Sử dụng smartphone quản lý, chăm sóc cá từ xa nhờ hệ thống cảm biến tự động ở Vĩnh Phúc
Sử dụng smartphone quản lý, chăm sóc cá từ xa nhờ hệ thống cảm biến tự động ở Vĩnh Phúc
Thứ bảy, ngày 11/01/2025 19:00 PM (GMT+7)
Nhờ hệ thống cảm biến tự động kết nối với smartphone, người dân có thể chăm sóc cá từ xa, theo dõi và điều chỉnh các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, mức oxy, giúp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Để đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với nuôi trồng thủy sản, người dân đã triển khai quản lý ao nuôi bằng thiết bị cảm biến tự động giúp người nuôi chủ động kiểm soát nhiều yếu tố môi trường ảnh hưởng đến cá nuôi.
Đến thăm trang trại của ông Đào Duy Thảo (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), với thâm niên nhiều năm nuôi cá, ông đã xây dựng một trang trại nuôi cá chuyên canh năng suất cao với diện tích 1 ha, đối tượng nuôi chính là cá rô phi, trắm, chép... Hàng năm, gia đình ông thu được hàng chục tấn cá các loại, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/năm từ nuôi cá.
Sau khi lắp đặt hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt, ông Thảo không còn phải bận tâm tới việc theo dõi thời tiết, canh thời gian để bật máy sục khí oxy hay lo lắng mỗi khi đi đâu xa không thể về khởi động máy.
Máy đo Farmext Envisor được lắp đặt dưới ao giúp kiểm tra các thông số môi trường nước như độ pH, nhiệt độ, độ mặn, Oxy... cả ngày lẫn đêm một cách tự động và dễ dàng
Ông Thảo cho biết: “Việc ứng dụng thiết bị cảm biến tự động trong ao nuôi và chuyển vào các thiết bị kết nối Intenet như máy tính, điện thoại thông minh. Với việc ứng dụng trên, dù đang ở bất cứ đâu vẫn có thể biết rõ tình hình các chỉ số chất lượng nước trong ao nuôi như chỉ số oxy hòa tan, độ PH, nhiệt độ nước,…để người nuôi cá có thể điều chỉnh kịp thời giúp cho con cá khỏe mạnh, nhanh lớn”.
“Sau khi áp dụng thiết bị cảm biến tự động vào chăm sóc cá, chúng tôi cảm thấy rất nhàn vì môi trường nước được kiểm soát và hệ thống cho cá ăn cũng đều tự động”, ông Thảo nói.
Máy cho cá ăn tự động.
Thiết bị cảm biến tự động không chỉ hỗ trợ người nuôi cá quản lý tốt dịch bệnh và môi trường nước ao nuôi, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.
Hệ thống cảm biến này còn được vận hành tự động, dễ dàng quản lý từ xa, người nuôi cá sẽ theo dõi các chỉ số thay đổi trên ứng dụng di động.
Ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường còn giúp cho người dân kiểm soát được các yếu tố môi trường nước tốt hơn, đồng thời, quản lý việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh một cách có hiệu quả hơn.
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật và có hệ thống cảm biến trợ giúp nên dù thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường, đàn cá vẫn tăng trưởng nhanh.
Đây là một trong những bước đi đầu tiên nhằm hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản nói riêng và chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung. Mô hình quản lý nuôi cá bằng thiết bị cảm biến tự động tuy còn mới mẻ với các hộ nuôi trồng thủy sản thâm canh, nhưng bước đầu đã cho thấy những lợi ích, hiệu quả, tích cực về việc sử dụng ứng dụng.
Khổng Chí
Vui lòng nhập nội dung bình luận.