Robinho là cái tên không hề xa lạ với người hâm mộ bóng đá. Từng có thời, tiền đạo sinh năm 1984 này được ví von là “tiểu Pele”, với những màn trình diễn chói sáng trong màu áo Santos, đội bóng cũ của Vua bóng đá Pele. Thậm chí chính Pele đã chọn Robinho, lúc đó mới 15 tuổi, là người thừa kế của ông trong màu áo Selecao...

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 1.

Vào năm 2002, ở tuổi 18, Robinho ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Santos và là tác giả bàn thắng quyết định đưa đội bóng này đăng quang Campeonato Brasileiro (Serie A – giải VĐQG Brazil). Năm 2003, Robinho tiếp tục thi đấu chói sáng để đưa Santos vào chung kết Copa Libertadores (giải đấu tương đương Champions League tại châu Âu của Nam Mỹ) và chỉ để thua Boca Juniors. Và năm 2004, Robinho ghi 21 bàn sau 37 lần ra sân để giúp Santos một lần nữa vô địch Campeonato Brasileiro.

Bằng hành trang ấy, Robinho được gã khổng lồ Real Madrid chiêu mộ với mức phí 24 triệu euro, con số cực lớn lúc bấy giờ, và thậm chí được trao chiếc áo số 10 trước đó thuộc về Luis Figo. Một khởi đầu như thể trong mơ. 24 triệu euro và chiếc áo số 10 cũng là minh chứng cho kỳ vọng lớn lao của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha nói chung và chủ tịch Florentino Perez nói riêng vào thần đồng người Brazil. Và bản thân Robinho cũng tự tin tuyên bố sẽ giành Quả bóng Vàng trong vài năm tới.

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 2.

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 3.

Cũng cần nói thêm về bối cảnh của Santiago Bernabeu những năm giữa thập niên 2000. Sau thành công rực rỡ của những năm đầu kỷ nguyên Galacticos, chiến lược Zidanes y Pavones thất bại thảm hại và Real Madrid sa sút không phanh. Trong khi những siêu sao ngày càng già cỗi và sa sút phong độ thì những tài năng trẻ trưởng thành từ lò La Fabrica như Pavon, Minambres, Javier Portilo không phát triển đúng kỳ vọng. Hệ quả là Los Blancos liên tiếp trắng tay trên mọi đấu trường.

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 4.

Robinho trở thành cứu cánh. Với tiềm năng to lớn “tiểu Pele” sở hữu, Real Madrid hy vọng đội bóng sẽ sớm phục hưng trên đôi chân tài hoa của cầu thủ này. Nhưng, dù Robinho tài thì có tài thật song còn lâu mới sánh kịp Pele, dẫu chính Vua bóng đá đã chọn anh là truyền nhân. Đó cũng là một trong những lần “thánh dự” Pele “đoán toàn sai”.

Robinho gắn bó với Real Madrid trong 4 mùa giải, ghi 35 bàn sau 137 trận, giành 2 danh hiệu La Liga và bị tống tiễn sang Man City cuối kỳ chuyển nhượng Hè 2008, thời điểm nửa xanh thành Manchester được biết đến như một trọc phú mới nổi. Từ thời điểm đó, sự nghiệp của Robinho hoàn toàn là một đồ thị đi xuống, anh trở về Brazil rồi đến Serie A, lang bạt sang Trung Quốc rồi xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 5.

Đến ngày 10/10/2020, Robinho một lần nữa trở về Brazil để khoác áo đội bóng cũ Santos theo bản hợp đồng có thời hạn 5 tháng kèm mức lương bèo bọt 271 USD/tuần. Nhưng chỉ 1 tuần sau, ngày 16/10, Santos tuyên bố đình chỉ hợp đồng với thần đồng một thuở của chính họ. “Tiểu Pele” thất nghiệp từ đó đến nay.

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 6.

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 7.

Đúng 40 năm trước ngày Robinho trở về “úp mặt vào sông quê”, ngày 10/10/1980, một nhóm phụ nữ Brazil tụ tập trước bậc thềm nhà hát thành phố Sao Paulo để biểu tình phản đối tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ngày càng tăng ở quốc gia này. Kể từ đó, ngày này hàng năm được chọn là ngày Quốc gia phòng chống bạo hành đối với phụ nữ của đất nước Brazil.

Sau khi Santos công bố thông tin ký hợp đồng với tiền đạo này, ngay lập tức một làn sóng phẫn nỗ dâng trào, búa rìu dư luận phản đối và chỉ trích kịch liệt, tới mức các nhà tài trợ đã thông báo với gã khổng lồ của bóng đá Brazil về việc chấm dứt hợp đồng.

Nguyên do là vào tháng 11/2017, Robinho từng bị kết tội vì tham gia vào vụ hiếp dâm tập thể năm 2013 với một phụ nữ ở Italia, vào thời điểm anh đang khoác áo AC Milan. Bị hệ thống tư pháp Italia xét xử vắng mặt, “tiểu Pele” lĩnh án 9 năm tù nhưng chưa bao giờ thụ án. Liệu còn điều gì châm biến hơn một kẻ bị cáo buộc hiếp dâm lại đi ký hợp đồng vào ngày chống bạo hành phụ nữ?!

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 8.

Đáng nói, thời điểm bị tuyên án năm 2017, Robinho cũng đang chơi bóng tại quê nhà Brazil, cho CLB Atletico Mineiro. Châm biếm hơn, chỉ 3 ngày sau vụ án năm 2017, Robinho vẫn ra sân trọn vẹn 90 phút trong mào áo Galo, biệt danh của Atletico. Đội bóng này tuyên bố sẽ không đưa ra bất cứ bình luận nào về trường hợp của cựu ngôi sao Real Madrid, vì đó là vấn đề cá nhân.

Nhưng người hâm mộ thì không để yên. Họ giăng biểu ngữ phản đối hành động của Atletico và chỉ trích Robinho ở khắp mọi nơi. Trong đó có một biểu ngữ ghi dòng chữ: “Galo, sự im lặng của bạn đang tiếp tay cho bạo lực. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận một kẻ hiếp dâm”.

Một tháng sau, hợp đồng của Robinho hết hạn, áp lực từ dư luận đủ mạnh để tiền đạo từng được xem là hy vọng của Real Madrid và ĐT Brazil không được gia hạn, và cầu thủ này phải dạt sang tận Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập Istanbul Basaksehir. Khi đội bóng mới của anh hành quân đến Rome trong khuôn khổ Europa League vào tháng 9/2019, Robinho đã phải ở lại Istanbul vì lo ngại bị bắt.

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 9.

Về phía Robinho, tiền đạo này một mực phủ nhận hành vi xâm hại phụ nữ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 10/2020, anh tuyên bố người phụ nữ đó đã đồng ý vào cuộc giao hoan và lỗi duy nhất của anh là… không chung thủy với vợ. Đề cập đến áp lực dẫn đến việc hợp đồng giữa mình và Santos bị đình chỉ, Robinho nói thêm: “Thật vô phúc cho tôi vì phong trào nữ quyền đó”.

Tuy nhiên, đối với nhiều người Brazil, vấn đề không nằm ở khả năng chứng minh vô tội của Robinho, giống như anh đã làm ở Anh vào năm 2009, thời điểm khoác áo Man City và đối mặt với một cáo buộc tấn công tình dục nghiêm trọng ở một hộp đêm tại Leeds. Vấn đề là Atletico Mineiro, Santos hay bất cứ CLB nào khác sẵn sàng ký hợp đồng hoặc trao cơ hội thi đấu cho những cầu thủ bị điều tra vì tội hãm hiếp hoặc bạo hành phụ nữ như Robinho.

Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 10.

Nếu cần thiết, LĐBĐ Brazil có thể triệu tập được cả một đội tuyển toàn thành phần bất hảo là các cầu thủ bị cáo buộc hoặc kết án về tội danh liên quan đến bạo lực phụ nữ hoặc tấn công tình dục. Chỉ một ngày sau khi Robinho trở lại Santos, Red Bull Bragantino ra mắt Wesley Piontek, cầu thủ mới chỉ 1 năm trước bị kết án 16 tháng tù giam vì tội hành hung bạn gái.

Vụ án gây chấn động nhất trong những năm gần đây là vụ cựu thủ thành Flamengo, Bruno Fernandes de Souza, kẻ bị tuyên án 22 năm tù vì giết người tình cũ nhưng chỉ phải thụ án 7 năm. Eliza Samudio, người tình của y, đã bị y siết cổ cho đến chết rồi băm xác cho chó ăn, và y vẫn nhởn nhơ kiếm sống bằng cách chơi bóng cho CLB Rio Branco ở bảng Acre, miền bắc Brazil.

Monica Sapucaia Machado, giáo sư luật chính trị và kinh tế, chuyên gia về quyền phụ nữ, cho biết: “Bóng đá là môn thể thao số một ở khắp mọi nơi, nhưng riêng Brazil thì giống như một thứ tôn giáo. CLB là những tổ chức có ảnh hưởng đến người dân còn hơn cả chính phủ. Họ tạo ra một nền văn hóa, vì vậy khi một CLB khổng lồ từng nuôi dưỡng Pele và là một trong những biểu trưng của nền bóng đá Brazil chấp nhận một kẻ bị kết tội bạo lực với phụ nữ, người Brazil sẽ cho rằng điều đó chấp nhận được”.


Robinho: Bi kịch "thần đồng" và nạn bạo hành phụ nữ ở Brazil - Ảnh 11.

Một vụ hiếp dâm khác gây xôn xao dư luận tại Brazil diễn ra vào tháng 9/2020. Một doanh nhân thành đạt và có mối quan hệ mật thiết với nhiều ngôi sao bóng đá bị cáo buộc lạm dụng tình dụng một người phụ nữ 23 tuổi. Đoạn video trích xuất được sử dụng làm bằng chứng tại phiên tòa khiến người xem rớt nước mắt vì cách Mariana Ferrer, nữ nạn nhân bị làm nhục.

Ngay sau đó, một số CLB Brazil đăng đàn ủng hộ người phụ nữ tội nghiệp, nhưng Santos, đội bóng thời gian gần đây đã tích cực nâng cao nhận thức về hành động xâm hại phụ nữ, thì không. Kelly Gomes, phát ngôn viên của hội CĐV nữ duy nhất của Santos lập tức đăng đàn chỉ trích.

“Cho đến khi xuất hiện trường hợp Robinho, chúng tôi rất tự hào vì CLB khiến chúng tôi cảm nhận được sự ủng hộ từ họ”, bà cho biết. “Trước đây, họ đã có nhiều hành động để nâng cao nhận thức công chúng về sự tôn trọng phụ nữ và vấn nạn bạo lực gia đình, nhưng bây giờ họ không đủ tư cách. Họ đã mất hết uy tín. Có cảm giác như đó chỉ là diễn trò. Ngay cả quyết định đình chỉ hợp đồng với Robinho cũng không phải vì họ tôn trọng phụ nữ, mà là vì các nhà tài trợ!”.

Thống kê cho thấy, tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình, coi thường hoặc phân biệt đối xử với phụ nữ dẫn đến tử vong đang có chiều hướng gia tăng tại Brazil, tăng tới 7% từ năm 2018 đến 2019. Bình quân cứ 8 phút lại có một vụ xâm hại tình dụng xảy ra và 85% nạn nhân là phụ nữ. Hoặc, nói cách khác, trong thời gian quý độc giả đọc tới những dòng này của bài viết, đã có thêm một phụ nữ ở Brazil bị xâm hại. Đó là thực trạng đáng buồn ở quốc gia sản sinh ra biết bao thần tượng bóng đá của thế giới.

"Tiểu Pele" Robinho.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem