Giữa hàng trăm loại hoa cảnh Tết được trồng, chăm bẵm sẵn chỉ việc đem về nhà ngắm, thì vẫn có những người phải mua bằng được những củ thủy tiên xù xì, cục mịch mới chỉ nhú một xíu mầm, để về gọt tỉa, tưới bón chờ ngày hoa nở theo ý mình. Từ lâu, thú gọt tỉa thủy tiên dường như không thể thiếu vắng trong ngày Tết đối với một số người yêu hoa ở Hà Nội.

Thú chơi hoa thủy tiên ngày Tết của người Hà Nội. (Thực hiện: Nguyễn Chương)

hoa thủy tiên - Ảnh 1.

Thủy tiên là thú chơi cầu kỳ của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về, theo thời gian, thú chơi này dần bị mai một. Thế nhưng, sau những thăng trầm của lịch sử, vẫn có những con người yêu Hà Nội âm thầm cất giữ và lưu truyền nét văn hóa này, trong đó có cả những người trẻ.

img
img
img
img

Hoa thủy tiên là một loài hoa quý phái, được ví như chén ngọc đĩa ngà, khi nở có mùi hương tinh khiết, quyến rũ và rất cao sang. Một bát hoa thủy tiên đẹp phải có sự kết hợp từ nhiều yếu tố, trong đó có bộ rễ, làn lá đến ngồng hoa và hoa. Rễ hoa phải dài, trắng; làn lá xum xuê, mềm mại; ngồng hoa nhiều tầng tán, đặc biệt một bông hoa đẹp nhìn cánh hoa phải sáng, khi nở nhụy màu vàng.

img
img
img

Anh Hoàng Nam (Hà Nội) cho biết: "Thủy tiên thực ra chơi dễ mà khó. Dễ thì cứ mặc kệ, chẳng tỉa gọt gì hết, ngày ngày thay nước sạch, củ cuối cùng cũng bật ra mầm xanh, lá lên mướt mát như mạ non đầu mùa, mạnh mẽ khỏe khoắn, và hoa “đến thì phải nở” cũng bung xòe rực rỡ. Nhưng cái khó của thủy tiên là cũng củ ấy, lá ấy, hoa ấy, làm sao gọt, tỉa, ủ ấm, phơi lạnh cho hoa nở đúng cữ giao thừa, mùng 1. Nhà nào gọt được củ thủy tiên nở đúng “giờ vàng” ấy, coi như năm mới sẽ đầy may mắn, phúc lộc thọ… Nhà nào nở loanh quanh trong Tết, miễn là vẫn vào mấy ngày đầu năm, thì tặc lưỡi “sang năm rút kinh nghiệm”. Người có kinh nghiệm mới tìm được mặt nào là mặt trước của củ để lựa thế gọt tạo dáng. Số mầm hoa thường là con số lẻ; 5,7 mầm hoa là chuẩn nhất. Lá cũng phải tỉa trong-ngoài để có dáng mềm mại, cong uốn lượn theo thế của củ và mầm hoa. Người cầu kỳ thì dùng lạt mềm gài sau lá để tạo dáng".

img
img

Kỹ thuật dùng dao cũng rất khéo léo, tỉ mỉ, những nhát cắt lượn, lách khéo léo giữa những lớp lá, lớp vỏ, bao hoa… tách lớp vỏ mỏng bên ngoài mà bên trong phải còn nguyên vẹn. Lỡ tay gọt sâu thì vào thịt củ, khiến củ không đủ chất dinh dưỡng nuôi mầm, gãy lá. Nếu không may lỡ tay làm mất cả mầm hoa thì chỉ khóc trong nước mắt, bởi có được một củ thuỷ tiên khi đó thôi là cả niềm kiêu hãnh.

img
img
img

Một nghệ nhân trẻ cùng nhóm với anh Hoàng Nam cho rằng, thủy tiên sau khi gọt cũng giống như một người vừa bị thương, nếu không chăm chút chữa lành, làm sạch các vết thương, hoa dễ bị hỏng. Ví thủy thiên như một cô gái đẹp, kiêu sa nhưng cũng rất đỏng đảnh khó chiều, bởi vậy nếu không có tình yêu thì rất khó gắn bó với thủy tiên. 

img
img
img
img

Khâu chăm sóc cũng kỳ công, sau khi tỉa xong phải đắp miếng vải bông trắng lên lòng củ để củ hoa không bị đen. Trời lạnh thì thay nước ấm liên tục để thúc, càng gần ngày 30 Tết càng tăng lượng nước ấm và số lần thay. Để có một cây thuỷ tiên ra hoa đúng đêm giao thừa hay sáng mùng 1 đó là cả một sự kỳ công, tâm huyết. Nước cho thủy tiên, đúng ra phải là nước mưa để lắng, hoặc nước giếng. Nhưng bây giờ thì chỉ cần nước sạch và thay thường xuyên. Một bát thủy tiên đẹp thường có đủ cả bộ rễ trắng được nuôi dài mướt mát như thác đổ, lá xanh uốn lượn và những cành hoa cao thấp theo từng tầng khác nhau.

img
img

So với những thú vui khác, thú chơi hoa thủy tiên có tính "tố cáo" người chơi khá cao. Chỉ cần nhìn vào bát thủy tiên, người sành chơi sẽ biết được chủ nhân là người sang, hèn, cầu kỳ, tỉ mỉ hay cẩu thả.

img
img
img

Giữa thời buổi công nghiệp hiện đại, cái gì cũng có sẵn như bây giờ, thì thú chơi hoa thủy tiên như một khoảng lặng, một nốt trầm giữa một bản nhạc sôi động. Người chơi thủy tiên bây giờ già có, trẻ có, nhưng kể cả người trẻ cũng thường tự nhận mình có một chút “già”, một chút hoài niệm, hoài cổ. Nhìn hoa nay, nhớ hoa xưa, và nhớ đến cả những cái Tết của thời thơ bé…








 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem