Nước giải khát có đường chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt
Đề xuất đánh thuế tuyệt đối 10.000 đồng/bao thuốc lá, nước giải khát có đường chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt
An Linh
Thứ sáu, ngày 22/11/2024 11:14 AM (GMT+7)
Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt vừa được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml; bên cạnh đó áp đánh thuế tuyệt từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng/bao thuốc lá điếu.
Cơ quan soạn thảo cũng liệt kê hàng loạt đối tượng chịu thuế TTĐB như dịch vụ kinh doanh vũ trường, kinh doanh massage, karaoke. Đối với điều hòa nhiệt độ công suất từ dưới 90.000 BTU trở xuống, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế 10%.
Chính phủ cũng áp thuế đối với kinh doanh casino; trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy jackpot, máy slot và các loại máy tương tự. Kinh doanh đặt cược bao gồm đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược, kinh doanh golf bao gồm kinh doanh sân tập gôn, bán thẻ hội viên, vé chơi gôn và kinh doanh xổ số.
Đồng thời, đánh thuế đối với thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm.
Theo đó, đối với thuốc lá điếu sẽ đánh thuế tuyệt đối từ 2.000 đồng/bao (từ năm 2026), 4.000 đồng/bao năm (từ năm 2027), 6.000 đồng/bao (năm 2028), 8.000 đồng/bao năm 2029 và 10.000 đồng/bao năm 2030.
Đánh thuế đối với rượu theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cụ thể, rượu trên 20 độ sẽ bị đánh thuế từ 70% từ năm 2026, tăng 5% mỗi năm và tăng đến 100% vào năm 2030. Rượu dưới 20 độ, sẽ bị đánh thuế 40% vào từ năm 2026 và đến 70% vào năm 2030.
Đối với bia, cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế TTĐB theo phương án thấp nhất 70% năm 2026 và tăng dần 5%/năm, tiến tới đánh thuế TTĐB 100% vào năm 2030.
Đáng chú ý, tại dự thảo Luật Thuế TTĐB, cơ quan soạn thảo đề xuất giảm thuế TTĐB đối với xe Hybrid. Trong đó, ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng), xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng do Chính phủ quy định, xe ô tô chạy bằng khí thiên nhiên bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe cùng loại sử dụng động cơ đốt trong. Hiện, mức thuế TTĐB của xe Hybrid là 100% mức thuế TTĐB của dòng xe động cơ đốt trong.
Trường hợp áp dụng mức thuế này, xe Hybrid sử dụng xăng kết hợp điện sẽ có mức thuế TTĐB thấp nhất là khoảng 24,5% cho xe có dung tích xylanh dưới 1.5L (1.500cc).
Các mức thuế tiếp theo là 28% đối với xe dung tích xylanh 1.5L -2.0L; 35% đối với xe dung tích 2.0L đến 2.5L; 42% đối với xe dung tích xylanh 2.5L đến 3.0L; 63% đối với xe từ 3.0L đến 4.0L; 77% đối với xe dung tích từ 4.0L đến 5.0L và 91% đối với xe dung tích trên 5.0L
Tại dự thảo luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên việc đánh thuế đối với xăng 10%, trong đó xăng sinh học E5 (5% Ethanon) là 8% và xăng sinh học E10 (10% Ethanon) là 7%.
Đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung sản phẩm này vào diện chịu thuế TTĐB đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.
Một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách này trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân; bổ sung các thông tin liên quan đến kinh nghiệm quốc tế; đánh giá kỹ tác động trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Với mục tiêu góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì việc chỉ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế là chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng vì nước giải khát có đường không phải là sản phẩm duy nhất có hàm lượng đường, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác (như các sản phẩm bánh, kẹo,...).
Đồng thời, việc thu thuế đối với đồ uống có đường chưa hẳn đã đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng do người dân có nhiều lựa chọn khác để thay thế như sử dụng các sản phẩm có đường được pha chế tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng, đây là những sản phẩm rất khó để kiểm soát hàm lượng đường và cơ quan quản lý thuế cũng không có căn cứ để thu thuế đối với các sản phẩm đồ uống này.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì:
Báo cáo thẩm tra của Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB không chỉ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời, có thể gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
Đa số ý kiến cho rằng, ngoài việc bổ sung “nước giải khát có đường” vào diện chịu thuế TTĐB, các nội dung sửa đổi khác liên quan đến đối tượng chịu thuế về cơ bản là để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc hướng tới mục đích “mở rộng cơ sở thu”, “phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế” chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.
Để bao quát đầy đủ, toàn diện các đối tượng thuộc diện chịu thuế, phù hợp với mục tiêu của Chiến lược cải cách thuế đối với thuế TTĐB, xu hướng cải cách thuế của quốc tế, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất bổ sung, mở rộng hơn nữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.
Giải trình về đề xuất đánh thuế nước giải khát có đường, Chính phủ cho rằng kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, việc sử dụng các giải pháp khác như đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục về chế độ ăn uống và dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể chất, quy định giới hạn các nội dung được phép quảng cáo liên quan đến sản phẩm có đường,... có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong bảo vệ sức khỏe người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.