Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 3: Đấu trí với sự “dắt mũi” của các chủ rừng - Ảnh 1.

Nhóm PV Dân Việt đã đến nhiều điểm rừng nghiến bị đốn hạ ỏ Bắc Mê, Hà Giang.

Nói đến đây, quý vị đủ hiểu: rừng bị thảm sát, chưa chắc đã có ai thật sự đau đớn. Mà ngược lại, không loại trừ họ dùng cái chết của rừng để triệt hạ nhau.

Chúng tôi nói điều này mà không sợ hồ đồ. Một lãnh đạo hàng đầu lực lượng kiểm lâm tỉnh Hà Giang nói toạc móng heo: "Tôi nói với nhà báo. Cái "thằng" đưa anh lên xem rừng bị phá, nó chính là thằng phá rừng. Nó cũng chính là thằng đã nhận tiền đi tuần rừng, giữ rừng. Giá mà có tài liệu điều tra tốt hơn để bỏ tù nó đi, thì các cánh rừng mới yên được".

Như vị lãnh đạo ngành kiểm lâm Hà Giang vừa phân tích, rừng bị phá đồng loạt thì từ trưởng thôn, thôn đội trưởng, đến người tuần rừng đều biết, bức xúc và tỏ thái độ không đồng tình với lối quản lý bảo vệ rừng hiện nay ở địa phương. Dân không "ưng cái bụng" là việc có thật, nhưng quan trọng hơn, bản thân các lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn cũng lại mâu thuẫn với nhau.

Thế cho nên, hiếm khi nào, mà việc để xảy ra liên tiếp các " đại công trường" đốn hạ, cưa xẻ rừng nghiến cổ thụ trong Rừng đặc dụng, Vườn Quốc gia, rừng phòng hộ vô giá… -  lại bị bưng bít đến thế. Các con số vừa được đưa ra, có vị cán bộ "năn nỉ" xin nhà báo đừng có đưa sự thật ra kẻo "chúng em chết". Như đã viết, Trưởng Công an huyện bảo nhà báo đi chỗ khác, có gì mà tìm hiểu viết bài, trong khi nhà báo đã gặp và đang chờ gặp tiếp Giám đốc Sở NNPTNT tại Trụ sở địa phương.

Vị lãnh đạo đứng đầu ngành nông nghiệp Hà Giang "dũng cảm" phát ngôn rất sớm về việc "hàng chục" cây nghiến cổ thụ bị đốn hạ. Và ở thời điểm lúc đầu ấy, vị công bộc của dân có trách nhiệm đó đã bị sức ép khá nhiều. Có người nói thẳng: "đang bị yêu cầu giữ kín thông tin".

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 3: Đấu trí với sự “dắt mũi” của các chủ rừng - Ảnh 2.

Dân Việt là tờ báo đầu tiên lên tiếng tố cáo vụ việc tày trời này. Phóng viên nằm ở bản, viết bài, đăng bài xong còn nán lại bên suối lũ,… chờ đoàn của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đến kiểm tra. Vậy mà, cán bộ hữu trách dường như cứ coi chúng tôi là "đối tượng" phải tránh xa. Có vị nói thẳng: tôi tránh mặt nhà báo vì sợ có các bên ngồi đó, họ nghi ngờ tôi "bắn tin" cho nhà báo về để "đánh bên kia".

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 3: Đấu trí với sự “dắt mũi” của các chủ rừng - Ảnh 3.

Một bên là quản lý rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia), một bên quản lý rừng phòng hộ rồi rừng sản xuất; nhưng tất cả các bên đều quản lý chung một vài địa bàn xã có sự xuất hiện uy nghi của các cụ nghiến ngót nghìn năm tuổi. Các "chủ rừng", vì lợi ích do tiền dự án đổ về hay vì con gà tức nhau tiếng gáy?

Chúng tôi đi rừng lần đầu qua một đầu mối "dân xã hội" đã quen từ lâu khi tiến hành "hóa trang" điều tra vào khu vực huyện Bắc Mê. Anh này dẫn mối các kiểu, cuối cùng thì chi tiền bồi dưỡng, tiền mua đồ nhậu "rộng tay". Người sở tại cũng dẫn chúng tôi đến xem "phi vụ mở màn": vài chục cây nghiến cổ thụ trong rừng bảo tồn bị đốn hạ. Sốc. Có cây đường kính 2,7m.

Thú thật, chúng tôi trở về, cứ nghĩ thế đã là quá khủng khiếp rồi. Ai ngờ, nửa đường "hướng đạo viên" chợt kêu đau bụng oai oái. Nhưng, trước khi bỏ đi, anh ta cũng thật thà tiết lộ: có người ngăn cản. Qua tìm hiểu, người dẫn đường đã bị mua chuộc bởi các thế lực khác nhau.

Một đêm, chúng tôi nhận được điện thoại, một cán bộ kiểm lâm: các anh đã bị họ tiếp cận và "bẻ lái" rồi. Họ hướng vụ tố cáo tàn phá rừng đặc dụng sang "xẻ thịt"… rừng phòng hộ rồi. Tay H. là người đứng sau. Chúng tôi gọi điện thoại và nhắn tin, đến giờ, bằng mọi cách không thể tiếp cận được vị kiểm lâm kia nữa.

Nghe lại ghi âm và xem lại ghi hình, thì thấy, dường như lời của "người dân" cũng bị đạo diễn theo từng "phe phái". Mỗi phe liên đới tới các lực lượng "chủ rừng" khác nhau. Như đã mô tả ở kì trước, chúng tôi đến nhà ai, là lập tức chủ nhà bị gọi điện thoại hỏi hành tung, biển số xe. Một người tuần rừng nói với chúng tôi: "Em bị kiểm lâm địa bàn theo ghê lắm. Cứ người lạ nào vào thôn, em đều bị kiểm lâm gọi điện kiểm tra ngay!".

Có người tố bên quản lý rừng đặc dụng "để tiền và dụng cụ đi đâu hết" mà lâu nay không cấp phát cho người tuần rừng nữa; nhóm khác thì tố cáo ban quản lý rừng phòng hộ để mất nhiều rừng do dân đi phá nghiến bán cho đầu nậu. Có người được "các bên chăm sóc" rồi "ăn hai mang" (như lời một lãnh đạo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang). Các "thế lực trục lợi" đã làm hư dân bản hiền lành.

Anh Th. thỏa thuận tiền bồi dưỡng của chúng tôi rồi mới dẫn đường leo núi điều tra. Bài bản yêu cầu nhà báo cam kết: cấm quay phim chụp ảnh người và mặt mũi anh ta. Rồi tự tin: "Dù ở nông thôn miền núi nghèo, ít học, nhưng mà tôi bây giờ như sếp ấy. Ra ngoài có kẻ ngó, đi ngủ có người trông".

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 3: Đấu trí với sự “dắt mũi” của các chủ rừng - Ảnh 4.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 3: Đấu trí với sự “dắt mũi” của các chủ rừng - Ảnh 5.

Với tâm huyết của mình, bị dội nhiều gáo nước lạnh, bị nhiều lãnh đạo Ban quản lý rừng đang nghe điện thoại thì tắc bụp kêu mất sóng sẽ gọi lại ngay. Mấy ngày sau gọi không nghe. Kiên trì liên lạc thêm với người nắm chìa khóa thông tin ấy, thì con cán bộ nghe máy bảo bố cháu đi vắng.

Có vụ, anh H., ở thôn Khâu Lừa (xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê), đang dẫn nhà báo đi (được thuê) thì nhận được các cuộc gọi của lãnh đạo Trạm kiểm lâm phụ trách địa bàn mấy xã… Sau đó, thái độ của anh khác hẳn.

Những người từng đi đẵn nghiến làm chuồng trâu và bị phạt tù 2 năm vừa trở về như anh Lềnh, thì từ chối gặp nhà báo.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 3: Đấu trí với sự “dắt mũi” của các chủ rừng - Ảnh 6.

Chuyện "nhạy cảm" nhất mà chúng tôi liên tục nhận được thông tin là cần phanh phui, có lẽ là vụ việc diễn ra vào nửa cuối năm ngoái 2020. Có 3 người đi đẵn gỗ nghiến trong rừng già, bị kiểm lâm tóm sống với "tang vật" là vài mét khối gỗ bị đốn hạ. Đó là các anh Phàng, Cương và Dình. Cơ quan chức năng đến yêu cầu nộp phạt tới hàng trăm triệu đồng. Hoảng quá, người đi vay nặng lãi, người bán trâu bò để có tiền nộp phạt. Họ bảo, phạt nặng vì phá rừng nghiến ở rừng đặc dụng, cái này cứ là tù như chơi.

Sau, có người "đa mưu" nhảy vào tư vấn, rằng không tin lên xã mà hỏi. Rừng đó là rừng sản xuất, phá nghiến cổ thụ là sai, song tội ở đó không nặng như… "Vườn Quốc gia"đâu. Bà con đi kêu cầu, quả nhiên, lực lượng cán bộ đã thu của dân bèn trả lại. Trả xong, lại cần có quyết định xử phạt theo "hướng mới". Lúc ấy, dân uất quá không ký xác nhận các biên bản, cán bộ sở tại cũng chẳng kí. Thế là bên thắng có nguy cơ biến thành bên bại. Kiểm lâm sở tại xác nhận vụ việc rồi thanh minh với chúng tôi về cái sự các loại rừng "giáp ranh" nên mới… nhầm.

Dường như đó là một giọt nước tràn ly, bên cạnh vụ dân thôn đi ở tù vì đẵn gỗ làm chuồng trâu, nên các cánh rừng và nhiều cán bộ đã không được "dân ưng cái bụng".

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 3: Đấu trí với sự “dắt mũi” của các chủ rừng - Ảnh 7.

Giữa bối cảnh đó, phe bị bóc mẽ "phạt nhầm" cứ theo sát và sợ chúng tôi "xía" vào các khuất tất. Bà con biết vậy nên cứ "oang oang" để hù dọa và đắc ý. Nhiều người phe bên kia muốn "mượn gió bẻ măng", muốn bằng mọi giá vụ khuất tất ấy phải được đưa ra công luận. Và họ đã nhiều lần đòi tiếp cận chúng tôi để "tố".

Các bên tố nhau, mà đằng nào tố cũng đúng cả. Tức là rừng mà các bên được Nhà nước và nhân dân trả lương, cấp chức vị để bảo vệ kia đều bị phá thật. Thử hỏi, cứ quanh co và mưu đồ với nhau như thế, làm sao mà rừng được giữ gìn tử tế đây?

Anh Lò Văn Tráng, Trưởng thôn Khâu Lừa (xã Minh Ngọc), một thành viên quan trọng của tổ tuần rừng, đang tâm sự với chúng tôi đủ "sự thật đắng lòng" về bảo tồn rừng và bi khúc đầy bất cập; lại đã nhận lời dẫn chúng tôi đi rừng điều tra hiện trường rồi. Nhưng tối đó, bị "đạo diễn", anh buộc phải nhỏ nhẹ bảo, tôi phải nằm lại trên lều nương, không về nhà. Các anh đừng có đến. Hủy mọi kế hoạch. Từ bấy, có giời mà cạy răng anh được chuyện gì nữa.

Vâng, chọc tiết hay xẻ thịt rừng là việc của… lâm tặc. Nhiều "lực lượng giữ rừng", vì lợi ích trước mắt của họ lại chỉ quan tâm đến  "mượn gió bẻ măng" để làm cho ai đó mất chức, có khi còn bị đẩy ra khỏi ngành hoặc khởi tố hình sự. Thế thôi!

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 3: Đấu trí với sự “dắt mũi” của các chủ rừng - Ảnh 8.

Khó khăn đầm đìa, cơ sở vật chất tồi tàn, quy định của nhà nước là một kiểm lâm viên quản lý khoảng 500ha rừng, đằng này ở Bắc Mê, theo Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Giang Bùi Văn Đông, một người giữ những 2.000ha rừng trên núi đá sắc nhọn. Giữ sao xuể. Giữa bối cảnh đó, mâu thuẫn giữa các lực lượng cùng được giao giữ rừng; các oán thán trong dân về lĩnh vực này cũng còn không hề ít.

Việc phân định các loại rừng cũng nhập nhằng, cách xử phạt cũng khuất tất tai tiếng. Các bên tố cáo lẫn nhau, dân tố cáo cán bộ để xảy ra phá rừng. Các vấn đề này, cần có một "bàn tay sắt" đủ tâm huyết và có những chấn chỉnh mang tính căn cốt thì mới có được sự an toàn cho các cánh rừng quý giá bậc nhất Việt Nam này.

(còn nữa)

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 3: Đấu trí với sự “dắt mũi” của các chủ rừng - Ảnh 9.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem