Trên nông trại mẫu diện tích xấp xỉ 50ha ở nơi đồi núi của Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, hành trình của Eco Herbs được bắt đầu từ cuối năm 2021.

Với sản phẩm cà phê Robusta giống bản địa được trồng xen canh với các tầng rừng, canh tác thuận tự nhiên và thu hoạch tuyển lựa trái chín chất lượng cao, sơ chế theo phương pháp truyền thống nhưng được kiểm soát kỹ thuật chặt chẽ, nhằm tạo ra sản phẩm cà phê sạch, chất lượng cao đã tạo nên cà phê Eco Herbs sạch trứ danh.

Song song đó, các chương trình hợp tác với cộng đồng nông hộ, diện tích canh tác dần được mở rộng, dự kiến sẽ lên đến 300ha đến năm 2025. Những lao động địa phương ở đây cũng chính là chủ vườn, họ đã sống bằng cây cà phê đã rất lâu và mong muốn tương lai cũng như thế.

Về lâu dài, những vùng trồng sinh thái có nhiều địa hình đồi núi, khe suối thú vị còn là bước chuẩn bị cho các hoạt động nghiên cứu, du lịch nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ… mà thương hiệu Eco Herbs của Hợp tác xã Tín Đức sẽ xây dựng trong tương lai gần.

Xây đắp cộng đồng nông dân hạnh phúc từ cây cà phê "hai không"- Ảnh 1.

Nông trại cà phê của Eco Herbs gieo trồng bằng mô hình vườn rừng ở tỉnh Kon Tum

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) Dân Việt đã có những chia sẻ với Kiến trúc sư Thái Dũng Linh, Đồng sáng lập - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH TDL Solutions, Đồng sáng lập - Phó Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Tín Đức - Thương hiệu Eco Herbs.

Ông có thể cho biết thêm về quá trình hình thành và phát triển của Eco Herbs? Điều gì đã thôi thúc ông và cộng sự lựa chọn mô hình nông nghiệp hữu cơ vườn rừng?

Chúng tôi bắt đầu ý tưởng về Eco Herbs từ niềm đam mê với một nền nông nghiệp sạch, bền vững và mong muốn mang đến những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Và niềm đam mê với cà phê. Đặc biệt khi nhận thấy rằng, nông nghiệp truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức bởi chính những tác động tiêu cực do "tư duy sản lượng".

Trước cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguy cơ ung thư do tiếp xúc với một số loại hóa chất tăng trưởng sản lượng và bảo vệ thực vật. Vấn đề sử dụng quá nhiều phân bón hóa học làm suy thoái đất, giảm khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng của đất. Các nghiên cứu về dư lượng thuốc trừ sâu trong nông sản cho thấy tỷ lệ mẫu vượt ngưỡng cho phép còn khá cao ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Vì vậy, chúng tôi quyết định xây dựng một mô hình nông nghiệp cải tiến, dựa trên nguyên tắc tôn trọng tự nhiên và hợp tác cộng đồng. Chúng tôi tin rằng chúng ta nên ứng dụng công nghệ tiên tiến, tri thức hiện đại để phát triển  thuận tự nhiên, chứ không phải khống chế tự nhiên.

Thuận tự nhiên, Sạch và Hạnh phúc là ba giá trị cốt lõi của Eco Herbs.

Xây đắp cộng đồng nông dân hạnh phúc từ cây cà phê "hai không"- Ảnh 2.

Cây cà phê "hai không", không hoá chất và không khống chế tự nhiên

Mô hình vườn rừng hữu cơ mà Eco Herbs đang áp dụng có những ưu điểm gì so với các thói quen canh tác cũ?

Những hạt cà phê của chúng tôi được nuôi trồng theo mô hình canh tác vườn rừng, mô phỏng theo hệ sinh thái rừng tự nhiên với nhiều tầng cây. Hệ thống này kết hợp các nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ với các kỹ thuật tái tạo và quản lý rừng, hướng đến việc canh tác song song với tái tạo và bảo vệ đất.

Đặt mục đích là phục hồi một hệ sinh thái thu nhỏ, nơi sự đa dạng sinh học được đặt lên hàng đầu. Có thể hiểu đơn giản rằng đây là sự kết hợp hài hòa giữa 50% cây kinh tế và 50% các loại cây hỗn hợp khác, tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho các loài côn trùng có ích, chim chóc và các sinh vật.

Chúng tôi loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng hóa chất, thay vào đó, chúng tôi áp dụng các kỹ thuật canh tác tự nhiên như ủ phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, hệ thực vật đa tầng tán để cộng sinh, giữ ẩm, tạo mát, bảo vệ cây trồng. Điều này giúp chúng tôi tạo ra những nông sản sạch, an toàn và giàu dinh dưỡng.

Ông từng nói về ý tưởng một cộng đồng nông dân hạnh phúc, vậy ông có thể chia sẻ những hoạt động mà Eco Herbs đã thực hiện để thực tế được điều này?

Chúng tôi tin rằng, khi hạnh phúc chúng ta sẽ tạo ra được những giá trị hạnh phúc, một cộng đồng hạnh phúc. Sau hai năm đồng hành cùng Eco Herbs, nông hộ đã có thu nhập ổn định hơn, cuộc sống được cải thiện. Môi trường làm việc, tinh thần của chúng tôi tại nông trại được cải thiện đáng kể.

Xây đắp cộng đồng nông dân hạnh phúc từ cây cà phê "hai không"- Ảnh 3.

Cùng địa phương, Eco Herbs đang từng ngày cùng xây dựng cộng đồng nông thôn phát triển bền vững. Thật may mắn, câu chuyện của chúng tôi đã truyền cảm hứng được tới nhiều bạn trẻ, đặc biệt là con cháu của các cô chú nông dân, đã trở về địa phương để làm việc tại nông trại. Điều này được thực hiện bằng ba từ Thấu hiểu, Đồng hành và Lan tỏa.

Ở đó, thấu hiểu nguồn lực của chính mình, các tiềm năng và rào cản của bối cảnh thị trường để có một hướng đi vững, tạo nền tảng cho phát triển bền.

Đồng hành chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tôn trọng quyền lợi của cộng đồng nông hộ, tạo cơ hội tham gia ra quyết định dựa trên thay đổi tư duy chứ không chỉ dựa trên lợi ích kinh tế ngắn hạn. Bằng nguồn lực của mình, Eco Herbs liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đặc trưng; tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư phát triển và các nguồn lực khác. Đây là cơ hội để chúng tôi mở rộng phạm vi hợp tác với cộng đồng nông hộ và tạo lợi thế cạnh tranh hơn mỗi nông hộ đơn lẻ.

Xây đắp cộng đồng nông dân hạnh phúc từ cây cà phê "hai không"- Ảnh 4.

80% lao động cơ hữu và thời vụ của Eco Herbs là phụ nữ

Chúng tôi cũng hướng đến tạo môi trường phát triển bình đẳng và đa dạng. Tại Eco Herbs, chúng tôi có 1/3 thành viên sáng lập là phụ nữ, trong đó có 2/3 tham gia vào công tác quản trị, điều hành, phát triển sản xuất. 80% lao động cơ hữu và thời vụ của Eco Herbs là phụ nữ, một nửa trong đó có là đồng bào thiểu số.

Cuối cùng, Eco Herbs không chia sẻ câu chuyện thành công bởi bản thân chúng tôi còn rất mới, cần liên tục học hỏi và cải tiến trên hành trình phát triển nông nghiệp bền vững. Chúng tôi chỉ muốn lan toả những việc mình làm, để có thêm những khối óc cùng nghĩ, những cánh tay cùng làm vì một cộng đồng nông hộ hạnh phúc vượt ngoài phạm vi hiện tại.

Đặc biệt để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế vốn vô cùng khó tính như Châu Âu và Úc, Eco Herbs đã phải đối mặt với những thách thức gì?

Châu Âu và Úc, hai thị trường tiêu thụ nông sản lớn trên thế giới đang ngày càng siết chặt các quy định về nhập khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp có liên quan đến phá rừng và biến đổi khí hậu.

Liên minh Châu Âu và Úc đều có quy định ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, bao gồm cà phê, ca cao, dầu cọ, gỗ,... Đặc biệt, các thị trường này rất hạn chế đối với các sản phẩm từ các quốc gia có vấn đề về môi trường. Nhà cung cấp buộc phải chứng minh rằng sản phẩm không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc suy thoái rừng.

Không thể phủ nhận những yêu cầu khắt khe này có tác động mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu cà phê, trong đó có Việt Nam, bao gồm cả cơ hội và thách thức. Theo tôi, về mặt tích cực, các yêu cầu khiến sản phẩm có giá trị cao hơn khi đã có chỗ đứng trong thị trường quốc tế.

Có thể nói đây là cơ hội rất tốt cho Eco Herbs cũng như cộng đồng nông hộ tâm huyết phát triển cà phê chất lượng cao, có thương hiệu của Việt Nam. Việt Nam cần có thêm nhiều hơn nữa các thương hiệu cà phê uy tín, được công nhận và trân quý bởi giá trị thật chứ không chỉ giữ vững top đầu gia công nguyên liệu, nông trường sản xuất cho các thương hiệu quốc tế.

Xây đắp cộng đồng nông dân hạnh phúc từ cây cà phê "hai không"- Ảnh 5.

Cây cà phê Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối diện không ít thách thức

Đó là ước mơ, là tầm nhìn cơ hội, tuy nhiên là thương hiệu mới, quy mô vừa và nhỏ, phát triển cùng cộng đồng và vì cộng đồng, chúng tôi hàng ngày vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức như chi phí tăng, do doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn vào việc chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó là luôn cần có các công nghệ mới để theo dõi, và quản lý chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Trong khi hiện nay chưa thực sự có những chính sách nổi bật cho nhóm canh tác, sản xuất sạch và cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể, đồng bộ để đảm bảo hàng hoá không bị tắc nghẽn, hoàn trả…

Mặt khác, chúng tôi còn đối diện với vùng nguyên liệu rất hạn chế, không liền mạch, thiếu ổn định… do tác động của những lợi ích kinh tế ngắn hạn, quy hoạch manh mún.

Vậy Eco Herbs đã làm gì để vượt qua những thách thức đó?

Hiện khách hàng của chúng tôi đa số là người Việt Nam, các nhà sản xuất tại Việt Nam, người nước ngoài sống tại Việt Nam hoặc khách du lịch, kiều bào nước ngoài đến Việt Nam. Họ thích câu chuyện của chúng tôi, giản dị, chân thành nhưng mạch lạc và lộ trình phát triển có trách nhiệm. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, môi trường và họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững.

Một trong những phản hồi tâm đắc nhất mà chúng tôi nhận được từ khách hàng, họ ủng hộ Eco Herbs bởi chúng tôi đang giúp họ làm thay phần trách nhiệm mà họ chưa thể trực tiếp làm được.

Về dài hạn, chúng tôi đang tập trung vào một số giải pháp chính bằng cách xây dựng thương hiệu gắn liền với hình ảnh nông nghiệp bền vững, cộng đồng nông hộ hạnh phúc và chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, chúng tôi đang xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, quy trình giám sát và đánh giá nguyên liệu chặt chẽ. Việc định hướng từ đầu đã giúp chúng tôi có khung quản trị, báo cáo thu thập dữ liệu và lộ trình thời gian (2/3 năm kể từ khi bắt đầu) theo yêu cầu của các tổ chức độc lập cho công tác thẩm định, cấp chứng nhận, công bố các báo cáo.

Trực diện hơn, chúng tôi tích cực tham gia các sự kiện để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác cũng như cập nhật liên tục các xu thế, quy định, chính sách mới để liên tục cải tiến và sẵn sàng. Đến nay, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng như trong nước để nâng cao năng lực và mở rộng hệ sinh thái đối.

Eco Herbs rất tự tin vào con đường mình đang đi, kiên trì với mục tiêu và uyển chuyển cải tiến để cân bằng các mục tiêu trên hành trình phát triển bền vững.

Xây đắp cộng đồng nông dân hạnh phúc từ cây cà phê "hai không"- Ảnh 6.

Ông Thái Dũng Linh (thứ hai từ trái sang) và các cộng sự

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có muốn thông điệp gì muốn nhắn gửi tới bạn bè, đối tác?

Trong một bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Kiến trúc sư Lê Minh Hoan nhấn mạnh "Thế giới giờ không đứng yên như chúng ta nghĩ. Người ta không đơn thuần mua một sản phẩm mà họ mua câu chuyện tạo ra sản phẩm đó của người nông dân, của một ngành hàng, của một đất nước".

Tôi rất thích câu nói này của ông, không hẳn vì tôi cũng là Kiến trúc sư làm nông nghiệp nên được truyền cảm hứng từ ông, mà bởi mỗi chúng ta đều có câu chuyện của mình, "điểm chạm" được tạo ra bởi điều chúng ta làm, cách chúng ta làm và cách chúng ta truyền tải câu chuyện ấy.

Chúng tôi áp dụng điều này trong thiết kế kiến trúc bởi chúng tôi đồng hành để xây dựng trải nghiệm của khách hàng, không phải trải nghiệm của chúng tôi. Cà phê nói riêng, nông sản nói chung cũng vậy, điểm chạm chuyển thành gắn kết là thành công của mỗi thương hiệu.

Thuộc cộng đồng nghiên cứu và hoạt động bền bỉ với những mục tiêu phát triển vững, chúng tôi nhắc nhiều đến cụm từ ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị). Sau quá trình tư vấn và thực hành, tôi thấy rằng dựa trên bộ tiêu chí chung, mỗi Doanh nghiệp cần xây dựng cho mình bộ tiêu chí ESG được thiết kế riêng, bao gồm: E - Engagement (Cam kết), S - Strategy (Chiến lược), G - Goals (Mục tiêu), để tuyên ngôn Phát triển Bền vững không chỉ dừng lại ở bước Đặt vấn đề mà thật sự Đạt hiệu quả.

Cảm ơn vì bạn đã lắng nghe câu chuyện của Eco Herbs!


Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem