Phát hiện xâm hại chim trời, bấm khẽ trên ứng dụng, kiểm lâm và công an đến ngay!
Thừa Thiên - Huế: Phát hiện xâm hại chim trời, bấm khẽ trên ứng dụng, kiểm lâm và công an đến ngay!
Lãng Quân - Văn Hoàng
Thứ tư, ngày 06/01/2021 11:17 AM (GMT+7)
Với tinh thần kiên quyết bảo vệ các loài chim thú quý, coi cảnh quan, sinh thái là chìa khóa phát triển du lịch, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiên phong trong cả nước khi ban hành quy định cấm ăn thịt chim trời, cũng như áp dụng công nghệ để xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi phát hiện các địa điểm săn bắt, bẫy giết chim tự nhiên; hay các tụ điểm nhà hàng khách sạn có tình trạng buôn bán chim trời - bất kì ai và ở bất cứ đâu chỉ cấn lướt ngón tay trên ứng dụng và bấm nhẹ, cơ quan chức năng sẽ có mặt xử lý.
Các "tác vụ" này được lưu trên ứng dụng để cả nước, thậm chí cả thế giới theo dõi một cách minh bạch.
Phóng viên NTNN/Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế quanh chủ đề "Hành quyết chim trời" đang đặt ra nóng bỏng.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nhấn mạnh:
"Huế là một trong những điểm dừng chân của các loài chim từ phương Bắc di cư về. Tuy nhiên, quá trình mở mang, khai hoang đất nông nghiệp làm mất sinh cảnh, nạn săn, bẫy tràn lan… đã khiến số loài chim di cư không coi Huế là bến đỗ an toàn nữa, một số loài bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng.
Từ ngày 1/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu chính quyền tất cả các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy các loài chim, thú sống trong các khu dân cư, công viên, các ao, hồ, đầm phá. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn động vật hoang dã, trong đó có các loài chim trời.
Thêm nữa, Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, bảo tồn các di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, sinh thái một cách thông minh. Cho nên việc bảo vệ cảnh quan tự nhiên, phục hồi sinh thái, thu hút các loài chim hoang dã cũng nằm trong mục tiêu như vậy.
Chúng tôi ý thức được rằng: việc bảo tồn các cái loài chim, các cái loài thú ở trong rừng Huế là hết sức quan trọng. Việc ngăn chặn, chấm dứt việc săn bắt, bẫy lưới các loài chim trời là hết sức cấp thiết.
Chúng tôi đang làm đề án phục hồi các đầm chim vùng sông Lâu. Chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản cụ thể về vấn đề này; rồi yêu cầu lực lượng hữu trách ra quân ngăn chặn, xử phạt nghiêm khắc. Các nhà hàng, khách sạn buôn bán, giết thịt chim trời sẽ bị xử lý. Các hành vi bắt chim bằng bẫy lưới cần bị tịch thu, xử phạt".
Ứng dụng công nghệ thông minh để ngăn chặn săn, bẫy, buôn bán, giết thịt chim trời
Thưa ông, đâu là bài học mà tỉnh Thừa Thiên Huế rút ra từ cuộc "đi tiên phong" này?
Thái độ kiên quyết của người đứng đầu rất quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh có cách tiếp cận mới; rồi "đổi mới nhiệm vụ" trong lĩnh vực này. Từ đó chúng tôi tham mưu sâu sát để có biện pháp xử lý thiết thực, hiệu quả nhất. Chúng tôi cũng đề cao việc ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý và phát hiện tình trạng trên.
Ứng dụng Hue-S cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh khi nhận thấy các vấn đề bất cập bằng cách gửi phản ánh về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh kèm theo hình ảnh chụp hoặc quay video clip. Thông tin phản ánh được các cơ quan liên quan tiếp nhận, xử lý và thông báo lại với người cung cấp.
Trong phần mềm Huế - S (quản lý thành phố một cách thông minh) đã kịp thời bổ sung "đề mục"/ phần ứng dụng/ "dữ liệu quản lý chuyên sâu" để bất kì ai cũng có thể cung cấp thông tin tố cáo tình trạng săn bắt, buôn bán, giết thịt chim trời (và muông thú nói chung).
Bà con chỉ cần chụp ảnh hoặc điền thông tin vào đó, ngay lập tức thông tin đó sẽ được mặc định chuyển về cho chính quyền để xử lý.
Ví dụ như ở địa phương nào, do UBND huyện xã nào quản lý, thì kiểm lâm (và cơ quan liên ngành phối hợp) ở đó phải có trách nhiệm ra quân xử lý trong 7 đến 10 ngày. Chúng tôi có quy định: cơ quan xử lý có trách nhiệm phải phản hồi lại cho người thông báo tin tức, qua chính phần mềm đó luôn.
Theo ông, với quy định của luật hiện hành đã đủ để xử lý tất cả những hành vi bắt, bẫy, buôn bán và giết mổ mọi loài chim trời hay chưa?
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn: Thật ra, quy định về lĩnh vực này vẫn có nhiều cái không rõ ràng. Việc bắt bẫy, giết chim hoang dã trong các hệ sinh thái rừng dễ xử lý hơn. Còn với các hành vi như săn bắt, bắn chim sẻ trên phố chẳng hạn, ai sẽ xử lý và theo quy định nào?
Khi đó, Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chúng tôi phải vận dụng các quy định liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh, rằng: có thể phân quyền, ví dụ như Ủy ban phường hay Công an phường có thể xử lý được.
Cụ thể, trước khi ban hành văn bản, chúng tôi phải lấy ý kiến của tất cả các địa phương, các cơ quan liên quan. Đặc biệt tất cả các cái văn bản này đều phải qua Sở Tư pháp – đơn vị có vai trò rà soát các văn bản vi phạm pháp luật, xem có đúng hay không. Quan trọng nhất là sự giám sát, chỉ đạo sau khi ban hành văn bản, để có công cụ quản lý mới này thật sư phát huy hiệu quả.
Ông có thể phân tích cụ thể ưu điểm của việc sử dụng công nghệ cao trong tố giác, xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã mà Thừa Thiên Huế đang triển khai?
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn: Ví dụ một người dân họ phát hiện và đến trình báo hoặc gọi điện thoại cho chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm hay cơ quan quản lý môi trường về các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã không dễ chút nào. Với ứng dụng "smart", sử dụng smartphone rất dễ. Có rất nhiều thông tin từ người dân báo, rằng: đoạn đường đây, khu vực đây, đang có bẫy, lưới, súng săn, đi bắn bẫy chim… - ngay lập tức công an phường nhận được.
Thật sự biện pháp trên rất có hiệu quả. Nhà hàng khách sạn bị tố cáo sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã phục vụ thực khách thì mức xử phạt rất cao. Bất cứ ai cũng có thể vào cuộc được, quan trọng là người dân có ý thức và thực hiện quyền giám sát quan trọng của mình.
Cầm cái smartphone, bà con cập nhật tình hình, ấn "ok" một cái là xong. Lực lượng chức năng tới liền, bắt buộc họ phải tới, cái "app" (ứng dụng) còn có vai trò giám sát xem lực lượng chức năng có làm việc không. Nếu họ thờ ơ sẽ bị xử lý từ cơ quan thẩm quyền cấp trên, UBND tỉnh chẳng hạn.
Việc giám sát với sự tham gia của người dân sẽ đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi công vụ. Qua thời gian triển khai, tình trạng vi phạm liên quan đến chim hoang dã đã giảm rất rõ rệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.