Thách thức cuối cùng của tỷ phú Trần Bá Dương

Quang Dân Thứ tư, ngày 13/01/2021 09:30 AM (GMT+7)
Trong buổi nhậm chức Chủ tịch HAGL Agrico (mã HNG), tỷ phú Trần Bá Dương đã thể hiện tâm trạng vừa phấn khích vừa lo lắng của mình trước cơ hội mới khi phát biểu "HAGL Agrico sẽ là thử thách cuối cùng của cuộc đời tôi và tôi tin mình có thể làm được".
Bình luận 0

Tân Chủ tịch HAGL Agrico Trần Bá Dương cho biết, bản thân đã thành công vượt qua 2 thách thức lớn nhất cuộc đời mình là biến 1 xưởng sửa chữa ô tô nhỏ trở thành 1 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về buôn bán – sản xuất ô tô, cũng như vùng sình lầy Thủ Thiêm trở thành khu đô thị kiểu mẫu Sala.

Thách thức số 1: Biến xưởng sửa chữa ô tô nhỏ thành tập đoàn Thaco đứng đầu về buôn bán, sản xuất ô tô

Tỷ phú Trần Bá Dương sinh năm 1960, là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em tại Thừa Thiên Huế. Ông tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM.

Sau đó, nhờ vào những kiến thức đã tích lũy được trong suốt năm tháng theo học tại Đại Học Bách Khoa, ông đã đưa ra dự án “Chuyển đổi tay lái nghịch". Dự án của ông đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận và đã thành công.

Thế chân kiềng của tỷ phú Trần Bá Dương - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA)

Ngày 29/4/1997, ông Trần Bá Dương quyết định thành lập Công ty TNHH ô tô Trường Hải, nay là Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. 

Tiếp đó đến năm 2000, ông mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA. Sản phẩm mặc dù chưa có thành phẩm nhưng đã kín đơn đặt hàng.

Bước ngoặt đến với ô tô Trường Hải vào năm 2008, khi Jardine Cycle và Carriage, một nhà phân phối xe hơi của Singapore, đã chi 77 triệu USD để mua 20% cổ phần của công ty.

Được rót vốn lớn, ô tô Trường Hải tăng trưởng mạnh mẽ các năm sau đó và từng bước đánh bại các tên tuổi trên thị trường. Tỷ phú Trần Bá Dương từng quyết tâm phải trở thành số một thị trường, phải vượt qua Toyota, nhưng không chỉ vượt qua bằng chính doanh số xe con chứ không cộng doanh số xe tải, xe bus.

Nói được và làm được, năm 2014, Thaco đã chính thức vượt qua Toyota để trở thành doanh nghiệp có thị phần lớn nhất và duy trì vị thế suốt từ đó đến nay. 

Trải qua 23 năm hình thành và phát triển, Thaco hiện có hơn 30 công ty thành viên và hơn 20.000 nhân viên trải dọc khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Đến nay, Thaco không chỉ phát triển thị trường ô tô trong nước mà còn xuất khẩu nhiều sản phẩm ô tô sang các nước trong khu vực ASEAN và thế giới.

Thế chân kiềng của tỷ phú Trần Bá Dương - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính Thaco

Thách thức số 2: Biến vùng sình lầy ở Thủ Thiêm trở thành khu đô thị Sala

Nhắc đến thách thức thứ 2, tỷ phú Trần Bá Dương nhớ lại thời điểm năm 2012 ông được mời gọi đầu tư tại Thủ Thiêm (Quận 2, TP. HCM). Lúc đó, đây là vùng sình lầy chưa có bất cứ hạ tầng cơ sở gì và ông đã quyết tâm làm.

Theo đó, sau khi đã lên đỉnh cao của ngành sản xuất ô tô trong nước, tỷ phú Trần Bá Dương quyết thử sức với bất động sản khi thành lập Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Quang Minh vào năm 2011.

Thời điểm này, tham gia góp vốn với tỷ phú Trần Bá Dương còn có 4 cổ đông khác, trong đó Thaco nắm 45% vốn, Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh nắm 37,5%, ông Trần Đăng Khoa và Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế và Tư vấn đầu tư Invecon nắm 17,5%.

Hiện nay, Thaco đang nắm giữ 90% cổ phần của Đại Quang Minh, ông Trần Đăng Khoa giữ 5%, còn lại là các cổ đông khác.

Thế chân kiềng của tỷ phú Trần Bá Dương - Ảnh 3.

Nguồn: Đại Quang Minh

Đại Quang Minh được biết đến là chủ đầu tư tiên phong, ông lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với việc phát triển khu đô thị sala có tổng diện tích khoảng 128ha và hàng loạt các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm như: Quảng trường Trung tâm và Công viên Bờ sông; 4 tuyến đường chính Thủ Thiêm; Cầu Thủ Thiêm 2; Cầu đi bộ nối Thủ Thiêm và phố đi bộ Nguyễn Huệ; Dự án vùng Châu thổ phía Nam...

