Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Cần phải đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội"
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Cần phải đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội"
Thái Nguyễn
Thứ năm, ngày 22/02/2024 18:15 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đối với khó khăn về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cần phải đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội. Cụ thể, chưa được mua nhà ở xã hội, chưa có nhà ở trên địa bàn đang sinh sống, có việc làm thu nhập ổn định,...
Ưu tiên quỹ đất, vốn và có các chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội
Phát biểu tại hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn những hạn chế như việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa của đất nước và từng địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa kịp thời, kiên quyết; một số nơi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội, chưa thực sự chú trọng ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội;...
Để mở rộng và nâng cao chất lượng công tác xây dựng nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đức Hiển chia sẻ tại Đề án trình Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đã đề xuất các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ nhất, thống nhất nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, coi phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển nhà ở quốc gia, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển cân đối, bền vững thị trường bất động sản; phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội với giá bán phù hợp với khả năng chi trả của công nhân và người có thu nhập thấp;...
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển mới, trọng tâm như việc đẩy nhanh xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Thứ ba, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó tập trung vào ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu về nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các địa phương sử dụng một phần tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội...
Thứ tư, nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước đối với phát triển nhà ở xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản các cấp. Giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư nhà ở xã hội đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, kịp thời xử lý những sai phạm.
Khu nhà ở xã hội phải có đầy đủ hạ tầng thiết yếu về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mục tiêu của hội nghị này là thúc đẩy hơn nữa phát triển nhà ở xã hội. Đây là chương trình hết sức nhân văn, là nhiệm vụ chính trị cấp bách, trọng tâm. Quan điểm là không chỉ dừng ở mục tiêu thí điểm 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, mà cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổng kết, đánh giá để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phát triển nhà ở xã hội một cách lâu dài.
"Hiện nay, các quy định về phát triển nhà ở xã hội đã cơ bản hoàn thiện. Do đó, quan trọng là công tác tổ chức triển khai cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan nhằm cụ thể hóa những việc cần làm ngay, cũng như sớm xây dựng các quy định về phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng", Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng, đưa những điểm mới trong pháp luật đất đai, nhà ở vào cuộc sống.
Đối với khó khăn về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, phải đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội như: chưa được mua nhà ở xã hội, có việc làm thu nhập ổn định, chưa có nhà ở trên địa bàn đang sinh sống,…
"Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, doanh nghiệp tham gia đề xuất để các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở. Từ đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN&MT đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phục vụ nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xóa nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn,... Luật Đất đai năm 2024 không hạn chế sử dụng quỹ dất đã có, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền quyết định để chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở xã hội", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường; cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ về nhà ở xã hội… Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần phân loại, cùng với các bộ, ngành rà soát nhóm vấn đề đã được giải quyết bằng văn bản pháp luật mới ban hành, nhóm vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.