Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Việt Nam được dự báo là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Biểu hiện cụ thể là nhiệt độ mùa hè tăng cao với những đợt nắng nóng gay gắt; bão, gió, lũ lụt xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ngày càng khốc liệt; hạn hán xảy ra ở nhiều nơi,... Đáng quan ngại hơn khi biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan mà nó còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt trong đời sống xã hội. Trong đó rõ nét nhất chính là lĩnh vực nông nghiệp, biến đổi khí hậu có thể khiến bà con nông dân trắng tay sau mỗi vụ mùa.
Nông nghiệp được coi là một giải pháp giúp ngành nông nghiệp phát triển và hạn chế tác động của BĐKH. Tuy nhiên việc thực hiện, triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp giúp ngành nông nghiệp phát triển trước những tác động của BĐKH.
Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về những vấn đề trong việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt có bài phỏng vấn chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy về vấn đề này.
Video: Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chia sẻ về vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với BĐKH.
Nhìn tổng quan thì trong vòng 10 năm qua, hiện tượng BĐKH tại Việt Nam không diễn biến theo quy luật, có tần suất ngày một tăng và gây ra những thảm họa có thể nói là khốc liệt, đặc biệt là với nông nghiệp và những người lao động nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung và miền núi phía Bắc. BĐKH có 4 tác động lớn là (1) làm tăng nhiệt độ, gây khô hạn, nắng nóng nặng nề; (2) gây ra hiện tượng nước biển dâng, thúc đẩy quá trình xâm nhập mặn, làm xói mòn, ô nhiễm đất; (3) gây mất cân bằng hệ sinh thái và (4) tác động tiêu cực tới sinh kế của người nông dân, gây ra hiện tượng di dân, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng.
Thật ra hiện nay chúng ta vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể ở tầm quốc gia để đánh giá và xếp hạng vị trí nông nghiệp của Việt Nam so với thế giới. Tuy nhiên, với những nhà nghiên cứu trong ngành, chúng tôi thường dựa vào 4 yếu tố để đánh giá:
Yếu tố thứ nhất là khả năng sản xuất. Yếu tố thứ hai là khả năng chế biến để làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng thu nhập và hài hòa lợi ích của các bên tham gia trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu. Yếu tố thứ ba là xuất khẩu nông sản. Nếu một nền nông nghiệp sản xuất tốt mà vẫn phải đi nhập quá nhiều nguyên liệu hay các sản phẩm nông sản thì không thể được coi là một nền nông nghiệp bền vững. Cuối cùng là trình độ canh tác của người dân, đặc biệt là áp dụng những khoa học kỹ thuật.
Dựa trên 4 tiêu chí ấy thì chúng tôi nhận định và tạm xếp hạng nông nghiệp của Việt Nam xếp ngoài top 16 trên thế giới. Nhưng có một điều đáng lưu tâm. Vị trí ngoài top 16 là tương đối cao. Tuy nhiên tôi cho là về phát triển bền vững và khả năng tạo ra giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa của các nông sản được chế biến thì chúng ta vẫn còn một khoảng cách rất xa thì mới có thể là phát triển bền vững.
Trong nông nghiệp Việt Nam có một thách thức rất lớn đó là đầu tư thấp. Vì vậy để người nông dân tiếp cận, phát triển bền vững thì tôi đánh giá bài toán về tín dụng, nguồn vốn là bài toán cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi vì để ứng dụng nông nghiệp thông minh và nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn phục vụ việc mua bán thiết bị và đầu tư nguồn nhân lực. Để giải bài toán này, tôi cho rằng có mấy giải pháp:
Giải pháp đầu tiên là từ trung ương cho đến cơ sở, từ các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và những người làm chính sách cho đến người dân phải quán triệt được một tư duy: Nông nghiệp là thước đo độ bền của quốc gia. Vậy giải quyết những vấn đề về tín dụng là giải quyết một vấn đề tầm quốc gia chứ không phải chỉ để hỗ trợ nông dân. Nếu như không có cơ chế chính sách rõ ràng, tư duy đó không được thông suốt thì khó khăn này vẫn tiếp tục tiếp diễn, kéo theo đó là sản xuất sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Đặc biệt là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh sẽ càng ngày càng khó khăn.
Giải pháp thứ hai là các khoản vay trong khuôn khổ các chương trình mục tiêu quốc gia (Ví dụ như chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội ở miền núi và trung du) cần được cho vay theo chương trình chứ không nên hỗ trợ hoặc đầu tư tài chính theo hình thức gói hỗ trợ.
Nhiều người hay nghĩ việc giải ngân, thanh toán đối với hình thức gói hỗ trợ thường dễ dàng. Tuy nhiên, người ta quên mất rằng hiệu quả của việc đầu tư theo chương trình kéo dài, có trọng tâm, trọng điểm và ở đó tất cả các thành phần tham gia đều được hưởng lợi. Hình thức gói hỗ trợ, trong khi đó, chỉ cho vay khoảng 2 - 3 năm với lãi suất thấp hơn. Sau 3 năm đó, người nông dân phải trả theo lãi suất của thị trường.
Điều này dẫn đến những trường hợp mô hình đã được đầu tư, xây dựng nhưng khi rút vốn theo gói hỗ trợ thì gần như bị treo và không có khả năng phát triển. Như vậy, giải pháp đối với các chương trình, đặc biệt là các chương trình mang tính đột phá trong nông nghiệp công nghệ cao hoặc nông nghiệp thông minh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là đầu tư theo chương trình chứ không nên áp dụng hình thức gói hỗ trợ.
Giải pháp thứ ba là phải cho vay theo quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị mà tới khi trở thành thành phẩm, được trao đổi, bán ra thị trường, người nông dân hoặc tổ chức kình tế nông dân thu hồi được vốn về. Phải theo một chuỗi. Còn nếu không đi theo một chương trình dài hạn và trung hạn, chỉ cho vay ngắn hạn và trung hạn thì đặc biệt là xây dựng các vùng nguyên liệu để xuất khẩu, xây dựng những vùng trồng các cây có tính chất đặc thù, chúng ta có đủ sức cạnh tranh với các quốc gia lân cận và suất khẩu vào thị trường có giá trị cao. Mà nếu như không có vốn vay thì không thể làm được.
Để thích ứng với BĐKH thì nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh phải là một mũi nhọn đi trước. Để phát triển nông nghiệp theo hướng này thì thách thức đầu tiên là việc xây dựng cơ sở vật chất ban đầu hết sức khó khăn. Nguồn vốn đòi hỏi rất lớn và người nông dân phải lựa chọn được vòng đời của sản phẩm thì mới có thể lựa chọn được công nghệ đi cùng. Nếu không xác định rõ vòng đời của sản phẩm sẽ dài bao nhiêu, đến khi sản phẩm đó mất thị trường hoặc giảm thị trường thì toàn bộ công nghệ đã được đầu tư gần như bị lãng phí. Do vậy, vấn đề đầu tiên là lựa chọn sản phẩm, vòng đời của sản phẩm để đầu tư.
Thách thức thứ hai là hiện nay tại Việt Nam có quá nhiều các công nghệ nông nghiệp. Người nông dân khó có thể lựa chọn công nghệ nào phù hợp với đối tượng sản xuất, phù hợp với địa hình, thời tiết, khí hậu. Trong khi đó, lực lượng khuyến nông chưa có khả năng dẫn dắt người nông dân. Do vậy người nông dân như đang đứng trước biển lớn. Không lựa chọn được. Và khi người ta không lựa chọn được thì người ta không muốn làm. Do vậy, giải pháp đồng thời cũng là thách thức thứ hai đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có sự liên kết để giải quyết vấn đề này. Hiện nay, tại nước ta có các công nghệ tiên tiến như của Israel, Hàn Quốc, Nhật Ban; công nghệ ở tầm trung như của Trung Quốc và thậm chí là công nghệ do Việt Nam tự phát triển. Vậy mỗi loại công nghệ phù hợp với điều kiện gì, cây trồng nào? Đó là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ để hỗ trợ nông dân.
Về phía người nông dân, để thích ứng với BĐKH, đầu tiên phải nhớ hai chữ "hợp tác". Có nghĩa là nông dân phải hợp tác với nông dân, liên kết ngang để trở thành các tổ chức kinh tế như hợp tác xã. Khi đã trở thành tập thể, nông dân sẽ có thể hỗ trợ lẫn nhau cả về vốn lẫn kiến thức, đồng thời được công nhận tư cách pháp nhân, tạo điều kiện cho giao thương, buôn bán.
Thứ hai, phải phấn đấu để trở thành người nông dân chuyên nghiệp. Không có người nông dân chuyên nghiệp thì không thể có hiệu quả kinh tế và không thể làm động lực và mô hình cho người nông dân khác. Để trở thành nông dân chuyên nghiệp cần có kiến thức, có kỹ năng, có trình độ và đặc biệt là phải có kỷ luật trong lao động. Như vậy là xây dựng người nông dân chuyên nghiệp phải bắt đầu từ việc đào tạo, khuyến nông, tập huấn cho nông dân.
Thứ ba là phải tuân thủ quy trình sản xuất. Dù là ở nhà hay lao động trên mảnh ruộng của mình, hoặc là trong tổ chức kinh tế thì quy trình sản xuất và tiêu chuẩn của hàng hóa phải được tuân thủ. Và khi người nông dân đã làm được theo quy trình, theo tiêu chuẩn thì chắc chắn là nông sản sẽ tiếp cận được với thị trường.
Thứ tư, nông sản của nông dân thường mang tính cộng đồng, chủ yếu được bán ở chợ quê. Đây là dạng sản phẩm dễ làm, dễ tiêu thụ nhưng cũng ế thừa nhiều, giá trị sinh lời không cao. Nông dân cần biết nhằm vào những đối tượng người tiêu dùng lớn, các thị trường lớn và đảm bảo sản phẩm của mình phù hợp với quy trình và tiêu chuẩn của thị trường lớn. Như vậy, giá trị của sản phẩm mới được tăng lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.