Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại lần gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra ở câu lạc bộ tư nhân Mar-a-Lago, Florida (một sản nghiệp của Trump) vào tháng 4/2017, hai nhà lãnh đạo đã thiết lập cơ sở cho một mối quan hệ thân thiết khó tin. Cả hai liên tục dành cho nhau những lời có cánh. Một hình ảnh được giới truyền thông công khai trên mặt báo khi ông Trump và ông Tập ngồi cạnh nhau trên một chiếc ghế dài, mỉm cười thân mật đã gây tiếng vang lớn trên chính trường quốc tế.
Ngay sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Trump viết trên Twitter: “Thật vinh dự khi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đến làm khách. Thiện chí và tình hữu nghị đặc biệt (giữa Mỹ và Trung Quốc) đã được thiết lập”.
Những khoảnh khắc thân thiết giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Nhưng chỉ 3 năm sau đó, mối quan hệ này đã lùi vào dĩ vãng và trở thành một kỷ niệm xa vời khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang chưa từng có. Trump không còn nhắc đến tình bạn với ông Tập khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, một đại dịch bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc. Hàng loạt mâu thuẫn trong các vấn đề thương mại, công nghệ, nhân quyền… đưa quan hệ Mỹ - Trung xuống một điểm tồi tệ.
Tờ CNN mới đây đã có bài viết nhìn lại 4 năm tình bạn và rạn nứt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chưa đầy một tuần trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu chỉ trích chính sách “American First” (Nước Mỹ trên hết) của Trump tại Davos, Thụy Sĩ. Bài phát biểu của ông Tập được các nhà lãnh đạo thế giới đón nhận nồng nhiệt.
Người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab thậm chí còn nói rằng: “Thế giới đang hướng về Trung Quốc”. Daniel Russel, người từng là trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận định rằng những phát biểu chống chủ nghĩa toàn cầu của ông Trump đã đưa Trung Quốc nổi lên như nhà lãnh đạo toàn cầu tiềm năng thay thế cho Mỹ. “Trong khi ông Tập tuyên bố Trung Quốc là kẻ bảo vệ hệ thống chủ nghĩa đa phương toàn cầu, Trump lại dội gáo nước lạnh vào đó và đưa ra thông điệp mang đậm chủ nghĩa dân tộc”.
Trên nhiều lĩnh vực, các chính sách của Trump đã mở ra cơ hội cho Trung Quốc nắm giữ vai trò chủ đạo hơn trong một số vấn đề toàn cầu. Ví dụ, việc Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 1/2017 đã mang đến cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận thương mại khu vực của riêng mình. Sau khi Trump từ bỏ thỏa thuận khí hậu Paris 5 tháng sau đó, ông Tập đã tuyên bố rằng Trung Quốc muốn trở thành lá cờ đầu trong thỏa thuận này.
Khi Trump nới rộng khoảng cách giữa Mỹ và các đồng minh thân cận như EU bằng việc khơi dậy hàng loạt xung đột thương mại và vấn đề chi tiêu quốc phòng trong NATO, Bắc Kinh cũng nắm lấy cơ hội để xích lại gần hơn với Châu Âu. Trên nhiều mặt trận ngoại giao khác như Châu Á và Châu Phi, Trung Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy hình ảnh của mình. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo một trong những quốc gia đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, nói rằng ông "yêu thích" Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đối với ông Tập, năm đầu tiên của nhiệm kỳ Trump là “một ơn trời”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ xây dựng được mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump mà còn giành được nhiều thắng lợi chiến lược về thương mại, chính sách đối ngoại. Nhưng thời kỳ trăng mật này không kéo dài lâu.
Tính đến thời điểm tháng cuối cùng trước ngày bầu cử Mỹ 3/11, tức gần kết thúc nhiệm kỳ 4 năm của Trump, quan hệ Mỹ - Trung đã lên mức căng thẳng chưa từng có còn danh tiếng trên toàn cầu của Trung Quốc thì xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Tất nhiên, mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Tập cũng không khá hơn là bao.
Dữ liệu thăm dò do Pew Research công bố ngày 6/10 cho thấy chính phủ Trung Quốc bị nhìn nhận tiêu cực ở tất cả 14 quốc gia lớn được khảo sát, bao gồm Úc, Canada, Anh, Đức, Nhật và Mỹ. Năm 2002, 65% công dân Mỹ tham gia khảo sát coi mối quan hệ với Trung Quốc là có lợi; con số này năm 2020 chỉ là 22%. 74% người Mỹ cho rằng mối quan hệ với Trung Quốc hoàn toàn không có lợi.
Sự bùng phát đại dịch Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc sau đó lan rộng ra toàn cầu là đòn giáng nặng nề vào uy tín của Bắc Kinh. Khi các quốc gia toàn cầu vật lộn với dịch bệnh, nhiều nhà lãnh đạo và chính phủ thế giới, dẫn đầu là chính quyền Trump, đã cáo buộc Bắc Kinh xử lý sai lầm trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát, khiến virus lây lan ra ngoài biên giới và gây nên hậu quả nghiêm trọng.
Ngay cả trước đại dịch, uy tín của Trung Quốc trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia phương Tây, đã bắt đầu mờ nhạt.
Trong trường hợp của Úc, căng thẳng với Bắc Kinh đã leo thang khi chính phủ nước này ban hành luật chống lại sự can thiệp nước ngoài vào năm 2018. Trung Quốc đã tức giận khi cho rằng luật này nhằm vào họ, và ngay lập tức đóng băng thị thực, công bố hàng loạt hạn chế thương mại. Một nhà văn Úc tại Trung Quốc thậm chí còn bị buộc tội gián điệp. Đến năm 2020, chỉ có 15% người Úc có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, giảm từ con số hơn 60% hồi năm 2017.
Úc không phải quốc gia duy nhất chứng kiến quan hệ với Trung Quốc đóng băng. Quan hệ Canada - Mỹ đã xấu đi dưới thời Trump sau loạt xung đột về vấn đề nhập cư và thương mại, nhưng quan hệ Canada - Trung Quốc càng tồi tệ hơn sau vụ bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ. Thủ tướng Canada Trudeau hồi tháng trước đã lên tiếng chỉ trích nghiêm khắc về hành vi ngoại giao quốc tế không lành mạnh cũng như các hoạt động vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Tại Châu Á, Ấn Độ trở thành quốc gia mới nhất quay lưng với Bắc Kinh. Cuộc tranh chấp biên giới nảy sinh hồi tháng 6 khiến hơn 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đã đẩy New Delhi xích lại gần hơn với Mỹ và Nhật Bản. Ấn Độ sau đó công bố hàng loạt động thái chống lại Trung Quốc, bao gồm cấm cửa hàng loạt ứng dụng phổ biến của Trung Quốc bao gồm TikTok và WeChat, xem xét các biện pháp hạn chế đầu tư…
Những cuộc biểu tình tẩy chay Trung Quốc tại Ấn Độ
Bắc Kinh cũng phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng trong cộng đồng quốc tế về một số vấn đề như cuộc đàn áp nhân quyền trong nước (liên quan đến các dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương), vấn đề Hồng Kông…
Khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới và các biện pháp đóng cửa quốc gia xóa sạch thành tựu kinh tế mà Trump xây dựng suốt 3 năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã không tiếc lời chỉ trích cách xử lý đại dịch sai lầm của Bắc Kinh. Trump nhiều lần gọi virus SARS-CoV-2 là virus Trung Quốc, nhấn mạnh sẽ bắt Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho vụ dịch.
Tuy nhiên, dù liên tục công kích Trung Quốc, Trump đã không tấn công mối quan hệ cá nhân với ông Tập. Duy nhất vào ngày 11/8, lần đầu tiên Trump nhắc đến tình bạn với người đồng cấp Trung Quốc: “Chúng tôi từng có một mối quan hệ rất tốt. Nhưng tôi đã không nói chuyện với ông ta một thời gian dài”.
“Tình cảm chống Trung Quốc trên toàn cầu đang lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, và Bắc Kinh nhận thức được điều đó” - Jessica Chen Weiss, phó giáo sư các vấn đề chính phủ tại Đại học Cornell nhận định.
Tuy nhiên, về lâu dài, bất kỳ động thái nào hướng tới sự phân tích kinh tế và “Chiến tranh lạnh” là rất khó xảy ra, theo ông Daniel Russel. Nguyên nhân chính là do Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác phụ thuộc đáng kể vào thị trường Trung Quốc và khối tài sản khổng lồ mà nền kinh tế tỷ dân tạo ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.