Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lịch sử túc cầu chứng kiến biết bao anh hào tung hoành trên sân cỏ khắp năm châu, tạo dựng nên vô vàn chiến công hiển hách và đưa bóng đá trở thành môn thể thao được nhân loại yêu chuộng nhất, song vượt lên trên tất cả vẫn là "Vua bóng đá" Pele và "Cậu bé vàng" Diego Maradona,
Tầm vóc của Pele lẫn Maradona đều đã vượt qua biên giới xứ sở quê nhà, quốc gia Brazil và Argentina. Họ đổ cái bóng khổng lồ lên lịch sử bóng đá, khiến hậu thế chỉ biết ngước nhìn ngưỡng vọng. Messi hay Ronaldo? Bất quá, bộ đôi này đã tạo nên màn tranh đua trực tiếp vĩ đại nhất xưa nay chứ xét về ảnh hướng, họ vẫn kém hai vị tiền bối vài phân. Vì vậy, tồn tại suốt mấy mươi năm qua cuộc tranh cãi về cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá vẫn chỉ xoay quanh Pele hay Maradona. Vậy rốt cuộc, giữa hai người vĩ nhân túc cầu này, ai vĩ đại hơn?
Danh xưng Vua bóng đá đã phần nào lột tả quyền uy của Pele trong thế giới bóng đá. Suốt sự nghiệp, huyền thoại người Brazil ghi hơn 1.000 bàn thắng, đoạt 3 chức vô địch World Cup cùng tuyển Brazil, được Hiệp hội thống kê lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) lẫn Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tôn vinh là cầu thủ xuất sắc nhất thể kỷ 20 và Ủy ban thế vận hội (IOC) vinh danh là vận động viên của thế kỷ.
Johan Cruyff, một huyền thoại cùng thời Pele và được xem là nhà hiền triết của thế giới bóng đá từng nhận xét: “Pele là cầu thủ bóng đá duy nhất vượt qua ranh giới của sự logic”. Ferenc Puskas, cầu thủ vĩ đại của Real Madrid thì đánh giá: “Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá là Di Stefano. Còn Pele? Ông ấy ở một đẳng cấp khác cầu thủ thông thường”.
Sir Bobby Charlton lại ví von: “Đôi khi tôi cảm thấy bóng đá như thể được phát minh cho cầu thủ ma thuật này”. Trong khi đó, Just Fontaine, người giữ kỷ lục ghi bàn tại một kỳ World Cup với 13 pha lập công thừa nhận: “Xem Pele chơi bóng tôi chỉ muốn treo giày”. Và Clodoaldo, đồng đội tại Selecao của Pele xưng tụng: “Ở một số quốc gia, người ta muộn chạm tay vào Pele, một số quốc gia khác người ta muốn hôn Pele. Và một số quốc gia khác nữa, người ta hôn lên mảnh đất có dấu chân Pele đi qua”.
Tầm ảnh hưởng của Pele thậm chí còn lớn tới mức khi đón tiếp Pele tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng nói: “Tôi là Ronald Reagan, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, còn người bên cạnh tôi đây không cần phải giới thiệu về mình, vì ai ai cũng biết ông là Pele”. Bên cạnh đó, không ai không biết đến câu chuyện sự xuất hiện của Pele đã tạm dừng cả một cuộc nội chiến ở Nigeria. Mặc dù, câu chuyện này là sản phẩm của thêu dệt nhưng qua đó phần nào thấy được tầm vóc của Vua bóng đá.
Trên sân cỏ, sự vĩ đại của Pele được đến từ sự kết tinh hình mẫu hoàn hảo trên sân cỏ. Huyền thoại người Brazil kết hợp hoàn hảo mọi phẩm chất ưu tú của một vận động viện. Ông sở hữu kỹ năng dứt điểm toàn diện cả hai chân, mạnh mẽ trong không chiến, thể chất bền bỉ, tốc độ, kỹ năng rê dắt, kỹ thuật, nhãn quan chiến thuật nhạy bén và “trí thông minh sân cỏ” đặc biệt.
Giới chuyên môn vẫn đánh giá Pele có thể chơi ở mọi vị trí trên sân và ở vị trí nào ông cũng sẽ là người xuất sắc nhất. Còn thực tế, Pele thường thi đấu ở vị trí trung phong, tiền đạo lùi hoặc đôi khi như một tiền vệ tấn công. Tựu trung, Pele là hình mẫu của mọi hình mẫu, từ tài năng, thành tích cho đến danh hiệu.
Ví von hình ảnh hơn, ông hội tụ mọi phẩm chất của một bậc đế vương và luôn khiến kẻ khác phải nép mình kinh sợ. Hoặc nếu muốn có sự ghi nhận rõ ràng nhất về sự vĩ đại của Vua bóng đá, hãy nghe Hoàng đế Franz Beckenbauer nói: “Pelé là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông đã trị vì tối cao trong 20 năm. Không ai có thể sánh với ông ấy”.
Ngay cả Beckenbauer cũng phải nhún mình trước sự vĩ đại của Pele thì liệu còn ai dám tranh đua ngai vị với Vua bóng đá? Câu trả lời chỉ có một, duy nhất một: Diego Maradona. So về danh hiệu, số bàn thắng, hay kể cả thời gian chơi bóng đỉnh cao, Maradona đều không sánh được với Pele.
Nhưng xét trên khía cạnh truyền cảm hứng, Maradona là hiện tượng kỳ vĩ nhất trong lịch sử túc cầu. Ngay trên mảnh đất Brazil, người dân sứ sở samba phần đa vẫn yêu mến Garrincha tài hoa bạc mệnh hơn Pele. Nhưng tại Argentina, Maradona là số một. Messi chẳng có chút kí lô giá trị nào khi đặt cạnh El Diego.
Người dân xứ sở Tango xem Messi là người Catalonia khoác áo tuyển Argentina, còn Maradona là hiện thân, là biểu tượng của La Albiceleste. So về tài nghệ, có thể Messi nhiều nét tương đồng với Maradona, nhưng La Pulga muôn đời không có được sức hút đặc biệt và phẩm chất thủ lĩnh được ví von có thể điều khiển cả sân vận động như tiền bối. Vì vậy, không ít người hâm mộ xem ông như vị thánh sống – theo đúng nghĩa đen – khi gọi ông là D10S, chơi chữ từ Dios, tức Đức Chúa trời.
Diego Maradona.
Và không chỉ người Argentina xem Maradona là thánh. Cách xứ sở Tango nửa vòng trái đất, tại thành Naples, người dân có tới 2 vị thánh bảo hộ để tôn sùng. Đó là San Gennaro, hay còn gọi là Januarius, và Maradona. Người dân xứ sở này lập ra những bàn thờ treo đầy hình của Maradona – San Diego – Thánh Diego, theo cách người dân nơi đây vẫn gọi, và ban thờ sẽ trang trọng hơn nếu có thêm lọn tóc của ông.
Sự sùng bái dành cho Maradona xuất phát từ khả năng truyền cảm hứng của huyền thoại người Argentina. Xuyên suốt lịch sử bóng đá, không một nhân vật nào đem đến nhiều hạnh phúc và khổ đau cho nhân loại như El Diego. Ông không chỉ biểu diễn trên sân cỏ, cả sự nghiệp, cả cuộc đời ông là một vở kịch đầy cảm xúc, lúc Maradona đưa người ta đến tột đỉnh thăng hoa bằng những khoảnh khắc diệu vợi nhờ tài nghệ phi phàm, lúc ông khiến tất cả phải xót xa, đau đớn cho một “Cậu bé vàng” ngổ ngáo, trông có vẻ tinh quái nhưng thật ra quá ngờ nghệch giữa đời.
Ông dẫn dắt tuyển Argentina 2 lần vào chung kết World Cup liên tiếp. Riêng Mexico 86, gã cầu thủ chỉ cao 1m70 này phủ bóng lên cả giải đấu để đưa La Albiceleste đến chức vô địch thế giới. Bên cạnh hai bàn thắng lưu danh muôn thuở vào lưới tuyển Anh, một là bàn thắng đẹp nhất thế kỷ và một được biết dưới cái tên “Bàn tay của chúa”, suốt Mexico 86, Maradona tung ra hoặc tạo ra phân nửa số pha dứt điểm của tuyển Argentina, thực hiện 90 pha rê dắt qua người, nhiều ít nhất gấp ba so với bất kỳ cầu thủ nào khác, 53 lần bị phạm lỗi, và ghi bàn hoặc kiến tạo 10/14 bàn thắng của La Albiceleste. Một hiện tượng vô tiền khoáng hậu.
Sự vĩ đại của Maradona tại Argentina quá dễ nhận ra, nhưng ở Naples, người dân xứ sở này tôn sung ông không kém. Tại Italia, xứ sở hình chiếc ủng ngăn đôi từ hệ tư tưởng đến kinh tài bằng địa lý, miền bắc là khu vực trù phú và giàu có tập trung các khu công nghiệp còn dải đất miền nam lại khô cằn, hoang vu, nghèo khó. Bởi thế những người miền bắc giàu sang vẫn kỳ thị bọn miền nam nhà quê lam lũ, chân lấm tay bùn bằng cái chữ terroni đầy khinh miệt.
Bóng đá không phải ngoại lệ. Thế nên trước khi Maradona đặt chân đến Naples, lịch sử Serie A chưa từng chứng kiến đội bóng nào giành được Scudetto. Nhưng từ khi Maradona xuất hiện, Napoli thoát khỏi hình ảnh nhược tiểu để trở thành đối trọng của những thế lực miền bắc, tiêu biểu nhất là Juventus và AC Milan. Phi Maradona, chưa từng ai làm được điều đó. Thế nên đừng nên hỏi một người Argentina hay Naples về việc ai là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử, vì câu trả lời chỉ có một, duy nhất một: Maradona.
Kể cả Messi cũng không phải ngoại lệ. “Tôi có thi đấu thêm một triệu năm nữa cũng không sánh được với Maradona. Không phải tôi muốn thế nào mà ông ấy là cầu thủ vĩ đại nhất từng xuất hiện”, siêu sao người Argentina từng nói.
Thực ra trong lần đầu gặp gỡ giữa Pele và Maradona, cả hai đều cởi mở và trân quý lẫn nhau đúng chất anh hùng trọng anh hùng. Pele là huyền thoại vĩ đại còn Maradona là “cậu bé váng”, tương lai của nền bóng đá. Nhưng qua thời gian, bởi tầm vóc vĩ đại vượt tầm nhân loại, dẫn tới tranh cãi suốt mấy mươi năm về vị thế cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, Pele và Maradona không ít lần kèn cựa nhau.
Maradona từng xấc xược vu cho Pele là “gã đồng tính” còn Pele mỉa mai Maradona là… thằng nghiện. Khi hỏi về việc ai là cầu thủ vĩ đại nhất, Pele trịch thượng phán: “Muốn nói chuyện với Pele, Maradona phải xin phép Tostao, Rivelino, Garrincha, rồi xin phép Di Stefano, Johan Cruyff v.v.” và Maradona ngổ ngáo phản hồi: “Tôi tất nhiên vĩ đại hơn Pele. Thời đại của tôi, các hậu vệ không cho tôi lấy một mét đất để thở”.
Vậy rốt cuộc, ai hơn ai trong cuộc tranh cãi kéo dài suốt mấy mươi năm qua? Câu trả lời thật ra… không có câu trả lời. Thứ nhất, việc so sánh cầu thủ ở hai thời kỳ khác nhau vốn là điều bất khả. Mỗi thời đại đều có những đặc điểm riêng mà từng cầu thủ phải thích nghi. Thứ hai, Pele và Maradona vĩ đại theo hai cách khác nhau và sẽ không ai có thể vươn tới hay lặp lại sự vĩ đại của hai huyền thoại này. Nếu Pele đem đến cảm giác đồ sộ, choáng ngợp và toàn bích thì Maradona tạo ra cảm xúc khôn cùng, vỡ òa và chất ngất.
Tựu trung, cả hai đều thay đổi và phủ bóng lên lịch sử bóng đá để muôn đời sau bóng đá còn tồn tại, người đời đều phải nhắc đến hai ông. Và nên nhớ, Pele đã 80 tuổi, còn Maradona đã lên thiên đường ở tuổi 60, họ, những tượng đài của lịch sử không còn ở với chúng ta quá lâu. Thế nên, câu trả lời hay nhất cho câu hỏi ai là cầu thủ vĩ đại nhất thế giới như Maradona từng nói: “Mẹ tôi nói là tôi còn mẹ Pele nói là ông ấy!”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.