Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tiền vệ Trần Phi Sơn sinh năm 1992, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh trong gia đình không có ai theo nghiệp thể thao. Thế nhưng, Phi Sơn và cậu em trai Phi Hà lại có tình yêu cháy bỏng với trái bóng tròn.
Hồi nhỏ, nhà bán quán, nên cậu bé Phi Sơn hàng ngày phải phụ giúp cha mẹ, chỉ có thể chơi bóng vào ban đêm cho thỏa nỗi đam mê. Tối nào cũng vậy, cứ dọn dẹp xong quán cho bố, Sơn lại cầm quả bóng ra góc sân đá một mình. Bạn bè của ông Hải thấy vậy khuyên ông nên cho con đi thi tuyển vào bóng đá chuyên nghiệp.
Một lần, ông Hải hỏi Sơn “Con nghĩ sao nếu bố đưa con đi học làm cầu thủ?”. Phi Sơn tiết lộ, lúc đó anh chỉ nghĩ ba hỏi đùa, nhưng sau thấy ba rất nghiêm túc Sơn vui mừng như nhận được quà của mẹ đi chợ về.
Và rồi, Phi Sơn được bố đưa ra thủ đô thi tuyển vào lò Hà Nội T&T dưới sự dẫn dắt của HLV Văn Sỹ Sơn và đỗ với điểm rất cao. Tuy vậy, do không đủ tiền đóng học phí, bố Phi Sơn đưa con trai về lò đào tạo SLNA.
Éo le thay, lớp đã đủ người khiến Phi Sơn phải theo học ở lớp nghiệp dư. Phi Sơn kể, lúc đó nhớ nhà nên cậu trốn về và bị mẹ đánh bắt quay trở lại học.
Một năm sau, Sơn chơi tốt, lọt đội hình tiêu biểu ở Giải U13 toàn quốc nên được chuyển vào lớp chuyên nghiệp và không ngừng thăng tiến. Tuy nhiên, tài năng của cậu chưa đủ lớn để đánh bật các đàn anh ở đội 1.
Năm 2010, Sơn 18 tuổi, Phi Sơn vào Quảng Ngãi thi đấu giải hạng Nhì Quốc gia theo dạng cho mượn. Đây cũng là quãng thời gian chàng trai này trải qua biến cố lớn đầu tiên trong cuộc đời. Vừa trở về Vinh sau vài tháng chơi bóng cho Quảng Ngãi ở giải hạng Nhì, Phi Sơn nhận tin bố bị ung thư.
Trong khoảng thời gian này, gia đình không cho Sơn biết bởi sợ cậu phân tâm. Thời điểm sức khỏe của bố ngày một yếu và Phi Sơn có ý định bỏ thi tốt nghiệp cấp 3 vì sợ bố không qua khỏi.
Đúng như dự cảm của Phi Sơn, vừa thi xong môn thứ hai, thấy máy báo nhiều cuộc gọi nhỡ. Phi Sơn được thông báo phải về nhanh vì bố không qua khỏi…
Hôm ấy trời mưa tầm tã, Phi Sơn bắt xe trở về nhà, những giọt nước mắt hòa với nước mưa.
Cú sốc quá lớn khiến Phi Sơn muốn buông xuôi tất cả. “Hai anh em tôi đều chơi bóng đá, bố mất, mẹ ở nhà một mình, tôi không yên tâm nên định để em tiếp tục theo đuổi đam mê còn mình ở bên mẹ”, Sơn nhớ lại.
Mặc dù vậy, suy nghĩ này nhanh chóng biến mất bởi trước khi qua đời, ông Hải đã nói rằng, tâm nguyện cuối cùng của ông là Sơn phải theo nghiệp cầu thủ. “Bố là người đưa tôi tới bóng đá, tôi muốn ở bên kia thế giới bố có thể tự hào về mình nên tôi đã đứng dậy”, cầu thủ sinh năm 1992 bộc bạch.
“Phải chơi thật tốt và phải hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của bố”, Phi Sơn khắc cốt ghi tâm.
Sau 100 ngày bố mất, Phi Sơn quay trở lại tập luyện nhưng do bỏ bẵng một thời gian nên anh gần như phải cố gắng lại từ đầu. Gần một năm trời, cậu chỉ tập chay, nhiều lúc chán nản, hình ảnh bố lại hiển hiện trước mắt, như một lời động viên để anh vững vàng bước tiếp. “Bố không còn nhưng tôi có cảm giác bố luôn dõi theo tôi. Vì thế, tôi tự nhủ mình phải chơi thật tốt, thật thành công”, Phi Sơn chia sẻ.
Với thể hình nhỏ, Phi Sơn nhận thấy mình không phù hợp với vị trí tiền đạo nên xin các thầy ở SLNA cho xuống chơi ở vị trí tiền vệ biên và đây chính là quyết định sáng suốt của anh.
Với tốc độ, kỹ thuật tốt, xử lý bóng khéo léo và khả năng sút xa, Phi Sơn được đôn lên đội 1 SLNA từ năm 2011 lúc mới 19 tuổi.
Năm 2012, Phi Sơn nổi lên như một ngôi sao trẻ. Ở giải U21 Quốc gia năm ấy, CĐV xứ Nghệ được chứng kiến một tiền vệ tài năng trên sân bóng mà mỗi khi bóng đến chân Phi Sơn, những tiếng hò reo trên sân lại không ngớt.
Tài năng của Phi Sơn với những cú đảo chân như ‘’rang lạc’’ khiến các CĐV đặt cho anh biệt danh là "Ronaldo Việt Nam”. Và cùng với những cái tên như Khắc Ngọc, Quang Nam… đã giúp U21 SLNA có chức vô địch.
Cũng trong năm đó, Phi Sơn nhận được danh hiệu cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ, đó là danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất trong lễ trao giải quả bóng vàng năm 2012.
Trên bục vinh quang, tiền vệ tài năng này có chút xúc động và bất ngờ khi nhận được danh hiệu này. Đồng thời, Phi Sơn một thoáng nghĩ về người cha đã mất.
“Với Sơn, bố có vị trí rất quan trọng, luôn hiện hữu trong suy nghĩ của Sơn, món quà nào Sơn cũng muốn dành để tri ân công ơn của bố”.
Một năm sau, thời điểm Công Vinh chuyển sang khoác áo CLB Leixoes, Phi Sơn được HLV Nguyễn Hữu Thắng trao cơ hội đá chính ở SLNA.
Trong 4 mùa giải từ 2013 đến 2017, Phi Sơn chơi trên 100 trận, ghi 25 bàn và luôn là trụ cột trong đội hình của SLNA. Quãng thời gian đó, SLNA liên tục “chảy máu chất xám”, nhưng Phi Sơn và Quế Ngọc Hải là hai ngôi sao vẫn quyết ở lại đội.
Nhưng đến cuối mùa 2017, Phi Sơn đã quyết định rời sân Vinh để gia nhập CLB TP.HCM. Chức vô địch Cúp Quốc gia 2017 có thể xem như lời tri ân của Phi Sơn dành cho SLNA.
Cầu thủ sinh năm 1992 cho biết đó là quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp cầu thủ của anh. Anh đã chọn một cách hành xử rất chuyên nghiệp và đáng trân trọng.
Thực tình, cách đó vài tháng, Phi Sơn đã chọn xong bến đỗ tiếp theo của cuộc đời cầu thủ. Mặc dù chỉ đến khi mùa giải kết thúc, thông tin chính thức mới được công bố, thì BHL, đồng nghiệp đều thấu hiểu đường đi nước bước của Phi Sơn. Còn với khán giả xứ Nghệ? Điều khán giả xứ Nghệ trân trọng nhất đó chính là thái độ thi đấu đầy cống hiến đến phút cuối cùng của cầu thủ số 10.
“Thời gian trôi qua thật lặng lẽ, Phi Sơn đã đưa ra quyết định của mình là chia tay SLNA. Sơn xin lỗi vì bản thân nghĩ đã đến lúc phải tìm một môi trường khác cho mình, để phát triển hơn về mọi mặt. Bằng lòng biết ơn chân thành nhất, Sơn xin được cúi mình trước tất cả những người hâm mộ xứ Nghệ, các bạn đã dành cho Sơn một khoảng thời gian tuyệt vời.
Dù ở Sông Lam Nghệ An hay thi đấu ở đội nào, mong các bạn luôn ở bên Sơn, thúc đẩy Sơn tiến về phía trước. Tôi xin lỗi vì không thể đồng hành cùng đội bóng trong mùa giải mới. Sơn hi vọng các bạn sẽ cảm thông cho Sơn”, Phi Sơn rời sân Vinh, nhưng vẫn nhận được tình cảm trân quý nhất từ các cổ động viên SLNA.
Trong mùa giải đầu tiên khoác áo CLB TP.HCM ở V.League 2018, Phi Sơn ghi được 6 bàn, đồng thời có 9 kiến tạo (nhiều thứ 3 V.League), giúp đội bóng chủ sân Thống Nhất vượt qua nguy hiểm trong cuộc chiến trụ hạng.
Những tưởng, năm 2019 khi có HLV Chung Hae-seong đến, cùng với những Phạm Văn Thành, Vinicius Jr, Ngô Hoàng Thịnh… Phi Sơn được kỳ vọng sẽ có màn trình diễn tốt hơn khi chơi bên cạnh những mũi nhọn xuất sắc.
Nghiệt ngã thay, Phi Sơn bị đứt dây chằng cổ chân vào giai đoạn chuẩn bị trước mùa giải 2019.
Đây là lần thứ 3 tiền vệ này chấn thương kể từ khi sang chơi cho CLB TP.HCM. Lần thứ nhất là ở màn so tài giữa CLB TP.HCM và SLNA (đấu bù vòng 1 V.League 2018), tiền vệ sinh năm 1992 bị rách dây chằng đầu gối. Hậu quả, Trần Phi Sơn phải “ngồi chơi xơi nước” mất hơn 1 tháng trời, bỏ lỡ tới 4 trận đấu của CLB TP.HCM.
Lần thứ hai chấn thương “viếng thăm” Trần Phi Sơn là trong một buổi tập của CLB TP.HCM hồi giữa tháng 1. Với chấn thương ở cổ chân, suýt nữa thì cựu cầu thủ SLNA phải sang Hàn Quốc phẫu thuật.
Tuy nhiên sau nhiều lần khám, tiền vệ 27 tuổi đã chọn phương pháp vật lý trị liệu thay vì lên bàn mổ.
Điều đáng nói, trong 3 mùa giải gần nhất thi đấu cho SLNA (2015 – 2017), Trần Phi Sơn không phải gặp một chấn thương nặng nào khiến anh không thể ra sân nhiều hơn 2 trận đấu liên tiếp.
Phi Sơn quyết định sang Singapore kiểm tra và không phẫu thuật. Sau quá trình điều trị tích cực, Phi Sơn trở lại tập nhẹ vào tháng 4/2019. Nhưng cổ chân của tiền vệ sinh năm 1992 diễn biến xấu và Phi Sơn cảm nhận, mùa giải 2019 coi như đã khép lại với anh.
“Chấn thương thực sự trở thành nỗi ám ánh với bất kỳ cầu thủ nào. Năm 2019 quá đen đủi với tôi khi ít nhất 3 lần rơi vào cảnh chấn thương. Áp lực từ người hâm mộ có lẽ không bằng áp lực ngồi trên băng ghế dự bị nhìn đồng đội ra sân chiến đấu. Cảm giác “thèm” trái bóng, cảm giác bất lực với đôi chân, đôi khi khủng khiếp hơn bất kỳ điều gì”, Phi Sơn chia sẻ.
Những vòng đấu cuối cùng của V.League 2019, Phi Sơn hồi phục chấn thương và được HLV Chung Hae-seong trao cơ hội ra sân. Ngay lập tức, chàng tiền vệ từng một thời được gọi là “Ronaldo xứ Nghệ” hay “Ronaldo Việt Nam” tỏa sáng với các bàn thắng vào lưới HAGL hay Hải Phòng.
Trần Phi Sơn - Tiền vệ được mệnh danh "Ronaldo Việt Nam" (Nguồn Next Sport).
Không ít CĐV CLB TP.HCM lúc ấy tiếc nuối, giá như Phi Sơn không dính chấn thương phải nghỉ gần nguyên cả mùa giải, có lẽ đội chủ sân Thống Nhất đã có thể đua tranh mạnh mẽ hơn nữa với Hà Nội FC…
Thậm chí, đã có CĐV so sánh số phận của Trần Phi Sơn giống như tiền vệ Marco Reus về cả chấn thương với danh hiệu. Dù nổi danh trước lứa Công Phượng, Xuân Trường, thế nhưng ở tuổi 27, Phi Sơn mới chỉ có vỏn vẹn 3 lần khoác áo ĐT Việt Nam trong giai đoạn 2015-2016 với một bàn thắng ghi được.
Trong lúc có phong độ cao nhất cùng SLNA, Phi Sơn cũng bị HLV Mai Đức Chung lãng quên vì: “không hợp lối chơi của đội”. Và cả đến khi Việt Nam thành công dưới sự dẫn dắt của thầy Park, chẳng ai nhớ đến Phi Sơn.
Người ta chỉ thấy tiếc nuối, trong bản hợp xướng toàn nốt thăng của CLB TP.HCM với vị thứ 2 trên bảng xếp hạng V.League 2019, thì có 1 nốt trầm mang tên Phi Sơn.
Tưởng như chấn thương liên tiếp sẽ khiến Phi Sơn phải mất một khoảng thời gian dài để tìm lại cảm giác bóng. Nhưng không, trước thềm mùa giải 2020, Phi Sơn đang trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong 3 trận đấu ở vòng sơ loại AFC Champions và sau đó là hai trận vòng bảng AFC Cup, Phi Sơn chơi 167 phút, chạm bóng 138 lần. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác của “Ronaldo xứ Nghệ” là 81%, với 10 lần tạo cơ hội trong đó có 3 đường kiến tạo cho các đồng đội lập công.
Trong trận Siêu Cúp với Hà Nội FC hồi đầu tháng 3, Phi Sơn cùng Công Phượng cũng là hai cầu thủ chơi nổi bật nhất bên phía CLB TP.HCM. Phi Sơn cũng được AFC đánh giá là cầu thủ nguy hiểm nhất của CLB TP.HCM.
Trần Phi Sơn chia tay SLNA để gia nhập CLB TP.HCM từ mùa giải 2018. Khi đó, tiền vệ sinh năm 1992 ký vào bản hợp đồng có thời hạn 3 năm cùng đội bóng chủ sân Thống Nhất.
Sau khi mùa giải này kết thúc cũng là thời điểm hợp đồng của Phi Sơn với CLB TP.HCM hết hạn. Hiện tại, hai bên vẫn chưa đặt vấn đề trong việc gia hạn hợp đồng mới. Tiền vệ sinh năm 1992 và có biệt danh "Ronaldo Việt Nam" tiết lộ: "Hiện tại, giữa tôi và Ban lãnh đạo CLB TP.HCM vẫn chưa trao đổi với nhau về vấn đề ký hợp đồng mới.
Trước mắt, tôi sẽ cố gắng thi đấu tốt ở những trận còn lại tại V.League 2020, rồi mới tính đến chuyện tương lai. Quyết định cuối cùng sẽ có trong thời gian tới" - theo báo Nghệ An.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.