Đặc biệt, vào tháng 10/2019, tỷ phú Trần Bá Dương thông qua Đại Quang Minh sở hữu 100% vốn tại dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar – dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai, đánh dấu sự chia tay của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đối với lĩnh vực bất động sản.

Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính đầu tư phát triển giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 7.400 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Theo tìm hiểu, hiện quỹ đất của Thaco đang có khá dồi dào. Ngoài Khu đô thị Sala rộng hơn 106 ha cùng 150 ha Lâm Viên sinh thái tại Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), Thaco đang phát triển Khu công nghiệp và đô thị 650 ha tại Chu Lai, cũng như sở hữu 100 showroom có vị trí tốt tại các đô thị lớn.

Thách thức cuối cùng của tỷ phú Trần Bá Dương

Với sự tự tin đến từ những thành công trong quá khứ, Tân chủ tịch HAGL Agrico Trần Bá Dương nhấn mạnh, chẳng có lý gì ông không vượt qua được thách thức lớn thứ 3 - thử thách cuối cùng là đưa HAGL Agrico và THAGRICO trở thành doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn, vươn lên tầm khu vực và tầm thế giới.

Thử thách này đến với tỷ phú Trần Bá Dương sau 2 năm tiếp xúc đồng thời đã tìm đủ mọi cách đứng ngoài hỗ trợ, song HAGL Agrico vẫn không thể tự mình tốt lên.

Được thành lập năm 2010, Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – HoSE: HNG) đã phát triển được quỹ đất 85.000ha ở Gia Lai, Đắk Lắk, Lào và Campuchia. Do giá cao su tự nhiên giảm mạnh, HAGL Agrico rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, bị mất thanh khoản.

Thế chân kiềng của tỷ phú Trần Bá Dương - Ảnh 5.

Nguồn: HNG

Tổng nợ đến ngày 3/8/2018 là 18.414 tỷ đồng. Do đó, Bầu Đức đã mời gọi Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương trở thành nhà đầu tư chiến lược tham gia tái cấu trúc tài chính và chuyển đổi một phần lớn diện tích cây cọ dầu, cây cao su sang cây ăn trái.

Hơn 2 năm qua, Thaco đã cùng HAGL giải quyết những khó khăn về tài chính để HNG trả được nợ ngân hàng tới hạn và thực hiện việc chuyển đổi, phát triển vườn cây ăn trái.

Sau quá trình tái cơ cấu, đến ngày 30/11/2020, HNG còn nợ ngân hàng 5.700 tỷ đồng, nợ THAGRICO 5.994 tỷ đồng, nợ HAGL 2.187 tỷ đồng, nợ phải trả nhà cung cấp, đối tác, nhân viên 2.196 tỷ đồng; tổng các khoản nợ phải trả là 16.078 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của HNG đến 30/09/2020 là 2.663 tỷ đồng.

Thế chân kiềng của tỷ phú Trần Bá Dương - Ảnh 6.

Nguồn. Báo cáo tài chính HNG

Thoát khỏi bờ vực phá sản nhưng có thể thấy HAGL Agrico vẫn gặp nhiều khó khăn đối với việc trả các khoản nợ trên, đồng thời tiếp tục cần vốn để chăm sóc vườn cây và đầu tư hạ tầng: thủy lợi, điện, giao thông, tổng kho vật tư, kho lạnh, logistics nội bộ phục vụ nhu cầu cấp bách của sản xuất. Đó là lí do "hoán đổi" vị trí Chủ tịch HĐQT từ ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) sang tỷ phú Trần Bá Dương để HAGL Agrico tiếp tục thực hiện tái cấu trúc một lần nữa.

Chiến lược đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023 cho diện tích đất còn lại của HNG là 35.757ha tại Lào (27.383ha) và phía Bắc Campuchia (8.374ha).

HNG tập trung trồng trọt cây ăn trái (chuối, xoài, dứa) và xác định chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò thịt là lĩnh vực chiến lược của HNG để đảm bảo nền tảng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được quản trị theo phương pháp công nghiệp

Với chiến lược trồng trọt kết hợp bán chăn nuôi, tỷ phú Trần Bá Dương tin kết quả kinh doanh HAGL Agrico sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, công ty cũng cần thời gian để hình thành nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, quản trị chuẩn công nghiệp.

“Đến giờ này, chúng tôi đã bỏ vào đây hơn 40.000 tỷ đồng nên chắc chắn tôi phải làm và không còn cách nào khác phải làm. Cái này tôi xem như là thách thức để làm nông nghiệp hữu cơ, quản trị theo phương pháp công nghiệp. Vốn tôi bỏ ra rất nhiều, danh dự của tôi cũng theo chỗ này nên sẽ cố gắng hết sức”, lãnh đạo HAGL Agrico chia sẻ.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem