Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chuẩn bị đưa 1,2 tỷ cổ phần lên thị trường chứng khoán

Thế Anh Thứ bảy, ngày 24/04/2021 10:54 AM (GMT+7)
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết hoàn tất các thủ tục để trở thành công ty đại chúng với hơn 1,2 tỷ cổ phần được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Bình luận 0

Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) chính thức chuyển sang mô hình kinh doanh theo Công ty cổ phần kể từ ngày 18/8/2020. Đồng thời, Tổng công ty hàng hải Việt Nam áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới cho doanh nghiệp dựa trên tên giao dịch quốc tế mới VIMC, thay cho tên gọi cũ là Vinalines.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã thông báo tình hình kinh doanh của năm đầu tiên chuyển đổi thành Công ty cổ phần, hoàn tất các thủ tục để trở thành công ty đại chúng với hơn 1,2 tỷ cổ phần được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Chuyển sang mô hình cổ phần Tổng cty Hàng hải làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Kế hoạch của năm 2021, Tổng công ty hàng hải đặt mục tiêu sản lượng hàng thông qua các cảng là 113 triệu tấn.

Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, năm 2020 khối vận tải biển của VIMC bị lỗ 684 tỷ đồng, nhưng ngược lại khối cảng biển và dịch vụ hàng hải vẫn mang lại lợi nhuận chính.

Tổng sản lượng của khối cảng biển đạt 110,6 triệu tấn, lợi nhuận trước thuế là 1.402 tỷ đồng, tăng 9,8% so với kế hoạch. Các đơn vị cảng biển đã quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị, hướng đến xây dựng hệ thống cảng thông minh, hiện đại, tiết giảm chi phí.

Dù đối diện với khó khăn của dịch Covid-19 khối vận tải biển thua lỗ nhưng việc duy trì hoạt động đều đặn của toàn bộ đội tàu và đội ngũ thuyền viên là một thành công trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, thực trạng đáng lo ngại đối với Tổng công ty này là tình trạng thuyền viên đang bị kẹt ở nước ngoài do dịch Covid-19. Việc thay thuyền viên vẫn không thực hiện được, chưa có giải pháp đối với vấn đề này.

Hiện nay, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tổng tài sản 24.482 tỷ đồng, nắm giữ cổ phần chi phối tại 19 công ty con. Ngoài ra, sở hữu cổ phần chi phối tại 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm gần 25% cầu bến quốc gia), khả năng thông qua hơn 150 triệu tấn hàng hóa (chiếm hơn 20% cả nước), trong số đó có các cảng trọng điểm như Cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn và cụm cảng container hiện đại tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Kế hoạch của năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu cảng biển và dịch vụ vận tải sẽ vẫn là lĩnh vực trọng tâm khi thị trường vận tải biển quốc tế có những tín hiệu phục hồi rõ nét hơn.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đặt mục tiêu sản lượng hàng thông qua các cảng là 113 triệu tấn, vận tải biển đạt hơn 18,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 944 tỷ đồng.

Tại thời điểm chuyển sang mô hình Công ty cổ phần, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững vị trí số 1 trong việc cung cấp chuỗi giải pháp dịch vụ logistics trọn gói toàn cầu tại Việt Nam, VIMC cam kết mang đến khách hàng những giá trị vượt trội và mở rộng cơ hội tiếp cận, giao thương.

Đồng thời, đảm bảo môi trường làm việc văn minh, khơi gợi tối đa tiềm năng và cơ hội phát triển cho toàn bộ đội ngũ công nhân viên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem