Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 2.

Có thể hình dung một ngày của HLV Bùi Lương thường bắt đầu từ lúc mấy giờ và những công việc để ông tận hưởng cuộc sống ở tuổi 85 là gì?

Tôi thường thức dậy vào lúc 4 giờ kém 15, sau khi vệ sinh cá nhân xong, tôi sẽ tập những bài tập khởi động cá nhân và sau đó sẽ ra công viên. Tôi vẫn đang duy trì đều đặn, mỗi ngày chạy ít nhất 5km. Cũng mỗi buổi sáng tại công viên, tôi thường hướng dẫn cho dân chạy bộ phong trào từ trẻ đến già, đủ các lứa tuổi, nắn chỉnh các động tác từ cách bàn chân tiếp đất, đánh tay thế nào hay dáng chạy ra làm sao… Sau đó mới về nhà tắm rửa và ăn sáng. 

Theo thói quen, mỗi buổi sáng tôi đều có phần nghi thức tâm linh (tụng kinh niệm Phật) khoảng hơn 1 tiếng. Còn mỗi buổi chiều, nếu không bận gì tôi sẽ dành thời gian đọc sách báo, nghiên cứu thêm về chạy bộ. Tôi đọc nhiều lắm, cả những tài liệu trong nước và thế giới.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 3.

HLV Bùi Lương vẫn miệt vẫn miệt mài tập luyện ở tuổi 85. Ảnh: Minh Toàn.

Chiều tối và trước khi đi ngủ, tôi lại tiếp tục có những bài tập nhẹ nhàng. Cũng là cái thói quen từ xưa đến giờ, tôi chỉ xem ti vi, điện thoại tới khoảng 8h30 là dừng hết lại. Khi còn huấn luyện cũng thế, cứ tới giờ này tôi thu hết điện thoại của mấy đứa học trò. Đúng 9h tối là tôi bắt đầu vào giường ngủ. Tôi gọi đây là quy tắc 9/4. Nghĩa là 9h tối đi ngủ và 4h sáng thức dậy. Tôi đã áp dụng 9/4 từ mấy chục năm nay rồi.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 4.

Ở tuổi 85, HLV Bùi Lương tự thấy sức khỏe thể chất và tinh thần của mình như thế nào?

Nhờ tập luyện đều đặn hàng ngày, giữ đúng kỷ luật 9/4 như tôi đã nói (9h tối đi ngủ và 4h sáng thức dậy); ngoài ra, tôi có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đặc biệt là tôi không sử dụng bia rượu, tuyệt đối không hút thuốc lá. Ngoài ra, trong các khẩu phần ăn, tôi thường ưu tiên ăn nhiều rau xanh và các món chế biến từ cá, thịt trắng, hạn chế thịt lợn và những món có quá nhiều dầu, mỡ. Nhờ vậy mà có lẽ sức khỏe của tôi vẫn duy trì tốt.

Còn về tinh thần, hằng ngày, tôi giao tiếp, vui cười với mọi người nhiều, sống chan hòa, cởi mở nên cuộc sống bình thường của tôi cũng rất vui vẻ và thanh thản.

Có vẻ tuổi 85 của HLV Bùi Lương hết sức đặc biệt, vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn. Chạy bộ có phải là bí quyết để có một ông vẫn bền bỉ, cường tráng? 

Chính chạy bộ đã rèn luyện cho tôi có sức khỏe tốt cho tới tận bây giờ. Không chỉ tôi đâu mà ai chạy bộ cũng tự thấy lợi ích của bộ môn này. Về sức khỏe, chạy bộ rèn luyện cho mỗi người về tuần hoàn, hô hấp tốt hơn. 

Ngoài ra, còn rèn luyện cả lòng kiên trì, ý chí nghị lực,... Chạy bộ là môn cá nhân, cần nhiều thời gian tập luyện, cho dù có đồng đội hỗ trợ, động viên về tinh thần vẫn đòi hỏi bản thân người chạy phải tự nỗ lực, vượt qua nhiều yếu tố ngoại cảnh như thời tiết như nóng, lạnh; địa hình thấp, cao, không bằng phẳng,...

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 5.

HLV Bùi Lương hướng dẫn mọi người khởi động trước khi chạy. Ảnh: Minh Toàn.

Nhưng cũng cần phải kết hợp với các chế độ dinh dưỡng phù hợp và phải tự biết lắng nghe, đánh giá về khả năng của cơ thể. Tôi thấy hiện nay nhiều người ham thành tích, chưa tập luyện vượt qua cự ly 5km đã chạy 10km. Thậm chí, tập luyện nửa năm tới một năm đã chạy 21km (Half Marathon) hoặc 42km (Full Marathon).

Tôi luôn biết lắng nghe cơ thể để biết chạy quãng đường phù hợp, lựa chọn giáo án tập luyện phù hợp và điều quan trọng nên chạy đúng kỹ thuật. Ví dụ một ngày tôi chỉ chạy khoảng 5km, thỉnh thoảng mới có những buổi chạy chạy dài khoảng hơn 10km (Long run). Biết lắng nghe cơ thể, tập luyện ở mức độ vừa phải cơ thể sẽ luôn duy trì được độ dẻo dai và bền bỉ.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 6.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng hình như HLV Bùi Lương vẫn chưa ngày nào được nghỉ. Vẫn miệt mài ra công viên những buổi sáng sớm hay vẫn tham dự những giải chạy bộ phong trào và nhiệt tình, tỉ mỉ hướng dẫn cho tất cả mọi người, từ những động tác cơ bản nhất. Điều gì thôi thúc một HLV Bùi Lương đã 85 tuổi vẫn có cống hiến tâm huyết như vậy? 

Điều này đã ăn vào máu, vào suy nghĩ của tôi rồi (cười). Tôi tâm niệm luôn phải rèn luyện thân thể để nâng cao sức khỏe và đồng thời, dù không còn huấn luyện cho các VĐV thi đấu chuyên nghiệp nữa, tôi vẫn mong muốn được cống hiến cho cộng đồng. 

Phong trào chạy bộ hiện nay bùng nổ khắp nơi. Số các VĐV tham gia chạy bộ cũng rất nhiều, kể cả những giải khó hay những cự ly như 42km. Mọi người tham gia một cách tự giác, rất đam mê. Điều này rất tốt, phong trào chạy bộ phát triển sẽ góp phần tìm ra các tài năng để đại diện cho đất nước tranh tài quốc tế. 

Nhưng hiện nay đa phần mọi người đều chạy theo bản năng nhiều. Vậy nên tôi luôn muốn chia sẻ những hiểu biết của mình về kĩ thuật hay các phương pháp tập luyện giúp cho mọi người tập luyện hiệu quả hơn. Điều này quan trọng lắm đấy. Chạy đúng kỹ thuật vừa giúp tiết kiệm sức lực và tránh được những chấn thương không đáng có. Tôi đi rất nhiều các công viên để chia sẻ và tới đâu mọi người cũng hưởng ứng nên tôi cũng phấn khởi lắm. Chỉ mong sao có sức khỏe để cống hiến, chia sẻ thêm về chuyên môn tới bà con thật nhiều.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 3.

Có nhiều những danh xưng hết sức mĩ miều để gọi HLV Bùi Lương như "ông già gân" hay "huyền thoại" hay ""tượng đài" của điền kinh, nhưng có một cách gọi hết sức thân thương mà dân chạy bộ phong trào hay gọi là "bố Bùi Lương". Khoảng 5 năm về trước, cách gọi này hình như chưa từng xuất hiện. Không biết cơ duyên nào mà dân chạy bộ với ông lại gần gũi như vậy?

Cách danh xưng nào là "huyền thoại", nào là "tượng đài", đó là các phóng viên, báo đài quý mến đặt cho tôi. Tôi chỉ dám nhận mình là một người bình thường thôi!

Trước đây, lúc còn ở trong Bình Phước, tôi đã thường xuyên gắn bó, gần gũi với các VĐV chạy phong trào. Tháng giêng năm 2020, tôi chia tay với điền kinh Bình Phước và dừng hẳn việc huấn luyện. Tôi thường xuyên tới các công viên và chạy bộ cùng các vận động viên chạy phong trào. Tại đây, các VĐV được tôi hướng dẫn nên quý trọng. Họ không gọi tôi là thầy nữa, chuyển qua gọi là "bố Bùi Lương". Thành ra cách mọi người gọi "bố Bùi Lương" đã gắn bó, đi vào đời sống của tôi hàng ngày. 

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 8.

HLV Bùi Lương tỉ mỉ hướng dẫn một người chạy phong trào. Ảnh: Minh Toàn.

Trước đây, tôi làm công tác huấn luyện nhiều nhất chỉ khoảng 20 VĐV, ở đội tuyển quốc gia cũng chỉ khoảng 7-8 người. Bây giờ tập luyện cùng các đội chạy phong trào, mỗi đội có ít nhất vài trăm VĐV, cộng các đội lại cũng mấy nghìn người. Tôi cứ đi tới công viên nào ở Hà Nội, từ công viên Thanh Xuân, Thống Nhất, Hòa Bình, Cầu Giấy hay ra hồ Hoàn Kiếm, mỗi người gặp tôi lại "con chào bố Bùi Lương". Mỗi lần mọi người gọi như vậy, thật sự rất vui và xúc động. Cảm giác khoảng cách giữa tôi và mọi người lại càng gần gũi hơn. 

Mỗi buổi sáng hiện tại, ngoài cùng nhau tập luyện và hướng dẫn chuyên môn, các con cũng ngồi lại cùng trò chuyện với tôi, chia sẻ cùng nhau những câu chuyện thường ngày. Tôi nhớ từng "đứa" một, từ đặc điểm mỗi đứa thế nào như ông này hay chạy làm sao, ông kia hồi trước trước đánh tay trông thế nào… Nói chung là cũng như người thân! 

Tôi coi đó như là gia đình thứ hai và luôn mong muốn rằng mình có thể khỏe mạnh mãi mãi để được làm "bố Bùi Lương", không chỉ chia sẻ chuyên môn mà được gắn bó với các con nhiều hơn nữa.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 9.

Ảnh cưới của HLV Bùi Lương. Ảnh: NVCC.

Gia đình của HLV Bùi Lương cũng ủng hộ điều này chứ? 

Bà nhà tôi thì luôn là hậu phương vững chắc cho tôi rồi. Từ ngày còn thi đấu hay trong công tác huấn luyện, tôi thường xuyên phải xa nhà, xa người thân, bà xã đã luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho tôi. Bây giờ nghỉ huấn luyện chuyên nghiệp, tôi có thời gian dành cho gia đình nhiều hơn. 

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 10.

Thời điểm chia tay điền kinh Biên Phòng năm 2010, tôi và gia đình đã thống nhất sẽ nghỉ ngơi để có điều kiện bên cạnh, chăm lo cho bà xã bởi cả đời gắn bó với điền kinh tôi và bà xã thường xuyên phải xa cách. Vậy mà tới lúc Bình Phước họ mời nhiệt tình quá, tôi lại giúp họ. Lúc đầu hứa với bà xã chỉ đi một tới hai năm rồi về, bản thân tôi cũng dự định như thế và chỉ đi huấn luyện theo đợt thôi. 

Vậy mà vào đấy mỗi năm tôi về nhà được một lần dịp Tết rồi cũng chẳng nghĩ là ở đó tới tận tháng Giêng năm 2020 mới về. Trong suốt quãng thời gian gắn bó với Bình Phước, tôi liên tục thất hứa với vợ, năm nào cũng xin khất việc mình nghỉ hưu. Việc khó nhất là mỗi dịp Tết lại phải nói thế nào để bà nhà tôi cho đi huấn luyện tiếp. Đấy, có lần tôi đọc được báo chí người ta viết 'Bùi Lương trốn nhà đi huấn luyện'. 

Thời huấn luyện đội tuyển quốc gia hay Biên Phòng còn gần nhà như ở khu Nhổn, tôi về thường xuyên hơn, cứ cuối tuần là tôi lại về. Cũng vì vậy mà mỗi dịp tranh thủ được về, tôi rất trân trọng. Những lúc ở Bình Phước, cuối tuần các trò được nghỉ về hết, tôi lủi thủi cũng buồn, cũng nhớ nhà, nhưng chỉ có thể gọi điện về để hỏi thăm tình hình ở nhà xem thế nào, có chuyện gì hay không. Như vậy cũng yên tâm để làm việc. 

Công tác huấn luyện đòi hỏi phải luôn sát xao với các học trò, từ bữa ăn giấc ngủ nên tôi đành phải đánh đổi thời gian gần gũi với người thân. Tôi cũng áy náy lắm, cũng cảm thấy thiếu sót nhiều với bà nhà tôi. Bà ấy cũng quá hiểu tôi rồi. Quá hiểu chuyện điền kinh gắn bó với tôi như máu thịt nên cũng động viên và luôn dặn tôi phải giữ gìn sức khoẻ.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 4.

Quay trở lại quá khứ, câu chuyện về anh công nhân Bùi Lương ở Nhà máy Xi măng Hải Phòng đi chân đất, ăn cơm độn bảy phần khoai sắn mà mỗi ngày tập chạy 40 - 50 cây số đã được kể rất nhiều với báo chí hay với những người yêu chạy bộ ông thường gặp. Với ông, đó dường như là những kỉ niệm mãi đi cùng năm tháng? 

Thời mới bước vào đường chạy tôi chỉ chạy chân đất, sống cũng kham khổ lắm. Bữa ăn chủ yếu là ngô, không có ngô thì ăn bo bo hoặc khoai,... Lúc đầu, tôi chỉ tập luyện để cơ thể khỏe mạnh thôi, nhưng lại được nhà trường cử đi thi đấu. Qua các cuộc thi tuyển thì tôi lại được lựa chọn vào đội hình đi thi đấu của thành phố Hải Phòng.

Tới năm 1957, được mời tham gia chạy 5.000m, gọi là chạy đường trường toàn miền Bắc tại Hà Nội. Lúc đấy mới có đôi giày để chạy và về đích ở vị trí thứ ba. Rồi năm 1958, dự giải việt dã báo Tiền Phong được huy chương bạc (HCB), tôi được thưởng đôi giày bata Thượng Đình. Lúc lên đội tuyển quốc gia cũng chỉ có đôi giày Thượng Đình. Thời ấy chỉ lúc thi đấu mới xỏ giày để chạy, chứ tập luyện vẫn chủ yếu là chân đất. Gọi là giày thể thao nhưng đôi giày Thượng Đình đế mỏng lắm. Tôi chạy đường dài nhiều chẳng mấy mà mòn. Nhưng thế đã là có điều kiện rồi đấy! Nhờ có điều kiện nên thành tích càng ngày càng nâng lên. 

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 12.

HLV Bùi Lương thời trẻ. Ảnh: NVCC.

Sau đó chỉ 3 năm (năm 1961), tôi đã lần đầu tiên giành được Huy chương vàng và sau đó nữa, một loạt các kỷ lục như đã được ghi dấu lại. Để có tiền tập luyện và thi đấu, tôi đã xin vào làm việc tại nhà máy Xi măng Hải Phòng. Nhà máy cũng thử thách tôi lắm, không phải là vận động viên mà được xếp vào những vị trí nhẹ nhàng. Tôi được giao việc xúc clinker. Sau khi nung nóng, clinker sẽ được xúc lên dây chuyền. Vừa nóng, vừa bụi nhưng tôi vẫn cứ làm. Ca làm buổi sáng thì tôi tập luyện buổi chiều hoặc ngược lại. Lương của tôi khi ấy là một đồng tám bảy xu tư. Tôi vừa làm việc vừa rủ rê các anh em tập luyện thi đấu, mang vinh quang về cho nhà máy. Thế là được thưởng tiền: tổ sản xuất thưởng một hào; phân xưởng thưởng hai hào; nhà máy thưởng bốn hào; Liên hiệp Công đoàn thành phố thưởng bốn hào; Sở Thể thao thành phố thưởng bốn hào.

Thế là phấn khởi lắm, lại càng hăng say làm việc và tập luyện. Sau khi được HCB giải Báo Tiền Phong năm 1958, tôi lại còn được tăng lương thêm nữa. Người ta làm việc 2 tới 3 năm mới tăng lương, tôi chỉ làm việc có 6 tháng (cười) đã tăng lương rồi. Từ một đồng tám bảy xu tư tăng lên hai đồng mốt tám xu ba. 

Thời kỳ ông sinh ra tới lúc bén duyên với điền kinh, đất nước ta vẫn còn đang chìm trong khói lửa. Thậm chí, phải trải qua cả 2 cuộc chiến tranh. Thưa ông, anh chàng VĐV điền kinh Bùi Lương đã trải qua thời kỳ bom đạn đó như thế nào?

Tôi cũng từng tự hào được khoác màu áo lính. Năm 1959, lúc đang làm việc và tập luyện hăng say thì có đợt nghĩa vụ quân sự, thế là tôi xung phong đi bộ đội. Chỉ là chuyển từ anh công nhân sang anh lính bộ đội, tôi không báo cáo gì với thủ trưởng mình là vận động viên (VĐV), vẫn cứ tập luyện và cũng lại rủ rê anh em đồng chí tập cùng. 

Trong quân đội có giải chạy toàn quân, cũng thi từ cấp cơ sở lên tới cấp sư đoàn. Tôi giành được 2 HCV trong các giải đó, một anh đại uý cấp trên mới bảo sao Lương không báo cáo mình là VĐV để anh đề nghị xin chế độ. Thế là anh dẫn tôi lên gặp sư trưởng với chính uỷ để báo cáo việc tôi giành được 2 HCV.

Tôi nhỏ người nên lúc ấy các anh ngỡ ngàng rằng sao mà tôi lại giành được HCV. Các anh ấy biết tôi là danh thủ thi đấu điền kinh và thắc mắc sao sư đoàn có người tài mà không ai báo cáo. Tôi mới vội vàng nói rằng là do tôi giấu. Thế là tất cả cười phá lên. 

img
img

HLV Bùi Lương hạnh phúc vì được tiếp tục gắn bó với điền kinh phong trào. Ảnh: Minh Toàn.

Tôi lại được thưởng. Đang từ binh "bét" lương bốn đồng thì được thăng lên hạ sĩ tiểu đội trưởng tám đồng ba (cười). Từ đó, mỗi năm tôi khoác áo điền kinh quân đội thi đấu và tập luyện 3 tháng.

Năm 1961, giải Báo Tiền Phong tổ chức lần thứ 4, tôi lại là người vô địch. Tới năm 1962, thành phố Hải Phòng biết tôi đang nhập ngũ nên báo với quân đội tôi là VĐV của thành phố, xin cho tôi trở về địa phương. Còn lúc lên tuyển quốc gia ăn tập, ở khu Nhổn ấy, nhưng không được khang trang như hiện tại đâu, chỉ là một cái lán dựng tạm, bên cạnh đó là hố để tránh bom. Sân tập của chúng tôi thời bấy giờ cũng chỉ là một bãi đất trống, lót xỉ ở phía trên.

Tôi vẫn nhớ những buổi tập chạy ngoài đê sông Hồng, trên đầu là máy bay Mỹ rải bom khắp bầu trời miền Bắc. Đang chạy nghe còi báo động chẳng biết trốn đi đâu vì các hầm cá nhân mọi người đã lấp hết, mấy anh em vận động viên đành phải tìm một gốc cây nép tạm, chờ máy bay qua rồi chạy tiếp. 

Thế mà tôi vẫn lập kỷ lục vô địch giải việt dã toàn quốc tới 9 lần đấy. Trong đó, kỷ lục năm 1968, 2 giờ 32 phút của tôi tồn tại tới hơn 30 năm. Mãi tới năm 2003, học trò Nguyễn Chí Đông của tôi là người phá kỷ lục. 

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, chỉ có tình yêu với thể thao mới giúp chúng tôi trưởng thành. Không có kỷ luật tập luyện nào nghiêm khắc bằng kỷ luật do chính mình đặt ra, cứ tâm niệm như thế, bản thân tôi đã đạt được nhiều thành tích khi thi đấu. 

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 14.

Còn có kỷ niệm hay thử thách nghiệt nào khiến ông nhớ mãi trong hành trình ông trở thành biểu tượng của điền kinh Việt Nam?

Có chứ, nhiều lắm! Nhưng có một kỷ niệm rất sâu sắc khiến tôi nhớ mãi. Năm 1970, khi còn đang là VĐV và đang tham dự thi đấu tại Hòa Bình. Lúc ấy, chúng tôi đang chạy dọc sông Đà thì máy bay Mỹ bất ngờ ập tới thả bom. Đất đá bay loạn lên, VĐV không kịp để xuống hầm, anh nào cũng mặt mũi lấm lem. Riêng tôi thì bị một mảnh bom bắn lên phần trên đầu gối một chút, vẫn còn vết sẹo đây (vừa nói vừa chỉ tay vào vết sẹo). Lúc đấy cũng gần về đích rồi, tôi dùng tay bịt lấy vết thương đó rồi về đích và trở thành nhà vô địch. Chiến tranh mà, gian khổ là bình thường, điều đó khiến mình dũng cảm hơn, dám đối đầu với những khó khăn, thử thách. Chúng tôi đã đi qua thời kỳ đó và đã vượt qua được.

Đồng hành với thành công của những VĐV luôn có bóng dáng của một người thầy. HLV Bùi Lương cũng từng là bóng dáng của không ít các VĐV. Nhưng những người thầy của HLV Bùi Lương ít thấy được nhắc tới?

Thời gian đầu tiên bước vào điền kinh khoảng từ năm 1957 tới 1965 thì tôi chủ yếu tự tập luyện, không có ai hướng dẫn cả. Từ sau khi tập trung lên đội tuyển quốc gia thì có các thầy người Liên Xô, Trung Quốc. Sau khi các thầy ngoại về nước thì đồng hành với tôi là thầy Trần Văn Ngoạn, thầy cũng đi học từ Liên Xô về. Nhưng cũng chỉ làm việc được khoảng gần 2 năm thì đội tuyển quốc gia giải tán vào năm 1970. 

Ngoài ra mỗi dịp mà được đi thi đấu quốc tế, tôi cũng tranh thủ học hỏi từ những nền điền kinh hàng đầu và biến thành của mình.

Năm 41 tuổi, tôi có theo học tại Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn trước khi trở thành huấn luyện viên. Chính vì không được đào tạo bài bản nên sau này trở thành HLV, tôi luôn sát sao, tỉ mỉ với những học trò của mình.

img
img
img
img

HLV Bùi Lương miệt mài hướng dẫn các VĐV phong trào tập luyện. Ảnh: Minh Toàn.

Với vô số thành tích trong vai trò VĐV và HLV. Hiện tại, khó ai có thể xô đổ vị thế hình tượng của huyền thoại điền làng điền kinh Việt Nam. Điều gì khiến ông tự hào và đáng nhớ nhất?

Điều tự hào nhất có lẽ là trong mọi hoàn cảnh, dù trên cương vị VĐV hay HLV, tôi vẫn đam mê, dũng cảm, kiên cường, gắn bó với điền kinh. Tự hào vì không thi đấu nhưng tôi vẫn siết kỷ luật, vẫn chạy bộ rất đều đặn. Tự hào vì tôi không sa đà vào những tệ nạn, cho dù chỉ là hút thuốc hay uống bia rượu. 

Nhiều khi có những bữa tiệc tùng, các trò cứ mời "Chẳng mấy khi gặp, thầy zô với chúng em một chén". Tôi thẳng thắn luôn là không và hay đùa rằng: "Các cậu zô trăm phần trăm, tôi chỉ trăm phần nghìn thôi". Mình làm gương, làm mẫu cho chính các học trò và cả các vận động viên phong trào. Tôi vẫn cố gắng lan tỏa tinh thần của mình tới cộng đồng. Nhiều khi thấy mọi người bảo thấy tôi là vui, thấy tôi là có động lực chạy bộ là tôi vui lắm, tự hào lắm. Vì mình đã làm được gì đó cho cộng đồng.

Đáng nhớ thì cả cuộc đời điền kinh của tôi đều là những điều đáng nhớ. Những lúc còn là vận động viên thi đấu hay là huấn luyện viên, mang trên vai trách nhiệm nặng nề, mang vinh quang về cho thành phố hay đất nước. Các học trò của tôi cũng nhiều người xuất sắc, tôi tự hào lắm. Có lần tôi đọc đâu đấy bài báo viết 'Bùi Lương đi tới đâu là có huy chương vàng tới đó'. Tất nhiên là thấy vui nhưng như vậy có vẻ hơi đề cao tôi quá.

Bây giờ tôi đã nghỉ ngơi, được gắn bó với các vận động viên phong trào cũng lại là điều đáng trân trọng. Tôi vẫn mang hết những điều tốt nhất để hướng dẫn cho mọi người. Dù chuyên nghiệp hay phong trào cũng đều có ý nghĩa riêng, nhưng một điều chung là tôi đều dồn hết tâm huyết của mình để cống hiến. 

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 5.

Thời điểm hiện tại, ngày càng có nhiều giải chạy được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp, với sự tham gia đông đảo của các VĐV, ông có nhận xét gì về điều này? 

Phải nói là phong trào chạy bộ đang phát triển như những đợt sóng vậy. Những giải chạy như vậy sẽ xây được cái chân tháp thật lớn. Tôi ví dụ giống như tháp Eiffel, các giải chạy càng nhiều vận động viên tham gia sẽ làm cho cái chân tháp lớn dần. Từ chân tháp tiến dần lên đỉnh tháp, từ những vận động viên tham gia chạy phong trào có thể tìm ra được các tài năng thi đấu trong nước cũng như quốc tế. 

Chỉ có điều như tôi đã nói, các vận động viên phong trào đa phần chạy theo bản năng rất nhiều. Chưa kể tới việc ham khoe bản thân và thành tích. Các giải chạy hiện nay thường có bốn cự ly 5km, 10km, 21km và 42km. Có những vận động viên chưa chạy 5km tốt đã chạy 10km hay những cự ly lớn hơn. Nguyên tắc hồi tôi còn huấn luyện là đi từ thấp đến cao, từ nhẹ tới trung bình rồi mới tới nặng. Phải vượt cự ly đang tập luyện mới được thi đấu cự ly đó. Hệ quả trước mắt với các cá nhân là mọi người rất hay chấn thương hay thành tích thi đấu cũng chưa được tốt. 

Thêm nữa là dù phong trào phát triển nhưng lực lượng để bổ sung cho đội tuyển quốc gia thi đấu khu vực hay châu lục thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn qua nhìn lại điền kinh Việt Nam mấy năm nay cũng chỉ có bằng đấy người.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 17.

HLV Bùi Lương trò chuyện, chia sẻ cùng các VĐV phong trào. Ảnh: Minh Toàn.

Đó hình như là điều mà HLV Bùi Lương vẫn còn đang trăn trở?

Phải nói là rất trăn trở. Kỷ lục chạy marathon của Việt Nam học trò Nguyễn Chí Đông lập từ năm 2003 với thành tích 2 giờ 21 phút vẫn chưa ai phá được. Chí Đông năm ấy cũng chỉ giành HC bạc SEA Games. Hoàng Nguyên Thanh vô địch SEA Games 31 với thành tích 2 giờ 25 phút, nhưng thành tích còn chưa bằng tiền bối. Gần đây nhất, tại SEA Games 32, Thanh cũng chỉ còn xếp vị trí thứ ba với thành tích còn thua lần lần trước đó. Đội tuyển điền kinh Việt Nam đang rất thiếu tính cạnh tranh, Hoàng Nguyên Thanh hiện tại dù thành tích có kém đi nhưng vẫn là chân chạy số 1 của Việt Nam

Ngày xưa tôi thi đấu, cho dù biết trước là mình vô địch nhưng không bao giờ cho phép mình buông lỏng bản thân. Dù đối thủ có yếu hơn thì vẫn phải về đích tốt hơn với thành tích trước đó của chính mình. 

Đến giờ phút này, tôi vẫn còn phần nào tiếc nuối khi giã từ huấn luyện thi đấu. Tôi thấy mình vẫn còn có thể đóng góp được cho các con, các em về những kĩ thuật và chiến thuật, nhưng điều kiện tuổi tác và sức khỏe của tôi không còn cho phép nữa.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương: Mong rằng tôi luôn khỏe mạnh để được làm “Bố Bùi Lương” - Ảnh 6.

Quay trở lại với cá nhân HLV Bùi Lương, tinh thần "chết mới hết chạy" hay "duyên thể thao hết mới về cõi tiên" của ông đã rất nổi tiếng, trở thành nguồn động lực lan tỏa với những người đam mê chạy bộ. Xin ông hãy chia sẻ thêm về tinh thần này của mình?

Nhân dịp tham dự Cúp Chiến thắng 2016, tôi nhận được giải thưởng đặc biệt cho những cống hiến, thành tựu trọn đời, BTC bảo tôi chuẩn bị một bài phát biểu. Lúc lên nhận thưởng, tôi xúc động quá, mới xuất khẩu thành thơ: "Một thời lừng lẫy đường đua/ Tuổi già sức yếu vẫn chưa muốn về/ Trọn đời cứ sống đam mê/ Duyên thể thao hết mới về cõi tiên". Từ đó, đi đến đâu mọi người có hỏi chạy tới khi nào, tôi cứ đọc bài thơ này ra để thay cho câu trả lời. Một đời của tôi, dù có bao nhiêu thành tích nhưng không vì thế mà ngừng nghỉ. Câu "Duyên thể thao hết" nhắc tôi rằng Bùi Lương tắt thở thì mới ngừng nghỉ, mới hết chạy (cười lớn).

Cảm ơn HLV Bùi Lương về những chia sẻ thú vị này!

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem