Tận dụng mọi nguồn lực để dạy bơi cho trẻ

Tùng Anh-Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ sáu, ngày 27/06/2014 08:52 AM (GMT+7)
“Để cho trẻ bị đuối nước, tôi cho rằng nguyên nhân chính thuộc về gia đình, trong đó có nhận thức của cha mẹ. Rất nhiều cha mẹ lơ là hoặc không có kiến thức, chưa biết cách tự bảo vệ con mình” - ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH cho biết.
Bình luận 0

NTNN số 151 có bài phản ánh về tình trạng số trẻ đuối nước tiếp tục tăng cao. Trả lời phỏng vấn NTNN về các giải pháp, ông Nguyễn Hải Hữu khẳng định, trẻ nông thôn không thiếu cách học bơi, quan trọng là cha mẹ quan tâm tới con, dạy trẻ nhận biết nguy hiểm và xử lý tình huống nguy hiểm.

Theo ông, nguyên nhân gì dẫn đến tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em ngày càng cao?

- Tôi cho rằng nguyên nhân chính ở đây thuộc về gia đình, trong đó có nhận thức của cha mẹ trẻ. Nhiều bậc cha mẹ, người thân không có thời gian chăm sóc, quán xuyến để trẻ tiếp xúc với những nguy cơ gây đuối nước. Trong khi đó, ở nhà trường trẻ chưa được dạy các kỹ năng mềm, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm. Đó là những thứ đáng lẽ chúng được trang bị từ cha mẹ, từ chính thầy cô và các chương trình dạy học tại nhà trường.

Đa số các vụ đuối nước trẻ em thường xảy ra ở khu vực nông thôn, trong khi đó việc dạy bơi cho trẻ nông thôn thường gặp nhiều vướng mắc do thiếu kinh phí, theo ông có giải pháp gì giảm nguy cơ cho nhóm trẻ này?

- Đối với đất nước có nhiều ao hồ, sông suối như Việt Nam thì giải pháp tốt nhất là trẻ phải biết bơi. Trẻ em vùng biển, vùng sông nước như ĐBSCL tỷ lệ tử vong vì đuối nước là rất ít. Đuối nước thường xảy ra ở những nơi có ít ao hồ.

Tôi biết Bộ GDĐT và Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch cũng đang thí điểm đề án dạy bơi cho trẻ trong trường học, tuy nhiên gặp nhiều vướng mắc do không có kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất. Thực ra, tôi nghĩ cái này cũng không quá khó đâu, ở thành phố thì có rất nhiều bể bơi, ở nông thôn thì có rất nhiều ao hồ. Trong khi điều kiện kinh tế chưa cho phép thì phải tận dụng những gì mình có, mục đích cuối cùng là giúp trẻ biết bơi.

Vậy về lâu về dài cần những quyết sách gì dài hơi để chấm dứt tình trạng này, thưa ông?

- Trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường các chương trình tuyên truyền tới các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nâng cao nhận thức hơn nữa về trách nhiệm với con cái thông qua các tổ chức xã hội. Quan trọng nhất là phải dạy cho trẻ kỹ năng biết tự cứu mình trong các tình huống khẩn cấp bằng cách Bộ GDĐT phải sớm đưa môn bơi vào trường học. Trong trường hợp chưa đủ cơ sở vật chất, có thể tận dụng những gì mình có trong điều kiện an toàn nhất có thể để dạy bơi cho trẻ.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần có cơ chế hỗ trợ về cơ sở vật chất để làm chỗ vui chơi cho các em. Địa phương nghèo thì lo chỗ nhỏ thôi cũng được. Có chỗ vui chơi, các em sẽ tránh xa được các nguy cơ tiếp xúc với ao, hồ, sông, suối.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem