Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khám phá xứ sở chim thiên đường
Ví dụ, từ khi Tim Laman và cộng sự xuất bản sách và các chương trình truyền hình danh tiếng của ông và cộng sự được công chiếu, người Việt Nam đã xem và thích thú. Nhiếp ảnh gia N.H, là một trong số ít người sớm háo hức đến vùng Papua.
Cùng đi với anh có chuyên gia nghiên cứu về chim hoang dã Du Mục, một chuyên gia về chim hoang dã có uy tín ở nước ta. Khi họ tới hiện trường, đi các hòn đảo, thậm chí dấu tích về những cái lều, các đống đốt lửa nấu nướng mà Tim Laman cùng cộng sự để lại vẫn còn khá rõ ràng.
Đoàn điều tra, quay phim về chim thiên đường của Tim, họ làm việc cho một trường Đại học danh tiếng ở Mỹ, làm chương trình cho kênh truyền hình Địa lý quốc gia hàng đầu thế giới (National Geographic); nên thậm chí: có cả trực thăng có lực lượng bảo vệ hỗ trợ, số tiền mà họ bỏ ra trong 8 năm điều tra ghi hình thì nói ra… chẳng ai tin!
Họ lập lều trên ngọn cây, lều dưới mặt đất, kết nối các cỗ máy hiện đại nhất thế giới, cả máy ảnh máy quay đặt riêng (hàng "thửa") của các hãng "siêu đắt" (chứ không phải chỉ là máy "đầu cuối" của công nghệ thế giới mà bất cứ ai có tiền cũng mua được theo cách đại trà!).
Chịm thiên đường ở Papua múa gọi bạn tình với hình dáng rất lạ. Ẩnh: Đỗ Doãn Hoàng - Hạnh Dung
Nghệ sỹ nhiếp ảnh hoang dã N.H kể: chúng tôi thấy các loài thiên đường quá đẹp, nên sau khi tìm chụp được một số loài, quay lại khu vực kể trên nhiều lần. "Vùng đất đó thật kỳ lạ, nó sản sinh ra các loài chim thiên đường quá lạ lùng và quá đẹp. Nhiều loài không có ở đâu khác trên toàn thế giới (loài đặc hữu), thậm chí, có loài chỉ có ở đảo này mà không có ở bất cứ đảo nào xung quanh hay vùng nào khác trên địa cầu nữa (đặc hữu của một hòn đảo). Đó là lý do tôi, bạn (nhà báo) và nhiều người mê mẩn!".
Lúc đầu, đi tìm người dẫn lối đi tìm chim thiên đường ở Papua rất khó khăn. Ít người biết tiếng Anh, chẳng ai làm bird guide (dẫn đường tìm chim), họ cũng không dựng lều lập chòi phục vụ khách "rình" chim, càng không có cách nào dụ chim về mà không ảnh hưởng gì tới bảo tồn…
"Một số người còn tỏ ra lạ lẫm với sự xuất hiện của chúng tôi, ánh mắt họ dò xét và có gì đó hung dữ. Mãi sau này, khi đã hiểu nhau rồi, họ trở nên rất thật thà. Lúc sơ khai đó, giá tiền cho một hành trình đi tìm chim rất đắt, gần đây, khi dịch vụ chuyên nghiệp hơn, đông khách hơn - thì dĩ nhiên -mọi thứ sẽ rẻ hơn nhiều…", anh N.H kể. Một số hòn đảo, họ chuyên sâu chăm sóc khách đến lặn biển, vì dịch vụ này được đánh giá là "siêu đẹp" ở Papua, họ chưa để ý gì đến chuyện chim thiên đường.
Cho nên, với một số địa điểm, anh N.H và Du Mục đã bày cho bà con một số bộ tộc cách "chuyên nghiệp hoá" công nghệ phục vụ du khách đi chiêm ngưỡng và ghi hình các loài chim thiên đường.
Tôi cho người bản địa tiền đô la, để họ lập lại các căn lều (vốn đã lập để phục vụ đoàn của Tim Laman) ở các khu vực nhiều chim thiên đường đã đẹp tuyệt trần lại quý hiếm tới độ "không đâu có trên toàn thế giới" để tiếp tục tìm hiểu, đưa khách đến thưởng lãm và quay phim.
Chuyện ít ai ngờ nữa là: từ năm 2017, anh N.H cùng Du Mục đã đem từ TP HCM, qua 4 chuyến bay dài, để cái dụng cụ leo cây dừa hái quả của Việt Nam sang được cánh rừng với các bộ tộc vùng Papua. Khi thấy loài chim thiên đường đỏ tuyệt sắc đang "gào thét" gọi bạn gái và gào thét tranh nhau các "mỹ nhân" rụt rè trên ngọn cây khô cao vút, anh H. đã dùng dụng cụ trèo cây dừa (buộc vào hai chân mình,để cặp chân bám tay theo thân cây mà leo) của người miền Tây Nam bộ (quê của Du Mục ở Tiền Giang) cứ thế leo tới gần đàn chim mà chụp ảnh. Bởi, chim thiên đường, có loài rất nhút nhát, cần lập lều, phủ lá cây xanh ẩn nấp kĩ từ khi trời chưa sáng... Có loài chúng chỉ ở trên núi cao nhất khu vực, chỉ múa trên cành cây khô cao nhất cánh rừng đỉnh núi.
Ở vị trí đó, vào lúc 5 giờ sáng những ngày trong mùa "ghép đôi", chúng rất tự tin là không ai làm hại được chúng, và trong cơn si tình của loài chim "đa thê", "phong tình" này, chúng chả để ý nhiều đến xung quanh, nhất là những đối tượng ở thấp hơn chúng! Chính xác cái cây đó, ngày nào cũng thế, đúng giờ tinh mơ 5 giờ sáng đó (giờ khu vực đó 5 giờ sáng tức là 3 giờ sáng giờ Việt Nam!), chúng kêu ầm ĩ, tán tỉnh nhau, ghép đôi, giao hoan… Cây cao hơn 30m, anh H. và Du Mục có thể dùng dụng cụ leo cây dừa mang từ Việt Nam sang, leo tới 15m cao, ngồi trên chạc cây, ôm cỗ máy ảnh mà… bấm.
Chị H.D, một nhiếp ảnh gia hoang dã sống ở TP HCM; chị từng vác máy nhiều năm đi chụp ở châu Á, châu Phi và nhiều quốc gia vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Chị đã đến vùng Papua thuộc Cộng hoà Indonesia và cả Nhà nước độc lập Papua New Guinea để chụp một cách "hài lòng" với ít nhất 5 loài thiên đường đẹp lộng lẫy.
Những kỷ niệm ấm lòng khi được bà con phục vụ tận tình, vác máy, có người vác cả dao phạt hết các tán lá vướng tầm nhìn để chị chụp từng loài chim nổi tiếng khắp thế giới kia. Có lần, chim ở trên cao, nam giới thì leo lên cây để tiếp cận đủ gần cho các cú bấm máy, là phụ nữ, lại hay xấu hổ, ngại trèo khi bên dưới quá nhiều đồng nghiệp nam, rồi người khuân vác của bộ tộc đang… nhìn lên (một mình chị là nữ trong hầu hết các hành trình chụp thiên nhiên hoang dã!), chị H.D bèn tiếp cận từ tán rừng rậm bên cạnh.
Thấy thương nữ nghệ sỹ đáng yêu, ông trưởng làng cầm dao dài phát lối, mở đường, cả tán cây rậm bị ông phạt bay luôn. Vì sự nhiệt tình của ông mà con chim thấy sinh cảnh thay đổi, nó bay mất.
Thoáng buồn, nhưng trong lòng chị vẫn rưng rưng xúc động, trước tình cảm của những người không biết nói tiếng Anh, không biết nói tiếng Việt, chị cũng không biết nói tiếng của bộ tộc đó. Đi rừng vất vả, bao nhiêu nguy hiểm, cam khó, họ xông vào làm tất, nhường tất cả sự an toàn thư thái cho khách xa.
Sau nụ cười của các nữ thổ dân này, là vô số loài chim quý bị giết để lấy lông làm vật trang trí.
"Tôi ấn tượng nhất là tình cảm của người dân các bộ tộc trên các hòn đảo ấy trong đối xử với chúng tôi. Ngày 2 lần, bữa trưa và bữa tối, chủ nhà dọn ra bữa cơm giản dị, nhưng nhiều món và cách phục vụ rất "cung đình". Cả một đoàn phụ nữ, họ xếp hàng đều tăm tắp, có đến 10 người chứ không phải ít! Người bưng khay cơm, người bưng bát canh, người cầm tí muối, người mang thìa dĩa, thêm ít hoa quả… - họ lần lượt đi qua bàn ăn, bày đồ rồi lặng lẽ đi ra. Lúc ăn xong, lại ngần ấy người đến dọn và lẹ làng lui đi…", chị D kể.
"Chúng tôi mang dụng cụ trèo cây, chúng tôi nghe tiếng chim thiên đường hót, rồi kêu ở khắp nơi, nhưng không nhìn thấy chúng, hoặc có khi nhìn thấy chúng ở độ xa đến mức… đi vào khung hình bé bằng hạt thóc. Lắp thêm các ống nối, ống kéo dài cho máy ảnh, toàn thiết bị "hết tầm" của công nghệ thế giới mà vẫn xa.
"Chụp chim thiên đường hoang dã ở Papua là thứ, có lẽ khó nhất trong nhiếp ảnh chụp chim. Chim ở xa, chim nhát và ranh mãnh lẩn trốn; đấy là chưa kể, chúng luôn múa "tình yêu" khi trời nhá nhem tối hoặc khi trời tang tảng sáng. Các khoảng thời gian đó ánh sáng rất yếu, đến mức mắt thường nhìn đã khó. Nên, cực kỳ khó có ảnh chim cho đủ đẹp. Tôi thích các loài chim thiên đường với màu lông đẹp, ở mỗi góc nhìn, mỗi cường độ sáng khác nhau, nó lại ánh lên một màu sắc khác nhau; đấy là chưa kể hình dáng chúng đều "cổ quái", không giống bất cứ loài nào trên thế giới!", chị D nói.
Vẻ đẹp ru hồn người của chim thiên đường; Ảnh: Hạnh Dung - Vũ Minh Tuấn, Hoàng Anh và ảnh chụp lại từ sách của Tim Laman.
Trong chuyến đi này, ông Zeth là người chúng tôi đã liên lạc từ trước, ông này nói tiếng Anh khá tốt, nhưng 100% là nhờ học lỏm từ khách năm châu bốn biển đến làng (bộ tộc) của ông để thuê "cửu vạn" đưa đi tìm chim thiên đường. Ông không biết viết một chữ tiếng Anh nào, kể cả "Yes" hay "No". Tuổi ngoài 50, dáng thấp và to béo, miệng liên tục ăn trầu đỏ loe (nam giới ở đây hình như ai cũng thế). Bộ tộc của ông chỉ có hơn 400 người và ông là người duy nhất liên lạc với những nguời đi tìm chim nói bằng tiếng Anh.
Nếu kể về các vùng dân cư sống khoẻ nhờ nghề… bird guide, dẫn đường xem chim, chụp ảnh chim, thì chắc chắn không thể bỏ qua địa danh vàng "thủ phủ chim thiên đường" thuộc dãy núi Arfak này.
Có tới khoảng 39 loài chim thiên đường ở Papua. Loài chim này lạ, di chuyển chỗ ghép đôi, tán tỉnh nhau; chỗ múa hoan tình liên tục, vì thế làm các lều nguỵ trang (site) dựng lên để cho khách ngắm và chụp ảnh chim cũng không thể lập một lần rồi khai thác mãi được. Cũng không thể tìm thấy con chim tuyệt bích múa đê mê thế kia rồi là yên tâm dẫn khách đến thu tiền tháng này qua năm khác được. Vì: có thể ngay hôm nay hoặc có thể chỉ mai thôi, thậm chí chỉ một tiếng đồng hồ sau, chú chim trống si tình và đẹp như một ông hoàng mũ áo giáp trụ sênh sang kia lại đổi "nhà nghỉ khách sạn hay bãi cắm trại" hẹn hò với "gái". Thế là công toi, lại ăn rừng ngủ thác đi tìm tiếp, không tìm được "sân chim" khách sẽ không đến nữa, thì bà con chết đói…
Đến sân bay Manokwari đón chúng tôi, Zeth đem theo 3 cái xe bán tải, 7 đàn ông lực lưỡng da đen, ai nấy bỏm bẻm mùi nước cốt trầu (như của bà ngoại và bà nội tôi lúc sinh thời). Tôi thắc mắc: có 6 khách mà 3 xe để làm gì? Hoá ra, họ tính toán rất kĩ: vali của người đi "cắm trụ" trong rừng tìm chim, máy móc, thiết bị của họ nữa, cái gì cũng khủng và nhiều.
Trong những ngày ở đó, tôi không gặp bà con các bộ tộc trên núi cao dùng bất cứ xe máy, xe đạp hay xe ô tô dạng suv hoặc sedan nào, mà 100% là xe bán tải. Bởi đường của họ trơn, dốc, có khi chồm lên trên đá. Không xe nào đi nổi.
Đặc biệt, để giảm thiểu số lượng xe phục vụ đoàn, họ dùng xe bán tải gia cố dầm sắt, giá sắt trên nóc và bốn xung quanh để làm sao tất cả các góc của xe, bà con đều có người đu bám mà đi được. 7 ngày ở xứ Papua, tôi không được ngồi trong lòng xe bán tải cũ kĩ sặc mùi ẩm mốc đến một lần. Vì nhường chỗ cho các bậc "cao niên" hoặc các bạn đồng hành "công tử" hơn mình.
Vì nữa, nơi này quần áo phơi 4 ngày không khô do độ ẩm quá cao, mưa liên tục (rừng mưa, rừng rêu, rừng nhiệt đới ẩm); nên vào trong cỗ xe cũ đến hết cỡ đó với một người mũi thính như tôi sẽ là một cực hình. Xe cũ tới mức, cái gì cũng long sòng sọc, cái gì cũng kêu ra rả, trừ cái còi.
Câu chuyện về trưởng làng Zeth (đồng thời là chủ Homestay vô cùng giản tiện ở bìa rừng mang tên ông) và các bãi đáp tình yêu của các loài chim thiên đường kể trên, chính là ví dụ về kĩ năng tìm chim, tổ chức du lịch xem và chụp ảnh chim của các bộ tộc ở nơi được thượng đế ban tặng sự hiện diện của nhiều loài chim thiên đường quý hiếm, lộng lẫy nhất thế giới này.
Chim thiên đường là một loài chim giữ nhiều kỷ lục thế giới, ngoài cái quý hiếm hay sự đặc hữu "bí ẩn", các "thói quen" với tên gọi đầy mỹ cảm. Có thể gọi đó là cõi thiên đường của cảm xúc, từ màu lông đẹp, vũ điệu đẹp, tiếng hót hay cho đến các tập tính yêu và sinh trưởng của chúng cũng xứng đáng ở cõi của các vị thần tiên.
Nhưng! Theo tôi. Cái tuyệt diệu trước hết: chim Thiên đường ai nhìn thấy cũng bị hút hồn ngay. Đó là cảm xúc quan trọng nhất, khỏi cần kiến thức, kinh nghiệm hay sự phân tích làm gì vội: nhìn thấy loài chim này múa, bất kỳ ai cũng có thể hào hển nhảy cẫng lên vì bất ngờ.
Hoặc họ băn khoăn tự hỏi: sao thiên nhiên, tạo hoá lại cho ra lò một loài chim với cái thói "cua gái", yêu đương lạ lùng và đẹp một cách không thể lý giải nổi như thế. Nó như một mỹ nhân làm người ta bị hớp hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu, chả cần biết em ngày sau ra sao. Kiểu các cụ nói: "Trà ngon cái cặn cũng ngon, yêu em chẳng lọ chồng con mấy lần". Để khỏi nói dài, tôi gửi vài bức ảnh do chính tôi chụp về loài chim này, kèm theo ít ảnh các thành viên trong đoàn cũng như một số nghệ sỹ nhiếp ảnh chim thú hoang dã ở Việt Nam "chộp" được gần đây.
"Vẻ đẹp của chim thiên đường đã "hớp hồn" nhiều nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới. Ảnh: Bảy Hoang Dã, Huỳnh Thanh Danh, Thạch Tuấn Anh, chụp chim thiên đường ở Úc, ở Papua và "thiên đường đuôi phướn" ở Việt. Nam".
Đón đọc Bài 3: Mục sở thị loài chim đẹp hơn cổ tích
Vui lòng nhập nội dung bình luận.