Quảng Trị tham gia “sân chơi” năng lượng khí với nhiều mỏ khí thuộc Top lớn nhất Việt Nam
Quảng Trị tham gia “sân chơi” năng lượng khí với nhiều mỏ khí thuộc Top lớn nhất Việt Nam
Ngọc Vũ - Lâm Phương
Thứ tư, ngày 24/03/2021 07:50 AM (GMT+7)
Nhiều mỏ khí thuộc Top lớn nhất Việt Nam như Kèn Bầu, Báo Vàng, Báo Đen nằm ở thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng đều cách đất liền gần nhất là tỉnh Quảng Trị.
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm kêu gọi, xúc tiến đầu tư phát triển năng lượng khí.
Bởi lẽ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phát hiện mỏ dầu khí với trữ lượng lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí tại Lô 114 - Kèn Bầu, nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc, thuộc bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km.
Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mỏ khí Kèn Bầu có thể trở thành siêu dự án dầu khí tiếp theo của Việt Nam với trữ lượng sơ bộ khoảng 230 tỷ m3 khí tự nhiên và 450 triệu thùng khí ngưng tụ và dự kiến khai thác từ năm 2028.
Công ty năng lượng Eni Việt Nam thuộc Tập đoàn năng lượng Eni của Italy đã khoan hai giếng, thu thập khá nhiều tài liệu về mẫu chất lưu cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể tại phát hiện Kèn Bầu, ước tính từ bảy đến chín nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate.
Bộ Công thương đánh giá, việc phát hiện mỏ khí Kèn Bầu và dự kiến đưa vào khai thác trong giai đoạn năm 2025-2030, sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia.
Hai mỏ khí lớn khác là Báo Vàng, Báo Đen được Công ty Gazprom EP Internatiional B.V (là công ty con của Tập đoàn Gazprom - Liên Bang Nga) thăm dò. Kết quả hai mỏ khí này có tổng trữ lượng khoảng 57,88 tỷ m3.
Trên cơ sở đó, phía Công ty Gazprom đã quyết định đầu tư dự án trị giá 1,321 tỷ USD bằng việc xây dựng giàn khoan, đường ống dẫn dầu vào đất liền lấy từ các lô 111-113, với sản lượng khí khai thác 500 triệu m3/năm.
Tuy nhiên sau đó, do chi phí đầu tư khá cao nên Gazprom quyết định chuyển hướng sang xây dựng một nhà máy điện để chuyển từ bán khí sang bán điện. Nhà máy điện lấy khí từ mỏ Báo Vàng này có công suất 340 MW, thời gian khai thác 14 năm.
Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Gazprom về dự án khai thác khí từ mỏ Báo Vàng và dự án Nhà máy điện khí tại Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị cũng nỗ lực hỗ trợ bằng việc tổ chức hội thảo với sự tham gia của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị liên quan để xúc tiến thực hiện dự án quan trọng này.
Sẵn sàng tiếp khí vào bờ
Ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh này có nhiều lợi thế để tiếp khí vào bờ.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, các dự án hạ tầng công nghiệp khí chính được quy hoạch tại tỉnh Quảng Trị như sau: Hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Báo Vàng về Quảng Trị đường kính 16 inch, chiều dài 120 km, công suất dự kiến 2 – 3 tỷ m3/năm, dự kiến vận hành 2023 – 2025.
Hệ thống đường ống thu gom từ Lô 105 – 110 và Lô 111 – 113 kết nối với đường ống mỏ Báo Vàng – Quảng Trị, đường kính 10 – 16 inch, chiều dài 60 – 80 km, thời điểm vận hành dự kiến sau năm 2023;
Đường ống cao áp từ GDC (Trung tâm phân phối khí) tại Quảng Trị tới các Nhà máy điện tại Quảng Trị, đường kính 16 inch, chiều dài 10 km, công suất dự kiến 1,5 tỷ m3/năm, thời điểm vận hành dự kiến năm 2023;
Nhà máy xử lý khí (GPP) tại Quảng Trị, công suất dự kiến 2 – 3 tỷ m3/năm, thời điểm vận hành dự kiến năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg ngày 16/9/2015 về việc thành lập Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và ban hành Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050;
Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị được quy hoạch thành 4 phân khu chức năng, trong đó phân khu 1 (diện tích khoảng 11.469ha) là khu vực dành cho phát triển năng lượng, công nghiệp dầu và khí với diện tích 776,2 ha.
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói về định hướng phát triển năng lượng của tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển khí và các dự án có nhu cầu sử dụng khí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó khuyến khích đầu tư các dự án cảng tiếp nhận, kho chứa LPG, CNG, LNG; đường ống vận chuyển khí; các nhà máy xử lý khí và trạm nén khí; các nhà máy điện khí với tổng công suất 2.550MW.
Ông Hưng cho hay, tỉnh đã sẵn sàng khi mỏ khí Kèn Bầu tiếp bờ tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị vì có quỹ đất thích hợp, quy mô lớn; Khu dịch vụ hậu cần cảng, hỗ trợ phát triển cảng biển (logistics) có diện tích còn lại khoảng 90 ha, thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ hậu cần cảng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có hành lang Kinh tế Đông – Tây kết nối các nước Lào, Thái Lan. Myanmar; đường trung tâm và các tuyến đường kết nối với Quốc lộ 1A, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Tại khu vực quy hoạch tiếp bờ của hệ thống ống dẫn khí, bờ biển có đường đẳng sâu khoảng từ 10m tại vị trí cách bờ khoảng 300-400m.
Ngoài ra còn có lợi thế về kết nối với hệ thống truyền tải điện trong khu vực: Đường điện 500KV, 110KV.
"Quảng Trị định hướng trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung và đang nỗ lực hết sức mình để hiện thực hoá, nhằm tạo ra sự phát triển đột phá, bền vững" – ông Hưng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.