Luật sư phân tích căn cứ pháp lý trong vụ Giám đốc doanh nghiệp tự tử tại tòa ở Đà Nẵng
Vụ Giám đốc doanh nghiệp tự tử tại tòa ở Đà Nẵng: Quy trình xác định vi phạm trong tranh chấp hợp đồng
Quang Minh
Chủ nhật, ngày 12/12/2021 09:25 AM (GMT+7)
Theo luật sư, vụ việc Giám đốc doanh nghiệp uống thuốc diệt côn trùng tự tử sau phiên tòa sơ thẩm ở Đà Nẵng là vụ việc khá hy hữu. Luật sư đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường phân tích, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong những loại hợp đồng dân sự thông dụng. Quyền và nghĩa vụ của các bên được xác lập trên cơ sở thoả thuận của các bên trong hợp đồng phù hợp với quy định của bộ luật dân sự và luật đất đai tại thời điểm xác lập giao dịch.
Trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ khiến hợp đồng không thể thực hiện được thì bên còn lại có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vấn đề chấm hợp đồng có căn cứ hay không, có phù hợp với quy định pháp luật hay không thì phải căn cứ vào thỏa thuận cụ thể của hai bên.
Bên chấm dứt hợp đồng phải chứng minh là bên kia đã có hành vi vi phạm hợp đồng nghiêm trọng đến mức hợp đồng không thể tiếp tục thực hiện được, phải có tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm hợp đồng và phải viện dẫn nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, trong vụ án này, hợp đồng tranh chấp trị giá đến 400 tỷ đồng là số tiền rất lớn đối với một doanh nghiệp. Để giải quyết tranh chấp hợp đồng này, tòa án sẽ phải làm rõ hợp đồng này có hiệu lực pháp luật hay không, có thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực pháp luật hay không.
Trong trường hợp, hợp đồng là hợp pháp thì sẽ làm rõ nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và quá trình thực hiện hợp đồng vì sao xảy ra tranh chấp, lỗi thuộc về bên nào và trường hợp hợp đồng chấm dứt khi có căn cứ hay không dựa trên các quy định của Bộ luật dân sự và Luật đất đai hiện hành.
Trường hợp hợp đồng vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp tòa án không đồng ý thì bắt buộc các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết cho đến khi hoàn tất.
Luật sư Cường cho biết, pháp luật quy định trong trường hợp thực hiện hợp đồng mà một bên có lỗi khiến hợp đồng không thể tiếp tục thực hiện được thì bên bị vi phạm có quyền đình chỉ hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trường hợp hợp đồng không thể thực hiện được do pháp luật có thay đổi, hoàn cảnh thay đổi hoặc do quy định của cơ quan có thẩm quyền các bên có quyền thương lượng lại về nội dung hợp đồng, nếu không thương lượng được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết.
Trong trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi căn bản sẽ căn cứ vào quy định tại Điều 420 của Bộ luật dân sự năm 2015. Nếu như bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng thì bản thân họ cũng có nghĩa vụ ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh đến lợi ích của mình.
Khi bên có lợi ích bị ảnh hưởng đưa ra yêu cầu chấm dứt hoặc thay đổi nội dung của hợp đồng phải chứng minh đầy đủ các điều kiện, đặc biệt phải chứng minh mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích từ sự thay đổi đó.
Nguyên đơn có thể khiếu nại, tố cáo và kháng cáo bản án sơ thẩm
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết thêm, Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm do việc chậm thanh toán như sau: Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định của pháp luật.
Nếu trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng 2 bên giữa Sudico và Land Hải Hà có quy định về việc nếu như Land Hải Hà vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì Sudico đơn phương chấm dứt hợp đồng, tuyên bố hủy giao dịch, toàn quyền sở hữu số tiền đặt trước. Như vậy, trong trường hợp này việc Sudico khởi kiện Hải Hà Land là hoàn toàn đúng quy định.
Theo luật sư Tùng, nếu như pháp lý hai lô đất còn một số vướng mắc theo như kết luận 2852/KL – TTCP của Thanh tra Chính phủ về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà.Nẵng thì tức là nội dung của hợp đồng này không bảo đảm điều kiện để hợp đồng có hiệu lực.
Khi đó sẽ dẫn đến trường hợp hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự 2015. Hợp đồng vô hiệu, không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp Land Hà Hải không hề biết được rằng 2 lô đất trên có vấn đề trong việc xác định thời gian sử dụng đất ghi trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND TP.Đà Nẵng đã cấp là không đúng với quy định của Luật đất đai thì Land Hải Hà hoàn toàn có quyền ngưng việc thanh toán cho đến khi Sudico giải quyết xong vấn đề pháp lý của 2 lô đất mà hai bên đang thực hiện chuyển nhượng.
Ngoài ra, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết vụ án, nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm để tòa án cấp tỉnh xem xét giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Thậm chí, pháp luật còn quy định thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong trường hợp bản án sơ thẩm và phúc thẩm giải quyết không đúng pháp luật.
Trường hợp quá trình giải quyết nguyên đơn có căn cứ cho thấy thẩm phán hội đồng xét xử giải quyết không đúng pháp luật thì có quyền khiếu nại, tố cáo và kháng cáo bản án sơ thẩm. Trường hợp thẩm phán không khách quan, nguyên đơn có quyền đề nghị thay đổi thẩm phán.
Bộ luật Tố tụng dân sự quy định rất nhiều quyền cho nguyên đơn và pháp luật có đầy đủ các quy định để xử lý đối với người tiến hành tố tụng có sai phạm.
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng có thể sẽ xác minh làm rõ quá trình giải quyết vụ án này đồng thời thận trọng trong việc đánh giá lại vụ án. Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng có thể sẽ phải tường trình về sự việc...
Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về tố tụng dân sự, tùy vào tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc có thể chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Như Dân Việt đưa tin, trưa 8/12, ông Võ Văn Cường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Land Hà Hải và vợ, là bị đơn trong vụ án dân dự Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đã uống thuốc diệt côn trùng, tự tử tại phiên toà.
Ông Cường được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu, đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Vợ ông cũng định uống một chai nhưng được người xung quanh can ngăn kịp thời.
Trong vụ án, ông Cường không được nhận lại số tiền đặt cọc 404 tỷ đồng vì Land Hà Hải vi phạm nghĩa vụ thanh toán với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.