Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ, cựu Bí Thư tỉnh ủy Bến Tre. Ông Lê Đức Thọ bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Ông Lê Đức Thọ bị bắt trong quá trình Cơ quan an ninh điều tra thụ lý, điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn các quyết định tố tụng, ngày 14/12, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Lê Đức Thọ tại nhà C3, Làng Quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và BT28 H7 TT2 khu đô thị Star Lake - Tây Hồ Tây, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi được mà ông Thọ bị khởi tố được quy định tại Điều 358 Bộ luật hình sự.
Đây là tội danh có yếu tố vụ lợi của người có chức vụ quyền hạn. Theo quy định của pháp luật, người phạm tội là người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi hỏi nhận lợi ích của người khác để dùng ảnh hưởng của mình, thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn thực hiện một công việc theo yêu cầu để có lợi cho người đã đưa lợi ích cho mình.
Mối quan hệ này sẽ có ba bên, một bên đang có nhu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện một hoạt động công vụ nào đó có lợi cho mình nhưng lại không trực tiếp liên hệ với người có chức vụ quyền hạn để nhờ vả nên đã thông qua bên thứ ba.
Bên thứ ba đã sử dụng chức vụ của mình như một công cụ để tác động đến người có chức vụ quyền hạn trực tiếp phải thực hiện một công việc có lợi cho người đang có nhu cầu (gây ảnh hưởng đến người có chức vụ quyền hạn để trục lợi).
Cụ thể hơn, trong tình huống này không chỉ có hai bên là người có chức vụ quyền hạn và người đang mong cầu được lợi từ chức vụ quyền hạn đó mà đã xuất hiện bên thứ ba.
Bên thứ ba chính là người là người đã nhận lợi ích để tác động đến người có chức vụ quyền hạn (nhờ vả, yêu cầu người có chức vụ quyền hạn đó thực hiện một công việc để có lợi cho người đã đưa lợi ích). Hành vi này là lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác, cũng là người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Hành vi trên cũng là một trong các hành vi tham nhũng được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng và người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự theo điều 358 Bộ luật hình sự với mức phạt thấp nhất là 1 năm tù, mức cao nhất là tù chung thân.
Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ người đã đưa lợi ích cho bị can Lê Đức Thọ là ai, số tiền mà bị can đã nhận là bao nhiêu để tác động đến người có chức vụ quyền hạn, yêu cầu phải nhờ vả người có chức vụ quyền hạn thực hiện một công việc để có lợi cho người đã chi tiền để xử lý triệt để.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, đó là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.