dễ định giá thị trường. Hiện tại, thị trường phân bón đang gặp rất nhiều khó khăn bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine".

Giám đốc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ Hungary, Tiến sĩ Dora Drexler, cũng lưu ý rằng "xung đột đã đẩy giá phân bón lên cao hơn bao giờ hết".

"Hai năm trước, khi đại dịch bắt đầu, mọi người đột nhiên nhận ra rằng tích trữ lương thực là rất quan trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến chúng ta. Giờ đây, cuộc khủng hoảng mới một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự trữ lương thực và những rủi ro của việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu", Tiến sĩ Drexler nói.

img
img
img

Thị trường phân bón gặp khó bởi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Getty

Một chuyên gia khác, Giáo sư Aleksandar Djikic từ Đại học Kinh doanh Quốc tế Mitrovica ở Serbia, nói rằng vấn đề chỉ mới bắt đầu. "Thị trường đã bắt đầu cảm nhận được giá của một số mặt hàng cơ bản đang tăng lên, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Không chỉ thực phẩm mà cả phân bón và nhiên liệu cũng sẽ tăng do ảnh hưởng của xung đột. Các yếu tố này sẽ tác động không nhỏ đến thị trường Châu Âu, có thể một số nước ít hơn, một số nước nhiều hơn".

Đồng minh thân cận của Moscow, Serbia đã quyết định không tham gia vào các lệnh trừng phạt - và kết quả là nước này phải chịu áp lực cực lớn từ EU, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tiết lộ.

Bản thân giáo sư Djikic cũng phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. "Phương Tây đang thúc ép chính phủ của chúng tôi tham gia vào chính trường của họ. Serbia không phải quốc gia thích áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ ai, không chỉ riêng Nga, bởi vì bản thân chúng tôi đã phải chịu đựng điều này rất nhiều, đặc biệt là trong những năm 1990".

Nông dân trên thế giới đang trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt chống Nga - Ảnh 3.

Giữa những làn sóng trừng phạt đối với Moscow, Washington đã đưa ra lệnh miễn trừ đối với phân bón của Nga. Năm 2021, Mỹ - nhà nhập khẩu phân bón lớn thứ ba thế giới - đã nhập khoảng 1,28 tỷ USD phân bón từ Nga.

Tuy nhiên, bước đi này không đủ để giúp người Mỹ tránh khỏi việc giá cả tăng vọt. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois và Đại học Bang Ohio đã xem xét tác động của cuộc xung đột Ukraine và những hạn chế sau đó gây ra đối với xuất khẩu phân bón. Họ lưu ý rằng mặc dù có nguồn lực sản xuất trong nước mạnh mẽ, tuy nhiên Mỹ cũng vẫn sẽ bị gián đoạn nguồn cung. Nghiên cứu cho biết: "Nông dân Mỹ có khả năng phải đối mặt với tình trạng giá cả cao hơn do tính liên kết lẫn nhau của ngành phân bón toàn cầu".

Nông dân trên thế giới đang trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt chống Nga - Ảnh 4.

Một quốc gia khác mà nghiên cứu xem xét là Brazil, quốc gia phụ thuộc nhiều vào phân bón cho nông nghiệp và nhập khẩu khoảng 85% lượng sử dụng, trong đó Nga là một trong những nhà cung cấp hàng đầu. Vào tháng 2/2022, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã đến thăm Moscow và nhất trí về các chuyến hàng phân bón vẫn sẽ đến nước này bất chấp những khó khăn liên quan đến lệnh trừng phạt. "Chúng tôi không đứng về phía nào", ông Bolsonaro nói, đề cập đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. "Đối với chúng tôi, phân bón là một vấn đề riêng biệt".

Vào tháng 3/2022, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil lúc bấy giờ là Tereza Cristina Dias cho biết đất nước của bà đã nhận được sự ủng hộ của Argentina, Bolivia, Chile, Paraguay và Uruguay trong việc đề xuất với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc loại trừ phân bón khỏi danh sách lệnh trừng phạt đối với Nga. 

Giá cả tăng cao và nỗi lo thiếu hụt khiến cuộc sống của nông dân trên khắp châu Mỹ Latinh trở nên khó khăn, và nó không chỉ là vấn đề về thức ăn. Tại Ecuador, nơi hoa là một trong những ngành xuất khẩu lớn, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc thiếu phân bón.

Tổng thống Argentina, Alberto Fernandez thể hiện sự lo lắng về hậu quả của các lệnh trừng phạt khi ông gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin vào tháng 5/2022. Ông Fernandez nói: "Các biện pháp trừng phạt kinh tế áp dụng đối với Nga có những tác động tiêu cực đối với Argentina và toàn thế giới, và đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh rằng chúng ta phải nhanh chóng tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột vũ trang".

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng "thực phẩm và phân bón của Nga phải được tiếp cận không hạn chế và không gặp bất kỳ trở ngại nào". Ông cũng đề cập đến việc giá lúa mì đang tăng cao, do xuất khẩu từ Ukraine, một trong những nhà sản xuất lớn, hiện bị gián đoạn do xung đột.

Ông tuyên bố: "Để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực, không còn cách nào khác ngoài tái nhập khẩu lương thực và phân bón từ Ukraine, Nga cũng như Belarus, bất chấp xung đột diễn ra căng thẳng".

Trong bối cảnh giá ngũ cốc và phân bón tăng cao cùng với gián đoạn thương mại, từ "đói" đã bắt đầu xuất hiện trên các tiêu đề truyền thông. Tiến sĩ Brian Baker nói: "Nhiều nơi đã gặp phải tình trạng 'đói'. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tình hình hiện nay phụ thuộc vào vấn đề phân phối lương thực nhiều hơn là sản xuất lương thực".

Tiến sĩ Dora Drexler cũng tin rằng mối nguy hiểm là có thật, nhưng chủ yếu là đối với các nước có nền kinh tế kém phát triển, ví dụ như ở Bắc Phi. "Họ mua hầu hết ngũ cốc từ Ukraine hoặc từ Nga, và tất nhiên sức chi tiêu của họ thấp hơn ở châu Âu. Vì vậy, nếu thiếu nguồn cung và tăng giá, họ sẽ dễ bị thiệt hại hơn nhiều", bà lưu ý.

Nông dân châu Phi cũng đã cảm nhận được ảnh hưởng của sự thiếu hụt, và có thông tin cho rằng một số quốc gia đã tìm đến Moscow để được giúp đỡ. Theo bình luận của Bộ Ngoại giao Nga với RIA Novosti, đã có một vài nước yêu cầu hỗ trợ trong việc cung cấp thực phẩm và phân bón.

Nông dân trên thế giới đang trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt chống Nga - Ảnh 5.

Cả Tiến sĩ Baker và Tiến sĩ Drexler đều làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, và họ nhận thấy một giải pháp tiềm năng để đối phó với tình trạng này.

Tiến sĩ Baker nói: "Tôi nghĩ rằng việc phát triển năng lực sản xuất địa phương và áp dụng chuỗi cung ứng ngắn hơn là một cách để giúp mọi người vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu này".

Tiến sĩ Drexler đồng ý rằng hệ thống lương thực địa phương bền vững có tầm quan trọng hàng đầu, đồng thời nói thêm: "Các biện pháp này sẽ đảm bảo rằng con người vẫn có thể sống được mà không bị tác động bởi đại dịch, chiến tranh hay bất kỳ cuộc xung đột nào".

"Giải pháp này sẽ giúp người dân các nước nghèo không phải đối mặt với nạn đói vì xung đột xảy ra cách xa vài nghìn km. Các quốc gia sẽ phụ thuộc vào tài nguyên của họ hơn là giao thương giữa các lục địa", bà nhấn mạnh.

img
img
img
img
img

Giải pháp để các nước nghèo giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực là gì?

Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Bảo vệ Thực vật Iran (AIPPSS), Tiến sĩ Mohammadreza Rezapanah, lưu ý rằng tình trạng thiếu phân bón đã được dự đoán từ lâu. Điều này được giải thích một phần là do sự gián đoạn thương mại, nhưng theo Tiến sĩ Rezapanah, thế giới đang tàn phá tài nguyên thiên nhiên của mình. Ông nói: "Chúng ta không thể sử dụng phân bón không giới hạn như trước nữa".

Để ví dụ, Tiến sĩ Rezapanah nói về sự thiếu hụt phốt pho đang diễn ra, từ đó khẳng định rằng nông dân nên thực hiện các phương pháp canh tác hữu cơ một cách nghiêm túc và hiệu quả. "Làm nông nghiệp hữu cơ không quá khó, nhưng tham gia thương mại hữu cơ thì khác. Đồng bộ hóa với nhau, tạo ra đủ sản lượng cho tất cả các quốc gia - đó là những gì sẽ giúp chúng ta vượt qua áp lực từ các lệnh trừng phạt. Chúng ta phải tôn trọng môi trường, chúng ta phải tôn trọng người nông dân, chúng ta phải hướng dẫn họ cách canh tác hữu cơ".

Có thể còn cả một chặng đường dài phía trước, và bất kỳ giải pháp nào - dù là giải quyết những khó khăn trước mắt hay thiết lập một mô hình cho tương lai - đều đòi hỏi sự hợp tác ở mức độ cao, điều này dường như khó đạt được do sự phân cực hiện nay trên thế giới. Ngay cả khi chúng ta dỡ bỏ tất cả các hạn chế ngay bây giờ, liệu có quá muộn để cải thiện tình hình?

"Có thể tôi hơi lạc quan, nhưng tôi tin rằng không bao giờ là quá muộn", Tiến sĩ Baker nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem