TP.HCM: Vì đâu dự án khu dân cư phường Phước Long B 'đắp chiếu' hơn thập kỷ?

Quang Phương Thứ tư, ngày 25/11/2020 17:23 PM (GMT+7)
Dự án Khu dân cư phường Phước Long B, quận 9 được chấp thuận chủ trương từ 12 năm trước. Đến nay, nó vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Chủ đầu tư (CĐT) cho biết do nhiều lần phải điều chỉnh quy hoạch dự án và thủ tục giấy tờ phải làm đi làm lại nên dự án không triển khai được như kế hoạch.
Bình luận 0

Ngày 15/2/2008, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Hải Nhân (Công ty Hải Nhân) được đầu tư xây dựng khu nhà ở nói trên, theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt tại phường Phước Long B, Quận 9. Tổng diện tích dự án là 53.929m2.

Liên tục điều chỉnh quy hoạch

UBND TP.HCM yêu cầu Công ty Hải Nhân phải đảm đủ năng lực tài chính, đầu tư đúng quy hoạch, cam kết tiến độ bồi thường và đầu tư dự án, giao Sở  Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TP.HCM kiểm tra và đề xuất UBND TP.HCM xem xét, quyết định giao đất cho Công ty Hải Nhân theo quy định. Nếu có vi phạm sẽ thu hồi và xử lý theo quy định.

Ngày 21/04/2009, UBND Quận 9 ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 cho dự án. Theo đó, quy mô của dự án là 53.929m2.

TP.HCM: Vì đâu dự án khu dân cư phường Phước Long B “đắp chiếu” hơn thập kỷ? - Ảnh 1.

Dự án khu dân cư phường Phước Long B do Công ty Hải Nhân là CĐT bị "treo" hơn thập kỷ - Ảnh: Quang Phương.

Ngày 20/01/2010, Sở Xây Dựng TP.HCM  ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư (tạm tính) của dự án là hơn 723,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 51,2 tỷ, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng là 37,1 tỷ đồng… thời gian thực hiện dự án là 36 tháng  - từ quý IV/2009 đến quý IV/2012.

Năm 2011, khi UBND TP.HCM đồng ý về quy mô đầu tư xây dựng đường nối từ đường vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội. Lúc này, các cơ quan chức năng phát hiện diện tích trùng lắp giữa dự án nút giao vành đai 2 và dự án của Công ty Hải Nhân là 8.248,2m2.

Ngày 24/06/2015, UBND TP.HCM ban hành Quyết định về việc duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500  của dự án trên. Theo đó, diện tích khu vực quy hoạch được điều chỉnh là 52.381,3m2, đất nhóm nhà ở là 49.903,7m2 tương đương 95,27%.

Ngày 24/04/2017, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định về việc chấp thuận đầu tư dự án trên do Công ty Cổ phần Hải Nhân làm chủ đầu tư. Theo quyết định, dự án được phê duyệt trên tổng thể khu đất có diện tích 52.381,3m2. Hình thức đầu tư được phê duyệt là: xây dựng khu nhà ở theo quy hoạch và kinh doanh khu thương mại, dịch vụ, văn phòng lưu trú theo quy định. Thời gian và tiến độ thực hiện dự kiến là 4 năm kể từ ngày ban hành quyết định chấp thuận đầu tư.

Chủ đầu tư nói gì?

Theo tài liệu, mặc dù chưa hoàn thiện, chưa xây dựng… nhưng từ năm 2007, Công ty Hải Nhân đã huy động vốn góp của hàng chục khách hàng dưới hình thức ký kết các "hợp đồng hợp tác đầu tư".

Sau khi ký kết "hợp đồng hợp tác đầu tư" và chuyển tiền theo từng giai đoạn trong hợp đồng, khách hàng sẽ được đổi lại bằng các lô đất nền nhà ở liền kề hoặc biệt thự…

Ví dụ: Ngày 20/3/2007, Công ty Hải Nhân ký hợp đồng hợp tác đầu tư với ông Phạm Quý Hiển (ngụ TP.HCM) để huy động vốn đầu tư, xây dựng dự án trên. Tổng giá trị đầu tư hơn 619 triệu đồng. Đổi lại, ông Hiển được  giao một nền nhà liên kế với diện tích dự kiến là 144m2.

Đến ngày ngày 17/6/2009 hợp đồng trên được thay đổi người tham gia hợp đồng hợp tác, là ông Nguyễn Minh Quân (ngụ TP.HCM). Đến ngày 22/6/2009, lại tiếp tục đổi tiếp cho ông H. (ngụ Q.9, TP.HCM).

Tài liệu hồ sơ cho thấy: Trong giai đoạn từ 2007-2008, Công ty Hải Nhân đã ký hàng chục hợp đồng "Hợp đồng hợp tác đầu tư" với hàng chục khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng chưa biết đến khi nào mới được bàn giao mặt bằng.

Bên trong dự án cỏ mọc um tùm. Clip: Quang Phương.

Trao đổi với Dân Việt,  ông Hoàng Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Hải Nhân xác nhận: Đúng là dự án bị đình trệ nhiều năm liền là do khó khăn, vướng mắc trong khâu giải tỏa đền bù, điều chỉnh lại quy hoạch.

Theo ông Dũng: Dự án được phê duyệt năm 2008, dự án với hơn 53.000 m2. "Ngay sau đó chúng tôi đã làm thủ tục và đã được phê duyệt 1/500 vào năm 2009.  Năm 2010, Sở Xây Dựng TP.HCM phê duyệt chấp thuận cho phép đầu tư thực hiện dự án, chỉ còn thiếu mỗi quyết định giao đất mà thôi. Tuy nhiên do vướng mắt khâu đền bù giải tỏa nên chưa được cấp quyết định giao đất", ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết tiếp: Cuối năm 2012, do việc điều chỉnh ranh của đường vành đai đã phạm vào trong dự án gần 10.000m2 nên CĐT phải tiến hành làm lại thủ tục xin phê duyệt 1/500 và xin phê duyệt cho phép đầu tư. Năm 2017, UBND TP.HCM chấp thuận cho chúng tôi là CĐT dự án trên. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ chưa đền bù giải tỏa được.

"Do đó, năm 2018 một lần nữa chúng tôi lại điều chỉnh lại quy hoạch của dự án theo hướng "cắt bỏ" phần đất gần 10.000m2 được bù và cắt luôn những phần đất lâu nay chưa thực hiện được việc thương lượng đền bù. Quy mô dự án còn lại khoảng 45.000 m2. Giảm quy mô dự án thì điều không ai muốn nhưng chúng tôi không thể không làm. Giảm quy mô dự án nhưng các công trình công như: đường sá, công viên… vẫn giữ đúng diện tích đã quy hoạch ban đầu. Chỉ có giảm diện tích nhà ở, kinh doanh nên đó là cái thiệt đối với CĐT. Nếu các thủ tục giấy tờ được các cấp chính quyền cấp cho chúng tôi theo đúng tiến độ đề ra, dự kiến quý II/2021 sẽ bàn giao đất nền cho khách hàng", ông Dũng cho hay.

"Chiêu trò" huy động vốn trái phép

Luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng "hợp đồng hợp tác đầu tư" là chiêu trò huy động vốn trái phép, bởi dự án chưa được phê duyệt, chưa khởi công xây dựng…

Luật sư Điền phân tích: Khi xem qua "hợp đồng hợp tác đầu tư", tôi nhận thấy đây là một "sản phẩm" được vẽ ra bởi CĐT. Tên dùng là hợp tác đầu tư, nhưng nội dung lại xoay quanh việc chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai, với các cam kết về giai đoạn "góp vốn", thời hạn cam kết hoàn thành dự án, bàn giao bất động sản. Việc làm này của CĐT vừa vi phạm Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở, vừa vi phạm cả quy định của Điều 43/2014/NĐ-CP về điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng bất động sản là đất nền dự án.

Luật sư Điền nói: "Hiện nay, dự án này vẫn đang thiếu thông tin chính thống về tính pháp lý của dự án, thông tin về năng lực chủ đầu tư, cùng với việc dự án vẫn đang "bất động", dẫn tới việc rất nhiều người tham gia ký hợp đồng hợp tác đầu tư hoang mang, phát sinh tranh chấp, thưa kiện, tố cáo là rất lớn. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Xây Dựng TP.HCM cần có thông tin công khai các vấn đề pháp lý, những vấn đề còn tồn tại của dự án để khuyến cáo người dân cân nhắc trước khi tham gia giao dịch mua bán".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem