“Tàn phá” những người trẻ, bóng cười có thể làm tổn thương đến cả nguồn lực của quốc gia! - Ảnh 1.

TS danh dự Lê Trung Tuấn trả lời PV Dân Việt

PV: Vì sao bóng cười gây hậu quả lớn như vậy cho người dùng, mà chúng ta không có cách hạn chế, cấm triệt để việc sử dụng nó, thưa ông?

Ông Lê Trung Tuấn: Thứ nhất là bóng cười chưa được đưa vào danh mục các chất ma túy mặc dù rõ ràng sử dụng chất N20 vào mục đích "giải trí" trong nhà hàng, quán bar là quá sức nguy hiểm.

Không phải bây giờ mới xảy ra tình trạng này, mà đã kéo dài trong nhiều năm nay. Với tốc độ sử dụng và mất kiểm soát như hiện nay thì tôi nghĩ rằng đây nó là một "đại họa" của giới trẻ Việt Nam, một mối nguy hiểm không khác gì "giặc ngoại xâm". Bóng cười sẽ tàn phá thế hệ trẻ và để lại di chứng vô cùng khủng khiếp. 

Nếu có thời gian mời nhà báo cứ đi tham quan Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Khoa Tâm thần của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương hay các cơ sở cai nghiện ma tuý hoặc những bệnh viện có khoa phục hồi về thần kinh và chức năng sinh lý… thì sẽ thấy nhóm bệnh nhân có sử dụng bóng cười đang gánh chịu những hậu quả khôn lường. 

Các em vào đó với những triệu chứng như rối loạn tâm thần, có em hoàn toàn mất kiểm soát. Và nếu như với tốc độ như hiện nay, nếu chúng ta không có chế tài can thiệp một cách mạnh mẽ, thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đất nước. 

“Tàn phá” những người trẻ, bóng cười có thể làm tổn thương đến cả nguồn lực của quốc gia! - Ảnh 2.

PV: Thưa ông, bóng cười  nguy hiểm như vậy, tràn lan như vậy; tức con em chúng ta đang bị đẩy vào những cạm bẫy bóng cười với đầy rẫy rủi ro. Các nhà quản lý, các quyết định quản lý phải cho con chúng ta cơ sở để được an toàn. Đó là một yêu cầu mang tính nhân văn!

Ông Lê Trung Tuấn: Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm với nhà báo. Đây là câu chuyện về kẽ hở pháp luật. Và hiện nay chế tài để đưa bóng cười hay một chất tương tự vào "danh mục cấm" thì chúng ta lại bổ sung không kịp thời. Ma túy liên tục "phát triển", những chất gây nghiện, chất kích thích liên tục biến tướng từ dạng này qua dạng khác. Thế nhưng chúng ta lại can thiệp (đưa vào danh mục và tiến hành cấm)  quá chậm. Muốn để đưa vào chế tài thì phải can thiệp, phải bổ sung từ luật cho đến các Thông tư, Nghị định. Và tôi nhớ không nhầm thì hàng năm, cơ quan chức năng đều bổ sung các chất cấm vào các danh mục để chúng không được "lưu hành" (nhưng điều này cũng phải phù hợp với cả thông lệ quốc tế). 

Về bóng cười, tôi thấy rằng, mặc dù chúng ta đã có những hành động tương đối mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đủ. Phải quyết liệt hơn nữa. Phía cơ quan quản lý phải bổ sung liên tục thậm chí là một năm hai lần, để đưa vào những chất "ma tuý diễn biến mới" vào danh mục chất cấm lưu hành - cấm sử dụng - như vậy thì mới có thể hiểu quả được. Cần phải có động thái mạnh mẽ hơn nữa về luật pháp và đạo đức. Về đạo đức, quyền của bạn trẻ là được sống và vui chơi lành mạnh đúng luật, đừng để cái "tự do thể hiện mình" (như hút bóng cười) làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Các bạn không thể lấy "ham muốn" của mình, "tự do" của mình để rồi gây họa cho bố mẹ mình, rồi cho xã hội. Có rất nhiều trường hợp sử dụng bóng cười xong rồi cầm dao đi tìm bố tìm mẹ để giết.

