Xem múa hẩu độc đáo chỉ có ở lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu Bình Dương
Xem múa hẩu độc đáo chỉ có ở lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu Bình Dương
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 06/02/2025 23:18 PM (GMT+7)
Múa hẩu là điệu múa đặc sắc của cộng đồng người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Múa hẩu gắn liền với lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và lễ cúng rước ông Bổn.
Múa hẩu Bình Dương, nét văn hóa độc đáo ở lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu
Chiều tối ngày 6/2 (mùng 9 tết), Lễ rước cộ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu được tổ chức tại miếu Bà Thiên Hậu (thành phố mới), mở đầu cho mùa lễ hội Rằm tháng giêng rộn ràng ở Bình Dương.
Ngoài việc cung nghinh thánh giá Thiên Hậu Thánh Mẫu tuần du qua các cung đường, múa hẩu là tiết mục được hàng ngàn du khách đón đợi.
Hẩu là linh vật của người Phước Kiến, và múa hẩu là nét đặc sắc riêng trong văn hóa của người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ
Mặt con hẩu thường được làm bằng cái sàng hay cái nia có đường kính khoảng 6 tấc. Trên mặt hẩu, nghệ nhân đắp mắt mũi. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo các nghiên cứu văn hóa, hẩu có cốt tinh con hổ, là sinh vật dữ dằn nhất. Trong các lễ hội của người Hoa, hẩu luôn đi đầu để mở đường, và cũng không có con vật nào dám đi trước vì sợ bị nó ăn thịt.
Trong một đoàn biểu diễn hẩu, lân, sư rồng thì hẩu luôn đi trước để mở đường trừ gian diệt ác. Người Hoa quan niệm rằng nếu năm nào con hẩu đi sau thì năm đó sẽ bị mất mùa, công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Vương Hưng Rảnh, đoàn hẩu Phước Võ Điện Bà Lụa, lân, sư, rồng đã được bình dân hóa để có thể múa trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, múa mọi lúc, mọi nơi.
Màn múa hẩu tại lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ
Múa hẩu có 2 điều cấm kỵ. Một là không được phép ngửa mặt hẩu lên trời vì hành động này được cho là thách thức với các vị thần thánh trên cao. Hai là người múa hẩu không được leo trèo; khác với lân, rồng có thể leo trèo để lấy lộc. Ảnh: Nguyên Vỹ
Múa hẩu Bình Dương đáp ứng cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân
Những bậc thầy về múa hẩu khẳng định, hẩu có bộ thế của hổ. Từ cách di chuyển, các động tác, bộ thế múa hẩu phải làm sao toát ra được khí chất của hổ, phát ra được uy thế, trấn áp mọi sinh vật sống khác. Ảnh: Nguyên Vỹ
Bài múa hẩu mô phỏng, tái hiện quá trình con người chiến đấu với hổ, với thú dữ. Người điều khiển dùng đao phạt dưới chân, dùng gậy đâm vào đùi hoặc dùng ba chỉa đâm vào hai bên trái, phải và trên trán. Ảnh: Nguyên Vỹ
Hẩu tùy vào từng động tác mà phải nhảy lên hoặc nghiêng trái, nghiêng phải, lùi ra sau để né tránh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Anh Trần Ngọc Hải, du khách ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) kể, rằm tháng Giêng năm nào anh cũng lên Bình Dương dự lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, và chờ xem múa hẩu.
Tuy là loại hình biểu diễn nặng tính nghi lễ, song múa hẩu còn là một loại hình nghệ thuật. "Múa hẩu không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân", anh Hải chia sẻ.
Múa hẩu không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, người Hoa Phúc Kiến dùng thế lực của thần linh và linh vật hẩu nhằm thị uy, đánh đuổi những cái xấu xa, để cộng đồng được an lành. Do đó, chức năng của hẩu là để thị uy trừ tà.
Với những nét đặc trưng về mặt ý nghĩa, múa hẩu đã và đang giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương, góp phần làm phong phú thêm bức tranh lễ hội của Nam bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.