Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Việc dẫn trước Trump 30.000 phiếu bầu tại bang chiến địa Pennsylvania đã giúp ông Biden có thêm 20 phiếu đại cử tri, qua đó nắm chắc trong tay tới 284 phiếu đại cử tri. Điều này đồng nghĩa với cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai của Trump đã hoàn toàn lụi tắt.
Điều thị trường quan tâm giờ đây là việc Trump thất cử trước ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden có ý nghĩa ra sao với nền kinh tế Mỹ nói riêng và thương mại toàn cầu nói chung?
Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Trump đã giành được những thành tựu kinh tế nổi bật. Điều đó thể hiện ở thị trường lao động mạnh nhất trong nửa thế kỷ và thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh kỷ lục.
Nếu vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của ông Obama, tỷ lệ thất nghiệp nước Mỹ hiện ở mức 4,7% thì đến quý IV/2019, sau 3 năm cầm quyền, Trump đã đưa con số này xuống mức 3,5%, thấp nhất trong vòng 50 năm. Không chỉ việc làm tăng trưởng, tiền lương cho người lao động cũng tăng mạnh. Chỉ một năm giữ ghế chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump đã đưa thu nhập bình quân hộ gia đình Mỹ lên mức cao kỷ lục 61.372 USD trong năm 2017, khiến 3,9 triệu người Mỹ không còn phải đăng ký nhận trợ cấp thực phẩm.
Chỉ trong một năm sau khi nhậm chức, chính sách giảm thuế của chính quyền Trump đã đưa hơn 450 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài quay đầu về Mỹ. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng vọt nhờ thuế giảm khiến các công ty điên cuồng đổ tiền mua lại cổ phiếu của chính họ. Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite liên tục xác lập đỉnh kỷ lục. Cho đến đầu năm 2020, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát biến Mỹ thành ổ dịch lớn nhất thế giới, ước tính đã có hơn một nửa số người Mỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán, tính cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí…
Ngay cả khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế, các chính sách bảo vệ tiền lương và gói kích thích tài khóa kịp thời của chính quyền Trump vẫn giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp từ mức 14,7% kỷ lục hồi tháng 4/2020 xuống chỉ còn 7,9% vào tháng 9. Trong vòng 5 tháng sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế, thị trường lao động Mỹ đã lấy lại được tới 11 triệu việc làm bị mất do đại dịch.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức kỷ lục còn chỉ số S&P 500 liên tục lập đỉnh trong ba năm đầu nhiệm kỳ Trump
Mới đây nhất, Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng GDP kỷ lục mọi thời đại 33,1% trong quý III/2020. Dựa trên tình hình phục hồi kinh tế lạc quan hiện tại, Trump dự báo kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vào cuối năm 2020 và bứt tốc với “tốc độ tên lửa” vào năm 2021, khi Mỹ phê duyệt vaccine hoặc thuốc điều trị Covid-19.
Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP kỷ lục 33,1% trong quý III/2020
Trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Trump đã coi chính sách Trung Quốc như một trong những điểm sáng mấu chốt ngay từ ngày đầu vận động tranh cử. Ông chủ trương mạnh tay với Bắc Kinh để lấy lại sự lành mạnh trong cạnh tranh thương mại, buộc Trung Quốc chấm dứt những hành vi trợ cấp doanh nghiệp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trump châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước khi đưa xung đột lan sang nhiều lĩnh vực khác từ công nghệ đến tài chính. Trump áp đặt hàng loạt mức thuế quan nặng nề lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, buộc nước này ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Trong nội dung thỏa thuận, Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong hai năm, chủ yếu là sản phẩm nông sản, năng lượng… Đổi lại, Mỹ sẽ hủy bỏ hoặc cắt giảm mức thuế áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Không chỉ phải nhượng bộ Mỹ trên mặt trận thương mại, trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump, Trung Quốc còn gánh chịu những thiệt hại nặng nề về uy tín. Gần đây nhất, Washington dẫn đầu nỗ lực công kích, buộc quốc gia tỷ dân chịu trách nhiệm cho sự bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Trong khi Trump gọi virus SARS-CoV-2 là ‘virus Trung Quốc’, hàng loạt quốc gia như Úc và một số nước Châu Âu liên tục chỉ trích sai lầm trong xử lý đại dịch của Bắc Kinh. “Tình cảm chống Trung Quốc trên toàn cầu đang lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, và Bắc Kinh nhận thức được điều đó” - Jessica Chen Weiss, phó giáo sư các vấn đề chính phủ tại Đại học Cornell nhận định.
Trên mặt trận công nghệ, Mỹ dẫn đầu nỗ lực phong tỏa công nghệ Trung Quốc. Sau lời cảnh báo của Mỹ về rủi ro an ninh quốc gia từ các thiết bị 5G Huawei, nhiều quốc gia như Úc, Anh, Pháp… đã tuyên bố thanh trừng thiết bị Huawei khỏi mạng viễn thông quốc gia - một đòn giáng lớn vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Khi ông Trump thất bại trong việc giữ ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai, không chắc chính sách mạnh tay với Bắc Kinh có tiếp tục trở thành trọng tâm chương trình nghị sự dưới thời chính quyền Biden hay không. Nên nhớ rằng suốt 8 năm ông Biden giữ chức Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama, quan hệ Mỹ - Trung vẫn giữ ở mức hài hòa.
Thị trường cũng sẽ chờ đợi ông Biden kế thừa và tiếp tục đàm phán thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn hai, trong đó tập trung giải quyết những xung đột cốt lõi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới như vấn đề trợ cấp doanh nghiệp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Căng thẳng Mỹ - EU đã leo thang kể từ khi Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng năm 2017. Ông Trump khi đó đã buông hàng loạt lời lẽ công kích EU - vốn là đồng minh thân thiết của Mỹ - về hàng loạt vấn đề từ thương mại, quốc phòng cho đến công nghệ.
Chính cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cũng phải thừa nhận rằng: “Nếu Trump tái đắc cử, tôi không cho rằng ông ta sẽ duy trì quan hệ thân thiện với EU trong nhiệm kỳ thứ hai… Tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ cải thiện theo chiều hướng mà chúng ta muốn hướng đến”.
Thật may mắn cho EU, Trump được cho là đã thua Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Biden có thể sẽ dỡ bỏ các mức thuế quan trừng phạt mà Trump áp đặt với nhiều doanh nghiệp Châu Âu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô và rượu vang.
Nhìn chung, nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền Biden trong bốn năm tiếp theo ở Nhà Trắng là đưa nền kinh tế Mỹ trở lại thời kỳ vĩ đại, thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 hiện nay. Với kinh nghiệm gần nửa thế kỷ hoạt động chính trị và 8 năm phục vụ trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ, liệu ông Joe Biden có khả năng tái thiết kinh tế Mỹ trở về ngày huy hoàng như những gì ông Trump từng làm được? Đó sẽ là câu hỏi lớn cần thời gian để trả lời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.