Thúc đẩy bình đẳng giới để giảm nghèo hiệu quả cho phụ nữ nông thôn
Thúc đẩy bình đẳng giới để giảm nghèo hiệu quả cho phụ nữ nông thôn
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 26/12/2024 08:58 AM (GMT+7)
Bình đẳng giới có liên quan mật thiết tới công tác giảm nghèo. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, các chính sách giảm nghèo của Việt Nam đã được lồng ghép với các chính sách bình đẳng giới. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu quan trọng, bền vững.
Ngân hàng thế giới đánh giá thu hẹp khoảng cách giới và giảm nghèo là 2 điểm sáng của Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục. Trong đó bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nông thôn trong những năm qua đã đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2017, để phát huy hiệu quả và tiềm năng sẵn có tại vùng nguyên liệu chè bản Ven, chị Lý Thị Hợi - Giám đốc HTX Thân Trường (Yên Thế, Bắc Giang) đã cùng các thành viên mở rộng diện tích đất, vùng nguyên liệu trồng. Vận động bà con dân tộc tại địa phương cùng liên kết thực hiện mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng.
Sau nhiều nỗ lực, cuối năm 2017, chị Hợi vận động được người dân cùng thành lập HTX tích hợp đa giá trị. Kết quả lớn nhất mà HTX làm được là xây dựng được nhãn hiệu trà xanh bản Ven. Từ ngày thành lập, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ nông thôn người dân tộc thiểu số.
Chị Vi Thị Thường (35 tuổi) là một trong nhiều thành viên HTX cho biết, trước đây cuộc sống của chị rất khó khăn, thật may từ ngày có HTX, chị có công việc ổn định, thu nhập khấm khá nên không lo đói nghèo.
Chị Hợi cũng cho biết, bản Ven vốn là bản nằm trên xã đặc biệt khó khăn, có nhiều bà con người dân tộc Cao Lan sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo trước đây (năm 2017 về trước) rất cao, toàn bản có 140 hộ thì có tới 100 hộ là hộ nghèo, thế nhưng từ ngày được tham gia HTX, nhiều hộ nghèo tại đây đã thoát nghèo.
Không riêng gì những thành viên trong HTX Thân Trường, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hay có hoàn cảnh khó khăn đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo từ các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) Chương trình 135 tại huyện Yên Thế.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Yên Thế đã triển khai 11 dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản với giá trị gần 5 tỷ đồng và tiếp tục xây dựng 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Đặc biệt quá trình thực hiện các chính sách giảm nghèo huyện đã lồng ghép với vấn đề bình đẳng giới. Ưu tiên cho cho nhóm phụ nữ đơn thân, phụ nữ nghèo làm chủ hộ, hoặc nam nông dân đơn thân được vay vốn tín dụng ưu đãi, tạo việc làm, đào tạo nghề, hay hỗ trợ nhà ở...
Kết quả, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện có 103 hộ nghèo, hộ cận nghèo, 239 hộ kinh doanh tại vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất trong đó có nhiều hộ là phụ nữ, làm chủ hộ.
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, huy động tối đa nguồn lực nên công tác giảm nghèo của huyện đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh theo từng năm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 4,91%, năm 2022 còn 3,76%, năm 2023 chỉ còn 2,83%, huyện phấn đấu năm 2024 giảm còn 2,29%.
Giảm nghèo lồng ghép bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu
Bộ LĐTBXH cho biết, năm 2023 chỉ số xếp loại bình đẳng giới của Việt Nam xếp 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Chương trình bình đẳng giới đã được lồng ghép trong hầu hết các chính sách giảm nghèo về an sinh xã hội. Cụ thể như chương trình giảm nghèo quốc gia năm 2021 -2025 được Quốc hội thông qua có nhiều nội dung ưu tiên các chương trình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là phụ nữ, hoặc nam nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Phạm Hồng Đào - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết: Quá trình thực hiện giảm nghèo chúng tôi ưu tiên để phụ nữ nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi được triển khai các mô hình sinh kế. Các dự án này đã triển khai ở một số huyện nghèo hoặc xã đặc biệt khó khăn và đạt được một số kết quả ban đầu khá hiệu quả".
"Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ lao động nữ cao nhất thế giới. Do vậy, việc lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng văn bản pháp luật là rất cần thiết, điều này không chỉ tạo ra sự công bằng, bình đẳng mà còn giúp nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ từ đó giúp phụ nữ đóng góp nhiều hơn trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước".
Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Không riêng gì Bộ LĐTBXH, nhiều các tổ chức như: Hội Nông dân; Hội Liên hiệp phụ nữ cũng được Chính phủ giao chủ trì thực hiện các đề án giảm nghèo bền vững. Trong đó, riêng Hội LHPN Việt Nam được Chính phủ giao chủ trì nguyên một đề án, "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đến năm 2025". Thực hiện đề án này, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nữ nông dân nghèo đã được hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từng tham gia Hội thi khởi nghiệp năm 2020, đến nay chị Lương Thị Lương Thị Ngọc (34 tuổi, Giám đốc HTX nông nghiệp Minh Ngọc, Bắc Ninh đã thành công với mô hình trồng nấm hữu cơ nhờ được vay vốn từ nguồn vốn của phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện.
Nhờ được vay vốn chị Ngọc đã được vay vốn về đầu tư thêm cơ sở mặt bằng, mua giống... để mở rộng sản xuất. Đến nay, quy mô HTX của chị đã được mở rộng hơn 1 héc ta. HTX quy tụ gần chục thành viên tham gia sản xuất.
Bà Phạm Thị Thanh - Phó trưởng Ban hỗ trợ Phụ nữ Phát triển kinh tế (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, để thực hiện tốt công tác giúp hội viên thoát nghèo bền vững, hội tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể để chị em phụ nữ vươn lên khởi nghiệp. Chỉ khi có việc làm, thu nhập ổn định thì phụ nữ mới có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.