Tôi đã nói về mối nguy hiểm của ma túy đá với chính nhà báo cách đây nhiều năm và chúng ta đã thấy rồi, và bây giờ cái câu chuyện về bóng cười cũng sẽ không nằm ngoại lệ. Nó tương tự như vậy, là thảm hoạ được báo trước. Nếu chúng ta không quyết liệt chúng ta sẽ thấy một thế hệ trẻ… đầy thương tích. Họ bị chất kích thích làm cho tổn thương từ cả hai khía cạnh tâm lý và sinh lý. Và như vậy nguồn lực của quốc gia, sự mạnh mẽ của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng từ đó. 

Nhiều người đã không biết được rằng trong tương lai: 5 năm nữa, 7 năm nữa, chúng ta sẽ phải lo lắng như thế nào cho thế hệ trẻ này khi mà sự vui chơi, sự mất kiểm soát của của họ đã bị chất kích thích gây hại. Chúng ta cần đào tạo, dạy dỗ, rèn luyện kĩ năng phòng ngừa ma tuý cho các cháu càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt. 

Chúng ta phải có cơ chế kiểm soát từ gốc chất N20 này. Những cơ quan, đơn vị nào mới được quyền cấp phép, phân phối, được quyền mua bán và chất này phải thuộc danh mục nào để không thể bán ra ngoài "vô tội vạ" như hiện nay. Như thế thì mới có thể kiểm soát được. Hiện nay, việc quản lý bóng cười đang ở trong tình trạng là: nhà báo có thể ngồi ở đây, gọi điện, đặt mua một nghìn quả bóng họ cũng sẽ mang (ship) đến luôn. 

Trước tình trạng này, tôi muốn nhấn mạnh: hậu hoạ của việc giới trẻ sử dụng bóng cười là sẽ ảnh hưởng cả mặt di truyền, ảnh hưởng bởi sự biến đổi nào đó về gene trong chính những người sau này sẽ làm bố làm mẹ (mà có sử dụng bóng cười). 

PV: Nhiều năm qua là người truyền cảm hứng cho những người đã lầm lạc với ma túy, quay đầu lại bờ.. Với tư cách là người sáng lập, lãnh đạo cao nhất điều hành Viện PSD, ông đã từng kiến nghị như thế nào về cái việc kiểm soát bóngcười để tránh cái hậu họa cho giới trẻ và cả xã hội? 

Ông Lê Trung Tuấn: Với chức năng nhiệm vụ của viện, trong các buổi hội thảo, trong rất nhiều buổi họp quan trọng, trong báo cáo hằng năm lên Chính phủ và các bộ ban ngành, chúng tôi đều kiến nghị cần kiểm soát mạnh mẽ hơn các tiền chất ma túy. Và trong đó, có cả bóng cười. 

Tôi nghĩ rằng: các sự ra quân ngăn chặn bóng cười của UBND TP Hà Nội và một số địa phương gần đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Với các đồng chí lãnh đạo, Bộ trưởng, tôi cũng đã gặp và báo cáo câu chuyện ma tuý này trực tiếp. Với tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, với sự vào cuộc của các ban ngành trong ngăn chặn ma tuý, trong đó có bóng cười, tôi tin rằng trong tương lai chúng ta sẽ ngăn chặn được thảm hoạ trên. Tuy nhiên, tương lai đó là 3 tháng 1 năm hay 3 năm, 5 hay năm hay 10 năm hay 20 năm sẽ còn phụ thuộc vào sự quyết liệt hơn nữa, sự thấu hiểu hơn nữa từ các cấp lãnh đạo, từ quản lý vĩ mô tới vi mô đến các cơ quan thực thi nhiệm vụ...

“Tàn phá” những người trẻ, bóng cười có thể làm tổn thương đến cả nguồn lực của quốc gia! - Ảnh 3.

PV: Ông đã nói nhiều về cái gọi là "ma túy trá tình". Có thể thấy, hậu quả của bóng cười lên cơ thể của các bạn trẻ nhiều hơn so với trước. Theo các nguồn tin của chúng tôi, nhiều khả năng đó là hậu quả của việc pha trộn các chất khác, thậm chí là chất gây nghiện vào trong bình khí bóng cười? Liệu có chuyện đó không, thưa ông?

Ông Lê Trung Tuấn: Trong quá trình nghiên cứu, làm việc tôi nhận thấy rằng là cái việc pha trộn đối với các hoá chất vào trong khí bóng cười thì tôi nghĩ nó hơi khó, bởi vì nó là chất đặc thù. Nhưng đáng sợ hơn là trong tất cả các buổi sử dụng bóng cười, bao giờ các thanh niên trẻ kia cũng sử dụng kèm các loại ma túy khác. Và điển hình là cần sa hay "cỏ" rồi ma túy đá. Đúng, công nghệ "bay" ngày xưa thì chỉ có là "cần ke lắc đá" (tên "dân gian" của 4 loại ma tuý phổ biến); nhưng bây giờ công nghệ bay của giới trẻ - để thể hiện cái "cá tính" ngang ngược của mình – thì họ lại có "công thức" mới: "cần ke lắc đá bóng". Bóng cười chỉ là một trong những cái sản phẩm cuối cùng hay là sản phẩm đầu tiên các em sử dụng trong các cuộc vui. 

Tất cả những cái loại ma tuý kể trên, các đối tượng đều có thể pha trộn đủ thứ vào, hết sức nguy hiểm. Ví dụ như shisha, trộn tinh dầu của cần sa hay thậm chí có thể nghiền heroin để trộn vào. Đó chuyện rất dễ gặp.

Như vậy những rối loạn theo "chuỗi" kia sẽ càng trở nên nguy hiểm. Đây chính là những điều mấu chốt dẫn tới những "tác động xấu" và sự nguy hiểm tức thì đối với người sử dụng bóng cười. Đó là sự ngộ độc cấp,  ngôn ngữ dân chơi là "sập sàn", nghĩa là họ gục ngã ngay tại chỗ - thì nó không đơn thuần chỉ là một chất N20 của bóng cười, mà là rất nhiều loại chất khác từ các loại ma túy khác cùng dung nạp vào cơ thể.

“Tàn phá” những người trẻ, bóng cười có thể làm tổn thương đến cả nguồn lực của quốc gia! - Ảnh 4.

PV: Được biết, ông đã hỗ trợ điều trị cho rất nhiều người bị các hậu quả xấu của ma túy khác nhau trong đó có bóng cười; vậy ông có thể mô tả một nhân vật, một "bệnh nhân" mà ông ám ảnh nhất?

Ông Lê Trung Tuấn: Tôi ấn tượng sâu sắc nhất, cảm thương nhất là câu chuyện về một bé gái, mới tốt nghiệp lớp 12, đi du học ở nước ngoài, từ thời phổ thông. Cũng là con của một vị cán bộ quan trọng. Khi cháu sử dụng bóng cười, mỗi khi lên cơn nghiện là cô bé phải bay từ Úc, có lần phải bay từ Anh về tận TP HCM chỉ để hút bóng cười, rồi lại quay lại "du học" tiếp. Lý do thứ nhất là ở hai khu vực (ở hai châu lục khác) kia họ cấm bóng cười rất mạnh mẽ, thứ hai là cháu cần không gian quen thuộc, cần bạn bè thác loạn quen thuộc để có thể "phê pha". Đây là "tâm lý" thường gặp ở các dân chơi đến độ dần mất kiểm soát hành vi như cháu.

Khi tôi tiếp cận thì cô bé ấy đã phải nghỉ học mất 6 tháng. Cháu bé đã mất hoàn toàn khả năng kiểm soát hành vi, không nhận thức được thế giới quan xung quanh nữa. Cháu phải điều trị liên tục. Sau này, cả quá trình điều trị, phải sang Singapore vì bệnh quá nặng, tôi cũng phải bay sang Singapore để hỗ trợ điều trị. Kết quả cuối cùng, đến nay, sau hơn 5 năm cháu cũng không còn sử dụng lại nữa nhưng bóng cười đã để lại những hậu quả quá lớn, đeo đuổi suốt đời cháu.

Với tốc độ sử dụng bóng cười như vậy, cơ thể cháu bé đã dung nạp các chất hóa học của "ma túy thời mới" vào cơ thể. Sau này, các cái yếu tố về mặt sinh sản, những biến đổi về mặt tâm lý, sinh lý của cháu chắc chắn rất to lớn và lâu dài. Đây chính là sự sát thương lớn nhất, và tôi chỉ nghĩ rằng nếu như một ngày tôi không nỗ lực thì biết đâu con gái tôi hay cháu tôi hay con của những bạn bè thân thiết của tôi sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thực sự là đau xót. 

PV: Chân thành cảm ơn ông.

Nhóm PV Dân Việt (thực hiện)

“Tàn phá” những người trẻ, bóng cười có thể làm tổn thương đến cả nguồn lực của quốc gia! - Ảnh 5.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem