"Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa" - Ca khúc Đường về nhà.
Làn sóng dịch thứ ba ập tới, lại bắt đầu ngay từ ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương quê tôi. Khi nghe tin phát hiện 72 ca bệnh Covid-19, đầu tiên là nữ công nhân 34 tuổi làm việc tại Công ty TNHH Poyun ở Chí Linh, Hải Dương – bệnh nhân số 1522, rồi khẩn cấp thực hiện giãn cách xã hội với TP. Chí Linh và phong tỏa đối với thôn Kim Điền (xã Hưng Đạo) và Công ty TNHH Điện tử POYUN từ 12h ngày 28/1, nhiều người con xa quê như chúng tôi, đã có một đêm không ngủ. Tiếng còi hú xe cứu thương đưa người đi cách ly ngay trong đêm, dẫu cách chúng tôi gần 80km, vẫn rất rõ ràng…
Bắt đầu là lệnh giãn cách xã hội, sau đó, để ngăn chặn dịch lây lan, là lệnh phong tỏa toàn thành phố Chí Linh với 19 xã, phường, 156 thôn, khu dân cư; 50.249 nhân khẩu. Cho tới sáng nay, cả tỉnh Hải Dương đã có 226 ca bệnh, chủ yếu là ở Chí Linh.
Mẹ tôi nhắn tin cho con qua Zalo (tôi hiểu vì sao lúc đó bà không gọi trực tiếp như mọi lần): "Mẹ buồn quá, mẹ đang đếm từng ngày lên đón cháu về ăn Tết. Tết này không có Tết rồi con ơi!". Hai đứa trẻ nhà tôi thẫn thờ. Ngập tràn news feed trên FB của tôi là những lời than thở "mất Tết". Tôi nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn, hỏi han, chia sẻ về một cái Tết xa nhà.
Có lẽ, nhiều người sẽ cười cái sự cuống quýt, ủy mỵ của chúng tôi. Bởi một năm không ăn Tết với bố mẹ thì có sao đâu. Ăn Tết Hà Nội năm nay, năm sau lại được về nhà cơ mà!
Nhưng phải là những ai rời quê về Hà Nội lập nghiệp như chúng tôi, từng để lại cả một khoảng trời thơ ấu đầy kỷ niệm; để lại cả nỗi lo bố mẹ ngày càng có nhiều ngày đau ốm vắng con; để lại cả những cái nhìn hun hút của bố mẹ đứng trông theo mãi những chiếc xe chất đầy gà gạo, rau củ… cho con sau mỗi dịp Tết về, sẽ hiểu cảm xúc của chúng tôi lúc đó.
Không phải là một cái Tết mà đó là thời gian quý giá để bù đắp cho những hơn 300 ngày mong nhớ con cháu của những người ở nhà. Khoảng thời gian đó, không thể lấy năm này bù cho năm khác, cũng không thể dời từ ngày này qua ngày khác, khi mỗi năm, bố mẹ đều đang già đi.
Nhưng cơn choáng váng đó, qua rất nhanh! Bởi hơn ai hết, cũng những người trong cuộc, chúng tôi hiểu rằng, cần sử dụng hiệu quả từng giây, từng phút trong cuộc chiến thần tốc này.
Không có nhiều thời gian cho những nỗi buồn về sự xa cách, từ trên xuống dưới, trong thành phố hay ngoài thành phố, mọi người dân Chí Linh đều sẵn sàng cho cuộc chiến mà chúng tôi biết là chỉ có cách dũng cảm đối diện, tuân thủ tuyệt đối các quy định để vượt qua.
Trước giờ giãn cách, bố mẹ tôi đón bá tôi (chị gái của mẹ) ra ở cùng vì sợ bá tuổi cao phải ở một mình khi con bá cũng đang làm việc ở Hà Nội như chúng tôi. Sau đó, dù không bị yêu cầu cách ly, bố mẹ tôi vẫn tự đóng cửa ở trong nhà. Sáng 29/1, đường phố Chí Linh vắng như mùng 1 Tết. Nhiều bạn bè tôi chỉ kịp sắp vài chiếc áo vào ba lô rồi tạm biệt vợ con, lên cơ quan "trực" qua mùa dịch. Lần đầu tiên trong đời, nhiều cô dì chú bác, người thân, xóm giềng của chúng tôi phải đón Tết một mình.
Những khu cách ly liên tiếp được mở ra. Số lượng người rời nhà càng ngày càng đông. Lực lượng xét nghiệm làm việc liên tục xuyên đêm để mong nhanh chóng tìm ra và khoanh vùng các ca bệnh. Có những em bé mới sinh được vài ngày cũng phải theo mẹ vào khu cách ly. Có những bà bầu chửa vượt mặt cũng một mình khệ nệ vác làn vào chỗ tập trung… Ai cũng hoang mang, lo sợ.
Nhưng rồi, họ nhanh chóng lập các nhóm chat Zalo để thông báo, chia sẻ tình hình cho nhau, để kêu gọi hỗ trợ trực tiếp những trường hợp khó khăn trong chính phòng cách ly của mình. Một không gian láng giềng "ảo" mà rất chân thật được thiết lập để hỗ trợ, động viên nhau vượt qua dịch bệnh.
Khi biết một giáo viên trong trường xác định là F0, gần 50 giáo viên, 100 em học sinh của Trường THCS Sao Đỏ (TP.Chí Linh) trong đêm và rạng sáng hôm sau đã tự nguyện đi cách ly tại trường để giảm nhân lực phục vụ cho mình. Các doanh nghiệp tự nguyện cách ly công nhân tại nhà máy. Các gia đình tự cách ly với nhau, hạn chế ra ngoài đến mức tối đa.
Những cô bé cậu bé cấp 2, rồi cấp 1, rồi thậm chí cả mầm non 3-4 tuổi, có khi đêm ngủ còn phải sờ ti mẹ, phải xa vòng tay bố mẹ, đi cách ly tập trung tại trường. Hôm trước tiễn con ở cổng trường, con chưa khóc mà mắt mẹ đã đỏ hoe. Nhưng ngay hôm sau, các mẹ, các cô chú ở địa phương đã khẩn trương dựng nhà tắm dã chiến cho các con, gửi sách truyện cho các con và động viên các con mạnh mẽ cố gắng.
Không phải bánh mì nguội và nước suối lạnh, những bếp ăn dã chiến với suất cơm nóng hổi được người dân nấu để phục vụ cho các đồng chí làm nhiệm vụ ngoài trời ở các chốt chặn; Cháo nóng được nấu mang đến tận đầu các điểm cách ly cho các em bé.
Thậm chí nước chanh gừng sả, cam tươi… cũng được các bà, các chị chuẩn bị hàng ngày cho tuyến đầu tăng sức đề kháng để chống dịch.
Còn với chúng tôi, những người thân ở ngoài vòng thành phố mà tâm trí hút chặt ở tâm dịch, có lẽ chưa bao giờ người Chí Linh xa xứ lại kết nối với nhau nhiều đến thế. Không còn nỗi buồn của việc ăn Tết xa quê, điều chúng tôi quan tâm là lúc này, phải làm gì để góp 1 tay với quê nhà vượt qua dịch bệnh.
Thông tin từng ca bệnh, từng khi cách ly, từng khó khăn, thiếu thốn của địa phương được cập nhật một cách nhanh chóng. Rồi chúng tôi, người ở Hà Nội, TP.HCM, Quảng Bình, Đà Nẵng, kẻ ở tận Pháp, Cộng hòa Séc… tất cả đồng lòng kết nối thành một sợi dây xuyên suốt trao đổi thông tin, quyên góp, hỗ trợ cho quê nhà. Chưa lúc nào tôi thấy mảnh đất quê mình bé nhỏ và gần gũi đến thế!
Chỉ chưa đầy 1 tuần giãn cách vì dịch bệnh, với gần 20 điểm cách ly và các bệnh viện dã chiến được lập "thần tốc", đã có hàng trăm chuyến xe tải của con em Chí Linh lẫn bạn bè trên cả nước gửi về ủng hộ thành phố chống dịch. Những bài hát, những bài thơ, những hình ảnh xúc động trong tâm dịch được lan truyền, chia sẻ với mong mỏi tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho người trong tâm dịch.
Chúng tôi đã thực sự quên đi nỗi buồn không được về quê ăn Tết. Vậy nên, hôm qua (2/2), quyết định phong tỏa, thiết lập vùng cách ly y tế toàn bộ TP. Chí Linh được chúng tôi đón nhận trong tâm thế rất bình thản.
Có thể thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới Tân Sửu, rất nhiều gia đình nào ở Chí Linh sẽ thiếu khuyết một vài người thân vì điều trị, cách ly hay ở xa không thể về nhà. Có thể giao thừa năm nay, người dân Chí Linh "nâng cốc" chúc nhau bằng nước muối thay chén rượu nồng trong khu cách ly; trẻ em Chí Linh được "mừng tuổi" nước sát khuẩn, khẩu trang thay vì lì xì may mắn… Nhưng chúng tôi vững tin vì chưa khi nào, gia đình, bạn bè, xóm giềng, cộng đồng Chí Linh lại gần gũi và sát cánh bên nhau như lúc này.
Đến sáng nay, lệnh phong tỏa không chỉ với Chí Linh, Hải Dương nữa. Nhiều tỉnh thành khác như Quảng Ninh... cũng đã phong tỏa ở thị xã Đông Triều, huyện Vân Đồn; Bình Dương phong tỏa một phần thành phố thủ Dầu Một... Sẽ có nhiều người nữa không được về quê ăn Tết.
Như bố tôi nói: Cả nhà mạnh khỏe thì ngày nào cũng là Tết. Chúng tôi sẽ cùng nhau trải qua một cái Tết đặc biệt nhất trong đời; một cái Tết đoàn kết thay vì đoàn viên.
Chúng tôi sẽ trở về nhà, bằng chính con đường trong trái tim mình!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.