Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Chính phủ các nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và tin tưởng hơn với các quyết sách, hành động của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thu hút FDI thời đỉnh dịch Covid-19: Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 1.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 1.135 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 11,33 tỷ USD, giảm 36,8% về số dự án và tăng 16,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,13 tỷ USD, chiếm 45,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,45 tỷ USD, chiếm 39,2%; các ngành còn lại đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 15,5%.

Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,93 tỷ USD, chiếm 43,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 2,38 tỷ USD, chiếm 21%; Đặc khu hành chính HongKong (Trung Quốc) 1,06 tỷ USD, chiếm 9,4%; Trung Quốc 836,3 triệu USD, chiếm 7,4%; Hàn Quốc 758,9 triệu USD, chiếm 6,7%; Hoa Kỳ 364,1 triệu USD, chiếm 3,2%.

Thu hút FDI thời đỉnh dịch Covid-19: Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 2.

Trong báo cáo mới đây về Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn tới sự dịch chuyển của dòng vốn FDI. Theo đó, trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch bệnh, nhiều ý kiến lo ngại Việt Nam sẽ "thất thế" trước Trung Quốc về FDI.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vồn FDI trong 8 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ 2020. Theo đó, tình trạng số lượng các dự án FDI cấp mới hay điều chỉnh góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam đang giảm đi.

"Thời gian tới, trước tác động từ dịch bệnh, các lĩnh vực này sẽ tiếp tục giảm. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, phân tích về doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập, làm cho dòng vốn M&A giảm", ông Thắng nêu vấn đề.

Tuy nhiên, ông Thắng cho hay môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn có nhiều điểm thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, các hiệp định FDI cho phép các đoàn nghiệp nhập khẩu được linh kiện rẻ hơn, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt. Cùng với đó là sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ Việt Nam với doanh nghiệp FDI.

Thu hút FDI thời đỉnh dịch Covid-19: Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình sản xuất, lao động và công tác phòng chống dịch tại nhà máy của Samsung - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trong báo cáo mới đây của HSBC, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, HSBC cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện để giúp các nhà đầu tư bỏ qua những tác động ngắn hạn của dịch bệnh. Điển hình, với các nhà đầu tư Hàn Quốc, tiêu biểu là Samsung chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm. Qua đó, tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc.

LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED mỗi tháng từ 9,6-10 triệu lên 13-14 triệu đơn vị, nâng tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam lên 4,65 tỷ USD.

"Việc dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam là tất yếu và chỉ phụ thuộc vào thời gian kiểm soát được đại dịch Covid-19 lần thứ 4", HSBC nhận định.

Thu hút FDI thời đỉnh dịch Covid-19: Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 5.

Với số vốn tăng thêm 1,4 tỷ USD, Công ty LG Display Việt Nam đã đầu tư tổng cộng 4,65 tỷ USD tại Hải Phòng và là dự án FDI lớn nhất. Ảnh: ST.

Về nguồn vốn FDI từ Mỹ, nếu tính cả hình thức qua nước thứ ba thì thực tế số vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam có thể cao hơn con số 9,7 tỷ USD được thống kê, thậm chí lên đến 15 tỷ USD do các doanh nghiệp Mỹ thường đầu tư thông qua nhiều kênh khác nhau như qua một nước thứ ba Panama, Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore… Chẳng hạn, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Apple, Google hiện đang đầu tư vào Việt Nam gián tiếp thông qua các doanh nghiệp sản xuất ODM/OEM thuộc chuỗi cung ứng.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Material Handling & Logistics của Mỹ công bố vào đầu năm nay cho thấy 43% doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho rằng Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến mà họ ưu tiên để tìm kiếm địa điểm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Con số này tăng gấp đôi so với kết quả khảo sát hồi năm 2019.

Do đó, nếu có thể thu hút các công ty xuyên quốc gia lớn như Intel, Apple… vốn đã rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa. Qua đó, Việt Nam sẽ nhận được dòng vốn từ Mỹ cũng như của các nước khác vào đầu tư.

Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dự kiến, Việt Nam sẽ có rất nhiều đối thủ cạnh tranh.

Ông Toàn dẫn chứng, hàng năm, Mỹ đầu tư ra nước ngoài hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, mức đầu tư tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng. Do vậy, vị chuyên gia cho rằng, cần đi sâu, làm rõ tại sao nhà đầu tư Mỹ không mặn mà đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Qua đó, tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc để thu hút đầu tư.

Thu hút FDI thời đỉnh dịch Covid-19: Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 6.

Thu hút FDI thời đỉnh dịch Covid-19: Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN.

Trước diễn biến của dịch Covid-19, ngày 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm nhà máy Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên).

Tại buổi gặp gỡ, nói về công tác kiểm soát dịch, ổn định các hoạt động kinh tế, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của các doanh nghiệp FDI, trong đó có Samsung", "

Tuy nhiên, do tình hình khan hiếm vaccine, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Samsung có tiếng nói với Chính phủ Hàn Quốc và các đối tác để hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược vaccine.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định cá nhân ông và các thành viên Chính phủ luôn lắng nghe các ý kiến, đề xuất của Samsung để hợp tác giữa hai bên thành công hơn nữa.

Thu hút FDI thời đỉnh dịch Covid-19: Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 9.

Foxconn sẽ đầu tư 700 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2021. Ảnh: ST.

Ngày 4/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Christopher Klein, đại biện Đại sứ quán Mỹ và một số doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn có chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 9/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ các nước EU, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) và một số tập đoàn, doanh nghiệp của châu Âu tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp nước ngoài, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp đang đối mặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây chỉ là những khó khăn nhất thời, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng cho biết đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng an toàn với dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài.

Thu hút FDI thời đỉnh dịch Covid-19: Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 10.

Thủ tướng làm việc với đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Trong buổi làm việc với đại biện Đại sứ quán Mỹ và một số doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp Mỹ và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép, và những gì đã làm được phải làm tốt hơn.

Thủ tướng mong muốn đại biện và các doanh nghiệp Mỹ có tiếng nói với Chính phủ Mỹ và các đối tác khác để tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng mọi hình thức phù hợp, nhất là trong thực hiện chiến lược vắc xin trước tình hình khan hiếm vắc xin trên thế giới.

Thu hút FDI thời đỉnh dịch Covid-19: Hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ các nước EU, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) và một số tập đoàn, doanh nghiệp của châu Âu tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; khẳng định thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp EU và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép; những gì đã làm được phải làm tốt hơn, khi chưa có giải pháp căn cơ thì chọn giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể.  

Gửi lời cám ơn tới Mỹ, EU và chính phủ các nước đã viện trợ vaccine và trang thiết bị cho Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sớm tiêm vắc xin cho người lao động là chủ trương chung của Chính phủ và Việt Nam đang quyết liệt thực hiện chiến lược vắc xin, theo đó, sẽ điều tiết lượng vắc xin phù hợp với khả năng cho chuyên gia và công nhân của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Nội Dung: Thanh Phong - Lê Thúy


 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem