Khát khao có cây giống để vươn lên thoát nghèo

Bảo Yến Chủ nhật, ngày 24/03/2024 06:05 AM (GMT+7)
"Có được cây giống là tôi có thêm nguồn hy vọng sống trong những năm tháng tuổi già không có ai nương tựa" – Trong ánh mắt chất chứa hy vọng, bà Hoàng Thị Thuận (SN 1969) ở thôn Tiền Phong, xã Xuân Long (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bày tỏ về mong ước của mình.
Bình luận 0

Mong vươn lên thoát nghèo từ đồi núi

Xã Xuân Long là một xã vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Yên Bình (tỉnh Yên Bái). Nằm cách TP. Hà Nội khoảng 200km và cách TP.Yên Bái khoảng 90km, con đường đến với xã Xuân Long gập ghềnh, quanh co như chính cuộc sống của người dân nơi đây.

Xã Xuân Long có tổng diện tích tự nhiên là 7.778,79 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 7.489,32 ha. Từ bao đời nay, người dân xã Xuân Long đều sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hình thức canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún nên đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn.

Bà Hoàng Thị Thuận (thôn Tiền Phong) là một trong những hoàn cảnh khó khăn của xã Xuân Long. Không chồng con, bà sống một mình trong căn nhà gỗ nhỏ bên sườn đồi. Cuộc sống của bà phụ thuộc vào một mảnh ruộng và khoảng 1ha đất đồi. Ngày ngày, bà đều chăm chỉ lên đồi miệt mài trồng cây sắn, chăm cây ngô từ sáng sớm đến tối mịt, thế nhưng cuộc sống của bà vẫn bị cái nghèo đeo bám mãi. 

Khát khao có cây giống để vươn lên thoát nghèo- Ảnh 1.
Khát khao có cây giống để vươn lên thoát nghèo- Ảnh 2.
Khát khao có cây giống để vươn lên thoát nghèo- Ảnh 3.

Những đồi đất trống ở Xuân Long đang mong chờ nguồn cây giống.

Cuộc sống một mình những ngày tháng tuổi già bà cũng không biết nương tựa vào đâu. Ước mong lớn nhất của bà là có được nguồn thu nhập ổn định từ mảnh đất ông cha để lại. Nói về mong muốn và trăn trở của mình giọng bà Thuận dường như nghẹn lại: “Tôi cũng muốn có cây giống lâu năm trồng trên đồi để ít năm sau cho thu nhập thường xuyên, thì tôi không còn phải lo lắng về tuổi già của mình nữa, nhưng tiền đâu mà mua cây giống khi chi phí sinh hoạt hằng ngày còn phải tằn tiện”.

Cũng như bà Thuận, đôi vợ chồng trẻ anh Hà Văn Du, chị Vàng Thị Lan (thôn Tiền Phong) đang mang gánh nặng kinh tế vì con cái trong độ tuổi đi học. Trong khi đó, cả gia đình đều phụ thuộc vào 2ha đất đồi cha mẹ cho "vốn làm ăn".

"Lâu nay, đất đồi gia đình mình trồng cây keo nhưng phải mất 5 năm mới cho thu hoạch mà chỉ được khoảng vài chục triệu đồng. Nếu như tính tiền phân bón, công chăm sóc thì không có lãi gì, chỉ làm để đất đỡ trống chứ không thể dựa vào đó để có cái ăn cái mặc được. Ai cũng muốn gia đình sum vầy bên nhau nhưng nếu ở nhà làm như vậy thì không đủ ăn nên chồng mình phải đi làm công ty để có thêm thu nhập nuôi con ăn học" – Chị Vàng Thị Lan trải lòng về những khó khăn của gia đình.

Khát khao có cây giống để vươn lên thoát nghèo- Ảnh 4.

Nguồn thu nhập chính của người dân ở xã Xuân Long chủ yếu từ nông nghiệp.

Nguồn hy vọng thay đổi một miền quê

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Long cho biết: “Toàn xã có 1.004 hộ dân với 7 dân tộc cùng chung sống gồm: Kinh, Tày, Mông, Giáy, Dao, Cao Lan, trong đó dân tộc Tày chiếm 85% dân số. Người dân chủ yếu dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh trên người và gia súc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con. Nỗi trăn trở của chính quyền và người dân là có được một nguồn cây giống có hiệu quả kinh tế và phát triển lâu dài để giúp bà con bám đất vươn lên”.

Theo bà Đào Thị Thanh Hiền – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Bình, mô hình trồng cây tre măng Bát Độ có tiềm năng phát triển trên địa bàn huyện. Mô hình này đang được thử nghiệm và cho thấy hiệu quả kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Bình có 300ha tre măng Bát Độ đang cho thu hoạch.

Khát khao có cây giống để vươn lên thoát nghèo- Ảnh 5.
Khát khao có cây giống để vươn lên thoát nghèo- Ảnh 6.

Cây tre măng Bát Độ có tiềm năng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân.

"Những năm gần đây cây tre măng Bát Độ đã thể hiện được vai trò và sức phát triển rõ rệt, tạo thu nhập cho người trồng. Đây là cây dài ngày, không có sâu bệnh, dễ trồng, cho năng suất cao. Sau 3 năm kể từ ngày trồng, tre bắt đầu cho măng và người dân sẽ thu hoạch suốt 6 tháng/năm. Một hecta tre măng Bát Độ sẽ mang đến nguồn thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện đang có đơn vị bao tiêu sản phẩm, có đầu ra ổn định. Nếu như người dân có đất được trồng giống cây này thì có thể thoát nghèo" - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Bình cho hay.

Trước những mong muốn của người dân cùng nỗi trăn trở của chính quyền xã Xuân Long, với hướng dẫn của phòng Nông nghiệp huyện Yên Bình, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt kêu gọi sự đồng hành, ủng hộ của quý đơn vị, các nhà hảo tâm và bạn đọc trên khắp cả nước tặng cây giống tre măng Bát Độ cho bà con nơi đây.

Mỗi một cây tre được trao tặng chính là "chiếc cần câu" giúp người dân ở Xuân Long sớm thoát khỏi nghèo đói, vươn lên thay đổi quê hương.

Cách gửi tặng cây giống tre măng Bát Độ

Hiện nay, mỗi cây tre giống có giá: 25.000 đồng.

Bạn đọc có thể gửi tặng cây giống tre măng Bát Độ về với người dân Xuân Long qua 2 hình thức là thông qua số tài khoản của Báo Nông Thôn Ngày Nay và "đổi giấy lấy cây xanh" gom giấy báo, sách vở cũ ủng hộ chương trình.

Về chương trình "đổi giấy lấy cây xanh", cứ 10kg giấy sẽ đổi lấy 1 cây tre măng Bát Độ gửi tặng bà con. 

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 2120524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ cây giống cho người dân nghèo



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem