Vì sao cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn trả hết 5,2 triệu USD, nộp thêm 1 tỷ đồng vẫn bị xem là không đáng kể?
Vì sao cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn trả hết 5,2 triệu USD, nộp thêm 1 tỷ đồng vẫn bị xem là không đáng kể?
Quang Trung
Thứ sáu, ngày 22/11/2024 18:00 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã nêu quan điểm về việc đại diện Viện kiểm sát nhận định cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn nộp thêm 1 tỷ đồng nhưng vẫn bị xem là không đáng kể trong vụ Vạn Thịnh Phát.
Bị cáo Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra tại SCB, đã 4 lần nhận tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, Tổng Giám đốc SCB). Tổng số tiền bị cáo Nhàn đã nhận là 5,2 triệu USD.
Theo viện kiểm sát, tòa án sơ thẩm quy kết bị cáo tội nhận hối lộ, có cân nhắc tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội này lẽ ra phải áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng do trước sơ thẩm bị cáo đã chủ động nộp lại 2/3 tài sản nên được giảm còn mức án chung thân. Song sau phiên tòa phúc thẩm, xét thấy chưa đủ cơ sở để giảm nhẹ thêm hình phạt nên đề nghị tòa giữ nguyên mức án chung thân.
Theo bản án sơ thẩm, ngoài tuyên phạt bị cáo Nhàn tù chung thân, tòa còn tịch thu 4,8 triệu USD đã thu của bị cáo, buộc phải nộp tiếp 400.000 USD để tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước và phải nộp phạt 100 triệu đồng.
Ngày 21/11, luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn cho rằng, ban đầu thân chủ bị khởi tố ở tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt thấp (từ 10 - 15 năm tù).
Tuy nhiên, sau đó bị cáo bị chuyển sang khởi tố tội danh có mức án nặng hơn đó là tội nhận hối lộ (có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình).
Gia đình bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã nộp 400.000 USD cho khoản bị cáo nhận tiền và đã nộp thêm 1 tỷ đồng. Do đó luật sư không đồng tình với viện kiểm sát nhận định rằng số tiền này (1 tỷ đồng) không đáng kể.
Tiền nộp lại do phạm tội mà có khác với tiền nộp để khắc phục hậu quả
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, về nguyên tắc tranh tụng, viện kiểm sát là bên buộc tội, bị cáo và luật sư bào chữa là bên gỡ tội. Vì thế, quan điểm lập luận giữa hai bên đối kháng nhau là chuyện đương nhiên.
Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật nên sẽ tranh luận để bảo vệ cáo trạng, bảo vệ bản luận tội, bảo vệ kết quả giải quyết đúng đắn. Còn phía bị cáo và người bào chữa có quyền gỡ tội, đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tòa án mà đại diện là HĐXX thực hiện chức năng xét xử, có trách nhiệm bảo vệ công lý, bởi vậy tòa án có trách nhiệm phải lắng nghe nội dung trình bày của các bên, xem xét đầy đủ, toàn diện, mọi mặt chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội để có quyết định giải quyết vụ án.
Theo quy định của pháp luật, HĐXX cấp phúc thẩm có thể chấp nhận kháng cáo để giảm một phần hình phạt cho bị cáo, cũng có thể không chấp nhận kháng cáo để giữ nguyên mức án và bản án sơ thẩm đã tuyên.
Trong trường hợp viện kiểm sát kháng nghị đề nghị tăng hình phạt, tòa án cấp phúc thẩm cũng có thể xem xét chấp nhận kháng nghị của viện kiểm sát.
Theo ông Cường, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án có đồng phạm, việc quyết định hình phạt cũng thể hiện cá biệt hóa vai trò đồng phạm, phù hợp với thực tiễn xét xử, phù hợp với chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam.
Trong trường hợp, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết đúng pháp luật, việc tuyên mức án sơ thẩm như vậy là phù hợp và cấp phúc thẩm không có gì mới hoặc có những tình tiết mới không làm thay đổi bản chất của vụ án, xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, tòa án vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Còn trong trường hợp HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá là cấp sơ thẩm tuyên mức hình phạt không phù hợp, quá nghiêm khắc, cấp phúc thẩm sẽ sửa án để giảm hình phạt, kể cả trường hợp không có tình tiết nào mới có ý nghĩa.
Ông Cường phân tích thêm, theo quy định của pháp luật, các bị cáo thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội có nghĩa vụ phải nộp lại tài sản thu lợi bất chính. Còn trường hợp hành vi phạm tội gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Cần phân biệt số tiền nộp lại do phạm tội mà có khác với số tiền nộp để bồi thường khắc phục hậu quả. Trong một vụ án mà hành vi của các bị cáo có liên quan đến nhau, cùng gây ra hậu quả, các bị cáo cùng có trách nhiệm với việc khắc phục hậu quả.
Pháp luật không quy định việc bị cáo bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả nhiều hơn trách nhiệm pháp lý sẽ được xem xét giảm nhẹ. Về nguyên tắc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị thu hồi, nếu bị cáo gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả.
Nếu nhiều bị cáo cùng gây ra hậu quả, thiệt hại có thể tính theo phần để xác định trách nhiệm đối với từng bị cáo.
"Trong vụ án này, theo kết quả điều tra, bà Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới đưa ra kết quả thanh tra không khách quan, chính xác, gây thiệt hại 514.000 tỷ đồng, dư nợ gốc là 395.000 tỷ đồng, lãi phát sinh 118.000 tỷ đồng. Do đó, Viện kiểm sát cho rằng số tiền 1 tỷ đồng bà Nhàn nộp thêm không đáng kể là có căn cứ", vị chuyên gia nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.