Thế giới hậu sự kiện 11/9: al-Qaeda - mối đe dọa vẫn còn dai dẳng

Cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã biến al-Qaeda trở thành một cái tên gây khiếp sợ toàn nước Mỹ.

Trước khi Trung tâm Thương mại Thế giới và một phần của Lầu Năm Góc sụp đổ, rõ ràng là Mỹ đã đánh giá thấp mối đe dọa từ nhóm Hồi giáo cực đoan, dẫn đầu bởi một người Ả Rập Xê-út bị ruồng bỏ ở Afghanistan, những người mơ ước đoàn kết cộng đồng Hồi giáo và phá hủy "huyền thoại về sự bất khả chiến bại của người Mỹ".

Al-Qaeda phát triển từ thời kỳ nổi dậy của Afghanistan chống lại Liên Xô, chuyển hướng sang chiến đấu với phương Tây. Được thành lập vào năm 1988 bởi Osama bin Laden, nhóm này thu hút những tân binh bất mãn phản đối sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel và các chế độ độc tài Trung Đông. Đến khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan vào năm 1996, lực lượng này đã trao cho al-Qaeda một khu vực cho phép tổ chức, điều hành các trại huấn luyện và âm mưu những cuộc tấn công, bao gồm cả vụ 11/9.

Thế giới hậu sự kiện 11/9: al-Qaeda - một mối đe dọa vẫn còn dai dẳng - Ảnh 1.

Vụ khủng bố 11/9 đã khiến toàn thế giới phải "rúng động". Ảnh: Getty

Vụ khủng bố 11/9 đã chứng tỏ nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho một thế hệ Hồi giáo cực đoan. Đồng thời, nó cũng gây ra phản ứng mà một số thủ lĩnh Taliban và al-Qaeda, những người từng phản đối việc tấn công Mỹ, lo sợ. Và thay vì khiến người Mỹ chùn tay trong việc can thiệp vào các chính phủ nước ngoài như bin Laden hy vọng, hành động này đã mang lại kết quả là cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ.

"Al-Qaeda đã thành công mỹ mãn với sự kiện 11/9", Barak Mendelsohn, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Haverford, nói với WorldView.

Sau cuộc xâm lược Afghanistan do Mỹ dẫn đầu năm 2001, các thủ lĩnh của al-Qaeda đã chạy trốn sang Pakistan hoặc Iran. Nhiều người bị giết hoặc bị bắt. Bin Laden biến mất trong vài năm và sau khi trở lại, ông ta háo hức thực hiện lại vụ tấn công 11/9. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của nhóm thông báo với bin Laden rằng trong tình trạng hiện nay của al-Qaeda, một chiến dịch như vậy là bất khả thi.

al-Qaeda vẫn thể hiện khả năng phục hồi đáng nể, thậm chí sau hai thập kỷ

Cuộc tấn công Iraq của Tổng thống George W. Bush vào năm 2003 đã thúc đẩy sự xuất hiện của một gương mặt mới và mạnh mẽ từ al-Qaeda, do Abu Musab al-Zarqawi, một phần tử cực đoan người Jordan cầm đầu.

Các nhóm Hồi giáo ở Somalia, Yemen và Bắc Phi cũng củng cố mối quan hệ với al-Qaeda, khiến lực lượng này từ một nhóm từng tập trung ở Afghanistan và Pakistan thành một mạng lưới nhượng quyền rộng lớn khắp châu Phi, châu Á và Trung Đông.

Mặc dù vậy, các nhánh của tổ chức không hoàn toàn mang lại lợi ích. Sự định hướng của các nhà lãnh đạo al-Qaeda đối với tổ chức này dần suy yếu, cùng với đó là sự chia rẽ nổi lên, dẫn đến những hành động bạo lực chống lại thường dân Hồi giáo.

Thế giới hậu sự kiện 11/9: al-Qaeda - một mối đe dọa vẫn còn dai dẳng - Ảnh 3.

Al-Qaeda là một tổ chức đa quốc gia của chiến binh Hồi giáo dòng Sunni, được nhiều người coi là một tổ chức khủng bố. Ảnh: Getty

Việc lính SEAL của Hải quân Mỹ tiêu diệt bin Laden ở Pakistan vào năm 2011 đã giáng một đòn mạnh vào al-Qaeda, tuy vậy cuộc nổi dậy "Mùa xuân Ả Rập" năm đó đã tạo cơ hội mới cho tổ chức này mở rộng dấu chân của mình ở các cuộc nội chiến Syria, Libya cùng những nơi khác.

Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vươn ra khỏi chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq, lực lượng này dần trở thành một sự thay thế. Tuyên bố của IS ở Iraq và Syria khiến tổ chức này trở nên nổi bật trong mắt các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới, đồng thời nhóm cũng cố gắng xây dựng một nhà nước và bộ máy tuyên truyền tiến bộ hơn so với al-Qaeda khi xưa.

Mặc dù vậy, al-Qaeda vẫn cố gắng giữ các chi nhánh của mình và sẵn sàng hòa nhập với những phong trào trong nước để đảm bảo sự tồn tại của tổ chức này.

Thế nhưng việc al-Qaeda chuyển sang các hoạt động trong nước đã tạo ra một nghịch lý: Danh tiếng mà nó có được từ vụ 11/9 đã giúp lực lượng này mở rộng đáng kể dấu chân trên trường quốc tế, thế nhưng các chi nhánh của nó hiện đang quan tâm nhiều đến những trận chiến trên sân nhà hơn là tiến hành cuộc chiến chống lại Mỹ.

"al-Qaeda yếu hơn trước nhưng lại có sự hiện diện lớn hơn nhiều," Mendelsohn nói với Today's WorldView.

Trong khi đó, năng lực chống khủng bố và quan hệ đối tác được phát triển kể từ vụ 11/9 đã làm giảm đáng kể các mối đe dọa đối với phương Tây. Mỹ cùng các đồng minh đã đánh bật IS ra khỏi lãnh thổ cuối cùng của tổ chức vào năm 2019.

Các chuyên gia phần lớn đồng ý rằng cả al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo đều thiếu sức mạnh để gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho nước Mỹ. Thậm chí, Fawaz Gerges, một giáo sư tại Trường Kinh tế London, đã gọi al-Qaeda ở Afghanistan là "một bộ xương so với chính tổ chức này trước đây".

Nelly Lahoud viết trên tờ Foreign Affairs: "Tuy nhiên, khi nhìn lại hai thập kỷ qua, chúng ta chắc chắn vẫn bị ấn tượng bởi mức độ mà một nhóm nhỏ các phần tử cực đoan dẫn đầu bởi một người ở ngoài vòng pháp luật có thể có sức ảnh hưởng lớn thế nào đến nền chính trị toàn cầu".

Thế giới hậu sự kiện 11/9: al-Qaeda - một mối đe dọa vẫn còn dai dẳng - Ảnh 5.

Al-Qaeda được thành lập vào năm 1988, bởi Osama bin Laden. Ảnh: Getty

Sự chú ý của thế giới đã chuyển sang Taliban

Những người cầm quyền mới của Afghanistan tiếp tục duy trì mối quan hệ với al-Qaeda và chiếm được thủ đô Kabul vào tháng trước, một phần nhờ sự giúp đỡ của al-Qaeda, Robin Wright của New York đưa tin. Cô viết: "Với sự tiếp quản của Taliban, khoản đầu tư nghìn tỷ đô la vào chiến dịch kiềm chế al-Qaeda gần như đã không mang lại hiệu quả".

Liên hợp quốc ước tính rằng al-Qaeda hiện diện ở ít nhất 15 tỉnh của Afghanistan và có thể có hàng trăm thành viên. Al-Qaeda đã cổ vũ việc Taliban tiếp quản đất nước. Vụ đánh bom liều chết của IS tại sân bay Kabul vào tháng trước, khiến 13 quân nhân Mỹ và ít nhất 170 dân thường thiệt mạng, đã nhấn mạnh năng lực ở chi nhánh Afghanistan của tổ chức này.

Chính quyền Biden khẳng định họ sẽ duy trì khả năng "tầm xa" để tấn công các mục tiêu ở Afghanistan, giống như tại những nơi khác. Và trong một sự thay đổi đáng kể, hai thập kỷ sau khi cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu lật đổ Taliban khỏi quyền lực, các quan chức Mỹ cho biết họ có thể hợp tác với Taliban để chống lại IS, lực lượng mà Taliban coi là kẻ thù.

Thế giới hậu sự kiện 11/9: al-Qaeda - một mối đe dọa vẫn còn dai dẳng - Ảnh 6.

Mới đây, Taliban tuyên bố sẽ thành lập chính phủ mới ở Afghanistan. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, về mối quan hệ của Taliban với al-Qaeda, có nhiều lý do để đề cao cảnh giác. Taliban đã cam kết sẽ không cho phép những kẻ khủng bố tiến hành các cuộc tấn công vào Mỹ cùng đồng minh ở Afghanistan, tuy nhiên gần đây họ đã phủ nhận rằng al-Qaeda đứng sau vụ 11/9 và cho rằng tổ chức này đang hiện diện tại đây.

Trong khi đó, chiến thắng của Taliban đã tiếp thêm sức mạnh cho các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới. Các nhà phân tích dự đoán rằng một số có thể tới Afghanistan, trong khi một nhánh khác của al-Qaeda có thể đang lên kế hoạch chuẩn bị tấn công Mali, lấy cảm hứng từ Taliban.

Hai thập kỷ sau ngày 11/9, các cuộc xâm lược và tấn công bằng tên lửa hầu như không có tác dụng gì trong việc chống lại các tổ chức dựa trên hệ tư tưởng như al-Qaeda - và trên thực tế, thậm chí còn thúc đẩy nó phát triển mạnh mẽ hơn.

"Lỗ hổng chính trong chiến lược của Mỹ là niềm tin rằng lực lượng quân sự có thể tiêu diệt các nhóm cực đoan hoặc các hệ tư tưởng cấp tiến," Wright viết trên tờ New Yorker.

Thực tế đó, cùng với việc chuyển các ưu tiên chính sách của Mỹ sang Trung Quốc, bên cạnh biến đổi khí hậu và chủ nghĩa cực đoan trong nước, đã khiến nhiều người ở Washington nhận ra rằng mối đe dọa khủng bố khó có thể biến mất, nhưng có thể được quản lý để nó không tồn tại trong cuộc sống của người dân Mỹ.

"Thay vì một chiến thắng quyết định, Mỹ dường như đã đưa ra giải pháp ít tham vọng hơn", Daniel Byman, một cựu nhân viên của Ủy ban 11/9, viết trên tờ Foreign Affairs.

"Chủ nghĩa khủng bố Jihadi sẽ không biến mất, nhưng tác động của nó chủ yếu sẽ diễn ra ở những nơi mà Mỹ không còn bị ảnh hưởng nữa".

Người dịch: Lê Phương; Nguồn: Washing Post

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem