Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đẹp sững sờ - Vũ điệu tình yêu của chim thiên đường!
Từ thông tin trên, chúng tôi đã kỳ công tìm cách tham dự trực tiếp một lễ hội ở Manokwari, trong cơn mưa chứa chan. Các cô gái trong lễ hội cười lỏn lẻn, mặt sạm đen, lấp lánh hàm răng trắng như ngô nếp non. Vai trần, eo thon. Những vết vẽ vằn vèo đen trắng trên da thịt mới hoang dã làm sao. Và ôi thôi, một bộ phim tài liệu nữa lại hiện ra, lời bình đay đả: "Mỗi thổ dân, dù nam hay nữ, đều có thể hoặc đồng loạt đội những cái mũ với cả vài trăm, cả vài trăm chiếc lông chim thiên đường vắt vẻo. Đây, có thể là phong tục cổ xưa của họ, nhưng đây, cũng là hình ảnh buốt lòng với những người yêu thiên nhiên hoang dã, muốn bảo vệ "kinh đô" của các loài chim thiên đường mà cả thế giới đang đang vinh danh kia".
Quả thật, chưa bao giờ tôi gặp thiên la địa võng những sắc dân lạ lẫm mà ai cũng đội mũ gắn lông chim thiên đường (hoặc đính cả tiêu bản chim thiên đường y như thật trên đầu) nhiều đến thế. Tiếng loa dội lên, bằng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu, nhưng niềm vui của hàng nghìn người trong đại lễ, sự phất phơ, khi vàng óng, khi trắng toắt, lúc tím than lộng lẫy toàn lông chim thiên đường kia thì khỏi cần… ngôn ngữ. Ai cũng hiểu. Tôi sờ vào tận đỉnh đầu một cô gái. Chú chim thiên đường với đầy đủ lông, đầu, cổ, mỏ, thậm chí không lẫn đi đâu được hai cọng lông ở đuôi cong vút và to bản như hình số 8. Mới hôm qua, chúng tôi đã tràn đầy cảm hứng, sau khi nhóm bỏ tới vài trăm triệu đồng, quăng quật qua một hành trình dài vất vả, để rồi "hạnh ngộ" một vài chú chim thiên đường trống y hệt xác chim thiên đường trên đầu các cô gái hôm nay...
Trong lễ hội tại Papua mà chúng tôi tham dự, vô cùng nhiều lông chim thiên đường được trang trí trên đầu cư dân nơi đây, nhiều chú chim vô tội đã bị sát hại
Có bao nhiêu con chim thiên đường đã bị giết, để họ đội lên đầu ngần ấy các bó lông sặc sỡ của chúng? Giết thiên đường, đội lên đầu, rồi lại đi xem thiên đường múa trong một lễ hội to lớn và vui vẻ không kém. Có gì đó khó hiểu ở đây không? Vẫn biết lịch sử và văn hoá tộc người là cái cần tôn trọng; vẫn biết, nhiều nghìn năm trước chim thiên đường đã gắn bó với lễ hội, phong tục, các cuộc đi săn chim thiên đường không ai cấm; vẫn biết việc bảo tồn thiên nhiên (nhất là các loài chim) mới chỉ được khởi xướng cách đây chưa lâu; vẫn biết, ở Papua New Guinea, cờ của quốc gia họ với biểu tượng chim thiên đường, tức là họ rất trân quý "báu vật thiên nhiên" này. Các vấn đề lịch sử, các câu chuyện quá khứ khó mà "xét lại" được. Nhưng, nỗi buồn tàn sát chim thiên đường không vì thế mà không đeo bám chúng tôi.
Cũng tại đại lễ tôi trực tiếp tham dự kia, tôi thấy quá nhiều bạn trẻ đã cắm lông chim bằng nhựa, bằng vải, bằng tua rua thổ cẩm đầy màu sắc lên mũ trên đỉnh đầu. Vẫn quá đẹp và đầy nhân ái - tại sao không? Zeth, vị trưởng làng than phiền rằng: 36 năm ông làm người dẫn đường, tổ chức cho khách vài chục quốc gia đến ngắm chim thiên đường. Đã có những ngày, xung quanh ông, họ giết chim làm thức ăn, người nước ngoài đến bán súng săn, bán bẫy cho họ "bắn đâu chết đó, bẫy đâu trúng đó". Phải vận động lâu lắm bà con mới giảm cái việc "cải thiện" bữa ăn bằng thịt chim quý.
"Đơn giản là họ nghĩ, không ăn một con chim bé bằng một phần hai mươi con gà, thì chẳng lợi lộc gì nhiều. Để cho chúng sống, hót, múa thì khách khắp thế giới được thưởng thức, bà con thu rất nhiều tiền. Hợp đồng nhiều nghìn đô la mỗi lần, lại cả làng có được công ăn việc làm, từ vác hành lý, đưa đón, nấu nướng, phục vụ lều trại trên núi; đến cả dịch vụ bird guide, làm phiên dịch, thu tiền site (vào khu đồi núi họ quản lý, vào các lều họ đã dựng để ngắm chim)…
Các loài chim thiên đường với hình dáng và tập quán có thể gây bất ngờ cho bất cứ ai. Ảnh từ sách của Tim Laman và ảnh của nhiếp ảnh gia Martin Willis
Chim thiên đường được nhà thám hiểm, nhà văn nổi tiếng Alfred Russel Wallace dành nhiều năm miệt mài tìm hiểu và viết thành sách, sau các chuyến ông gắn bó với nhiều ốc đảo ngày nay thuộc vùng Papua. Sách ra đời năm 1869, mang tên "The Malay Archipelago". Tôi chưa hiểu căn cứ vài tài liệu nào, chỉ biết là sách báo đều trích dẫn một câu "Chim thiên đường là một trong những loài chim biết hót cổ xưa nhất thế giới". Chỉ biết, chắc chắn, loài chim này mải yêu, mải chải chuốt để quyến rũ bạn tình tới mức, tài liệu dẫn tiếp: "Chim thiên đường trống dành phần lớn thời gian trong đời chúng để thu hút bạn tình". Có lẽ, điều này đồng nghĩa với việc hắn dùng hầu như cả đời để luyện giọng hót và chau chuốt bộ xiêm y lộng lẫy của mình - suy ra chúng đẹp, hót hay, múa đẹp là dĩ nhiên.
Nếu một cá thể kém cỏi thì có thể nỗ lực cả đời vẫn chưa thể xuất sắc, nhưng theo tiến hoá: các con đực ưu tú (đẹp, khoẻ, múa đẹp, hót hay) sẽ được các con cái lựa chọn; con cái của chúng (nguồn gen) sẽ ra đời nhiều nhất; thì giống nòi của loài thích đẹp, thích hót hay và khoẻ mạnh này (với điều kiện cả con cái và con đực đều thích theo hướng này!) sẽ được tiến triển đúng như những gì chúng ta đang biết hiện nay về loài chim thiên đường huyền thoại! (ngược lại, "giống" kém cỏi sẽ bị triệt tiêu dần).
Biểu hiện cụ thể của việc này, chúng tôi nhìn thấy mỗi ngày khi đi rừng Papua. Các bạn chim thiên đường mái đều có bộ lông đẹp một cách kín đáo (khác xa với sự lộng lẫy của các "đức lang quân"), chúng là những giám khảo cao giá và kĩ tính nhất, chim thiên đường trống có khi múa may, hót nỉ non, kêu gào à ơi cả buổi, phô phang vẻ đẹp và sự khéo léo đến sững sờ. Nhưng, đứng xa xa, các bạn chim mái có khi ngó nghiêng ơ hờ rồi đột ngột bay vù lên giời, biến mất.
Cũng đáng đời thôi, các bạn "trai đẹp" dồn toàn bộ năng lượng cho các sự đẹp ấy rồi, tán tỉnh, "giao cấu" rồi, các bạn ấy lại đi múa may "xướng ca vô loài" với em khác. Chứ làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con, "nữ nhân" (chim thiên đường mái) nai lưng ra làm cả. Phong trào nam nữ bình quyền ở đây có vẻ hơi kém.
Vẻ đẹp kỳ ảo của chim thiên đường, duới ống kính của Martin Willis và Tim Lanman
Giới khoa học thì viết về loài chim này với đầy thuật ngữ phức tạp, mô tả và phân tích vì sao chim thiên đường lại đẹp và lạ đến thế. Phần lớn các loài chim thiên đường có nghi thức kết đôi phức tạp, với các loài Paradisaea sử dụng cách thức kết đôi với tính nghi thức rất cao. Chúng cũng kết đôi kiểu "ngẫu trường" (từ nguyên văn này dùng trong tất cả các tài liệu, các bài báo nhưng hầu như không ai giải thích nó nghĩa là gì). Theo TS Lê Mạnh Hùng - chuyên gia nghiên cứu về chim của Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật, kết đôi kiểu ngẫu trường là "tuỳ hứng" của các bạn trống mái, tuỳ mùa kết đôi, tuỳ theo độ "máu" của hai bên, thích là chúng nhích. Không theo một quy luật nào.
Chim thiên đường trống là đa thê ở các loài có dị hình giới tính (tức là sự khác biệt rành mạch "một trời một vực" về hình thức giữa con trống và con mái); nhưng là đơn thê (ý là sự chung thuỷ một trống một mái) ở ít nhất một số loài có hình dạng của con trống và con mái tương đối giống nhau. Chính vì sự "phong tình" của các con thiên đường trống dũng mãnh - siêu đẹp và lạ, siêu hấp dẫn từ tiếng hót đến vũ điệu, màu sắc như mổ tả ở trên - mà các nhà điểu học đã ghi nhận hiện tượng thú vị: xuất hiện nhiều dạng ghép (lai giống) giữa các loài thiên đường, khiến "con cháu" của chúng thậm chí mô tả chúng như một loài mới.
Lịch sử các loài chim thiên đường được thế giới đặc biệt chú ý, buồn thay, lại là từ các mẫu vật loài chim này được nhồi bông làm đồ chơi, sau khi đã cắt bỏ cả hai cánh và hai chân của… tiêu bản (xem ảnh kèm bài). Mục đích của việc phi bảo tồn, phi nghệ thuật này là: họ muốn có một vật trang trí tròn tròn, đôi lúc thả cả đồ vào để tìm lấy một tiện ích nho nhỏ nào đó cho thứ mà họ gọi là "cái đẹp".
Vùng Papua rộng lớn, lá phổi xanh rừng mưa nhiệt đới lớn thứ 3 thế giới là thủ phủ của nhiều loài thiên đường độc, lạ, đẹp sửng sốt của các nhiếp ảnh gia thiên nhiên hoang dã Hạnh Dung - Huỳnh Thanh Danh
Cụ thể, như Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã viết: "Được biết đến nhiều nhất là các thành viên của chi Paradisaea, bao gồm cả loài điển hình Chim thiên đường lớn (Paradisaea Apoda). Loài được miêu tả từ các mẫu vật được các thương nhân mang về châu Âu. Các mẫu vật này được các thương nhân bản địa tạo ra bằng cách tháo bỏ cánh và chân của chúng, sao cho chúng có thể dùng như là vật trang trí. Các nhà thám hiểm thương mại đã không biết được điều này và dẫn tới niềm tin rằng chúng không bao giờ đậu xuống đất (vì không có chân) mà luôn được giữ lơ lửng trong không trung nhờ bộ lông. Đây là nguồn gốc cả tên gọi "Chim thiên đường" lẫn tên khoa học Apoda - không chân!".
Điều này càng "sốc" hơn, khi ông Zeth Wonger đầy tâm huyết lôi trong tủ gỗ nhà mình ra một cuốn sách được xuất bản ở Mỹ, ở đó có viết về xứ sở chim thiên đường vùng Papua rộng lớn này rất kỹ, kèm theo một bức tranh được in trên giấy cút xê sang trọng. Bức tranh vẽ rừng cây rậm rịt, các thân gỗ to lớn, trên cành và tán cây cao có tới gần 10 chú thiên đường lớn, đuôi dài, thân to, con bay con đậu.
Trên hai chạc cây cổ thụ là hai tổ dân tốc xoăn, trang phục theo kiểu đóng khố ở trần, họ ngồi lưng ở chạc ba cây giữa chừng trời (để tiếp cận gần lũ chim nhất). Tay họ cầm cung lớn, có vẻ như tên của một anh thì nhọn, của anh còn lại thì tròn ở đầu, như kiểu họ bắn tên có nhựa dính hay nhựa độc gì đó.
Tác giả và nhiếp ảnh gia Huỳnh Thanh Danh cùng người dẫn đường, trưởng làng Mr.Zeth trong rừng Papua.và các cháu của ông theo chúng tôi sống nhiều ngày trên các lều nương xa xôi
Dưới tán rừng, có một thổ dân khác đang đen đúa hiện lên trong ánh nhìn ngược sáng, bởi anh ta đốt một đống lửa lớn. Chắc là hạ gục bạn chim thiên đường nào thì nướng luôn (?). Chú thích cho bức ảnh (tranh) còn đau đớn và cụ thể hơn cả một bộ phim hay những bài báo chân thực nhất, trích nguyên văn: "Natives of Aru Shooting the Greater Bird-of-Paradise" - from The Malay Archipelago (1869), suggests numerous adult males in a single lek. Such numbers in one lek are unheard of today because of hunting pressure". Tạm dịch (thoát nghĩa): Người bản địa của vùng Aru bắn chim thiên đường lớn" - hình ảnh này đợc mô tả ở Quần đảo Mã Lai (năm 1869), nó cho thấy rằng có rất nhiều con đực trưởng thành trong một khung hình duy nhất. Những con số và hình ảnh ấn tượng về một cõi thiên đường của chim thiên đường như vậy đã không còn tồn tại đến ngày nay, do do áp lực của nạn săn bắn và phá huỷ sinh cảnh sống của chúng.
Nếu như, trên một tán cây trong bức vẽ gần 160 năm trước đã có tới gần 10 con thiên đường lớn đậu đĩnh đạc thì: giờ đây, các chuyên gia lão luyện, đi cả tuần bầm rập trong rừng, có khi không gặp cá thể chim thiên đường nào!.
Tác giả và hhững người dẫn đường thân thiện ở Papua vượt đèo dốc, rồi đi bộ tìm chim thiên đường ở Tây Papua
"Ngôi nhà" tuyệt đẹp của chim "kiến trúc sư rừng già" đã xây; và vẻ đẹp "khác hẳn" của chim thiên đường khi múa, cũng như khi chưa múa (các ảnh của: Bảy Hoang Dã, Dustin Chen, Đỗ Doãn Hoàng)
Một loạt các bài báo trên các cơ quan truyền thông uy tín của quốc tế, viết bằng tiếng Anh, đều đăng thông tin, trùng khít với những gì chúng tôi quan sát và cảm nhận trực tiếp được ở Đông Papua, rằng: Các đồn điền nông nghiệp, được quảng bá là phương tiện để cải thiện kinh tế đang nhanh chóng được mở rộng. Điều này có thể đúng về mặt kinh tế. Nhưng ở góc độ bảo tồn, chỉ thiếu thận trọng một chút trong tư duy và hành động sẽ là thảm hoạ với sinh thái, khiến rừng bị phá và các loài chim quý như thiên đường bị đẩy đến bờ tuyệt chủng. Một bird guide có uy tín, đã nói: Mối đe doạ lớn với các loài thiên đường, không chỉ là nạn săn bắn chim thú; mà việc chuyển đổi diện tích rừng nguyên sinh sang trồng dầu cọ và ca cao mới thật sự là mối đe doạ lớn.
Số lượng chim thiên đường, dù bà con cố giữ để làm sinh kế phát triển du lịch, thu ngoại tệ về - vẫn đang bị suy giảm số lượng nhanh chóng. Các loài chim khác (không ra tiền theo cách của chim thiên đường) thì hầu như vắng bóng - theo quan sát nhiều ngày của chúng tôi. Việc săn bắt, giết chóc chim thiên đường để phục vụ những kẻ ích kỷ và nhẫn tâm vẫn diễn ra bất chấp lệnh cấm. Đồng nghiệp của chúng tôi vẫn chứng kiến các tiệm tạp hoá bán chim thiên đường tiêu bản khô cong.
Trong cuốn sách nổi tiếng của Tim Laman về vùng Papua lá phổi xanh của thế giới, có đoạn: " (…) Both the King and Greater Bird-of-Paradise, the first two members of the family to given scientific names by Linnaeus in 1758, originated there. This was the place where Wallace saw bird-of-paradise displaying in the wind, the first Western naturalist to make such observations.
Tạm dịch: Vài ngày trước, tôi vô cùng mong đợi rằng Ed và tôi, cùng với hướng dẫn viên người Indonesia tên là Shita Prativi, đã lên một chiếc máy bay nhỏ từ Ambon để đến Quần đảo Aru huyền thoại. Vùng này, giờ đây (việc điều tra của Tim Laman bắt đầu từ năm 2004 đến năm 2012) không còn khó tiếp cận như thời ông Alfred Russel Wallace (ông Alfred Russel Wallace là nhà khoa học tự nhiên người Anh, SN 1823, mất năm 1913); nhưng chúng vẫn nằm hoàn toàn ngoài tuyến đường du lịch phổ biến (như kiểu Bali) và thuộc vào một vùng xa xôi của Indonesia.
Ngay cả trước khi Wallace đến Aru, ông đã ấy đã biết rằng Quần đảo Aru là nguồn cung cấp các loài chim thiên đường (dưới dạng tiêu bản, làm đồ trang trí, mang về châu Âu và các khu vực khác). Bởi vì các hòn đảo như Aru nằm trên tuyến đường thương mại cổ xưa khá nổi tiếng; nên một số bộ da chim thiên đường sớm nhất đến châu Âu đều có nguồn gốc từ Aru. Cả các loài thiên đường nổi tiếng và quý hiếm đang được bảo vệ đặc biệt hiện nay, như King và Greater Bird-of-Paradise, chúng - từ thế kỷ 18 - đã chung số phận, trở thành "hai thành viên đầu tiên" rời đảo Aru, được biết đến dưới dạng "mẫu vật" (sau khi bị giết hại, nhồi bông hoặc trấu) rồi được nghiên cứu và được các nhà khoa học đặt tên vào năm 1758...). Đây được xem là địa điểm đầu tiên mà các nhà khoa học ghi nhận được sự xuất hiện của chim Thiên đường lớn. Và từ năm 1801, những cuốn sách viết về lịch sử tự nhiên vùng núi Arfak đã được xuất bản ở châu Âu, ở đó họ vẽ hình các con chim thiên đường và diễn giải, phân tích về các tư thế chúng múa với sự "ngưỡng mộ" được đẩy thành cao trào.
Bài cuối: Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.