Thể hiện tình yêu với Hà Nội dù nhỏ bé thôi cũng rất đáng trân trọng! (Bài cuối) - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phú Bình – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ với Dân Việt rằng, việc các "đại sứ" văn hóa là người nước ngoài, thể hiện tình yêu với Hà Nội bằng những việc làm dù nhỏ bé thôi cũng rất đáng trân trọng và ghi nhận. Họ xứng đáng là những "đại sứ", "sứ giả" của văn hóa. Những nghĩa cử đó không chỉ là minh chứng rõ nét cho hình ảnh "Hà Nội – Thành phố vì hòa bình" mà còn vun đắp thêm tình hữu nghị của bạn bè quốc tế với Hà Nội, Hà Nội với bạn bè quốc tế.

"Phải nói thêm rằng, nhờ chính sách mở cửa và hội nhập văn hóa từ mấy chục năm qua mà Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung có những người bạn rất tuyệt vời. Không ai yêu cầu, kêu gọi hay tác động đến họ nhưng họ đã tự nguyện góp một phần nhỏ bé của mình trong việc gìn giữ, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày một giàu đẹp, văn minh, xứng tầm với mảnh đất ngàn năm văn hiến. Mặt khác, chúng ta cũng rất tự hào vì Hà Nội của chúng ta có quá nhiều thứ để bạn bè quốc tế yêu mến và gắn bó. Đó là những con người cởi mở, thân thiện; đó là hệ thống di sản văn hóa lâu đời; đó là những phong tục tập quán mang bản sắc riêng; đó là những món ăn đã được nâng tầm thành văn hóa ẩm thực… tất cả những cái đó là nét riêng của Hà Nội", nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nói.

Ông Nguyễn Phú Bình bày tỏ thêm rằng, để có thể nhân rộng lên tình yêu Hà Nội trong các "đại sứ" là những người bạn quốc tế đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hà Nội nên có những chính sách thể hiện sự quan tâm hơn đến họ. Những ai có công lao và đóng góp lớn cho Hà Nội thì cần phải được ghi nhận, khen thưởng và động viên kịp thời. Ngoài ra, cũng cần phải thường xuyên có các sự kiện để gặp gỡ, giao lưu về văn hóa… nhằm giúp cho các "đại sứ" hiểu sâu, hiểu rộng, hiểu cặn kẽ hơn về văn hóa Hà Nội dưới nhiều góc nhìn. Từ đó, để họ lan tỏa văn hóa Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung rộng ra thế giới.

"Điều tôi quan tâm nhất là làm sao để Hà Nội luôn là một dấu ấn đẹp, một ký ức đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Họ đến rồi trở về nước luôn hay họ gắn bó lâu dài thì vẫn phải làm sao để khi họ kể về Hà Nội bằng những tình cảm đẹp đẽ nhất. Muốn vậy phải cải thiện môi trường sống của Thủ đô, cụ thể là về môi trường, về giao thông, về cảnh quan đô thị… và cả các thiết chế văn hóa. Chúng ta phải thật đẹp thì bạn bè mới yêu và sống đẹp với chúng ta được. Chúng ta cũng cần có các phương thức ngoại giao khéo léo để níu chân các "đại sứ" như là níu chân những người dân của Thủ đô này", nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh.


Thể hiện tình yêu với Hà Nội dù nhỏ bé thôi cũng rất đáng trân trọng! (Bài cuối) - Ảnh 2.

Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nét văn hoá, thanh lịch, văn minh của người Hà Nội được nhiều du khách cũng như bạn bè quốc tế ngày một yêu quý.

"Với mỗi người Hà Nội rất trân quý tình cảm của những người ngoại quốc khi họ biết tôn trọng và yêu quý nét văn hoá của mình. Nét văn hoá của bất cứ nơi nào cũng có nét đẹp và hay. Với những con người biết ứng xử văn hoá khi đến Hà Nội ở họ sẽ yêu quý con người, văn hoá ấy. Chính vì vậy mọi người cần nâng cao quý trọng giữ gìn phát huy phát triển văn hoá của mình. Điều tôi muốn chia sẻ đó là không chỉ phát huy văn hoá của mình theo nghĩa thuần thuý bản địa mà có sự tiếp thu và biến đổi văn hoá của họ để nâng cao văn hoá của mình lên. Đó là thái độ tích cực của thời đại ngày nay", PGS.TS Lê Quý Đức chia sẻ.

Cũng theo ông Đức, với cấp lãnh đạo của Thủ đô thì luôn nhận thức đúng đắn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội… Hà Nội là nơi tập trung tinh hoa của dân tộc, hơn nữa Thủ đô cũng là nơi đi đầu cho sự giao lưu tiếp biến văn hoá với nước ngoài.

"Đối với Thủ đô Hà Nội cần có chính sách thu hút người nước ngoài, tạo được điều kiện để họ tiếp nhận văn hoá của mình thông qua sự phát triển văn hoá bằng việc giao lưu văn hoá có tính chất quốc gia với tính cách giao lưu nhân dân, hội đoàn, đoàn thể của các tổ chức xã hội ở Việt Nam… Thành phố cũng nên tạo điều kiện cho họ đến được nơi cần đến, không chỉ quảng bá văn hoá của mình mà tạo điều kiện để họ đến cảm thấy gần gũi, an ninh, an sinh.

Đặc biệt hiện nay có quá trình công nghiệp văn hoá, công nghiệp di sản tức có sự phát triển di sản của mình bằng nhiều phương thức quảng bá di sản văn hoá của mình thông qua đó làm lợi về mặt kinh tế. Đồng thời kết hợp công nghệ, sự sáng tạo để di sản được phát triển giới thiệu với thế giới để thu hút khách nước ngoài. Từ đây họ tìm hiểu, hiểu biết hơn đi sâu hơn vào di sản cũng như yêu nét đẹp văn hoá của mình", PGS.TS Lê Quý Đức nói thêm.


Thể hiện tình yêu với Hà Nội dù nhỏ bé thôi cũng rất đáng trân trọng! (Bài cuối) - Ảnh 3.

Chia sẻ với Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cũng nhận định rằng, bản thân ông từng tiếp xúc với rất nhiều người nước ngoài yêu Hà Nội và cảm nhận được tình yêu rất đẹp của họ dành cho mảnh đất này.

"Hà Nội trong mắt nhìn của những vị khách nước ngoài sống lâu năm ở Việt Nam không chỉ là điểm đến, nơi làm việc mà thực sự đã trở thành một phần của tâm thức, một nếp sống trong tâm hồn họ. Văn hóa Hà Nội mà rộng ra là văn hóa Việt Nam với lối sống trọng tình được cụ thể  trong văn hóa giao tiếp, trong ẩm thực, văn học nghệ thuật đã mang đến cho họ một cảm xúc văn hóa thứ hai bên cạnh văn hóa truyền thống bản xứ.

Vì vậy việc những vị khách đó luôn có ý thức xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa Hà Nội không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, mà còn thể hiện ý thức tự thân yêu quý các giá trị ấy như yêu quý chính các giá trị văn hóa trên đất nước của họ vậy. Và cũng phải khẳng định, Hà Nội của chúng ta ngày càng đẹp và thân thiện góp phần đánh thức, khơi dậy những xúc cảm thẩm mỹ chân thực trong tâm hồn người nước ngoài. Để rồi từ cảm xúc khó quên ấy đã thôi thúc họ phải hành động để có một Hà Nội đẹp hơn nữa xứng đáng là điểm đến của hòa bình, văn minh".

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, để những vị "đại sứ" yêu Hà Nội ngày càng nhiều lên, tình yêu ngày càng nhân rộng ra, đầu tiên có lẽ Hà Nội cần làm là hoàn thiện hơn nữa các khâu quản lý hành chính, đặc biệt là chấm dứt ngay tình trạng ép khách, thương mại hóa các dịch vụ cho người nước ngoài ở Hà Nội.

"Chúng ta cần thống nhất với nhau là Hà Nội đẹp không chỉ ở cảnh quan, lịch sử, mà cốt lõi vẫn là ứng xử văn hóa của con người. Người Hà Thành gốc là những người tài hoa trong thể hiện các giá trị văn hóa, song lại rất thanh lịch, tế nhị trong giao tiếp. Cần có những biện pháp khuyến khích các hoạt động giao lưu văn hóa giữa người nước ngoài với Hà Nội thông qua các sự kiện văn hóa nước ngoài ở Việt Nam.

Từ đó không chỉ phát huy được tiềm lực văn hóa của người nước ngoài mà còn khơi dậy trong họ những xúc cảm đặc biệt với Hà Nội. Cần ban hành các quy chế thông thoáng đối với người nước ngoài ở Hà Nội để họ có thể hòa đồng, tham gia xây dựng, đóng góp cho Hà Nội. Thậm chí, nên cân nhắc việc tạo điều kiện thuận lợi để những vị khách nước ngoài sống và làm việc lâu năm ở Hà Nội được nhập quốc tịch. Từ đó trong con mắt của người nước ngoài, Hà Nội thực sự là nơi đáng sống chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động giao thoa văn hóa", nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đề xuất.

Thể hiện tình yêu với Hà Nội dù nhỏ bé thôi cũng rất đáng trân trọng! (Bài cuối) - Ảnh 4.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem