Điều đáng nói là trong khi giá lợn hơi giảm khoảng 25.000 - 28.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giá thức ăn chăn nuôi thì tăng tới 20 - 30%, khiến người chăn nuôi chịu thêm nhiều rủi ro.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong tháng 5, giá lợn hơi tại miền Bắc đã giảm từ 4.000 - 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước và đang thấp nhất cả nước, dao động từ 64.000 - 68.000 đồng/kg.
Đơn cử như tại Phú Thọ, Hà Nội và Tuyên Quang, giá lợn hơi đều giảm còn khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên cũng giảm 4.000 - 6.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg.
Trong khi thị trường lợn hơi khu vực miền Nam đồng loạt giảm 4.000 đồng/kg, thương lái thu mua từ 67.000 - 69.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, "thủ phủ" chăn nuôi lợn của cả nước, giá lợn hơi của Công ty CP Chăn nuôi C.P cũng tiếp tục giảm thêm 1.500 đồng, xuống còn 69.500 đồng/kg.
Trong khi nông dân chật vật xoay sở vì giá thức ăn chăn nuôi leo thang thì các doanh nghiệp vẫn thu lãi đậm. Đơn cử năm 2020, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đạt doanh thu khoảng 3,5 tỷ USD, lợi nhuận 1 tỷ USD. Riêng mảng thức ăn chăn nuôi, CP doanh thu gần 900 triệu USD.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, giá lợn hơi giảm do thị trường tiêu thụ chậm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động ăn uống và du lịch bị giới hạn, trong khi nguồn cung được đảm bảo do người chăn nuôi và các công ty lớn dần hồi phục đàn.
Đáng nói là ngành chăn nuôi lợn vẫn luôn bị rình rập bởi nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua. Chi phí chăn nuôi tăng cao, rủi ro dịch bệnh đã khiến nhiều nông dân thua lỗ.
Ông Nguyễn Công Bắc - chủ trang trại lợn diện tích 7ha tại TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) thông tin, giá lợn hơi trên địa bàn từ sau Tết Nguyên đán đến nay liên tục đi xuống.
"Bây giờ giá lợn hạ lắm rồi. Hiện thương lái thu mua lợn siêu nạc với giá 64.000 - 65.000 đồng/kg, hộ nông dân nhỏ lẻ cầm chắc thua lỗ. Trại của tôi chăn nuôi khép kín hoàn toàn với 1.400 con lợn nái, 6.000 con lợn thịt, chủ động được lợn giống, mua được thức ăn giá gốc mà tôi còn đang lo sốt vó.
Tôi nhẩm tính, nếu giá lợn hơi tiếp tục giảm nữa, về mức 60.000 đồng/kg thì các trại lớn như của tôi cũng sẽ thua lỗ" - ông Bắc nói.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện giá lợn hơi trên địa bàn đã giảm xuống dưới 70.000 đồng/kg, trong khi từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 7 lần, tức là mỗi con lợn phải chịu thêm 600.000 - 700.000 đồng tiền thức ăn chăn nuôi.
"Trước tình hình chi phí đầu vào tăng cao, giá bán đầu ra lại thấp nên nhiều chủ trang trại đã chủ động giảm đàn" - ông Đoán thông tin.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số vùng chăn nuôi lợn trọng điểm ở miền Bắc như Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam..., bà con cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì vừa gánh rủi ro dịch bệnh, vừa chịu cảnh thức ăn chăn nuôi tăng giá cao. Nhiều trang trại, nông hộ chỉ dám chăn nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn trong thời gian này.
Ông Đinh Văn Mừng (ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, Thái Bình) cho biết, ông đầu tư 800 triệu đồng để xây dựng chuồng trại khép kín, có thể nuôi tối đa 300 con lợn. Tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi vẫn rình rập, xuất hiện lẻ tẻ, cộng với giá thức ăn chăn nuôi phi mã nên gia đình ông chỉ nuôi 37 con lợn nái, 40 lợn con và 40 lợn thịt. Mỗi ngày, đàn lợn này ăn hết 6 bao cám.
Theo ông Mừng, hiện mỗi bao cám đã tăng lên 60.000 đồng so với 6 tháng trước. Ước tính, giá thành để nuôi 1 con lợn đạt trọng lượng 100kg đã tăng lên 6 - 6,5 triệu đồng/con.
Ông Mừng cho biết thêm, do gia đình ông duy trì được đàn lợn nái nên giá lợn hơi giảm xuống mức 68.000 đồng/kg thì vẫn có lãi. Còn những hộ phải mua lợn giống ở ngoài, đi thuê đất làm trang trại, hoặc phải trả lãi vay ngân hàng thì hoà vốn đã là may.
Tương tự, tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), gia đình ông Đỗ Công Anh cũng chỉ nuôi 10 con lợn nái và 60 lợn con, dù quy mô chuồng trại có thể nuôi tối đa 250 con lợn.
Ông An cho hay, không chỉ gia đình ông mà rất nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Cẩm Lĩnh cũng đang phải tính toán, thu hẹp chăn nuôi để tránh thiệt hại do nghề nuôi lợn quá nhiều rủi ro. "2/3 diện tích chuồng trại của gia đình tôi vẫn đang bỏ trống. Nếu bây giờ liều tăng đàn thì chẳng khác nào đánh bạc, bởi chi phí chăn nuôi tăng cao quá, dịch bệnh thì có thể ập đến bất cứ lúc nào, trong khi không ai dự đoán được giá lợn hơi mấy tháng tới có hồi phục hay không" - ông An nói.
Trong khi nông dân chật vật xoay sở vì giá thức ăn chăn nuôi leo thang thì các doanh nghiệp FDI vẫn thu lãi đậm nhờ chiếm lĩnh thị trường này. Đơn cử năm 2020, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đạt doanh thu khoảng 3,5 tỷ USD, lợi nhuận 1 tỷ USD.
Riêng mảng thức ăn chăn nuôi, CP doanh thu gần 900 triệu USD. Công ty CJ của Hàn Quốc cũng đạt lợi nhuận hơn 5.100 tỷ đồng.
Được biết, cả nước có 265 nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó các doanh nghiệp FDI có khoảng 85 nhà máy, nhưng sản lượng thì chiếm tới hơn 60% thị phần thức ăn trong nước.
Chỉ riêng CP Việt Nam đã chiếm hơn 20% thị phần, Cargil Việt Nam khoảng 9%, các doanh nghiệp khác như CJ, De Heus (Hà Lan), Emivest (Malaysia) cũng cạnh tranh gay gắt…